Sinh con cũng là vấn đề hòa nhập xã hội
Võ Thủy Tiên (Tiên Võ) là nghệ sĩ thị giác, tác giả, giảng viên. Đảm đương đồng thời nhiều vai trò với rất nhiều dự án và công việc triển khai cùng lúc, một người mẹ của hai cậu con thơ như Tiên có thể làm bạn choáng váng vì câu cảm thán: Có tận 24 tiếng đồng hồ mỗi ngày, chúng ta sống làm sao hết? Nếu được ngồi cùng Tiên trong một cuộc trò chuyện, ELLE tin bạn sẽ luôn cảm thấy cần thêm thời gian.
Tôi gọi cho Tiên vào một tối và nhận ra giọng nói nhỏ nhẹ pha chút bối rối rất điển hình của một người mẹ ở thời điểm đang cho các con đi ngủ. Chúng tôi gặp nhau vào buổi sáng mà thoạt đầu trông Tiên có vẻ thảnh thơi với trang phục tối giản, để lộ nhiều hình xăm và gương mặt mộc giản dị. Chất giọng chân phương, từ tốn khiến cô còn gần gũi hơn vẻ ngoài. Tiên rất đúng giờ vì cuộc hẹn là sự cố gắng trong lịch trình khá bận rộn của cô.
Buổi trò chuyện bắt đầu bằng lời tự vấn được cô ghi nhớ từ lần đối thoại với bạn thân: “Tôi đã giúp ích gì cho xã hội? Quả thật là không!”. Tiên hài hước khẳng định. Phần lớn nghệ sĩ quan tâm đến các vấn đề mang tính đóng góp cho xã hội, cho mối quan hệ cộng đồng. Tiên thì vẫn quanh quẩn trong những chuyện rất riêng tư. Những trải nghiệm cá nhân mà cô nắm bắt rõ ràng nhất từ tuổi trẻ, đến tình yêu, hôn nhân, những suy tư nữ tính và thế giới của con trẻ… Tất cả những gì cô muốn khảo sát hay xem xét trong thế giới sáng tạo đều xoay quanh trục vấn đề: Mối giao tiếp giữa cô với thế giới bên ngoài, hay rộng hơn là cách con người chung sống với nhau. Cô chọn theo đuổi điều này vì muốn lý giải những phức cảm của cá nhân tách biệt. Trạng thái này đã thúc đẩy Tiên tự quăng mình vào những cuộc “thí nghiệm”, dùng mình như chính mẫu thử để “test” xem nếu con người được sinh ra và quăng vào xã hội thì phải sống như thế nào.
Nếu những cuộc triển lãm trước chỉ dừng ở mức độ trình diễn thì Cuộc hôn nhân này (2019) là một sự chuyển mình đáng kể trong hành trình nghệ thuật của cô. Tiên thừa nhận cô là kiểu người thích khám phá nhưng cũng sợ bị đau, sợ nhục. Nó là phản xạ tự nhiên trước những áp lực mình có thể nhìn thấy hoặc không nắm bắt được, cũng là động lực khiến cô luôn phải nỗ lực làm tốt. Không khó để nhận ra Tiên vẫn thường tận dụng phẩm chất hài hước, năng lực sử dụng ngôn ngữ một cách duyên dáng để tự giễu nhại chính mình trong hầu hết các tác phẩm.
Là người phụ nữ “khó hòa nhập với thế giới xung quanh”, Tiên thừa nhận cô sợ đẻ và từng không nghĩ đến chuyện có con vì sinh đẻ cũng là một câu chuyện hòa nhập. Làm sao có thể giúp người khác hòa nhập xã hội? Nhưng rồi cô cũng bước vào và vượt qua. Có những lúc vai trò xã hội và phải làm mẹ khiến cô không ít lần rơi vào khoảnh khắc tạm gọi là “trầm cảm”.
Dù có là một người sở hữu tốt kỹ năng “make the most of every minute”(tận dụng từng phút một), làm mẹ và làm phụ nữ chưa bao giờ là một việc dễ dàng. Ở bên trong quá trình đầy rẫy các vấn đề và trách nhiệm đó, cô chia nhỏ từng thứ và từ từ giải quyết chúng. Theo quan điểm của cô, sinh đẻ đóng vai trò quyết định sinh tồn của con người. Đẻ con là có lợi cho ba mẹ. Con cái theo cách nào đó là kéo dài cuộc sống của ba mẹ. Nên phải nói là cám ơn con đã ra đời để ba mẹ tiếp tục sống. Nuôi dạy con thật sự là cách chúng ta để lại di sản của mình. Những hành vi hay suy nghĩ về cuộc đời đâu đó đều ở lại bên trong con cái mình. Quan trọng là bộ gen của mình, một cơ chế được lập trình qua bao thế hệ. Sinh đẻ ban đầu là mục đích sinh tồn và bây giờ vẫn là mục đích sinh tồn.
Giữa đứa trẻ đầu tiên và đứa trẻ thứ hai, nó có giống với cuộc triển lãm đầu tay và cuộc triển lãm tiếp theo không?
Có giống đó, nhưng mức độ lo lắng, mức độ tưng tửng của mình sẽ thay đổi. Lần đầu tiên sẽ luôn là băn khoăn, hồi hộp. Với đứa con đầu lòng đâu biết trước mình sẽ có thể làm gì? Với triển lãm đầu tiên mình hiểu cách làm đó nhưng cũng đâu biết trước được khi trưng ra cái rất cá nhân của mình thì mọi chuyện sẽ thế nào? Rủi ro gì? Rất sợ! Ở cuộc thứ hai thì thật ra là còn để lộ bản thân ra nhiều hơn, nhưng tôi lại cảm thấy rất nhẹ nhàng vì chẳng ai có thể nhìn những sự việc đó đúng với góc nhìn của mình. Chuyện sinh em bé thứ hai cũng vậy, “chill” hơn. Tôi còn không nhớ cân nặng của con, không ghi nhớ là con trải qua những tháng sơ sinh như thế nào, ăn gì đầu tiên… Tôi quyết định bỏ đi những cuốn sách đã mua hồi lần đầu để tận hưởng những khoảnh khắc lớn lên cùng con.
