Văn hóa / Thế giới văn hóa

“Cây xanh bám rễ” & Sự vươn mình của nữ văn sĩ Châu Á

Với việc được gọi tên tại Nobel văn chương 2024, Han Kang đã trở thành nữ nhà văn Châu Á đầu tiên được vinh danh tại giải thưởng văn chương danh giá nhất hành tinh. Điều này góp phần tô đậm thành công suốt các năm qua của những cây bút nữ đến từ châu lục này trên trường quốc tế.

Những thành công đáng chú ý

Trong cuộc phỏng vấn được thực hiện qua điện thoại trước 15 phút thời điểm công bố chính thức (để đảm bảo rằng người chưa được trao giải chưa qua đời theo đúng di chúc của Alfred Nobel), Han Kang không những chia sẻ về sự bất ngờ bản thân có được mà còn dành nhiều thời gian hướng về quê hương. Cô nói: “Tôi lớn lên cùng nền văn họcn Quốc – điều mà bản thân thấy rất gần gũi. Vì vậy, tôi hy vọng tin tức này sẽ thúc đẩy hơn nữa văn chương Hàn Quốc đến với bạn đọc”. Thế nhưng, có một sự thật là chưa cần đến Nobel Văn chương, văn học Hàn Quốc đã có những cú chuyển mình vô cùng ngoạn mục trong các năm qua, nhờ vào nỗ lực “xuất khẩu văn hóa” hay Hallyu.

nhà văn tác phẩm của han kang

Điều đó có thể nhìn thấy vào năm 2022, khi đất nước này có đến 2 tác phẩm lọt vào danh sách đề cử giải Booker Quốc tế danh giá, mà một trong số đó là Con thỏ nguyền rủa của Chung Bora, và chuỗi thành tích ấy vẫn được giữ nguyên suốt 3 năm qua. Với việc đi sâu vào vòng chung khảo, Chung Bora đã tạo nên cơn sốt lớn, giúp cho tập truyện của cô liên tục được chuyển ngữ sang nhiều thứ tiếng và được đánh giá một cách tích cực. Điều đáng chú ý là Han Kang cũng từng chiến thắng ở giải thưởng này vào năm 2016 cho Người ăn chay, và cũng là lần đầu tiên một tác giả châu Á được gọi tên. Trong nước, Bae Suah – tác giả của tiểu thuyết Ngày và đêm – cùng 2 tên tuổi nói trên hợp thành “tam trụ” đại diện cho những nhà văn Hàn Quốc được biết đến ở nước ngoài nhiều nhất.

Cũng cùng năm ấy, vượt qua Chung Bora, Geetanjali Shree – nữ nhà văn đến từ Ấn Độ – được xướng tên là người chiến thắng với cuốn tiểu thuyết Tomb of Sand viết bằng tiếng Hindi qua bản dịch của nữ dịch giả Daisy Rockwell. Cuốn sách được ra mắt bởi NXB độc lập Tilted Axis Press chuyên về văn học châu Á mà người khởi xướng là Deborah Smith – nữ dịch giả của Người ăn chay, người cùng chia sẻ giải thưởng với Han Kang 8 năm trước đó. Có thể nói, không chỉ người viết mà các nữ dịch giả và doanh nhân trong giới xuất bản cũng đang góp thêm tiếng nói quan trọng cho địa hạt này. Đơn cử như gần đây, Nguyễn An Lý đã được trao giải dịch thuật cho các tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư hay Thuận thông qua NXB Major Books mà người đứng đầu cũng là một nữ doanh nhân người Việt.Link

_ELLE Quỳnh Giang - ẢNH GẮN AFF (9).png

Bản Chất Của Người

nhà văn tác phẩm của tàn tuyết

Có một thực tế không thể phủ nhận là việc Han Kang được gọi tên tại Nobel Văn chương là bất ngờ lớn, bởi người được “nhắm” cho giải thưởng này trước đêm công bố là Tàn Tuyết đến từ Trung Quốc. Bà là tác giả của nhiều tiểu thuyết, tập truyện ngắn cũng như công trình phê bình đã được chuyển ngữ rất sớm và tính đến nay vẫn là nhà văn Trung Quốc được dịch sang tiếng Anh nhiều nhất, được nhiều học giả và giới phê bình đánh giá rất cao. Bà cũng từng 2 lần lọt vào đề cử của Booker Quốc tế và đạt được nhiều giải thưởng dịch thuật khác. Với danh hiệu “ứng cử viên sáng giá nhất cho Nobel Văn chương”, trong các năm qua, những tác phẩm tiên phong, đậm tính thể nghiệm của bà đã đến gần hơn với độc giả toàn cầu.

Bên cạnh Hàn Quốc, Nhật Bản cũng là đất nước rất được chú ý với thế hệ nhà văn cá tính. Cũng nằm trong danh sách dự đoán ở Nobel năm nay là Yoko Tawada – tác giả nổi tiếng với góc nhìn bi quan phản ánh thế sự qua những tác phẩm như Hiến đăng sứ, Chàng chó, Mắt trần… Nói về thành công thương mại lẫn chất lượng nghệ thuật thì Banana Yoshimoto (Nắp biển, Amrita, Kitchen…), Yoko Ogawa (Nhật ký mang thai, Quán trọ hoa diên vĩ, Kết tinh thầm lặng), Mieko Kawakami (Ngực và trứng), Murata Sayaka (Cô nàng cửa hàng tiện ích)… là những tên tuổi không thể bỏ qua. Không khó để thấy rằng số lượng nhà văn nữ đến từ châu Á ngày càng chiếm lĩnh văn đàn thế giới. Thế nhưng, thành công của họ đến từ đâu?

