Tia-Thủy Nguyễn mang nghệ thuật đương đại Việt đến nước Pháp xa xôi
Silver Room – tác phẩm sắp đặt đương đại đầu tiên của Việt Nam xuất hiện trong BST của Château La Coste – phản chiếu cách nhìn của Tia-Thủy Nguyễn về nghệ thuật và cuộc sống một cách đa chiều, đa nghĩa.
“Nghệ thuật đã đưa tôi đến miền đất màu mỡ cho niềm đam mê và sáng tạo không giới hạn”, chính đam mê đó đã khiến nghệ sĩ Tia-Thủy Nguyễn miệt mài lao động trong suốt 2 năm, từ 2016 đến 2018, vượt mọi khó khăn về không gian, thời gian và địa lý để mang tác phẩm sắp đặt Silver Room (tạm dịch là Nhà Bạc) đến tận vùng đồi núi Aix-en-Provence của nước Pháp xa xôi. Với tác phẩm đầy tham vọng này, Tia-Thủy Nguyễn đã mở thêm một cánh cửa để phương Tây bước vào thế giới nghệ thuật đương đại Việt Nam, dạo chơi ở ranh giới giữa sử thi, kiến trúc Tây Nguyên, các nghi lễ Phật giáo và các thực hành thủ công của mỹ thuật Việt Nam.
Tác phẩm Silver Room thuộc bộ sưu tập nghệ thuật đương đại uy tín của Château La Coste, hiện đang được trưng bày trong khuôn viên điền trang tại 2750 Route De La Cride, 13610 Le Puy-Sainte-Réparade, Aix-en-Provence, Pháp.
ELLE Việt Nam đã có cơ hội trò chuyện với Tia-Thủy Nguyễn về tác phẩm mới nhất của cô.
Chào Tia-Thủy Nguyễn! Cơ duyên nào khiến chị quyết định thực hiện Silver Room? Tác phẩm đã được chọn vào bộ sưu tập của Château La Coste như thế nào?
Chào ELLE Magazine và quý độc giả. Trong tất cả thực hành nghệ thuật và công việc của mình, tôi luôn mong muốn mang văn hóa và con người Việt Nam ra Thế giới. Silver Room là tác phẩm nghệ thuật sắp đặt mang đậm hồn Việt, lấy cảm hứng từ tình cảm cá nhân của tôi với kiến trúc và văn hóa Tây Nguyên mà tôi đã từng trải nghiệm trong suốt thời gian đi vẽ thực tế hồi còn là sinh viên trường Mỹ Thuật Yết Kiêu.
Hành trình từ phôi thai ý tưởng đến khi tác phẩm ra đời là một con đường dài. Do ý niệm của tác phẩm phải được đặt tại địa điểm thích hợp, có không gian công cộng đủ rộng ngoài trời, tương tác với người xem, tôi đã đi tìm điểm đặt cũng như làm việc với một số nơi khác nhau trước đó, nhưng có lẽ do chưa đủ duyên nên mấy năm vẫn không thành.
Trong một lần tình cờ gặp giám đốc nghệ thuật của BST Château La Coste, tôi quyết định thử lập “Dự án Nghệ thuật Silver Room” gửi sang Pháp. Hội đồng nghệ thuật của Château La Coste đã xem xét và chấp nhận đưa Silver Room vào BST nghệ thuật này.
Chị có thể nói rõ hơn về những ý niệm và dụng ý nghệ thuật mà chị gửi gắm trong tác phẩm của mình?
Silver Room phản chiếu cách nhìn của tôi về nghệ thuật và cuộc sống, đa chiều, đa nghĩa. Tác phẩm có thể được nói trong 3 ý chính:
Trên trần gian luôn song hành tồn tại cái Thiện và cái Ác. Trong tâm thức và nghệ thuật của mình, Thiện-Ác được tôi biểu đạt tượng trưng bằng Ánh sáng và Bóng tối. Ánh sáng dẫn dắt ta vào cuộc sống bình yên. Nghẫm sự đời lại ngộ ra rằng chỉ có ánh sáng, thực sự không có bóng tối. Bóng tối chỉ xuất hiện khi không có ánh sáng. Cho nên, đi tìm ánh sáng là ước vọng muôn đời của con người. Nó giống như Trường ca Sử thi về chàng Đam San đi tìm ánh sáng từ “Thần Mặt Trời” về cho buôn làng. Do đó, thiết kế mái mở của nhà Rông chính là để đón ánh sáng này.
