Tiếp nối nguồn cảm hứng của Tháng Tự hào (Pride Month), ELLE Việt Nam có cơ hội trò chuyện với Lê Việt Anh, thành viên của NextGen Hà Nội và Hanoi Pride. Với 5 năm hoạt động phong trào, Việt Anh đã chia sẻ nhiều thông tin quý giá về quá trình vận động thay đổi luật vì quyền lợi của cộng đồng LGBTIQ, đặc biệt là người chuyển giới.
Chào Việt Anh! Việt Anh nói một chút về hoạt động của Hanoi Pride năm nay nhé.
Trong những năm vừa qua, Hanoi Pride đã tổ chức nhiều hoạt động, đặc biệt là các sự kiện diễu hành tăng hiện diện và vận động thay đổi luật. Mặc dù vẫn chưa đạt được nhiều kết quả rõ rệt về luật nhưng ở khía cạnh xã hội, người dân Hà Nội đã bắt đầu quen với màu cờ cầu vồng và dành sự quan tâm nhất định cho cộng đồng LGBTIQ.
Năm nay, Hanoi Pride muốn nhấn mạnh câu chuyện của người chuyển giới, về cuộc sống và những khó khăn mà họ đang gặp phải. Chúng mình sẽ tổ chức một chuỗi sự kiện như workshop, tham vấn tâm lý, chiếu phim, triển lãm, diễu hành Tự hào,… có sự liên kết với các nhóm cộng đồng khác. Thông qua đó, Hanoi Pride muốn gửi gắm thông điệp rằng: Tất cả chúng ta đều là một phần của cộng đồng, không ai nên đơn độc hay bị bỏ lại phía sau.
Hiện tại, cộng đồng LGBTIQ nói chung và người chuyển giới nói riêng đang đấu tranh để đạt được những quyền lợi pháp lý nào?
Có hai vấn đề lớn mà cộng đồng LGBTIQ vẫn đang đấu tranh suốt gần 10 năm qua là quyền chuyển đổi giới tính cho người chuyển giới và quyền kết hôn giữa hai người cùng giới.
Năm 2014, Luật Hôn nhân và Gia đình có sự sửa đổi, không cấm các cặp đôi đồng giới tổ chức hôn lễ nhưng lại không được thừa nhận về mặt pháp luật. Nghĩa là, các cặp đôi này không có quyền như những cặp vợ chồng khác trong vấn đề nhân thân như sở hữu tài sản hay trong mối quan hệ với con cái. Cộng đồng LGBTIQ xem đây là môt bước lùi để chuẩn bị cho cuộc vận động thay đổi luật trong 10 năm tiếp theo.
Hiện tại, mọi người đang tập trung vào vận động luật liên quan đến quyền của người chuyển giới vì các dự luật đã được đề xuất, chỉ chờ được thông qua nữa thôi.
Người chuyển giới có hai mong muốn quan trọng nhất: Được hỗ trợ về y tế trong việc phẫu thuật chuyển giới hay sử dụng hormone, và đặc biệt là được thay đổi giới tính trên các văn bản pháp luật. Tuy nhiên, dự luật này vẫn đang gây ra tranh cãi trong 3 năm qua, chủ yếu xoay quanh phương pháp xác định một người như thế nào thì được xem là “người chuyển giới”. Mỗi nước lại có một khung pháp lý khác nhau nên để tìm ra khung pháp lý phù hợp với văn hóa và pháp luật Việt Nam không phải là chuyện một sớm một chiều.
Vậy, theo đề xuất của Bộ Y tế, đâu là giới hạn để xác định một người là người chuyển giới?
Bộ Y tế đã tham khảo ý kiến và kinh nghiệm của các chuyên gia, cộng đồng LGBTIQ và pháp luật ở nhiều nước khác để tìm kiếm phương pháp hợp lý. Ban đầu, Bộ Y tế đưa ra dự luật là chỉ cần phẫu thuật một phần hoặc có chứng nhận tâm lý là đủ cơ sở để xác định một người chuyển giới.
Tuy nhiên, luật pháp luôn phải cân bằng, song hành với sự phát triển của xã hội và nhận thức của người dân. Nếu luật đưa ra không phù hợp với nhận thức của xã hội thì có thể tạo ra tranh cãi và dư luận trái chiều, dẫn đến việc khó được Quốc hội thông qua.
Vậy nên, sau này, Bộ Y Tế đưa ra 3 đề xuất: (1) Phẫu thuật bộ phận sinh dục, (2) Phẫu thuật ngực, (3) Sử dụng hormone trong 2 năm. Cần ít nhất 1 trong 3 điều kiện này. Cả 3 đề xuất đều phải đi kèm thăm khám bác sĩ tâm lý, làm những bài kiểm tra tâm lý để đảm bảo rằng khi đưa ra quyết định, bạn hoàn toàn có khả năng nhận thức và hiểu rõ bản thân mình. Một khi đảm bảo được các điều kiện trên, bạn sẽ được công nhận.
Như vậy, sẽ phải có sự phối hợp giữa tổ chức y tế và các chuyên gia tâm lý đúng không? Những ai sẽ có thẩm quyền xác định giới tính của một người?
Hiện tại, Việt Nam đã có 5 bệnh viện có đủ khả năng để xác định lại giới tính rồi. Các bác sĩ tại đây sẽ có thẩm quyền xác định xem một người có được phẫu thuật chuyển đổi giới tính hay không. Sau phẫu thuật, bệnh viện sẽ cấp giấy xác nhận có giá trị để công an cấp lại giấy tờ cho người chuyển đổi giới tính.
Tại sao đến bây giờ, dự thảo luật vẫn chưa được thông qua?
Theo quy định của luật pháp Việt Nam, mỗi Bộ chỉ được điều chỉnh 4 luật trong một kỳ họp Quốc hội. Đối với Bộ Y tế, có một số luật ảnh hưởng rộng rãi đến toàn thể người dân nên cần được ưu tiên, còn Luật chuyển đổi giới tính vẫn chưa cần thiết lắm vì phạm vi tác động nhỏ hơn. Có thể mọi người sẽ phải tiếp tục chờ đợi thêm một vài năm nữa.
Cộng đồng có thể làm gì để thúc đẩy dự luật nhanh chóng được điều chỉnh và thông qua?
Quan trọng nhất vẫn là thay đổi nhận thức của xã hội. Các nhà làm luật luôn phải cân nhắc mức độ nhận thức của xã hội để thay đổi luật cho phù hợp. Trước mỗi thay đổi về luật, luôn có những cuộc khảo sát để đánh giá thái độ xã hội. Nếu những người ở ngoài cộng đồng LGBTIQ có thể mở lòng, tìm hiểu thông tin, đồng cảm và chia sẻ với cộng đồng LGBTIQ… thì sẽ giảm được thái độ kỳ thị và phân biệt đối xử. Thái độ xã hội thay đổi sẽ thúc đẩy cho dư luật được thông qua sớm hơn.
Khi luật chưa được thông qua, người chuyển giới đang phải đối mặt với những khó khăn nào?
Khó khăn lớn nhất là về mặt y tế và sức khỏe. Những bạn có điều kiện kinh tế có thể ra nước ngoài thực hiện phẫu thuật chuyển giới. Tuy nhiên, khi về nước, các bạn dễ gặp phải các vấn đề hậu phẫu nhưng lại không được hỗ trợ về mặt y tế, phải tốn thêm chi phí bay ra nước ngoài xử lý, thậm chí, vì không được xử lý kịp thời, các bạn có thể gặp phải những hậu quả nghiêm trọng hơn.
Còn những bạn không có điều kiện kinh tế, không sống ở thành phố lớn, không được tiếp cận y tế… đôi khi chọn sử dụng hormone “chui”, rất dễ gặp phải hormone giả, kém chất lượng. Khi có vấn đề về sức khỏe, các bạn lại bị các cơ sở y tế từ chối xử lý.
Mặc dù các bác sĩ ở Việt Nam hoàn toàn có khả năng nhưng vì luật không cho phép, họ không thể hỗ trợ người chuyển giới vì sợ liên đới trách nhiệm. Điều này càng cho thấy tính cấp thiết của việc thông qua luật.
Còn đối với những người chuyển giới không có nhu cầu phẫu thuật thay đổi cơ thể sinh học thì sao?
Các bạn ấy sẽ gặp khó khăn trong việc được công nhận về ngoại hình hoặc tên tuổi. Thường thì các bạn ấy băn khoăn về kỳ thị xã hội nhiều hơn vấn đề sức khỏe.
Hiện nay, có nhiều khái niệm phức tạp về cộng đồng LGBTIQ khiến cho những người bên ngoài cộng đồng dễ bị nhầm lẫn, ví dụ như “người chuyển giới” và “người đồng tính”. Việt Anh có thể giải thích thêm về hai khái niệm này không?
Nói dễ hiểu thì “đồng tính” phụ thuộc vào việc bạn yêu ai. Nếu bạn yêu một người có cùng giới tính, bạn được xác định là người đồng tính. Còn “chuyển giới” phụ thuộc vào cảm nhận cá nhân của bạn về cơ thể mình, nó không liên quan đến việc bạn đã yêu ai hay chưa.
Hãy bắt đầu từ việc xác định mình là người chuyển giới hay không chuyển giới. Bạn có phiền muộn về giới tính, cơ thể mà mình đang có? Bạn có mong muốn đổi sang cơ thể khác không? Bạn có sống được với những sai khác cả bên trong lẫn bên ngoài không? Sau khi xác định bạn là ai, bạn có thể gọi tên mối quan hệ với một hay nhiều người khác.
Dẫu vậy, nếu bạn vẫn đang băn khoăn về chính mình – không biết nên gọi mình là ai thì cũng đừng lo lắng, vì việc khám phá chính bản thân mình không chỉ diễn ra ở một thời điểm mà là một hành trình dài.
Ngoài vận động luật, Hanoi Pride nói riêng và các tổ chức ủng hộ cộng đồng LGBTIQ nói chung cũng nên đẩy mạnh các hoạt động phổ biến thông tin, kiến thức nữa, đúng không?
Thực ra, một trong những điều mà các tổ chức hoạt động vì quyền LGBTIQ đang quan tâm hiện nay là sức khỏe tâm trí (mental health) của cộng đồng. Các bạn LGBTIQ chịu những áp lực khác nhau từ bản thân, gia đình và xã hội. Khi không có phương án giải tỏa hoặc nơi tư vấn, các bạn dễ có suy nghĩ tiêu cực và đưa ra những quyết định sai lầm.
Hiện nay, có rất nhiều hình thức chăm sóc sức khỏe tâm trí cho cộng đồng LGBTIQ như đường dây tham vấn tâm lý, các group/page khuyến khích các bạn chia sẻ câu chuyện và đề nghị giúp đỡ, tư vấn; nhiều nội dung liên quan đến thông tin, kiến thức được đăng tải để các bạn có thể tự tìm hiểu bản thân mình… Một cộng đồng phải khỏe mạnh thì mới có thể hoạt động tốt và mang đến những thay đổi có ý nghĩa.
Cảm ơn những chia sẻ hữu ích của Việt Anh.
—
Về Hanoi Pride
Pride là một sự kiện nhằm nâng cao nhận thức của xã hội, giáo dục cộng đồng về tính đa dạng của tính dục và trao quyền cho nhóm tính dục thiểu số. Tại rất nhiều đất nước, như Thụy Điển, Hà Lan, Úc, Pride là một sự kiện thường niên thu hút hàng triệu người tham gia bao gồm cả các nhà chính trị, các nhà hoạt động xã hội, người đồng tính, song tính, người chuyển giới, người liên giới tính và queer (LGBTIQ), các liên minh và những ai ủng hộ cho quyền bình đẳng và nhân ái. Năm 2012 tại Việt Nam đã đánh dấu sự kiện Pride đầu tiên trong lịch sử của người đồng tính ở một đất nước mà quan hệ đồng giới vốn bị cấm kỵ từ rất lâu đời. Lần đầu tiên, lá cờ cầu vồng phất lên trên những con đường của thủ đô Hà Nội, đem lại sự xúc động cho rất nhiều người LGBTIQ Việt Nam. Cũng giống như Pride ở những lục địa khác trên thế giới, Pride của người Việt (Viet Pride) kêu gọi sự liên kết toàn cầu để xóa bỏ định kiến, phân biệt đối xử, sự hổ thẹn và che giấu của xu hướng tính dục và bản dạng giới.
Năm 2019 đánh dấu sự kiện Hanoi Pride lần thứ 8, với sự tham gia của 14 tổ chức bao gồm các hội nhóm cộng đồng, tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp xã hội hoạt động vì quyền LGBTIQ tại Hà Nội, cùng sự hỗ trợ của các đối tác trong và ngoài nước, các thành viên cộng đồng LGBTIQ và người ủng hộ trên khắp Việt Nam.
Về NextGEN Hà Nội
NextGEN Hà Nội là tổ chức các nhà lãnh đạo trẻ hoạt động hướng tới chấm dứt tình trạng phân biệt đối xử dựa trên cơ sở xu hướng tính dục, bản dạng giới và thể hiện giới nhằm đảm bảo việc công nhận và thực thi quyền con người cho các thành viên trong cộng đồng LGBTIQ tại Việt Nam. Với kinh nghiệm 04 năm hoạt động, NextGEN Hà Nội tập trung vào 3 mảng chính bao gồm:
– Nâng cao năng lực cộng đồng thông qua các hoạt động tập huấn về kiến thức đa dạng tính dục và các kĩ năng cần thiết để thiết kế và thực hiện hoạt động.
– Kiến tạo một môi trường thân thiện và bình đẳng cho cộng đồng LGBTIQ và cả các nhóm thiểu số khác tại gia đình, trường học, nơi làm việc, các nơi công cộng và không gian mạng.
– Thúc đẩy vận động chính sách thông qua các hoạt động tham vấn và tham gia vào các cơ chế báo cáo.
Về WE MATTER – Vì mỗi cuộc đời đều ý nghĩa
We Matter – Vì mỗi cuộc đời đều ý nghĩa là chuỗi phim phỏng vấn 30 người chuyển giới tại Hà Nội và TP.HCM, được thực hiện bởi Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE). Chuỗi phim phỏng vấn mong muốn có thể đưa tiếng của người trong cuộc về những khó khăn, thách thức và khát khao đến với công chúng, đồng thời góp phần vào tiến trình hiện thực hóa Luật Chuyển Giới 2015.
Vào năm 2015, cộng đồng người chuyển giới đã lên tiếng để quyền của người chuyển giới được thừa nhận trong bộ Luật Dân sự. Đến năm 2016, Chính phủ đã phân công Bộ Y tế soạn thảo dự luật này, tuy nhiên, đến nay sau 3 năm, Dự luật này vẫn chưa được trình lên Quốc hội. Bộ Y tế đã hoàn thiện đầy đủ các hồ sơ thủ tục theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật để đưa dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính trình Quốc hội trong thời gian tới. Tuy nhiên, cùng thời điểm này, Bộ cũng đang trình lên Quốc hội 4 dự luật khác, nên Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính vẫn còn đang trong giai đoạn “xếp hàng”. Vì vậy, đến nay, quyền của cộng đồng người chuyển giới đã được công nhận trong Luật Dân sự năm 2015 vẫn chưa được hiện thực hoá sau 4 năm. Thêm một ngày chờ đợi, hành trình tìm lại chính mình của những người chuyển giới sẽ thêm đau đớn và nguy hiểm.
Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) là một tổ chức phi chính phủ. iSEE hướng đến một Việt Nam nơi tất cả mọi người từ các cộng đồng đa số và thiểu số hiểu và có khả năng thực hành quyền của mình, đồng thời tương trợ những người khác trong tiến trình hiện thực hóa quyền của họ
Nhóm thực hiện
Bài: Đ.T Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE Ảnh: NVCC, Unsplash