_ELLE Quỳnh Giang - ẢNH GẮN AFF (10).png

Phố ngũ hương

“Cây” đã trưởng thành

Sau đại dịch, các nội dung bên ngoài Âu-Mỹ bắt đầu nhận được sự chú ý lớn. Trong thời toàn cầu hóa và phẳng hóa, việc quan tâm đến sự khác biệt bên ngoài hai “đế chế” này gần như là điều hiển nhiên khi ai cũng bị giam hãm trong 4 bức tường và nghệ thuật chính là “tấm thảm thần” đưa họ ngao du thế giới. Bối cảnh này đã mang đến sự thành công cho những tác phẩm điện ảnh như Parasite, Minari, Squid Game, Beef, Shogun… hay những nhóm nhạc K-Pop như BTS, BLACKPINK. Điều này cũng đúng với văn chương.

Với những nữ nhà văn kể trên, câu chuyện về văn hóa, xã hội của đất nước mình đang sống là một yếu tố luôn được quan tâm khai thác. Chẳng hạn, với Han Kang, 2 tác phẩm khẳng định tên tuổi của cô ở trường quốc tế đều là câu chuyện của một Hàn Quốc ở đương đại và quá khứ. Nếu Người ăn chay đánh động vào sự đàn áp phụ nữ trong các góc nhìn có phần ngộp thở nặng tính gia trưởng, thì Bản chất của người lại nhắc về một vết thương không thể xóa nhòa với người dân xứ sở kim chi là Phong trào Dân chủ Gwangju 1980. Trong khi đó, khoảng cách thế hệ và kỳ vọng xã hội cũng thường xuất hiện trong các tác phẩm của những nhà văn Nhật Bản như Murata Sayaka, Mieko Kawakami… khiến họ luôn có lượng lớn độc giả quan tâm, theo dõi.

nhà văn tác phẩm của chung bora

Những nhà văn này cũng không sáng tạo một cách thông thường theo chủ nghĩa hiện thực mà luôn hướng tới tính thể nghiệm. Trong xu hướng này, Tàn Tuyết chính là “ngôi sao sáng chói” với quan niệm về văn học thuần túy – thứ văn chương đòi hỏi nỗ lực giải nghĩa của cả người đọc cũng như người viết. Nó không được tạo ra để thỏa mãn số đông mà khiến cho con người không ngừng phản tư, vì thế, đòi hỏi người thưởng thức cũng cần có “phẩm chất”. Trong khi đó, Chung Bora, Yoko Tawada lại nổi lên với việc sáng tạo thành thạo ở nhiều thể loại, từ huyễn tưởng, hiện thực huyền ảo, retell cho đến kịch nghệ, khoa học viễn tưởng và các đột biến về mặt hình thức… Những nhà văn trên đều chịu ảnh hưởng của các bậc thầy phương Tây, từ Kafka, Goethe cho đến Italo Calvino, WG Sebald… Do đó, có thể nói rằng, chính sự giao thoa giữa hai địa cực làm nên sức hấp dẫn cho các tác phẩm này.

_ELLE Quỳnh Giang - ẢNH GẮN AFF (11).png

Con thỏ nguyền rủa

nhà văn tác phẩm của yoko tawada

Tuy nhiên, sau cùng, những tác phẩm này vẫn mang trong mình một thế giới quan Đông phương khác lạ. Tàn Tuyết đã từng thừa nhận: “Tác phẩm của tôi như một cái cây. Những ý tưởng của tôi mọc ở phương Tây nhưng tôi đào lên và trồng lại chúng vào lòng đất sâu thẳm của Trung Quốc – một nền lịch sử với bề dày 5.000 năm”. Trong Người ăn chay, Han Kang cũng cho nhân vật của mình biến thành cây xanh khi cô chán ghét thế giới đương đại vốn được biểu trưng qua tiêu dùng thịt. “Cái cây” được 2 nhà văn đáng chú ý nhất châu Á này nói riêng và phần lớn khác nói chung sử dụng chính là “cầu nối” cho đất và trời, cho sinh ra và chết đi, cho truyền thống và hiện đại, cho Đông và Tây… Tác phẩm của họ dù xuất hiện dưới hình thức nào cũng vẫn mang đậm những thiền, những ngộ, những nhận… từ đó, sự va chạm với thế giới quan Tây phương càng khiến chúng trở nên độc đáo và đầy khác lạ.

_ELLE Quỳnh Giang - ẢNH GẮN AFF (12).png

Chàng Chó - The Bridegroom Was A Dog

nhà văn tác phẩm của banana yoshimoto

Ngoài ra, những thành công kể trên sẽ không thể đạt được nếu như không có sự nỗ lực đằng sau của các dịch giả, NXB và quan trọng nhất chính là độc giả có tinh thần cởi mở trên khắp hoàn cầu. Có thể thấy, sự “xổ lồng” của các nữ nhà văn châu Á đang đến độ “chín” trong cả thiên thời, địa lợi cũng như nhân hòa. “Cây xanh” của họ giờ đã bám sâu và dần vươn mình sau thuở ban sơ gió quăng bão quật.

Nhóm thực hiện

Bài: Ngô Minh

Ảnh: Tư liệu

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)