Tuy nhiên, mọi thứ xảy ra đều do duyên. Ánh sáng cũng cần phải đúng thời điểm thì mới chiếu vào đúng giữa khe hở của căn phòng bạc, sẽ thắp sáng khối tượng Phật bằng đá thạch anh trắng, tượng trưng cho sự thuần khiết của tình yêu. Cũng chính tính “thời khắc” độc đáo này đã nhấn mạnh chữ “duyên” trong Phật giáo, đúng người, đúng thời điểm, không thể gượng ép.
Cách tôi chọn chất liệu gỗ cho nhà Rông và đá khối cho căn phòng bạc, thạch anh trắng cho tượng Phật cũng là có chủ tâm. Theo thời gian, gỗ có thể bị hoai mục nhưng đá sẽ còn mãi, như tình yêu và lòng từ bi mới chính là thứ trường tồn, giúp ta cải hoàn nội tâm, mở rộng tình thương và đem lại hoan hỉ cho con người. Tác phẩm thể hiện lối sống và niềm tin của tôi vào một cõi an nhiên trong tâm hồn, giữa bộn bề những xung đột giữa quá khứ – hiện tại – tương lai; giữa khát khao và sự buông bỏ; giữa những bản sắc của quê hương và sự hòa nhập với thế giới.
Tại sao chị lại chọn giới thiệu văn hóa Tây Nguyên đến thế giới?
Khái niệm “nhà”, ngoài là nơi che mưa nắng, nơi cư ngụ gắn bó cả đời, nó còn mang giá trị cốt lõi “Nếp nhà – Gia tộc”, mang tính tâm linh, tình cảm. Nhà truyền thống Việt Nam thường lấy gỗ, tre làm vật liệu xây dựng cơ bản. “Lớp” đầu tiên của Silver Room là một ngôi nhà Rông, một trong những loại nhà dân gian truyền thống của Việt Nam. Tôi đã nghiên cứu các mẫu nhà theo các nhóm người: Kinh, Khmer, Chăm, các dân tộc ít người sống ở miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Ngôi nhà đặc sắc, hoành tráng nhất là nhà Rông của người Bahna, Tây Nguyên.
Không chỉ đơn thuần là nơi che mưa che nắng, mang tính riêng tư, cá nhân, nhà Rông còn là không gian tập thể, nơi diễn ra các nghi lễ và sinh hoạt của cộng đồng. Công trình kiến trúc này mang đậm tính sử thi hùng tráng từ thời khai sinh của nước Việt và người Việt cổ. Cấu trúc và kỹ thuật xây nhà Rông rất đặc sắc, khiến mỗi căn nhà là một tác phẩm nghệ thuật lớn, nơi hội tụ kiến trúc – điêu khắc – hội hoạ. Đây là không gian thiêng liêng, là linh hồn, là niềm kiêu hãnh của bản làng, là nơi đất – trời dung hòa, mang sinh khí và cuộc sống phồn vinh cho người dân. Nhà Rông chất chứa nhiều tầng văn hoá vật thể và phi vật thể, mang đậm bản sắc Việt Nam. Vì vậy,Tôi đã chọn nhà Rông.
Yếu tố Phật giáo được thể hiện như thế nào trong Silver Room? Nó có tương quan ra sao với văn hóa Tây nguyên khiến chị quyết định đặt hai yếu tố này ở trong cùng một tác phẩm?