Nuôi con có phải là một cuộc chiến?
Cuộc chiến thì phải có kẻ thù chứ? Vậy mình sẽ đấu với ai đây? Với chính mình ư? Nếu vậy thì quá trình này giống với một sự học và trưởng thành thì đúng hơn.
Con cái có bao giờ là một trở lực đối với phụ nữ trong sự nghiệp?
Con cái cũng có thể là trở lực. Vì nó luôn tác động đến những lựa chọn cá nhân của mình. Nhưng phần rất lớn trong đời tôi, con cái là động lực và là nguồn cảm hứng.
Đâu là điểm yếu của người mẹ?
Là sợ xa con và đem con ra làm nguyên nhân của những lựa chọn.
Một trong những điều khó nhất của việc làm phụ nữ là gì?
Hả? Phải là điều gì khó nhất khi làm người chứ? Đó vẫn là trung tâm của chủ đề tôi theo đuổi: Mối quan hệ giữa chúng ta với nhau. Việc chúng ta kết nối và làm thế nào để cùng sống với nhau. Tôi nghĩ chắc những con thú ít bị các vấn đề đó hơn con người.
Vậy còn khó khăn lớn nhất của việc làm mẹ?
Như điểm yếu chúng ta nói ở trên. Thêm nữa, tôi vẫn hay nghĩ đến chuyện nên cho phép mình nghỉ làm mẹ một ngày. Đi chơi cũng phải có lúc nghỉ. Nên thế!
Những lúc ngắm nhìn sự sáng tạo của tạo hóa, chị nghĩ gì về sự sáng tạo của cá nhân?
Tôi là một phần trong sáng tạo của tạo hóa. Nhưng cá nhân tôi mới quyết định được mình là một sáng tạo tốt hay không.
Suy nghĩ của chị về khái niệm “bình thường mới”?
Đầu tiên là bạn có đồng ý với khái niệm đó không? “Bình thường mới” là như thế nào? Là một thế lưỡng nan. Như bạn dọn nhà, bạn vẫn muốn mang những thứ đồ cũ đã dùng theo vào ngôi nhà mới. Hãy nghĩ xem cuộc sống của bạn lúc này là cũ hay mới? Tôi không đồng ý với khái niệm “bình thường mới”. Nhưng về mặt nỗ lực thì tôi hiểu và tôi ghi nhận chuyện tạm đặt tên một trạng thái mà cộng đồng cùng đang trải qua. Tôi chấp nhận chuyện dọn sang nhà mới, tiếp tục sống với những món đồ cũ trong tâm thế mới và trải nghiệm mới.
Đại dịch và bối cảnh sống giãn cách xã hội đã tác động như thế nào đến không gian sáng tạo của chị?
Nó tạo cho tôi một khoảng nghỉ. Bình thường tôi cũng tự tạo ra không gian nghỉ được, vì tôi đã quyết định nghỉ hẳn công việc cố định ở một công ty. Tôi sợ nhìn thấy cuộc sống kế bên mình chạy nhanh và mất tự tin nếu phải đứng yên. Đợt dịch đến như một thời điểm đúng lúc. Nó có những bối cảnh xã hội cho mình cơ hội để đối chiếu và khiến thế giới chậm lại. Trạng thái này so với sự đứng yên của bản thân thì tôi thấy ổn. Tôi luôn phải nhìn ra bên ngoài xem mối quan hệ của mình với thế giới đang như thế nào.
Trong năm 2020, tôi vốn đã đặt một mục tiêu cho bản thân là không làm ra gì mới cả. Khi Phòng trưng bày nghệ thuật The Factory Contemporary Arts có một lời mời về triển lãm nhóm chủ đề Nhà (2021), tôi đã xem xét và tiến hành những phép thử mang tính ứng biến. Rõ ràng tiêu chí năm nay của tôi là không làm gì mới cả. Nên mình không nên tạo ra một thứ phản lại những suy nghĩ của mình.
Tập thơ Tập thở là sống chậm lại từ việc tập thở. Đầu tiên là những ghi chép cá nhân tự thân. Tôi đã luôn thực hành việc này. Ghi chép để xem mình quan sát được gì. Thơ gạch đầu dòng là do tôi tự bịa ra. Tôi không sáng tạo ra hình thức mới, không làm ra rác thải mới. Chính xác là đi lượm rác, lượm đồ của người khác để làm cái của mình, cóp nhặt chất liệu, rửa sạch và ghép chúng lại với nhau, bill đi siêu thị, giấy màu của con… Những thông tin nằm trên đó khiến tôi thấy thú vị. Việc chọn lựa cắt ghép chúng là chủ đích của tôi, nhưng tính ngẫu nhiên của từ ngữ là điều tôi không định sẵn được và cũng không được hoán đổi một khi đã đặt chúng xuống cạnh nhau. Giống như bạn đã đi một nước cờ thì không thể rút lại. Tôi xúc động vì nhìn thấy được những nội dung mình cóp nhặt được từ cuộc sống.
Bài: Ngô Hạ
Ảnh: NVCC
Nguồn: Phái đẹp ELLE