Văn hóa / Thế giới văn hóa

The Beguiled – Những kẻ khát tình

[Tạp chí ELLE tháng 7/2017] Say mê quan sát nỗi cô đơn và sự tương tác lẫn nhau của phụ nữ, đạo diễn Sofia Coppola đã tìm thấy nguồn chất liệu thú vị khi khai thác trở lại câu chuyện xảy ra vào thời nội chiến Mỹ, về sự xuất hiện đột ngột của một nam quân nhân bị nạn, dưỡng thương tại một “nữ quốc” gần như bị cô lập với thế giới bên ngoài.

Bằng những thử nghiệm mới mẻ, pha trộn chất gothic ma mị, tông màu lạnh chết chóc lẫn vào thứ ánh sáng thơ mộng đến mê hoặc, Sofia Coppola đã liều lĩnh thiết lập lại một góc nhìn hoàn toàn khác biệt cho The Beguiled (tựa tiếng Việt: Những kẻ khát tình). Đây là tên một bộ phim từng được đạo diễn Don Siegel đưa lên màn ảnh rộng năm 1971, có sự tham gia diễn xuất của huyền thoại Clint Eastwood trong vai nam chính. Phiên bản điện ảnh của Don Siegel đã khiến Sofia tò mò nhiều hơn về tác phẩm văn học mà nó chuyển thể, tiểu thuyết Painted Devil của Thomas P. Cullinan. Cuốn sách làm cô liên tưởng đến The Virgin Suicides (1999) của chính mình, nhưng với nhiều uẩn khúc sâu xa hơn đến nỗi cô quyết định phải “viết lại” The Beguiled trên màn ảnh dưới góc nhìn của nữ giới. Cô tin, cơ sở xây dựng nên The Beguiled vốn không chỉ tạo ra câu chuyện dành riêng cho đàn ông, cốt lõi của nó là phản ánh mối quan hệ bản năng giữa nam và nữ, ở đó luôn tiềm ẩn những bí mật cần phải khơi mở.

Cốt truyện mang hơi thở nữ tính hơn, được miêu tả ly kỳ và phức tạp hơn, tập trung vào tâm lý của các quý cô sống cùng nhau trong ngôi trường nội trú dành cho nữ sinh ở Virgina những năm 60. Đặc biệt là ba nhân vật đại diện cho hình tượng phụ nữ với tính cách điển hình, ở từng độ tuổi. Hiệu trưởng Martha Farnsworth (Nicole Kidman) quyền lực, lạnh lùng, đầy nguyên tắc nhưng cũng sẵn sàng phá vỡ nguyên tắc do chính cô đặt ra; cô giáo trẻ Edwina Dabney (Kisten Dunst) dịu dàng và mong manh, ân cần và phục tùng, là mẫu phụ nữ mà mọi đàn ông cần tìm kiếm; Alicia (Elle Fanning) đang tuổi mới lớn, ngọt ngào, ranh mãnh, mang bản năng chinh phục và luôn chực chờ để nổi loạn. Cuộc sống tập thể ở ngôi trường nữ và mối gắn kết giữa họ tồn tại dưới một lớp sương mờ tưởng như bình lặng, nhiều quy ước chặt chẽ. Nhưng đến khi người lính đánh thuê gốc Ailen, John McBurney (Colin Farrell) quyến rũ, đa tình bắt đầu được chấp thuận cho trú ngụ và dưỡng thương ngay trong trường thì bầu không khí lễ giáo lập tức bị phá vỡ. Người đàn ông quyến rũ, nhiều dục vọng thức tỉnh bản năng nữ tính và nỗi khát khao thầm kín bên trong mỗi phụ nữ.

