Văn hóa / Thế giới văn hóa

Tay sát thủ mù – Bất cần và say đắm

[Tạp chí ELLE – tháng 12/2016] Có rất nhiều điều để nói về văn chương Margaret Atwood, một tên tuổi lớn khác của văn chương Canada hiện đại (cùng với Alice Munro).

Chẳng hạn như lối viết hết sức chi tiết, nghệ thuật kể chuyện tự nhiên, sống động, cách dẫn dắt tài tình hay ngôn ngữ sắc lạnh và có phần giễu cợt nhưng chứa chan tình cảm. Tuy nhiên, đáng chú ý nhất có lẽ là tính nữ đậm đạc trong các tác phẩm của bà.

Tay sát thủ mù

Tay sát thủ mù

Những câu chuyện của bà già Iris

“Bà Iris Chase Griffen đã đột ngột tạ thế thứ Tư tuần trước, thọ 83 tuổi, trong ngôi nhà của mình ở cảng Ticonderoga. Bà Griffen là chị gái nữ tác giả danh tiếng người thị trấn là Laura Chase. Bên cạnh đó bà còn là con gái Đại úy Norval Chase, chắc chắn sẽ được thị trấn ghi nhớ lâu dài, và cháu nội Benjamin Chase, người sáng lập công ty Công nghiệp Chase, đã mở Nhà Máy Cúc cùng nhiều cơ sở khác. Thêm vào đó, bà là vợ ngài Richard E. Griffen quá cố, nhà công nghiệp và chính trị gia lừng danh, cũng như chị dâu bà, Winifred Griffen Prior, nhà hảo tâm Toronto vừa qua đời năm ngoái, để lại quỹ tiền thưởng hào phóng cho trường trung học thị trấn ta. Gia đình còn lại cháu gái bà là Sabrina Griffen, cô vừa về nước và nghe đồn là sắp tới thị trấn lo liệu công việc cho bà ngoại” (tr. 469)

Đó là những dòng trích bản tin về cái chết của bà Iris Chase Griffen mà tờ Sứ điệp và Tinh kỳ thuộc Cảng Ticonderoga đã đưa, trong chương cận kề chương cuối cuốn tiểu thuyết Tay sát thủ mù của Margaret Atwood (An Lý dịch; Nhã Nam & NXB Hội Nhà văn ấn hành 2015). Một bản tin tóm lược, giới thiệu ngược trở lại các nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết. Laura Chase: em gái của Iris người đã qua đời ở tuổi 25, sau một tai nạn ô tô, hay có thể nói là tự lái xe lao xuống vực, để lại một bản thảo dở dang: Tay sát thủ mù. Iris, khi về già, lọm khọm, đơn độc, bị bệnh tim, luôn sống trong trạng thái bị phơi bày sự tan hoang của tuổi tác. Bà muốn náu mình, muốn quên lãng. Nhưng việc tình cờ tìm thấy bản thảo của Laura khiến quá khứ sống dậy. Từng trang bản thảo, mỗi khi giở ra, khiến bà nhớ lại, liên tưởng, ráp nối và “ngoan cường viết” như hiệu đính (những phần trong bản thảo dang dở của cô em Laura), bình luận và hoàn thiện, một cách tinh tế, hài hước, thậm chí có phần độc địa.

Một thiên truyện trải dài gồm ba câu chuyện đan cài vào nhau như dệt vải kiểu ngẫu hứng, rất phong phú và bất ngờ. Từ thời thơ ấu, với những biến cố lớn lao như chuyện chiến tranh và những rung động đầu đời. Tưởng chẳng là bao, chẳng có nghĩa lý gì, nhưng khi chạm vào sột soạt trang giấy, khi chữ dẫn đường cho cảm xúc, thì Iris nhớ lại, cảm xúc cứ dâng mãi lên như nước dâng lên lòng hồ, rồi tràn bờ đập lai láng, miên man. Và dần dần hé lộ những bí mật trong cuộc đời từng nhân vật.

Cấu trúc “truyện lồng trong truyện” Atwood sử dụng không phải tân kỳ gì. Nhưng đây không phải là cuốn sách đặt nặng vấn đề kỹ thuật hay cấu trúc (mặc dù nó được tác giả tính toán khá thông minh). Đây có lẽ là một tuyệt tác về văn phong, cách hành văn điêu luyện chỉ có ở những bậc thầy. Cho nên, câu chuyện dẫu dằng dặc, đôi khi có cảm giác lê thê, ảm đạm như bánh xe lửa rin rít trên đường ray ngày mưa vẫn khiến người đọc bị mê hoặc, chìm đắm.