Tôn thờ tổ tiên, ông bà cha mẹ đã khuất núi là đạo làm người của chúng ta. Niềm tin vào sự độ trì của tiên tổ, trong nhà hay để Đức Lưu Quang của gia tiên hòng dẫn dắt con cháu hướng thiện, đã ăn sâu vào nếp nghĩ của mọi người Việt. Thường, người ta thờ ông bà chung với bàn thờ đức Phật do tâm tưởng “sống đẹp” ấy tiếp tục được nối vào niềm tin ở đức Phật có lòng từ bi – hỷ xả, cứu độ chúng sinh.
Người đời tin rằng mọi hạnh phúc, khổ đau đều từ tâm mà ra. Khốn nỗi tâm thì luôn bị tham – sân – si chế ngự. Thoát khỏi vọng động, khai trừ vọng tưởng trong tâm để an vui, thanh tịnh, vô lượng, nặng lòng từ bi – bác ái với muôn loài.
Thật ra, tôi chịu ảnh hưởng khá nhiều từ Phật giáo và chân lý sống ở đời của tôi cũng là “cho đi” để tìm sự thanh tịnh trong tâm hồn mình. Sự kết hợp nhà Rông và yếu tố Phật giáo cũng hoàn toàn xuất phát từ nhu cầu biểu hiện những mong muốn nội tâm. Nhà Rông là nơi đất – trời tụ lại cùng tâm Phật hỷ xả – từ bi, tạo nên sự hoag đồng, gắn kết của thiên – địa – nhân, mang lại hạnh phúc cho muôn người.
Vì sao chị phải mất đến 2 năm để thực hiện Silver Room?
Tôi muốn Silver Room vừa mang đậm căn tính nghệ thuật Việt Nam, vừa chứa đựng những tinh hoa thủ công của nòi giống Lạc Hồng. Tác phẩm phải được hoàn công từ những bộ óc sáng tạo, những đôi tay tài hoa, hoàn toàn không có sự can thiệp của máy móc, sắt thép, vật liệu mới hay các ý tưởng ngoại lai.
Ngôi nhà Rông được dựng lên vào loại lớn nhất Việt Nam. Chỉ có kinh nghiệm xây dựng nhà Rông nhiều thập kỷ của các Già Làng người Bahna, nhà Rông mới thành hiện thực được. Thếp bạc trên mặt đá của căn phòng Bạc rộng trên 10m2 lần đầu tiên được thực hiện bởi bàn tay điêu luyện của các nghệ nhân làng Kiêu Kỵ.
Triển khai một công trình văn hóa đồ sộ ở tận miền Nam nước Pháp xa xôi, nơi khí hậu và thổ nhưỡng hoàn toàn khác Việt Nam, không thể lường hết khó khăn, trắc trở, đặc biệt là công đoạn tháo rời từng mảnh của nhà Rông, vận chuyển và sau đó lắp đặt lại ở một nơi hoàn toàn xa lạ. Bên cạnh đó, do tác phẩm là một sắp đặt mang tính đặc thù địa điểm (site-specific), xác định điểm đặt tác phẩm, việc sắp xếp các chi tiết nghệ thuật, phối màu… chuẩn xác với tính toán thực địa về thời tiết, ánh sáng tự nhiên không dễ chút nào!
Hoàn thành Tác phẩm trong 2 năm là sự nỗ lực lớn lao, sự nhiệt tâm hỗ trợ của nhiều người, lao tâm khổ tứ không mệt mỏi của bản thân. Tôi nghĩ 2 năm không phải là dài. Thật tình, tính từ khi phát toát ý tưởng đến khi hoàn thành tác phẩmm, tôi phải mất hơn 5 năm cơ đấy!
Bạn bè quốc tế đã đón nhận tác phẩm như thế nào?
