Văn hóa / Thế giới văn hóa

Sông băng tại Iceland biến mất: Lời cảnh cáo “chết chóc” từ thiên nhiên

Theo các nhà khoa học, trong vòng 200 năm tới, tất cả 400 dòng sông băng của Iceland - nơi chiếm 11% băng của quốc đảo - sẽ hoàn toàn biến mất.

Okjökull là dòng sông băng đầu tiên của Iceland được thông báo đã chính thức biến mất vì biến đổi khí hậu. Mọi người đã tổ chức “tang lễ” đúng nghĩa và đặt một tấm biển tưởng niệm tại nơi từng tồn tại sông băng như một thông điệp gửi đến tương lai.

Đây là một thực trạng đau lòng, đáng báo động về những vấn đề của môi trường sinh thái. “Tang lễ” chính thức đầu tiên đã được tổ chức cho một dòng sông băng. Okjökull từng là một kiệt tác của thiên nhiên, nay hoàn toàn bị hủy diệt bởi sự nóng lên toàn cầu. 100 năm trước, Okjökull từng được bao phủ bởi 16 km², giờ chỉ còn lại một mẩu băng nhỏ 1 km².

sông băng iceland
Hình ảnh sông băng được ghi nhận vào 1986 (trái) và vào 2019. Ảnh: NASA/AP

Cư dân Iceland, những người gánh chịu trực tiếp tổn thất ấy, đã tổ chức một “lễ truy điệu” công khai nhằm thu hút sự quan tâm từ dư luận đến hậu quả của biến đổi khí hậu.

“Tang lễ” được cử hành trên đỉnh núi lửa Ok, nơi sông băng từng hiện hữu. Chỗ miệng núi lửa ấy giờ đã lõm xuống, trở thành cái hồ cao nhất cả nước. Buổi lễ có sự góp mặt của 100 người, trong đó, có cả Thủ tướng Iceland Katrín Jakobsdóttir, các nhà khoa học và nghiên cứu môi trường sở tại và của Mỹ. Ngoài ra, nguyên tổng thống Ireland, người đứng đầu văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (tổ chức có nhiệm vụ thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người được bảo hộ trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và luật quốc tế), Mary Robinson cũng tham dự.

Sông băng Iceland tan chảy
Ảnh:© JEREMIE RICHARD/AFP/East News

Phái đoàn đã khánh thành một tấm bia tưởng niệm để cảnh báo đến tương lai. Thông điệp được viết bởi tác giả người Iceland, Andri Snaer Magnason, bằng cả tiếng Anh và Iceland.

Trên bia viết: “Một bức thư gửi tương lai. Ok là dòng sông băng Iceland đầu tiên mất đi hiện trạng của mình. Trong vòng 200 tới, theo dự đoán, tất cả những dòng sông băng của chúng ta cũng sẽ cùng nối gót. Tấm bia tưởng niệm này để mọi người nhận thức được những gì đang diễn ra và biết cần phải làm những gì. Chỉ bạn mới biết liệu chúng ta có thực hiện được hay không”.

bia tưởng niệm tại sông băng
Bia tưởng niệm được đặt tại sông băng với thông điệp cho tương lai. Ảnh: Handout via Rice University

Bên dưới dòng chữ là kí hiệu “415 ppm CO2”, ám chỉ nồng độ cao kỷ lục của carbon dioxide từng xuất hiện trong không khí hồi tháng 5 vừa qua. Ngưỡng kỷ lục này làm tăng gánh nặng cho bầu khí quyển và tác động vào quá trình gia tăng hiệu ứng nhà kính.

Cymene Howe, một nhà nhân học đến từ Đại học Rice của Houston, Texas, chia sẻ: Bằng cách đặt bia tưởng niệm, họ hy vọng thu hút được sự chú ý của công chúng đến hậu quả thật sự khi sông băng biến mất. Không lâu trước đó, ông cùng người đồng sự, Dominic Boyer, đã trình chiếu một đoạn phim tài liệu Not Ok, đặc tả sự tan chảy của dòng sông băng.

Vào năm 2014, Ok được tuyên bố là đã chết vì những tảng băng không còn di chuyển. Những dòng sông băng được hình thành từ tuyết, sau đó đông cứng thành băng qua thời gian. Sự tăng trưởng về kích thước khiến những tảng băng di chuyển chậm xuống sườn dốc, ép vào nhau và hình thành nên sông băng. Tuy nhiên, vì sự gia tăng nhiệt độ, băng đã bắt đầu tan chảy, Okjökull đã trở nên quá mỏng để tiếp tục dòng chảy. Khi điều này xảy ra, sông băng đã chính thức bị đánh giá là đã chết.

bên dưới của một dòng sông băng
Phái bên dưới của một dòng sông băng. Ảnh: © Getty Images/Moment Open

Những dòng sông băng chiếm đến 11% diện tích của Iceland. Chúng trải rộng hơn 3.600 km trong nước, có nghĩa là nếu tan chảy, chúng sẽ khiến mực nước biển toàn cầu dâng cao thêm 1 cm. Hơn nữa, những dòng sông băng thường nằm trên các đỉnh núi lửa, đóng vai trò như một cái khiên tự nhiên, che chở nhiều thứ. Một khi biến mất, toàn bộ môi trường sống của Iceland nói riêng sẽ bị đe dọa. Quan trọng nhất, sông băng là nguồn cung cấp nước sạch thiết yếu nhất cho cả Iceland. Theo như nhà nghiên cứu Boyer, Iceland vừa qua đã mất đi 11 tỉ tấn khối băng mỗi năm, một con số đáng báo động.

Nhận thấy sự cấp bách của vấn đề, Thủ tướng Iceland, Katrín Jakobsdóttir đã viết trên tờ The New York Times kêu gọi sự chung tay của thế giới trong sự nghiệp chiến đấu cho hành tinh này. Bà còn cam kết, Iceland sẽ hỗ trợ để đạt được mức trung hòa nồng độ carbon vào năm 2040.

Hòa chung dòng chảy của các hoạt động chung tay bảo vệ môi trường, gần đây, những người dân ở châu Phi cũng đã thực hiện một dự án ý nghĩa, The Great Green Wall (Bức tưởng xanh vĩ đại). Hoạt động trồng cây xanh dọc các đường biên giới xuất phát từ nhà hoạt động xã hội Richard St. Barbe Baker và chính thức được thực hiện vào năm 2007.

greta green wall
Người dân trong cây xanh trong dự án The Great Green Wall. Ảnh: © Great Green Wall / Facebook

Mục tiêu của dự án là phủ xanh 8.000 km đất trên toàn lục địa, góp phần ngăn chặn các tác hại từ biến đổi khí hậu, quá trình sa mạc hóa và cải thiện đời sống hàng triệu người của vùng đất này. Đến nay, hơn 40 triệu hecta sa mạc đã được hồi sinh, cung cấp thêm 500.000 tấn ngũ cốc mỗi năm – đủ nuôi sống 2,5 triệu người.

The Great Green Wall hướng đến 2030 với mục đích khôi phục 247.105.381 đất nông nghiệp ở các vùng bị hoang hóa. Để hoàn thành điều này, 10 triệu hecta đất sẽ phải được khôi phục mỗi năm. Một khi thành công, The Great Green Wall sẽ hỗ trợ rất lớn vào việc xây dựng một thế giới tốt hơn cho thế hệ tương lai.

Nhóm thực hiện

Tổng hợp: Diễm Ái Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE Tham khảo: Brightside
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)