Lời là lửa cháy trong lòng kinh tối

Tay sát thủ mù - Bất cần và say đắm - Margaret Atwood
Tác giả Margaret Atwood

Từng câu chữ được viết ra, từng trang văn được bày biện ngập tràn cảm xúc, tỉ mẩn đến từng chi tiết. Tuy nhiên, không chỉ có vậy, văn chương Atwood vừa viễn tưởng về phía tương lai vừa phảng phất chút phong vị cổ điển u hoài. Giở bất kỳ trang văn nào, người đọc cũng có thể bắt gặp những câu, đoạn văn hay và lạ, tỉa ra những đoạn kinh điển. Một đoạn tả thời tiết: “Cái nóng mùa Hè đã về đầy đủ, vánh lại trên thị trấn như súp kem. Tiết trời sốt rét, một thời; tiết trời thổ tả. Hàng cây che đường tôi đi xòe những tán ô rũ rượi, giấy ẩm nhớp dưới tay, chữ viết đâm râu tua tủa như son môi rỉ vào đường chân chim ven khuôn miệng già cỗi. Chỉ cần leo thang đã trổ một hàng ria mồ hôi”… (tr. 48)

Hoặc: “Thảm dệt ra đời này sang đời khác đều nhờ trẻ con nô lệ, bởi
chỉ có ngón tay trẻ con mới đủ nhỏ cho những động tác tinh vi đến thế. Nhưng những giờ dằng dặc sít sao khiến đám trẻ lên tám hay chín là thảy mù lòa, và người bán thảm dựa vào đó mà tính toán cũng như quảng bá giá trị hàng hóa. Tấm thảm này đã khiến mười đứa trẻ mù đấy, họ rao thế”. (tr. 24) Những câu văn đầy bi phẫn và hài hước, bóc trần tất cả, từ chuyện tình yêu, hôn nhân đến chính trị, nghệ thuật, tài phiệt qua giọng kể cay độc, tưởng như vô cảm của bà già “khó ưa” Iris.

Không dễ gì tìm được một tác giả có giọng văn vừa ngầu đời, bất cần mà vừa lại thi vị và say đắm như vậy. Nó dường như lột tả hết tính cách nhân vật, cô gái tên Iris với một vẻ nhu mì cam chịu nhưng ẩn chứa một nội tâm nổi loạn, cá tính ngang ngạnh tiềm tàng với khát vọng tự do. Không tâm sự hay thở than, không một chút ai oán, Iris chính là hiện thân của tính nữ, mềm mại dịu dàng nhưng không bao giờ đầu hàng hay bỏ cuộc, với sự bền bỉ âm thầm và khôn khéo. Iris là kiểu phụ nữ bao nhiêu sức mạnh lặn cả vào trong để sự nhún nhường ra mặt chiến đấu. Cô kiên cường nhưng không lộ liễu, mạnh mẽ nhưng không phô phang, nữ tính nhưng không ẻo lả.

Và vì bà là một nhà thơ, nên chúng ta có một cuốn sách đầy chất thơ và tính ẩn dụ, đồng thời có một cuốn sách gai góc, đầy những vết thương. Tấm vải mà Margaret dệt nên vừa mềm mại vừa thô nhám, vừa êm ái vừa đầy vết cứa. Nó chính là thế giới được chiếu rọi từ ánh sáng phát ra phía tâm hồn những người phụ nữ, đầy nhạy cảm nhưng rất can trường. Không nhiều, nhưng đủ để quàng chiếc khăn lên mình như khát vọng của chính họ, được cuộc đời ôm ấp và vỗ về đầy dịu dàng và đau đớn. Như khoác lên mình thứ mà thế giới này ưu ái dành cho họ, là tình yêu.

Một tác phẩm đáng thưởng thức, như lời Margaret mượn của Sheila
Watson đề từ: Lời là lửa cháy trong lòng kinh tối.

Ngày 30/11 vừa qua, Nhã Nam phối hợp cùng Câu lạc bộ Đọc sách đại học Hà Nội tổ chức buổi tọa đàm về Atwood, trọng tâm là cuốn Tay sát thủ mù – từng đoạt giải Man Booker năm 2000, giải Hammett năm 2001, được tạp chí Time bình chọn là một trong những tiểu thuyết hay nhất năm 2000, được đưa vào danh sách 100 tiểu thuyết tiếng Anh vĩ đại nhất kể từ năm 1923. Theo đánh giá của The Washington Post Book World, tiểu thuyết có “Nghệ thuật kể chuyện vĩ đại trên quy mô lớn…Tuyệt hay”.

Xem thêm

Cá voi đỉnh núi – Hành trình của giấc mơ

Những quyển sách hay nên đọc trước khi bước vào tuổi 30

6 cuốn sách hay nên đọc của Eric-Emmanuel Schmitt

Nhóm thực hiện

Bài: Trần Nhã Thụy - Hoàng Liên (Nguồn Tạp chí Phái đẹp ELLE)
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)