Suboi và album No Nê: Giấc mơ chỉ có mình mình thôi thì quá nhỏ
No Nê không chỉ đánh dấu sự trở lại sau 8 năm kể từ album gần nhất – Run, mà còn là cầu nối, là dấu mốc quan trọng và là hiện thân rõ ràng nhất cho suốt những năm tháng Suboi tự nhìn lại mình và học tập từ khắp nơi trên thế giới.
Việc được tham gia một trong những lễ hội âm nhạc lớn nhất của Mỹ South by Southwest suốt 2 năm liền, được góp mặt vào dự án của diva Nhật Bản Utada Hikaru, là nghệ sĩ Đông Nam Á đầu tiên ra mắt bài hát trên Beats 1 Radio – kênh radio lớn nhất của Apple Music… đã phần nào cho thấy sự đánh giá vô cùng cao từ giới chuyên môn quốc tế về Suboi. Nhưng đằng sau những hào quang ấy, ta thấy gì từ Suboi?
Những cột mốc quan trọng
Là một trong ba nữ rapper đời đầu của giới underground Việt bên cạnh Linh Lam và Kimmese, ngay từ độ tuổi 19, Suboi đã ký hợp đồng đầu tiên với Music Faces – một trong những hãng thu âm chuyên nghiệp nhất thời bấy giờ. Như cô từng thừa nhận, ước mơ thuở mới dấn thân là được trở thành một Rap Superstar kì cựu. Việc góp mặt cùng Hồ Ngọc Hà trong bản hit Xin hãy thứ tha một cách tình cờ, ngay sau đó được biết đến với các bản hit Những đứa bạn, Rainbow và rồi sau này là Quê hương Việt Nam; tất cả đã định hình nên Suboi ở thời điểm Walk – một cô gái mang nhiều năng lượng tích cực.
Bước sang Run – tiền thân của EP 2.7 kết hợp cùng ban nhạc Jazz đến từ Na Uy Mino & The Band, Suboi có sự chậm lại nhất định và chuyển hướng sang những sáng tạo có phần đi sâu vào nội tâm mình. Run đánh dấu sự trưởng thành mới kể từ Walk, trong khi đó, EP 2.7 lại cho thấy một bản thể nghệ sĩ vô cùng nổi trội, khi trong quá trình hình thành và phát triển Rap ở Việt Nam, chưa ai từng thử kết hợp Jazz cùng dòng nhạc đậm tính đời sống này. EP ấy là tiếng nói riêng, nhỏ bé, nhưng phần nào đã cho thấy một Suboi mở rộng tư duy, dám thử cái mới để mang đến nhiều những sự khác biệt.
Mỗi lần trở lại là một dấu ấn, là sự đổi mới – thể nghiệm và cống hiến. Suboi là nghệ sĩ underground duy nhất có 3 album được đầu tư bài bản mà mỗi đĩa nhạc là một bước phát triển, hình thành nên một cá tính riêng biệt. Walk mang tính giới thiệu, Run đánh dấu sự chuyển hướng và No Nê là phát pháo bùng nổ – của người phụ nữ trưởng thành trải qua thăng trầm, của đúng đắn, thử, sửa sai và gánh trên mình những trách nhiệm lớn lao. No Nê của Suboi vừa là một câu chuyện vô cùng cá nhân về những biến chuyển trong cuộc đời cô, nhưng cũng đồng thời là tiếng nói mới, thoát xa những bài rap về tình yêu vốn quen thuộc ở thời điểm hiện tại, để góp tiếng nói về nhịp sống hiện đại, về nữ quyền và những trải nghiệm khác khi được nhìn lại.
Cú chuyển mình táo bạo
Như chia sẻ ngay từ ban đầu, No Nê là một bữa tiệc gồm các hương vị để mang đến những cảm giác xuất phát từ chính câu chuyện của Suboi. Nó có vị đắng, cay, mặn, chua để cuối cùng tổng hợp thành vị ngọt viên mãn. Đây là album “Suboi” nhất, khi vừa ẩn chứa trong mình nét tinh nghịch, mỉa mai, chua ngoa vốn rất đặc trưng, nhưng cũng dịu dàng và đầy nữ tính – một khía cạnh khác mà ta hiếm khi thấy được. Rap của Suboi ở thời điểm này đã phá bỏ mọi đường biên bao phủ, nó mang đầy đủ sắc thái để bước ra ngoài, với nội dung mở rộng và các thông điệp dễ hiểu, để khi đó người đã quen hay chưa từng nghe, người thích Rap hay chỉ ghé chơi, đều tìm thấy một góc trời của chính họ, phù hợp với họ.
Việc hợp tác với 3 nhà sản xuất chính vô cùng tài năng từ các dự án trước gồm Zach Golden, Pat McCusker và Billy Scher đã mang đến một No Nê vô cùng bắt tai với các bản phối tiên phong. Với album này, độ chín của Suboi đã được thể hiện một cách toàn diện, với cách khai phá dấu ấn đặc trưng trong việc sử dụng ngữ điệu miền Nam đầy linh hoạt, cách chơi chữ, flow hấp dẫn, cách delivery vô cùng phong phú cũng như lời rap đôi khi cô đọng trong Bet on me, nhưng cũng có lúc rộng mở mà gần gũi với thế hệ trẻ. Các bản phối ở album lần này vừa mới lạ mà cũng đầy tinh tế, đôi khi ta nghe tiếng guitar mộc của Lava hay những đoạn nhỏ của piano jazz trong Cho không. Tính futuristic và robotic trong bản phối của Công, các âm hưởng đậm chất phương Đông, không gian New Age ở Ngày lại ngày hay sự kết hợp với các nhạc cụ dân tộc như đàn tranh, bộ gõ trong Bet on me, Sickerrr cũng mang đến những giao thoa vô cùng thú vị và nhiều mới mẻ.
Khẳng định chắc nịch về tính ngổ ngáo mà mọi tiêu chuẩn đều không phù hợp, Suboi tự giới thiệu mình là một cô gái trẻ Việt Nam không hề gò bó ngay từ đầu album như cách trả đũa những thiên kiến vốn cố định người ta trong một chiếc hộp. Những góc nhìn tiêu cực về việc “xướng ca vô loài”, thực trạng ngồi không cũng có tiền hay các cô gái chỉ muốn ngồi chờ hoàng tử đến cũng được thể hiện khác biệt. Bên cạnh đó, còn có một Sài Gòn đổi mới rất nhanh, với các trò dối gian, lọc lừa, với sự vô cảm và những tính chất vốn có lâu nay của mảnh đất thị thành. Có thể nói, Suboi một mặt vạch trần xã hội với những trò bịp thượng thặng, các góc nhìn tiêu cực; nhưng bên cạnh đó cũng khuyến khích và đề cao tính nữ trong những sáng tạo của mình.
Một góc nhìn khác về nữ quyền
Nữ quyền trong âm nhạc của Suboi không rập khuôn như những MV ca nhạc gần đây với sự trả đũa, phục thù đàn ông; mà theo đó, “feminism” thể hiện rõ nhất ở việc phụ nữ tự mình có quyền lựa chọn. Ở Cho không, mỗi ngày nàng đều xem mình như phụ nữ của năm; còn ở Sickerrr, một người có cốt cách, cá tính là khi biết tự nâng cao giá trị bản thân như những bông hồng có gai. Suboi cũng đồng thời chia sẻ góc nhìn về những người trẻ hiện nay, khi phải lăn xả, thử nghiệm thì mới biết liệu điều nào đó có phù hợp với mình hay không. Thế giới quan và nhân sinh quan cũng là một điểm đáng nhắc đến trong album này. Những triết lý nhân sinh được Suboi mang vào bất ngờ và đầy thú vị, về thế giới này là ta nơi ở nhờ, về tính lên – xuống, chìm – nổi của mọi sự vật, sự việc và hơn hết, đời này vô thường nhẹ như sương mai.
Nửa tiếp sau đó lại là những cảm giác vô cùng riêng tư, khi Suboi thả hết tâm tình vào các tổ khúc nói về tình yêu, về tiếng lòng nhỏ nhặt mà rất dịu dàng của Best Friends, về những khắc khoải đôi khi ngượng ngùng trong Bet on me hay những đắm chìm vô cùng say mê ở Lava. Chuỗi 3 bài hát là một góc khác mà ta hiếm thấy ở Su. Đối nghịch hoàn toàn với các bài hát nói về thực trạng, đây lại là tiếng lòng vô cùng nữ tính và không ngại bóc trần. Nữ quyền đôi khi là được làm điều mình thích, trong đó bao hàm chính việc thổ lộ tình cảm của mình.
Trong một cuộc phỏng vấn, Suboi đã từng nói “Giấc mơ chỉ mình mình thôi thì quá nhỏ” – và hẳn ta đã được thấy điều đó qua No Nê. Là cầu nối quảng bá Rap Việt ra với thế giới, Suboi đã mang văn hóa đi thật xa khi kết hợp nhạc cụ dân tộc, sử dụng các visualizer video đậm tính phương Đông với mâm cưới, phục trang thời Sài Gòn xưa, với ống heo, phông bao lì xì… Dưới sự giúp đỡ của các nữ đạo diễn vô cùng tài năng như Thảo Đan hay Sally Trần, No Nê là một sản phẩm chỉn chu, ấn tượng khi kết hợp hình họa, 3D và VFX như cách truyền thống hòa vào hiện đại. No Nê riêng tư nhưng cũng gợi mở, là dấu ấn quan trọng khẳng định vị thế của một nghệ sĩ thực thụ và hơn thế nữa, định hình lại Rap của thời đại mới, rời bỏ khuôn khổ, vượt xa rào cản – một dự án đậm tính tiên phong và quan trọng nhất của thập kỷ này.
Bài: Ngô Thuận Phát
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE