Tết cổ truyền Việt Nam vốn là một mỹ tục gắn liền với tâm thức mỗi người từ lúc còn thơ bé và theo ta đến hết cuộc đời. Tết là một sinh hoạt văn hóa vừa mang tính dân tộc, vừa in đậm dấu ấn cá nhân trong mối tương quan với gia đình và cộng đồng. Ký ức về Tết cũng thay đổi theo năm tháng. Hẳn ai cũng từng là một đứa trẻ mong Tết, mong được có quần áo đẹp, bánh kẹo ngon, tiền mừng tuổi; được gặp gỡ anh chị em, bạn bè, được vui chơi thỏa thích và ngủ đẫy giấc, vô âu vô lo. Nhưng rồi, cũng chính đứa trẻ ấy lại dần cảm thấy lạc lõng, xa lạ và mệt mỏi vào những ngày Tết, khi bắt đầu phải mang trên vai vô vàn trách nhiệm, cả về vật chất lẫn tinh thần.
Tết là dịp để trở về. Những người con đi làm, đi học xa nhà bắt đầu gói ghém hành trang, vượt đường vạn dặm để trở về với cha mẹ. Những người sống chung một nhà cũng dành nhiều thời gian hơn cho gia đình, cùng nhau dọn dẹp, sắm sửa, bài trí. Tết lẽ ra là cơ hội để gia đình kết nối, gần gũi và thấu hiểu nhau hơn, để ôn cố tri tân và chúc tụng nhau những hy vọng mới; nhưng đồng thời, nó cũng làm bộc lộ hoặc khắc sâu hơn những vấn đề cố hữu. Đó là những mâu thuẫn trong quan điểm đón Tết giữa các thế hệ, những áp lực vô hình khó nói thành lời, những câu hỏi thiếu tế nhị của họ hàng, những chuỗi ngày ăn uống ồn ào bất tận và dọn dẹp không ngơi nghỉ… Nếu thế hệ ông bà, cha mẹ nhất định phải giữ nguyên các tập tục, lễ nghi từ năm này qua năm khác thì thế hệ trẻ – trong khi cố gắng chiều lòng cha mẹ – ngày càng bối rối với câu hỏi: Ý nghĩa thực sự của ngày Tết là gì?
BÀI LIÊN QUAN
Một cách ngẫu nhiên, những cây bút tham gia chuyên mục đặc biệt của số này đều đã từng suy tư về câu hỏi trên, thậm chí lựa chọn rời xa Tết, để rồi cuối cùng lại tìm về với Tết.
Nhà thơ Nhược Lạc từng cảm thấy “buồn và trống rỗng” vào mỗi thời khắc giao thừa vì “chưa bao giờ thực sự được ngắm pháo hoa hay nghe trọn vẹn một bản nhạc năm mới”. Lúc nào chị cũng tất bật dọn dẹp hay cặm cụi làm một cái gì đó. Từng có lúc nghĩ rằng mình không thích Tết, hay Tết không dành cho mình, chính Nhược Lạc lại lặn lội đi chợ châu Á để tìm đủ nguyên liệu nấu một tô canh của người Việt, bày một mâm ngũ quả vào đêm giao thừa đầu tiên xa nhà. Đó là bước đầu tiên của hành trình từ “làm hòa với Tết” cho đến “một cái Tết như ý” khi chị có gia đình nhỏ của riêng mình.
Cây viết Phạm Huỳnh Đào, sau bao năm bôn ba và quyết định bỏ phố về quê, đã chọn đón Tết như cách của ba mẹ, chỉ khác là cô bạn chọn thưởng thức thay vì chống đối như trước đây. Bởi vì, “ba mẹ cho mình tự do sống như ý muốn và mình cũng học cách buông để người mình thương sống theo cách mà họ thấy tự nhiên và thoải mái nhất, để mỗi người được là chính mình”. Trong khi đó, cây viết Phương Chi đã quyết định bước lên chuyến bay du ngoạn châu Âu vào chiều 29 Tết. Nhưng bất cứ lúc nào, chỉ một cuộc gọi video, một tin nhắn gửi cho gia đình, chị cũng cảm thấy mình đã “về nhà”. Về nhà không nhất thiết phải là sự hiện hữu trong một không gian cụ thể. Như cái cách bạn trai chị nói rằng: “Ở đâu có em là ở đó có Tết”.
Phải chăng, ở đâu là nhà, ở đó có Tết? Dù bạn yêu Tết hay ghét Tết, mong Tết hay chạy trốn Tết, Tết vẫn sẽ tồn tại khi cộng đồng và gia đình của chúng ta còn tồn tại. Không có con người, mùa Xuân vẫn đến, tiết trời vẫn se lạnh dịu dàng, nắng vẫn ấm áp và cỏ cây vẫn đâm chồi nảy lộc. Nhưng có con người, có văn hóa, chúng ta có Tết, vì chúng ta có nhau. Đâu cần phải đi xa mới hiểu giá trị của sum vầy. Chỉ cần mở lòng, thứ tha, bao dung và thấu hiểu cho nhau, bạn sẽ thấy mọi lựa chọn đều ở trong tay mình. Và nhà vẫn luôn ở đó, như vốn dĩ.
Mong bạn luôn được trở về “nhà”, ngôi nhà đúng nghĩa, và gặp lại Tết trong tâm thức bằng ánh nhìn trong trẻo của chính mình.
Nhóm thực hiện
Bài: Đông Quân
Minh họa: Đức Tiến