Nếu từng thưởng thức The Virgin Suicides (1999) và Lost in Translation (2003), khán giả sẽ dễ dàng nhận ra ở The Beguiled, Sofia tiếp tục kích hoạt đam mê thể xác của người phụ nữ đang mắc kẹt giữa hoàn cảnh tiếng nói và ham muốn bị kìm hãm. Khác biệt lớn khi mô tả thế giới phụ nữ lần này chính là xoáy sâu vào cuộc va chạm của một nhóm nữ ở nhiều độ tuổi khác nhau với những tính cách đặc trưng, qua những trải nghiệm khác biệt, theo nhiều chiều kích và cực đoan hơn. Có thể hiểu John McBurney như mang lại nguồn sức sống mới, tưới mát cho thế giới cằn cỗi của một nhóm phụ nữ bị bỏ lại trong chiến tranh. Tuy nhiên, gã đã lợi dụng nỗi khát khao, sự trống trải và trái tim yếu mềm để ve vãn tất cả họ. Người đàn ông này những tưởng gã có thể thao túng cả “kho nếp béo bỡ” mà không ngờ bản thân đang trở thành một nạn nhân bị sa lưới. Đằng sau những khung hình lãng mạn, sự khêu gợi tình ái đầy kịch tính đã được tận dụng tối đa nhằm nhen lên bầu không khí rình rập, ghen tuông, nghi kỵ của đàn bà. Sofia còn muốn lột tả sức phản kháng, chống chọi với nghịch cảnh và khát vọng giải phóng tinh thần phụ nữ. John McBurney dường như là tia hi vọng để Martha, Edwina hay Alicia nương tựa, tìm đến mối nối với thế giới bên ngoài hoặc với chính bản thân họ. Hình mẫu gã đàn ông lịch thiệp, phong lưu, ích kỷ theo cách mà mọi phụ nữ đều quá quen vì phải chịu đựng nhiều như John McBurney rốt cuộc chỉ là cái cớ làm dấy lên cuộc “nội chiến” bên trong ngôi trường nữ. Cuộc xung đột ở đây không phải để giành lấy trái tim một người đàn ông, mà là quyền được thấu hiểu chính trái tim của họ. Đó là cuộc chiến dữ dội hơn rất nhiều.

Sofia tiết lộ, điều lôi cuốn cô theo đuổi The Beguiled chính là những khám phá đáng ngạc nhiên về giai đoạn lịch sử của câu chuyện. Thời kỳ phụ nữ chỉ được giáo dục thông qua mối quan hệ với nam giới. Quá trình tôi luyện họ phần lớn nhằm vào mục đích biết quyến rũ và trở thành bà nội trợ hoàn hảo. Đến khi nào phụ nữ mới nhận ra vai trò của họ trong mối quan hệ với chính bản thân? Họ đã sống, xoay xở và tồn tại độc lập ra sao? Đã tựu thành cho mình những giá trị gì khi chiến tranh xảy đến và qua đi? Tất cả những vấn đề ấy đôi khi được nén chặt dưới lớp màu pastel mỏng manh, phủ bồng bềnh quanh tầng váy của thiếu nữ. Hình ảnh đẹp mơ màng mà cũng đầy ngột ngạt.

Với kinh phí dưới 10 triệu USD và vỏn vẹn 26 ngày vừa quay vừa hoàn thiện hậu kỳ, The Beguiled là thử thách mới mẻ, đáng nể phục của Sofia. Lần đầu “remake”, lần đầu kết hợp yếu tố tâm lý với yếu tố kinh dị trong một bộ phim đen tối (noir), gia giảm tài tình óc hài hước qua một kết thúc khốc liệt, có phần rùng rợn; Sức ảnh hưởng của hai tên tuổi Rob ReinerAlfred Hitchcock lên lối kể chuyện và cách thể hiện bộ phim này khá rõ. Quyết định làm sáng tỏ trở lại The Beguiled là thái độ thể hiện tính nữ quyết liệt của Sofia. Sau SomewhereBling Ring bị đánh giá thiếu sự gần gũi, The Beguiled đã nhận được cơn mưa tán thưởng. Một tác phẩm noir sâu sắc, đầy tính giải trí, minh chứng biệt tài mổ xẻ trái tim nữ giới của nữ đạo diễn con nhà nòi.

Nhóm thực hiện

Nguồn Tạp chí Phái Đẹp ELLE
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)