Văn hóa / Thế giới văn hóa

Thân phận người kỹ nữ khi bước vào các tác phẩm văn học

Hình ảnh người phụ nữ trong văn học không còn là điều mới mẻ. Tuy vậy, với hình ảnh người kỹ nữ - đề tài có phần hơi “nhạy cảm” với thời đại trước và dường như đối tượng này cũng kén người đọc thì những tác phẩm có khai thác hình ảnh kỹ nữ trở nên khá hiếm.

“Kỹ nữ” dù ở thời đại nào chăng nữa, họ chưa bao giờ được xã hội coi trọng. Người ta nhìn họ với ánh mắt dò xét, nếu như ở cái thời mà nhân tình trở thành thú vui thời thượng như xã hội Pháp thế kỉ 19, khi người kỹ nữ còn tiền tài và sắc đẹp, vây quanh họ là hàng ngàn lời ong bướm từ những gã tình nhân, sự ghen tị từ các bà, các cô thuộc tầng lớp thượng lưu. Nhưng khi tuổi xuân qua đi và tiền bạc biến mất, còn lại bên người con gái ấy chỉ là sự đơn độc, khinh ghét của người đời. Văn chương không như vậy! Văn chương có cái nhìn vị tha, bao dung với mọi kiếp người trong xã hội. Nó đào sâu vào mọi góc khuất, vào mọi khía cạnh đời sống. Để thấy rằng, cuộc đời người kỹ nữ không đơn giản chỉ có cuộc trao đổi tình-tiền mà ở họ còn là tình yêu thầm kín, một số phận trớ trêu, hay là nạn nhân của nền giáo dục,…. Các nhà văn đã khai thác hình ảnh người kỹ nữ trên nhiều phương diện khác nhau, để cho đến bây giờ nhiều tác phẩm văn học vẫn còn nguyên giá trị.

1. Trà hoa nữ (Alexander Dumas)

Câu chuyện bắt đầu từ lời kể của nhân vật Tôi về buổi bán đấu giá đồ vật trong căn biệt thự sang trọng mà chủ nhân của nó đã chết tuần trước. Nhân vật mang danh Trà hoa nữ cũng dần xuất hiện trong kí ức người kể. Trà hoa nữ vốn là biệt danh của cô kỹ nữ xinh đẹp Marguerite Gautier. Cô kỹ nữ yêu hoa trà, mỗi ngày đều xuất hiện với một bông hoa trà màu trắng, riêng chỉ có 5 ngày là hoa trà đỏ mang nghĩa những ngày này cô không sẵn sàng tiếp khách.

Marguerite ý thức được sắc đẹp trời ban cho mình, biết dựa vào đó để sống phụ thuộc bằng tiền của những gã nhân tình giàu có trợ cấp cho cô. Mối quan hệ xung quanh nàng kỹ nữ tuy là những lời nói có cánh, ngọt ngào từ những gã trai nhưng thực chất đó chỉ là những cuộc tình chỉ có sự đổi chắc tiền-sắc. Tiền bạc đến với Marguerite quá dễ dàng khiến cô tiêu xài hoang phí, không biết yêu thương ai, thậm chí cả cách yêu thương bản thân mình. Tuy vậy, tình yêu chẳng chừa ai, thậm chí cả một cô gái giang hồ như Marguerite cũng gặp được tình yêu của mình – chàng Duval hào hoa, thông minh và giàu tình thương.

Bức chân dung nàng Marie Duplessis do Edouard Vieno vẽ.

Một cốt truyện quá đơn giản, khiến nhiều người tự đặt câu hỏi vì sao Trà hoa nữ lại trở thành tuyệt tác, tác phẩm nổi tiếng nhất trong nghiệp viết lách của Alexander Dumas con? Nàng trà hoa nữ trong tác phẩm chính là hình ảnh nàng Marie Duplessis-kỹ nữ lừng lẫy của Paris với sắc đẹp làm tan chảy trái tim bất cứ đấng mày râu nào. Còn chàng ở đây chính là tác giả, mà khi họ gặp nhau, Dumas chưa có bất cứ tiếng tăm nào với nghiệp viết. Mối tình giữa họ tuy chỉ kéo dài 1 năm nhưng lại trở thành nguồn cảm hứng để Alexander Dumas viết nên tác phẩm tuyệt diệu, tạo nên tên tuổi lẫy lừng của ông.

Khuôn mẫu nhân vật là thật nhưng các chi tiết sau đó lại do ngòi bút sáng tạo của Dumas mà thành. Nội dung không ly kỳ, không hấp dẫn, không kịch tính nhưng nó chân thật, thật đến mức ta có thể cảm thấy nỗi đau của nàng kỹ nữ ấy. Đúng! Nàng là kỹ nữ, nhưng trong nàng vẫn chứa đựng tình yêu, một tình yêu trong sáng đến lạ lùng với Duval. Nàng trà hoa nữ quen sống trong nhung lụa, quen yêu chiều vậy mà sẵn sàng hi sinh mọi thứ cho tình yêu. Quyết định rời bỏ người mình yêu nhất cũng chỉ vì tương lai của chàng. Điều đó có đáng quý hay không? Tình yêu có thể cứu rỗi nhiều điều, dù đó có là cuộc đời của những người mà thời bấy giờ họ hay gọi với cái tên “gái giang hồ”.

2. Hồi ức của một Geisha (Arthur Golden)

Hồi ức của một Geisha không phải câu chuyện của chính tác giả mà do ông kể lại từ lời của một Geisha ông gặp khi bà đã ở tuổi tứ tuần tên Sayuri. “Geisha” thường khiến người ta lầm tưởng đó là những kỹ nữ hạng sang trong xã hội Nhật Bản, đơn giản hơn đó chỉ là một biến tướng của gái điếm lúc đó. Tuy nhiên, khi tìm hiểu sâu hơn về nền văn hóa Nhật thì đây không phải sự thật. Thực chất chữ  “Gei” theo tiếng Nhật nghĩa là “nghệ thuật”, nhằm chỉ những người phụ nữ làm công việc mua vui cho khách bằng cách biểu diễn các tài nghệ như đàn, múa, nói chuyện,… Họ không được quan hệ với khách khi sử dụng tư cách Geisha, và việc kết hôn với họ cũng coi như chấm dứt nghề.

Quay trở lại với cuốn sách Hồi ức của một Geisha, Sayuri kể về cuộc đời của mình từ khi bà còn nhỏ, hồi mà cái tên Chiyo (tên lúc nhỏ của Sayuri) vẫn còn gắn với bà. Ở đó có ngôi nhà cũ nát ở làng chài nghèo đói Yoroido, Chiyo cùng chị gái mới đầu nghĩ rằng bản thân sẽ được ông Tanaka nhận nuôi nhưng cuối cùng họ lại bị bán vào các nhà Okiya và ở đây nhờ sắc đẹp và sự thông minh Chiyo được gửi tới trường đào tạo Geisha. Nhưng cuộc đời nhưng người như Chiyo có bao giờ êm đềm. Phải sống cùng nhà với Geisha nổi tiếng Hatsumono, cô ta ghen tị với sắc đẹp và tài năng của Chiyo ngay từ khi cô bé bước vào nhà; Hatsumono tìm đủ mọi cách nhằm hủy hoại cuộc sống cô bé khiến nhiều lần Chiyo muốn tự tử để thoát khỏi nơi tưởng chừng như địa ngục đó. Một lần tuyệt vọng, Chiyo gặp được người đàn ông mang đến cho cô rung động tình yêu đầu tiên, khiến cô muốn thoát khỏi kiếp lầm than, khiến cô quay trở lại căn nhà đó và mong muốn trở thành Geisha quyến rũ.

Tác phẩm không khai thác hay nhằm truyền tải thông điệp sâu xa nào mà đơn giản nó chỉ tóm tắt, kể lại cuộc đời nàng Geisha tài sắc Sayuri. Tuy vậy, khi đọc Hồi ức một Geisha người ta mới thấm thía cho số phận những người phụ nữ mua vui cho đời. Họ tài sắc, xinh đẹp nhưng lại phải che giấu tình yêu sâu thẳm trong trái tim. Bên cạnh đó, nét đặc sắc trong văn hóa Nhật Bản hiện lên qua lời kể của Sayuri cũng khiến người đọc tò mò thích thú.

3. Con gái người kỹ nữ (Juliet Philip)

Cũng có sự liên quan đến người kỹ nữ nhưng lại với vị trí khác. Câu chuyện kể về Kamada, con gái một gái gọi cao cấp, chuyên phục vụ các quý ông ở thành phố Mumbai. Giống như nhiều cô gái là có mẹ làm gái gọi, Kamada không biết rõ ai là cha mình, cô phải tiếp xúc với cái thế giới đầy tệ nạn, dơ bẩn xung quanh bản thân từ rất sớm. Phải sống trong môi trường như vậy, cô gái bé nhỏ nếu không đủ vững vàng sẽ dễ dàng bước theo vết xe đổ mà mẹ cô đã đi trước đó. Kamada không nhưng vậy, cô lạc quan và mạnh mẽ hơn vậy. Cố gắng đi làm, thu thập kiến thức là cách tốt nhất để Kamada giúp chính bản thân mình thoát khỏi môi trường tăm tối ấy.

Juliet Philip đã phác họa một góc đời sống xã hội thị thành Mumbai, cho dù một thành phố với nhiều nét văn hóa độc đáo thì trong nó vẫn luôn tồn tại nhiều góc khuất khiến ta chẳng ngờ tới. Trong thế giới ấy, tâm hồn thánh thiện, lạc quan và mạnh mẽ như Kamada vẫn tồn tại. Sẵn sàng đối diện với sự thật bi kịch để rồi tìm cách vượt qua nó, biến cuộc sống tương lai chính bản thân mình trở nên tốt đẹp hơn.

Xem thêm

7 cuốn sách thú vị về phụ nữ Pháp

Truyện Thúy Kiều – Phản đối và lý giải

Góc nhìn về tình yêu qua các tác phẩm văn học kinh điển

Nhóm thực hiện

Trần Linh Trang (Nguồn: Tạp chí Phái Đẹp ELLE)
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)