10 tác phẩm đoạt giải Nobel Văn học nên đọc ít nhất một lần trong đời
Nobel Văn học là giải thưởng cao quý đối với người theo nghiệp văn chương và các tác phẩm đoạt giải thưởng này luôn là những cuốn sách đáng đọc ít nhất một lần trong đời.
Cùng ELLE điểm danh 10 tác phẩm văn học tiêu biểu có thể đánh thức nhiều chiêm nghiệm sâu sắc về con người và cuộc đời trong lòng độc giả giữa những ngày cách ly hiện tại nhé.
1. Dịch hạch – Albert Camus
Dịch hạch là cuốn tiểu thuyết mang màu sắc ký sự của nhà văn Pháp nổi tiếng Albert Camus, ra đời vào năm 1947. Câu chuyện xoay quanh hành trình chiến đấu chống lại căn bệnh dịch hạch tại thành phố Oran của Pháp, nằm ở phía Bắc Algérie. Mặc dù được sáng tác khá lâu nhưng tính thời sự cũng như mức độ chân thực của tác phẩm văn học này khi miêu tả cách thức loài người chống lại đại dịch vẫn vẹn nguyên giá trị ở hiện tại.
Vì Dịch hạch ra đời ngay sau Thế chiến II nên thảm họa miêu tả trong đó có thể khiến người ta liên tưởng đến chủ nghĩa phát xít. Nhưng cũng có thể, tiểu thuyết này ám chỉ bất cứ hình thức bạo lực nào đe dọa cuộc sống loài người ở hiện tại và tương lai.
2. Đẹp và buồn – Kawabata Yasunari
Theo thời gian, những tác phẩm văn học của Kawabata Yasunari vẫn luôn có sức lôi cuốn mạnh mẽ đối với đông đảo độc giả trên toàn thế giới, phản ảnh nhiều phương diện văn hóa của xứ sở Mặt Trời mọc cũng như những rung cảm đầy đam mê mà tinh tế của tâm hồn Nhật Bản.
Lấy bối cảnh chính là cố đô Kyoto, Đẹp và buồn là câu chuyện tình tay ba đầy bi kịch của nhà văn Oki với tình nhân Otoko và người vợ Fumiko của ông. Oki say mê vẻ đẹp thanh khiết của thiếu nữ Otoko khi ấy mới 17 tuổi, để rồi khi cô có thai, ông lại không dám chia tay vợ mình để đến với cô, khiến Otoko sinh non đứa bé. Sau này, Oki viết tác phẩm Thiếu nữ mười sáu như một lời gợi nhắc về mối tình vấn vương giữa ông và cô thiếu nữ năm nào nhưng rồi chính nó lại là tác nhân khiến vợ ông sảy thai. Đam mê và nhục cảm hòa quyện cùng vẻ đẹp tình yêu đồng thời cũng là nét đẹp điên rồ của lòng hận thù, tạo thành một cuộc truy lùng, đeo đuổi mãi không dứt.
3. Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối – Patrick Modiano
Với độ dày chưa đầy 200 trang, cuốn tiểu thuyết này là sự tổng hòa lời kể của 4 nhân vật về những mẩu ký ức tuổi trẻ, tại không gian quán cà phê Le Condé. Từ những gì mà các nhân vật kể lại, cuộc đời của họ cũng dần được hé mở và quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối trở thành một nơi chốn trú ngụ giúp họ thoát khỏi cuộc đời u ám. Những hồi ức tuổi trẻ cũng là cách để tác giả đưa các nhân vật trở về với quá khứ của họ, bóc tách từng mảng nội tâm và tìm cách giải mã bí ẩn bên trong tâm hồn nhân vật. Việc nhân vật đi tìm “cội nguồn” của mình trở thành nét chủ đạo trong các tác phẩm văn học của Modiano, đồng thời được nâng tầm lên thành một vấn đề bao quát: con người với thời gian.
4. Của chuột và người – John Steinbeck
Với Của chuột và người, John Steinbeck đã đóng góp cho nền văn chương thế giới một trong những tác phẩm văn học xuất sắc nhất về tầng lớp lao động. Lấy bối cảnh nước Mỹ trong giai đoạn Đại Khủng hoảng kinh tế những năm 1930, Của chuột và người là câu chuyện bi thương của George và Lennie – 2 gã đàn ông lang thang tìm việc làm tại các nông trại ở California. Thông qua số phận của họ, John Steinbeck đã khắc họa một cách đau đớn nỗi khốn cùng của người dân lao động Mỹ, những mảnh đời cơ cực giữa một xã hội đầy rẫy bất công. Khát khao làm chủ của George và Lennie tương phản một cách phũ phàng với thực tế diễn ra tại nơi họ làm việc. Còn ước mơ và hoài bão của những người như họ thì mãi mãi chỉ là ảo vọng xa vời.
5. Buồn nôn – Jean-Paul Sartre
Buồn nôn là cuốn tiểu thuyết mang màu sắc hiện sinh của nhà triết học Jean-Paul Sartre. Tác phẩm xoay quanh nhân vật Antoine Roquentin, một nhà sử học đang chán nản cuộc sống hiện tại. Anh cư ngụ tại thành phố cảng hư cấu Bouville để hoàn tất công trình nghiên cứu về cuộc đời của một nhà hoạt động chính trị thế kỷ 18. Mùa đông năm 1932, một sự kiện kỳ lạ đã xảy ra với Antoine, khi những cơn buồn nôn ngày càng xuất hiện nhiều hơn trong các hoạt động của anh hoặc những sự vật xung quanh anh. Antoine tin rằng các vật thể và tình huống vô tri xâm lấn vào khả năng tự xác định bản thân và sự tự do về trí tuệ, tinh thần của anh, gợi lên trong nhân vật chính một cảm giác buồn nôn.
6. Chúa ruồi – William Golding
Chúa ruồi là tuyệt phẩm văn học của William Golding, mang đến cho người đọc những phút giây rùng mình kinh hãi và đặt ra câu hỏi, liệu có phải “nhân chi sơ, tính bản thiện”?
Diễn ra trong bối cảnh một cuộc chiến tranh nguyên tử, chiếc máy bay chở mấy chục đứa trẻ đi sơ tán gặp tai nạn và rơi xuống một hoang đảo tại Thái Bình Dương. Những đứa trẻ ấy đã phải tự sinh tồn, bắt đầu một cuộc sống tự lập. Xung đột nổ ra trước những khó khăn và thiếu thốn về lương thực nơi hoang đảo cùng nỗi thất vọng khi chúng bỏ lỡ cơ hội được cứu sống. Cuối cùng, xung đột lên đến đỉnh điểm đã bộc lộ sự tàn ác trong mỗi đứa trẻ. Câu chuyện được đẩy lên cao trào bằng những hành động sai trái mất kiểm soát.
7. Siddhartha – Herman Hesse
Siddhartha là cuốn tiểu thuyết mang tính cách ngôn của nhà văn người Đức Herman Hesse, kể về hành trình tâm linh của một người Ấn Độ tên là Siddhartha. Siddhartha vốn là tên của Đức Phật trước khi xuất gia nhưng trong cuốn tiểu thuyết này, Phật Thích Ca lại được tác giả gọi là Gotama. Câu chuyện bắt đầu khi nhân vật chính bỏ nhà ra đi cùng người bạn thân là Govinda để cùng các nhà tu khổ hạnh tìm kiếm sự khai sáng. Hành trình này đã giúp Siddhartha đi qua một chuỗi các thay đổi và tự nhận thức, nêu bật tầm quan trọng của việc trải nghiệm tận cùng mọi ngõ ngách để có thể thấu hiểu bản chất cuộc sống.
8. Tên tôi là Đỏ – Orhan Pamuk
Trên nền một câu chuyện trinh thám ly kỳ, Tên tôi là Đỏ đã mở ra một cuộc khai phá triết lý sống với những chiêm nghiệm về tình yêu, nghệ thuật, sự sống và cái chết, đồng thời khám phá vẻ đẹp của nền văn hóa Ba Tư trên nền đối thoại Đông – Tây.
Tên tôi là Đỏ đưa người đọc đến với Thổ Nhĩ Kỳ vào thế kỷ 16, tại kinh đô Istanbul thâm trầm, ngập tràn màu sắc văn hóa, lịch sử, tôn giáo và hội họa. Mùa Đông năm 1591, Hoàng đế nước Thổ ra lệnh cho các nhà tiểu họa thực hiện một cuốn sách ca ngợi đế quốc Thổ, minh họa theo phong cách phương Tây. Giữa bối cảnh văn hóa, lịch sử thời điểm đó, việc này là một điều cấm kỵ, ai thực hiện có thể tự chuốc lấy cái chết. Và điều đó đã thành sự thật, khi lần lượt từng thành viên trong đội ngũ minh họa cho cuốn sách qua đời một cách bí ẩn.
9. Trốn chạy – Alice Munro
Tác phẩm văn học nổi tiếng này khắc họa 8 câu chuyện của những người trốn chạy. Một thiếu phụ trốn chạy một cuộc hôn nhân không hạnh phúc, một cô gái trốn chạy để đến với tình yêu, một người con bỏ lại mẹ của mình để đi tìm những điều ý nghĩa, một người mẹ bỏ rơi đứa con để chạy theo giấc mơ của riêng mình. Cùng là trốn chạy nhưng những câu chuyện ấy không hề có công thức chung. Alice Munro dùng những lời văn bình thản, đẹp đẽ nhưng bộc lộ sự thấu hiểu tâm lý nhân vật vô cùng sâu sắc để kể nên những câu chuyện tưởng chừng rất đỗi bình thường. Để rồi chỉ cần một khoảnh khắc bất chợt sáng tỏ, một sự tiết lộ có khả năng thay đổi mọi thứ, bỗng chốc nhân vật và cả người đọc sẽ thấy nhói đau.
10. Mãi đừng xa tôi – Kazuo Ishiguro
Với bối cảnh một thế giới giả tưởng phản địa đàng nhưng vẫn mang tính thực tế, Mãi đừng xa tôi đưa ra một sự tranh luận đầy ám ảnh về số phận và giá trị thực sự của con người.
Kathy, Ruth và Tommy là 3 trong số những đứa trẻ đã lớn lên dưới mái trường nội trú Hailsham. Số phận đã được định đoạt ngay từ đầu, khi họ là những đứa trẻ nhân bản vô tính chỉ với mục đích hiến tạng. Họ thấu hiểu số phận của bản thân nhưng lại không biết làm gì để đấu tranh giành quyền được sống. Tuy vậy, họ vẫn muốn trì hoãn đoạn kết đến chừng nào có thể. Giọng điệu bình thản khắc họa một hiện thực đáng sợ và đầy ám ảnh cùng nỗi đau đớn đến xé lòng của những sinh mệnh không được phép lựa chọn về tình yêu và hạnh phúc.
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE