Đối với người hâm mộ, hình ảnh các vận động viên ưu tú xuất hiện trong các cuộc thi đấu giống như những siêu anh hùng toàn năng. Chúng ta quan tâm đến kỳ tích mà họ đạt được và tin rằng họ đều là những người phi thường, tài năng xuất chúng. Mặt khác, khi những vấn đề tâm lý của các vận động viên không thường được đề cập trước công chúng, chúng ta sẽ mặc định rằng họ phải là những người có tinh thần mạnh mẽ mới đứng được trên đỉnh cao vinh quang như vậy. Thế nhưng, trên thực tế, những vận động viên nổi tiếng, xuất sắc lại phải đối mặt với nhiều bệnh tâm lý, thậm chí rơi vào tình trạng nghiện ngập, lạm dụng chất kích thích khi đối diện với sức ép từ dư luận và trách nhiệm của một người nổi tiếng.
Theo tổ chức phi lợi nhuận Vận động viên vì Hy vọng (Athlete for Hopes), 35% vận động viên chuyên nghiệp đang phải đối mặt với những vấn đề về tinh thần như trầm cảm, rối loạn lo âu… do thường xuyên tập luyện với cường độ cao, chế độ ăn uống khắt khe cùng áp lực từ các trận thi đấu. Bên cạnh đó, một cuộc nghiên cứu được công bố trên tạp chí Y học Thể thao Anh quốc vào năm 2016 cho thấy các vận động viên nữ có nguy cơ bị trầm cảm cao gần gấp 2 lần so với vận động viên nam.
Trong 30 năm qua, một số vận động viên đã cởi mở hơn trong việc chia sẻ những vấn đề tâm lý của họ trước công chúng sau khi giải nghệ. Thế nhưng, những vấn đề này vẫn hiếm khi được công khai khi các vận động viên đang ở đỉnh cao sự nghiệp. Mặc dù nhiều vận động viên đã từng có động thái rút khỏi các cuộc thi đấu lớn để tìm đến phương pháp điều trị tâm lý nhưng chỉ đến khi Simone Biles – siêu sao TDDC của Mỹ – lên tiếng, vấn đề này mới thực sự được dư luận quan tâm.
simone biles rút khỏi olympic tokyo 2020 vì vấn đề sức khỏe tinh thần
Vào ngày 27/7 vừa qua, đương kim vô địch Simone Biles – niềm tự hào của đội tuyển TDDC Mỹ, người đã giành được 4 HCV tại Olympic Rio 2016 – gây chấn động dư luận khi quyết định rút khỏi vòng chung kết Olympic Tokyo 2020 sau kết quả không tốt ở phần thi nhảy chống.
Ban đầu, đội tuyển TDDC Mỹ cho biết cô rút khỏi cuộc thi vì vấn đề sức khỏe. Thế nhưng sau đó, Simone Biles đã chính thức lên tiếng giải thích rằng những tổn thương mà cô đang chịu đựng không phải ở thể chất mà nằm ở tinh thần. Ít ai biết rằng, đằng sau những màn trình diễn đầy kiêu hãnh của Biles trên sân khấu không chỉ là những khó khăn, áp lực trong quá trình tập luyện mà còn là nỗi đau vì bị lạm dụng tình dục bởi bác sĩ Larry Nassar.
Là một người có sức ảnh hưởng để đưa tội ác của bác sĩ Larry Nassar ra ánh sáng, là một nhân vật truyền cảm hứng cho cộng đồng người da màu, mang trên vai áp lực giành HCV và trở thành vận động viên tuyệt vời nhất thời đại, cô gái 24 tuổi đã phải nỗ lực rất nhiều để luôn xuất hiện trong trạng thái hoàn hảo nhất trước công chúng. Thế nhưng, những hào quang đó cũng không thể thay đổi sự thật rằng Simone Biles chỉ là một cô gái bình thường với niềm đam mê mãnh liệt với bộ môn TDDC và khao khát được tự do theo đuổi ước mơ của mình mà không phải quan tâm đến cái nhìn của dư luận.
BÀI LIÊN QUAN
đối diện với căn bệnh trầm cảm, tay vợt naomi osaka cũng đã rút khỏi Roland Garros
Không chỉ riêng Simone Biles, vào đầu tháng 6 vừa qua, Naomi Osaka – tay vợt số 2 thế giới người Nhật Bản, người đã giành được 4 danh hiệu Grand Slams – đã rút khỏi giải Pháp mở rộng (Roland Garros) sau khi từ chối tham gia buổi họp báo để bảo vệ sức khỏe tinh thần.
