10 sự thật bất ngờ về danh họa Pablo Picasso
Thần đồng hội họa, người sáng lập nên Chủ nghĩa Lập thể, nghệ sĩ có nhiều tác phẩm nhất thế giới… là những gì ta nghĩ đến khi nhắc tới Pablo Picasso.
Là một trong những danh họa bậc nhất của thế kỉ 20, Pablo Picasso là nguồn cảm hứng bất tận cho nhiều cuốn sách và bộ phim. Ông đã sống một cuộc đời nhiệt thành, hoạt động và sáng tạo không ngừng nghỉ cho đến cuối đời vào năm 1973 ở tuổi 91. Được biết đến nhiều nhất với tư cách là người đồng sáng lập Chủ nghĩa Lập thể, nhưng Picasso đã trải nghiệm nhiều phong cách khác nhau trong suốt sự nghiệp của mình. Và, như thường thấy ở các thiên tài, cuộc đời danh họa cũng thú vị hệt như những tác phẩm nghệ thuật của ông vậy.
Với những tác phẩm nghệ thuật được hoàn thành từ khi còn rất trẻ, Pablo Picasso đã sớm chứng minh bản thân là một thần đồng. Sinh năm 1881, danh họa người Tây Ban Nha chịu ảnh hưởng lớn từ Diego Velazquez và Francisco Goya (những họa sĩ bậc thầy của đất nước mình). Tuy nhiên, sau này, ông dành phần lớn đời mình ở Pháp, đắm chìm trong phong cách nghệ thuật đa dạng từ khắp nơi trên thế giới, từ tác phẩm hậu ấn tượng của Cézanne đến những hiện vật châu Phi.
Có nhiều chi tiết trong cuộc đời của danh họa khiến ta tường tận hơn những tác phẩm của ông – những danh tác được thực hiện bởi một con người phức tạp, với những thăng trầm định hình nên phong cách. Để hiểu sâu hơn về Picasso, hãy cùng tìm hiểu 10 sự thật bất ngờ về đại danh họa này.
1. Tên đầy đủ có tất cả 23 từ
Pablo Picasso từng được rửa tội và đặt cho một cái tên dài đến “líu lưỡi”: Baptized Pablo Diego José Francisco de Paula Juan Nepomuceno María de los Remedios Cipriano de la Santísima Trinidad Martyr Patricio Clito Ruíz y Picasso. Đây là tập hợp tên của nhiều vị thánh và họ hàng thân thiết trong gia đình. Tên “Picasso” thừa hưởng từ mẹ, bà Maria Picasso y Lopez, trong khi tên của cha ông là Jose Ruiz Blasco.
Nói về việc lựa chọn lấy tên từ họ của mẹ, ông nói “Picasso” (một cái tên khá mới lạ ở Tây Ban Nha vì có nguồn gốc từ Ý) nghe cộng hưởng hơn Ruiz. Với danh họa, cái tên mà một người mang theo suốt đời luôn có tầm quan trọng của nó.
2. Tiếng nói vỡ lòng như một tiên đoán cho tương lai
Trong khi hầu hết tiếng nói đầu tiên của những đứa trẻ là “mama” hay “baba” thì Pablo Picasso lại thốt lên tiếng “piz” trong từ “lápiz” (mang nghĩa “bút chì” trong tiếng Tây Ban Nha). Vậy nên, chẳng có gì lạ khi gia đình cho ông theo học hội họa từ rất sớm.
3. Thần đồng hội họa
Cha Picasso, ông Jose Ruiz y Blasco với vị thế là một họa sĩ và giáo viên mỹ thuật, đã nhanh chóng nhận ra tài năng đặc biệt của con trai. Ông bắt đầu giảng dạy về hội họa cho Picasso từ lúc cậu bé mới 7 tuổi. Là người thầy nghiêm khắc, Ruiz tin rằng người họa sĩ nên bắt đầu từ việc sao chép tranh của các bậc thầy vĩ đại, cũng như phác họa lại những bức tượng thạnh cao và người mẫu.
Những bức tranh sơn dầu đầu tiên đã tỏ rõ tài năng của thần đồng hội họa Picasso. Bức tranh đầu tiên, The Picador, khắc họa một người đàn ông cưỡi ngựa trong trận đấu bò tót được hoàn thành khi ông mới lên 9. Đến năm 13 tuổi, Pablo Picasso được nhận vào trường Mỹ thuật ở Barcelona với thành tích kinh ngạc khi vượt qua kì thi tuyển nghiêm ngặt chỉ trong một tuần mà người ta thường phải mất cả tháng để hoàn thành.
4. Khiến cha từ bỏ hội họa
Mặc dù cha Picasso là một họa sĩ lành nghề, giảng dạy tại trường Mỹ Thuật Barcelona, nhưng ông lại rất kính nể tài năng của con trai mình. Ruiz chuyên vẽ tranh bồ câu, và rồi ông phát hiện bức phác họa dang dở một chú bồ câu trong phòng tranh của con trai năm Picasso 13 tuổi. Ông ấn tượng với nó đến nỗi sau đó đã tuyên bố từ bỏ hội họa, vì con trai đã vượt qua ông. Tuy nhiên, sau này, Ruiz tiếp tục vẽ tranh. Hai cha con dè chừng nhau trong một mối quan hệ nhạy cảm, đầy biến động với những trận cãi vã thường xuyên.
5. Không chỉ là một danh họa
Pablo Picasso không chỉ là họa sĩ, ông còn là nhà điêu khắc, nhà làm gốm, nhà thơ, biên kịch và nhà thiết kế. Trong vai trò một nhà thiết kế, Picasso đã hợp tác với công ty Ballets Russes có trụ sở tại Paris trong Thế chiến I. Tại đây ông đã thiết kế ra bộ trang phục của người Cuba nổi tiếng sau này và có cơ duyên gặp gỡ người vợ đầu tiên, bà Olga KhoKhlova, một vũ công của công ty.
Thơ đến với Pablo Picasso ở nửa sau cuộc đời. Năm 1935, ông đặt xuống những dòng viết nghiêm túc đầu tiên, sau khi kết thúc cuộc hôn nhân với Olga KhoKhlova. Đến năm 1959, ông đã cho ra đời hơn 300 bài thơ. Trong những năm 1940, Picasso có viết hai vở kịch dài, Desire Caught by the Tail và The Four Little Girls, đều là hai tác phẩm siêu thực được viết theo dòng cảm thức.
6. Là một trong những nghi phạm đánh cắp bức Nàng Mona Lisa
Năm 1911, khi Picasso 29 tuổi, bức danh tác Nàng Mona Lisa của Leonardo da Vinci đã bị đánh cắp khỏi Viện bảo tàng Louvre. Việc nhà thơ người Pháp Guillaume Apollinaire bị tình nghi đã làm liên lụy đến người bạn Pablo Picasso của mình, dẫn đến họa sĩ cũng bị tạm giam để thẩm vấn. Cuối cùng, vì không có chứng cứ buộc tội, hai người đàn ông được thả. Mãi đến hai năm sau, người ta phát hiện ra một nhân viên người Ý của bảo tàng, Vincenzo Peruggia, đã đánh cắp bức tranh vì ông ta tin rằng nó thuộc về một bảo tàng của Ý.
7. Góp phần sáng lập Chủ nghĩa Lập thể
Năm 1909, Picasso và một họa sĩ Pháp là Georges Braque đã cũng khởi xướng ra xu hướng tranh lập thể. Trên thực tế, ở thời điểm đó, hai họa sĩ không đặt tên cho xu hướng nghệ thuật mình đang tiên phong mà thuật ngữ này xuất phát từ tiếng Pháp, có thể tạm hiểu là “cắt dán”. Picasso dùng các mảnh giấy dán tường và các mẩu báo ghép vào các bức tranh của mình. Ông là nghệ sĩ đầu tiên kết hợp kĩ thuật cắt dán vào mỹ thuật, tạo ra những di sản phá vỡ các quy tắc nghệ thuật và giới thiệu những phương pháp mới cho sự sáng tạo vô hạn.
8. Người sở hữu nhiều tác phẩm nhất thế giới
Trong suốt 75 năm sự nghiệp, Picasso đã sáng tạo không ngừng để tạo ra một kho tàng tác phẩm và di sản đồ sộ. Theo Sách Kỷ lục Guinness, ông đã tạo ra 13.500 bức họa và bản thiết kế, 100.000 bản in và khắc, 34.000 bức tranh minh họa sách và 300 tác phẩm điêu khắc, gốm sứ. Không một họa sĩ nào có được ngần ấy tác phẩm.
9. Nghệ sĩ có số lượng tác phẩm bị đánh cắp nhiều nhất
Với số lượng tác phẩm như vậy, không mấy ngạc nhiên khi Picasso cũng giữ kỷ lục là nghệ sĩ có nhiều tác phẩm nghệ thuật bị đánh cắp, mất tích hoặc tranh chấp nhất. Năm 2012, người ta đã liệt kê đến 1.147 tác phẩm của Picasso bị đánh cắp. Một trong số những vụ trộm đình đám là vụ đánh cắp bức tranh của Picasso cùng 5 tác phẩm của các họa sĩ khác vào năm 2010 tại bảo tàng Musée d’Art Moderne ở Pháp. Mãi đến phiên tòa năm 2017, tên thủ phạm tuyên bố đã ném những bức tranh vào bãi rác và bị kết án 8 năm tù.
Năm 2016, nhà sưu tầm nghệ thuật, tỷ phú Wilma Tisch đã kiện một đại lý nghệ thuật ở Floria khi cô nhận ra bức tranh Picasso 1929 của mình được bày bán tại phòng trưng bày ở đây. Bộ sưu tập của Tisch quá lớn để cô nhận ra người quản gia cũ đã đánh cắp bức tranh và đem bán nó cho các đại lý. Tất nhiên, sau phiên tòa, bức tranh đã trở về đúng với chủ sở hữu hợp pháp của nó. Tuy nhiên, những bức tranh của Picasso vẫn đang được bày bán với số tiền lớn trong các buổi đấu giá, luôn là miếng mồi béo bở cho những tên trộm dòm ngó.
10. Người đàn ông đào hoa có tiếng
Phải nói rằng trong suốt đời mình, Picasso luôn có mối quan hệ nhập nhằng với phụ nữ. Ông kết hôn hai lần, nhưng có rất nhiều người tình trong suốt cuộc đời, 4 đứa con được sinh với 3 người phụ nữ khác nhau. Cuộc hôn nhân đầu tiên kéo dài đến năm 1955 cho đến khi người vợ đầu Ogla qua đời dù họ đã ly thân vào năm 1935, khi mối quan hệ của ông với cô gái trẻ Marie-Thérèse Walter 17 tuổi bị phát hiện. Vì Picasso từ chối chia tài sản của mình với Olga nên theo luật pháp Pháp, cô không còn cách nào ngoài việc duy trì một cuộc hôn nhân đã cạn kiệt cảm xúc.
Trong suốt “thiên tình sử” đời mình, Pablo Picasso chỉ hẹn hò với những cô gái trẻ tuổi tầm 20, ví như Françoir Gilot. Ở tuổi 21 đẹp đẽ, cô đã gặp Picasso – khi đó hơn cô 40 tuổi. Cô đã cung phụng như một nàng thơ để ở bên ông 10 năm, có hai người con. Cuốn hồi ký của cô, Life with Picasso, đã kể lại chi tiết mối tình đầy biến động của họ. Picasso nồng nhiệt như lửa và chưa bao giờ thiếu những mối quan hệ lãng mạn bên lề, bỏ lại một gia đình rối loạn phía sau. Người vợ thứ hai kém 52 tuổi của họa sĩ, Jacqueline Roque, đã từ chối cho đứa con của ông với Gilot tham dự đám tang cha mình. Roque đã tự sát sau đó, cũng là kết cục của Marie-Thérèse, cô đào khiến cuộc hôn nhân đầu tiên với Olga tan vỡ.
—
Xem thêm
Tìm thấy tác phẩm nghệ thuật khác dưới bức họa của Picasso
Sự kết hợp hoàn hảo giữa nghệ thuật và thiền định trong sáng tác của họa sĩ người Thụy Điển
Lược dịch: Huyết Vy
Theo: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Nguồn: mymodernmet.com