Khách tham quan rất hồ hởi, chăm chú, thích thú, đôi khi cũng thấy ngỡ ngàng, lạ lẫm. Nhiều người trải nghiệm xong, dừng lại trao đổi cùng tôi: “Kiến trúc hoành tráng nhưng cũng rất dung dị, đơn sơ, mang dấu ấn của bàn tay con người, hài hòa với tự nhiên”, “Chúng tôi ngạc nhiên với óc thẩm mỹ, cách xếp đặt khoáng đạt, có cái gì đó là lạ mà lại thân quen, thơ mộng”, “Chúng tôi bị thu hút bởi bức tranh tự nhiên phản chiếu của ánh sáng và cảnh vật đầy màu sắc, tựa như bức sơn mài không gian”, “Chúng tôi chưa bao giờ thấy những quầng hào quang phát ra từ tựơng Phật. Tâm linh Á Đông thật khác lạ”…
Nhiều người đã tìm thấy sự tĩnh tâm khi lưu lại trong Silver Room. Thậm chí, có người ngồi hàng giờ chỉ để chờ một tia nắng lọt qua khe đá, chiếu vào tượng Phật để được chứng kiến giây phút phát quang. Tôi hạnh phúc mỗi khi nghe khách thốt lên: “Ồ! đẹp quá! Kỳ vĩ quá!”, “Đất nước, con người, văn hóa Việt Nam thật đặc sắc”. Tôi rất tự hào!
Vốn nổi tiếng trong lĩnh vực hội họa và thiết kế, chị khiến mọi người rất bất ngờ khi đột nhiên “khoe” một tác phẩm sắp đặt lớn, đồng thời thường xuyên sử dụng nghệ danh mới – Tia-Thủy Nguyễn – trong thời gian gần đây. Đây có phải là dấu hiệu cho một giai đoạn thực hành nghệ thuật khác hẳn trước đây, với “tham vọng” chinh phục nhiều loại hình nghệ thuật và tấn công ra thế giới?
Tôi thường tâm niệm: Lao động nghệ thuật là miền đất màu mỡ của đam mê và sáng tạo vô hạn. Với tôi, không có ranh giới giữa kiến trúc, điêu khắc, hội hoạ, thiết kế, trang trí, sắp đặt, thời trang… kể cả phim ảnh. Tác phẩm nghệ thuật là sự tích hợp, giao hòa đa kỹ thuật, đa ngành, đa văn hóa, tầng tầng lớp lớp tri thức xếp chồng lên nhau.
Thực ra, việc sáng tác nghệ thuật đương đại với tôi không phải là một lĩnh vực mới, mà chính là “nghề cũ”. Tôi có 5 năm học ở trường Mỹ thuật Việt Nam, 9 năm ở Kiev để tiếp tục con đường hội họa. Sau khi đạt được những thành tựu nhất định trong thời trang, phim ảnh và học hỏi từ những đồng nghiệp khác trong suốt quá trình xây dựng và vận hành Trung tâm Nghệ thuật Đương đại The Factory, tôi cảm thấy đã đến lúc mình cần quay lại với “nghề”.
Thực hành của tôi sẽ tiếp diễn và phát triển. Do xã hội xung quanh tôi thay đổi, con người tôi cũng trưởng thành hơn, nhưng sẽ không bao giờ khác hẳn trước đây. Tôi không có “tham vọng” chinh phục nhiều loại hình nghệ thuật, dù bản thân không ngần ngại tìm hiểu một lĩnh vực mới, khám phá một cộng đồng mới. Chủ yếu, tôi muốn thận trọng và nhào nặn cảm xúc đủ lâu, để khi mình đẻ ra tác phẩm, tự thân nó thấm đẫm cái “chất” của mình, mà mình là một phần của xã hội, của Việt Nam.
Đưa nghệ thuật Việt Nam ra nước ngoài ư? Tại sao lại không? Tôi nghĩ, với năng lượng của nghệ sĩ nước nhà, chúng ta hoàn toàn có thể làm được việc đó! Cái ta cần là một môi trường nghệ thuật lành mạnh. Tôi là một cá nhân nghệ sĩ, là một phần của lịch sử và của hệ sinh thái này. Nghệ sĩ chúng tôi cần sự tương hỗ của cộng đồng, nhà sưu tập, bảo tàng, báo chí để có thể cố gắng vươn xa bằng tâm thế và bản sắc Việt Nam!
Cảm ơn chị đã dành thời gian chia sẻ với ELLE. Chúc chị sớm đạt thêm nhiều thành công mới trên con đường thực hành nghệ thuật của mình.
Bài: Đ.T
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Ảnh: NVCC