Đối diện với căn bệnh trầm cảm trong thời gian dài kể từ Giải quần vợt Mỹ mở rộng 2018, Naomi Osaka cảm thấy áp lực và lo lắng khi xuất hiện trước nơi đông người. Mặc dù quyết định này khiến Naomi Osaka phải nhận mức án phạt nhưng đối với cô, đó là một quyết định đúng đắn để bảo vệ sức khỏe tinh thần của bản thân và tránh làm ảnh hưởng đến đồng đội. Hành động của Naomi Osaka không chỉ nhận được sự ủng hộ của đồng nghiệp và dư luận mà còn là một lời cảnh tỉnh cho thấy sức khỏe tinh thần của các vận động viên đã không được xem trọng và chăm sóc đúng cách.
BÀI LIÊN QUAN
Và rất nhiều vận động viên đã, đang đối diện với vấn đề sức khỏe tinh thần
Trong những năm qua, đã có nhiều vận động viên lên tiếng về những căn bệnh tâm lý mà họ phải trải qua trên con đường đi đến thành công, và có lẽ vẫn còn rất nhiều vận động viên đang chịu đựng những gánh nặng tinh thần mà không thể thổ lộ cùng ai.
Năm 2011, tay vợt số 1 thế giới Serena Williams tiết lộ rằng cô phải chiến đấu với căn bệnh trầm cảm trong thời gian dài kể từ khi trở thành nhà vô địch Wimbledon và sau đó tiếp tục chịu đựng căn bệnh này sau khi sinh con vào năm 2017.
Năm 2014, vận động viên quần vợt Ashleigh Barty từng có ý định từ bỏ quần vợt trước áp lực thành tích, lịch trình tập luyện với cường độ cao cùng nỗi lo lắng khi bị dư luận bao vây. Cô đã quyết định dừng chơi quần vợt trong 18 tháng để tiếp nhận điều trị tâm lý.
Vào năm 2018, võ sĩ WWE kiêm cựu vô địch UFC Ronda Rousey cũng chia sẻ rằng cô đã từng có ý định tự tử vì bị trầm cảm sau hai lần thất bại trên võ đài.
Không chỉ đối diện với gánh nặng thành tích từ các cuộc thi đấu, nhiều vận động viên phải chịu đựng những tổn thương tâm lý từ chính huấn luyện viên hay từ phía gia đình. Vận động viên Mary Cain – cô gái vàng trong làng điền kinh Mỹ – đã từng có ý định tự tử vì nhiều lần bị huấn luyện viên nhục mạ danh dự và chế độ dinh dưỡng khắc nghiệt, phản khoa học trong dự án đào tạo Oregon.
Cầu thủ bóng rổ Imani Boyette đã vượt qua căn bệnh trầm cảm từ nhỏ do bị cưỡng hiếp bởi một thành viên trong gia đình để trở thành người truyền cảm hứng về bảo vệ sức khỏe tinh thần, là niềm tự hào của cộng đồng người Mỹ gốc Phi.
Bên cạnh đó, ngay tại Việt Nam, kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên cũng từng trải qua khủng hoảng tâm lý do áp lực trong quá trình tập luyện sau SEA Games 29 và phải tìm đến sự trợ giúp của các bác sĩ tâm lý trong 3 tháng để lấy lại sự tự tin cho mình.
BÀI LIÊN QUAN
Đã đến lúc đặt sức khỏe tinh thần của các vận động viên bên cạnh tài năng hay thành tích
Khi tỷ lệ các vận động viên đối mặt với những vấn đề tâm lý ngày càng tăng, các tổ chức thể thao cũng đã bắt đầu quan tâm hơn đến việc chăm sóc sức khỏe tinh thần cho các vận động viên.
Trong năm nay, tại Olympic Tokyo 2020, lần đầu tiên Ủy ban Olympic và Paralympic Hoa Kỳ cử một nhóm các chuyên gia về sức khỏe tinh thần đồng hành cùng các vận động viên ở Tokyo. Các chuyên gia có nhiệm vụ thường xuyên theo dõi, đánh giá tình hình sức khỏe của các vận động viên để kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường. Bên cạnh đó, Ủy ban Olympic quốc tế cũng xuất bản một quyển hướng dẫn về sức khỏe tinh thần dành cho các vận động viên cùng đội ngũ hỗ trợ trong Thế vận hội.
Dù xuất sắc đến đâu, các vận động viên cũng chỉ là người bình thường như chúng ta. Họ đều phải đối mặt với những tổn thương về thể chất và tinh thần. Hơn ai hết, họ cũng cần được tôn trọng, được thấu hiểu. Chúng ta nên chấp nhận con người thật của các vận động viên thay vì kỳ vọng và đòi hỏi họ phải trở thành hình mẫu hoàn hảo nhất.
Nhóm thực hiện
Bài: Hải Linh
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Tham khảo: Vogue, Healthcentral, Physiopedia