The Glory: Ván cờ vây hận thù của Song Hye Kyo
“Báo thù tạo ra một vòng lặp không hồi kết của ân oán”. Dẫu vậy, phán xét tội ác bằng lòng hận thù là cách duy nhất để những nạn nhân xoa dịu những vết thương khó lành từ quá khứ. Trong thế giới vừa quen vừa lạ của The Glory, xã hội dường như không có chỗ cho sự lương thiện và phải chăng phải bước vào lãnh địa của quỷ dữ, ta mới có thể bắt được những kẻ tàn ác nhởn nhơ luôn vui sướng khi giẫm đạp lên quyền sống của người khác.
Kịch bản với nhiều lớp lang được “biên kịch vàng” Kim Eun Sook phát triển một cách chặt chẽ, những lời thoại tao nhã được tạo nên từ những ngôn từ mang đậm sắc thái hận thù, màn trình diễn bùng nổ của dàn diễn viên thực lực cùng tông màu xanh xám ảm đạm phủ lên toàn bộ những phân cảnh của phim… tất cả đã tạo nên một The Glory đầy cảm xúc và mang đậm tính phê phán. Phim sẽ khiến bạn phẫn nộ, khiến bạn thỏa mãn, khiến bạn khó chịu đến đau đớn trước sự thật trần trụi về những tội ác bạo lực học đường được che lấp bởi quyền lực và tiền tài.
Dù chỉ mới ra mắt phần 1 nhưng The Glory đã nhanh chóng đạt top 1 Netflix toàn cầu mục phim quốc tế không nói tiếng Anh và là phim OTT Hàn (phim chiếu trên các nền tảng xem phim trực tuyến) có độ thảo luận cao nhất, chỉ đứng sau Squid Game.
Bức tranh tối màu về bạo lực học đường
Mở đầu bằng cuộc đối thoại kỳ quặc và những cú đánh ghê rợn mà người phụ nữ mang trên mình những vết sẹo chằng chịt giáng xuống gương mặt xinh đẹp của một người phụ nữ khác. Đây là một tuyên ngôn bạo dạn với khán giả rằng họ sẽ được chứng kiến một hành trình báo thù hoang dại, đầy máu và nước mắt.
The Glory tái hiện một xã hội Hàn Quốc đầy rẫy những tiêu cực. Moon Dong Eun (Song Hye Kyo) – một nữ sinh cấp 3 chết lặng trên băng ghế ở đồn cảnh sát với gương mặt bầm tím và cơ thể bê bết máu bị thầy giáo chủ nhiệm trách cứ: “Em dám mặc đồng phục đến đây à? Và gọi cảnh sát vì một trò đùa giữa bạn bè?”. Để rồi, sau hành động kêu cứu đầy bất lực ấy, cô bé bị những người bạn đồng trang lứa bao gồm Park Yeon Jin (Lim Ji Yeong), Jae Joon (Park Sung Hoon), Lee Sara (Kim Hieora), Hye Jeong (Cha Joo Young) và Myeong Oh (Kim Gun Woo) tra tấn dã man như tù nhân thời Trung Cổ trong chính môi trường giáo dục đầy vinh quang. Không chỉ bị hành hạ tại trường, những kẻ bắt nạt còn theo cô bé về tận nhà và biến cuộc đời vốn đã xám xịt của em thành địa ngục. Dong Eun đã nghĩ đến cái chết khi cả tâm hồn và thể xác đều đã vụn vỡ, nhưng khi đứng trên bờ vực sinh tử, cô bé chọn sống và quyết tâm tự mình thay trời hành đạo. Không chỉ chồng chất những vết thương từ những kẻ xa lạ, Dong Eun còn bị mẹ ruột của mình phản bội và thôi học trong tủi nhục. Cô dành 18 năm để nuôi dưỡng lòng hận thù và kế hoạch báo oán đầy hoang dại nhằm trừng trị từng kẻ một. Dường như, đích đến cuối cùng của Moon Dong Eun không phải là giao hội phản diện cho pháp luật Hàn Quốc xử lý mà là đặt dấu chấm hết đẫm máu cho những kẻ giàu có, uy quyền nhưng nhân cách mục ruỗng.
Trong chuyến hành trình báo thù của Dong Eun, với tinh thần “Revenge is a dish best served cold” (Sự trả thù như một món ăn nguội lạnh, càng nguội càng ngon), biên kịch đã dẫn dắt người xem đến với những âm mưu được tính toán kỹ lưỡng, bài bản và không có sự chi phối của lòng vị tha.
Sự cô độc trong 18 năm cùng với những nỗi đau về cả thể xác lẫn tinh thần của Moon Dong Eun là hệ quả của một hệ thống quyền lực vô cảm. Hãy chuẩn bị tinh thần bởi phim sẽ khiến bạn khó chịu khi chứng kiến những người được kỳ vọng mang lại công bằng và bình đẳng cho xã hội như giáo viên, cảnh sát lại “mắt điếc tai ngơ” trước những vết thương chằng chịt trên cơ thể của một cô bé. Đồng thời, The Glory cài cắm rất nhiều chi tiết nhằm phản ánh sự thật tàn nhẫn rằng những kẻ bắt nạt thậm chí còn chẳng nhớ tên kẻ mà họ đã hủy hoại. Chỉ có nạn nhân là mãi mắc kẹt trong cơn ác mộng.
Với 8 tập phim ở phần 1, phim đã mở ra những lớp lang đầy phẫn nộ về vấn nạn bạo lực học đường và tạo nên một nền tảng vững chắc cho những sự kiện bùng nổ sẽ diễn ra trong phần 2. Những câu hỏi còn bỏ ngỏ khiến cho những người hâm mộ của bộ phim mong chờ đến tháng 3 hơn bao giờ hết.
Dàn nhân vật ấn tượng được phát triển một cách tử tế
Để kể một câu chuyện nặng ký, tuyến nhân vật phải được xây dựng với lý tưởng và hành động đủ sức thuyết phục. Đó chính xác là những gì chúng ta có được ở các nhân vật của The Glory. Mỗi cá nhân đều cho người xem cảm giác như họ là nhân vật chính trong bộ phim của riêng mình và không có bất kỳ nhân vật nào được thêm vào mà không có mục đích cụ thể. Kim Eun Sook đã tấu lên một khúc dạo đầu đầy hứa hẹn, cảnh báo khán giả rằng hãy cẩn thận với những nhân vật dù là nhỏ nhất bởi có thể họ sẽ là những chiến binh” chủ chốt trong cuộc chiến báo thù đẫm máu ở phần 2.
Bằng việc đào sâu tâm lý cũng như những ẩn ức đen tối của một nạn nhân bị bạo lực học đường, Moon Dong Eun hiện lên đầy sống động với vẻ đẹp lụi tàn, “hoàn toàn bị hủy hoại và chẳng còn chút phẩm giá nào”, khi tâm trí cùng thể xác bị giam cầm trong cái tên Park Yeon Jin. Dường như những khi thành công gieo rắc nỗi kinh hoàng cho kẻ thù cũng là những khoảnh khắc cô sống lại những giây phút đau đớn nhất của đời mình. Liệu có một cái kết tốt đẹp cho một mảnh đời bị thao túng bởi thù hận?
“Liên minh tội ác” được khắc họa vô cùng thành công với sự nhởn nhơ, tàn ác một cách toàn diện. Ẩn sau vẻ ngoài xinh đẹp và sang trọng của một tiểu thư danh giá là một Park Yeon Jin với tâm can tàn độc, thối nát đến tận xương tủy. Sự tàn nhẫn và những hành động coi trời bằng vung của kẻ cầm đầu băng nhóm bắt nạt phần nào xuất phát từ sự bao bọc và áp lực nặng nề từ người mẹ cuồng đạo đến mức quái gỡ. Sóng vai cùng ác nữ là thiếu gia Jeon Jae Joon – một kẻ chuyên dùng hành động bạo lực để khẳng định vị thế và che giấu sự yếu mềm của bản thân. Thành viên thứ ba – Lee Sara trụy lạc trong những tệ nạn xã hội nhằm thoát khỏi sự áp đặt của gia đình. Hye Jeong và Myeong Oh xuất thân nghèo khó, cam chịu làm tay sai cho những hành động mất nhân tính của những “cậu ấm cô chiêu” ngạo mạn bởi nếu không như thế họ sẽ là những con mồi bị giày xéo thay vào đó.
Có thể nhận thấy việc lý giải động cơ rõ ràng cho hội phản diện không nhằm mục đích tạo sự đồng cảm trong lòng khán giả. Đây là những phản biện nhằm khắc họa nhân vật một cách đa chiều hơn, nhấn mạnh tội ác lấy niềm đau của người khác để khỏa lấp sự thiếu thốn của chính mình.
Nếu Moon Dong Eun và hội ác nhân đã có màn “debut” ấn tượng thì các nhân vật khác cũng tạo được cho mình những điểm nhấn riêng đầy triển vọng dù không có nhiều đất diễn trong 8 tập phim đầu. Đó là bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ si tình Joo Yeo Jeong (Lee Do Huyn) – người dạy cờ vây cho Dong Eun và lo lắng cho cô từ tận đáy lòng. Khác với vẻ ngoài ấm áp và đầy dương quang, dường như anh chàng đang che giấu thế giới nội tâm phức tạp. “Tôi không cần một hoàng tử, tôi cần một đao phủ sẽ cùng tôi múa điệu vũ chết chóc” – Có lẽ để đứng bên cạnh Moon Dong Eun, Joo Yeo Jung phải đánh đổi cuộc sống hoàn hảo của mình.
Bên cạnh đó, Ha Do Young (Jung Sung Il) – người chồng “nửa chính nửa tà” của Park Yeon Jin – một người đàn ông có địa vị, giàu có, tôn thờ sự trang nhã về mặt thẩm mỹ và giải trí – là một ẩn số đầy thú vị trong ván cờ vây đầy thù hận được Moon Dong Eun ấp ủ trong suốt 18 năm. Liệu vị tổng tài quyền lực sẽ đứng về chiến tuyến của ai khi cuộc chiến báo thù thực sự khơi mào?
Sự chuyển mình của những diễn viên tài năng
Nổi đình đám với một hình tượng nhân vật và rồi nỗ lực để tránh khỏi việc “chết vai” dường như là cuộc đấu tranh mà bất kỳ diễn viên nào cũng phải đối mặt. Trong sự nâng cấp không ngừng của địa hạt phim truyền hình Hàn Quốc những năm gần đây, các ngôi sao màn ảnh xứ sở kim chi buộc phải có sự thay đổi và bứt phá mạnh mẽ để chứng minh thực lực diễn xuất của mình.
Nếu xem Moon Dong Eun trong The Glory là màn đánh cược sự nghiệp của Song Hye Kyo thì ngọc nữ đã có thể hát khúc khải hoàn dành cho người chiến thắng với màn trình diễn không thể xuất sắc hơn trong 8 tập phim đã phát sóng. Hình tượng mỹ nhân u uất đã được nữ diễn viên thể hiện thành công qua Eun Suh trong Autumn In My Heart (Trái tim mùa thu), Oh Young trong That Winter The Wind Blows (Gió mùa đông năm ấy) hay Cha So Hyun trong Encounter (Gặp gỡ), tuy nhiên, sự u uất ở Moon Dong Eun mang một sắc thái hoàn toàn khác biệt. Luôn xuất hiện trong những bộ trang phục dài che kín cơ thể, trang điểm nhạt hay thậm chí là để mặt mộc trong nhiều phân cảnh, đôi mắt trống rỗng như có gì đã chết ở bên trong và nụ cười “giả” ám ảnh đến cùng cực, sự cuồng nộ của nhân vật được khắc họa một cách rất đỗi “mộc mạc” mà vẫn đủ sức khiến khán giả không thể rời mắt. Sau khoảng thời gian ảm đạm với Encounter (Gặp gỡ) và Now We Are Breaking Up (Bây giờ chúng ta chia tay), đây là một màn lột xác tuy muộn nhưng không quá trễ của nữ diễn viên đình đám, giúp cô một lần nữa khẳng định vị thế của mình trong làng giải trí Hàn Quốc.
Bữa tiệc diễn xuất đặc sắc của The Glory còn có sự góp mặt của “nữ hoàng cảnh nóng” Lim Ji Yeon – người đã gây tiếng vang với những vai diễn đầy táo bạo trong Obsessed, The Treacherous. Nét điên loạn trào phúng mà nữ diễn viên thể hiện ở nhân vật phản diện đầu tay – Park Yeon Jin đã đẩy cảm xúc căm ghét của khán giả lên cao nhất.
Bàn về diễn xuất thì không thể không kể đến những trường đoạn vô cùng xuất sắc của ác nữ Yeon Jin lúc là nữ sinh cấp 3 do “nữ thần thanh xuân” Shin Ye Eun thủ vai. Nụ cười điên loạn và quỷ quyệt của nữ diễn viên trẻ thậm chí còn gây ám ảnh hơn cả những gì Lim Ji Yeon thể hiện. Điều thú vị là Ye Eun vừa nhận được nhiều đánh giá tích cực với vai diễn Ok Chan Mi – người kiên quyết truy đuổi kẻ bạo lực học đường trong Revenge Of Other.
The Glory còn ghi nhận sự chuyển mình của Jung Sung Il. Dù đã đóng phim nhiều năm và góp mặt trong không ít tác phẩm đình đám như Our Blues, Stranger 2, Bad And Crazy… nhưng phải đến The Glory, nam diễn viên mới được đông đảo người xem nhắc đến cùng với những lời khen có cánh về thần thái quyến rũ và phản ứng hóa học “mượt mà” với Song Hye Kyo.
Xem thêm
• Hoài niệm cùng 5 phim Hàn về những mối tình đầu dang dở
• Điểm danh 6 bộ phim Hàn xuyên không đình đám nhất
• 7 bộ ba bạn thân nổi tiếng trong phim Hàn truyền cảm hứng về tình bạn
Tiếng nói vang vọng cho những nạn nhân của bạo lực học đường
Qua “cú ngã ngựa” của Eve và những tranh cãi xoay quanh Penthouse, có thể thấy khán giả đã chán ngán với những tình tiết báo thù qua lại thiếu chiều sâu, đủ khắc nghiệt nhưng chưa đủ sức thuyết phục.
Nói về một vấn nạn đã xuất hiện rất nhiều lần trên màn ảnh, The Glory đã chứng minh mình không phải là một tài liệu tuyên truyền về bạo lực học đường hời hợt bằng một kịch bản văn minh và tử tế được viết nên từ lòng trắc ẩn của một người mẹ hay đơn giản là một công dân của xã hội. Biên kịch Kim Eun Sook bắt tay vào viết The Glory khi những trăn trở về câu hỏi của con gái không ngừng lởn vởn trong tâm trí – “Nếu con bị ai đó đánh đến chết hoặc con đánh ai đó nhừ tử, điều gì sẽ khiến mẹ đau lòng hơn?”.
Phim ảnh thường đặt nhân vật vào một tình huống cường điệu được lấy từ chất liệu cuộc sống nhằm để truyền tải một thông điệp nào đó. Tuy nhiên, đôi khi những sự thật cần phải được giảm nhẹ khi dựng thành phim bởi chúng quá mức trần trụi và khủng khiếp. Nếu người xem bất bình trước những màn tra tấn dã man trên thân thể Dong Eun thì càng chết lặng trong phẫn nộ và đau đớn khi biết những hành động tàn nhẫn này lại ngang nhiên diễn ra trong thời đại nhân quyền được lặp đi lặp lại như một bản tuyên ngôn nhân văn nhất thế kỷ. Phim đã khiến dư luận phải nhìn nhận lại những vụ án bạo lực học đường man rợ vốn đã trôi tuột một cách quá dễ dàng.
Sự việc nữ sinh J bị hành hạ bằng một chiếc máy ép tóc tại trường trung học Cheongju năm 2006 được khơi lại trong sự lên án gay gắt của cộng đồng mạng. Vụ việc này được cho là nguồn cảm hứng của The Glory. Đáng sợ là các vụ án không có tàn nhẫn nhất mà chỉ tàn nhẫn hơn, năm 2020, một thanh niên họ Park đã bị cưỡng ép đến một bãi đất trống, bị trói vào ghế và bị thủ phạm dùng pháo hoa đốt từ chân đến đầu gối vào chính ngày sinh nhật của anh. Park bị bỏng 40% cơ thể với cấp độ 3 nhưng thủ phạm chỉ hưởng án treo. Chi phí điều trị vết thương lên đến 100 triệu won, gấp đôi số tiền bồi thường mà gia đình Park nhận được. Suốt 2 năm qua, Park liên tục khởi kiện nhưng chưa bao giờ nhận được sự công bằng mà anh xứng đáng được nhận.
The Glory là một tấm gương phản chiếu một hệ thống vô cảm, từ pháp luật đầy rẫy những lỗ hổng cho đến những người đắm chìm trong sự thỏa mãn về vật chất hay sợ hãi trước cường quyền mà tiếp tay cho tội ác lộng hành.
Không chỉ gói gọn trong lãnh thổ Hàn Quốc, phim còn tạo nên một làn sóng bóc trần bạo lực học đường ở các nước châu Á. Thai The Glory đã trở thành từ khóa thịnh hành trên mạng xã hội Twitter tại xứ sở chùa vàng với hàng loạt bài đăng tố cáo hành vi bạo lực học đường đã và đang xảy ra trên khắp đất nước này. Sức ảnh hưởng sâu rộng của phong trào đã kéo những kẻ bạo lực ra ngoài ánh sáng, trong đó phải kể đến diễn viên nổi tiếng Ohm Pawat khi anh đã phải lên tiếng thú nhận và xin lỗi sau cáo buộc bắt nạt một bạn học mắc chứng tự kỷ trong quá khứ.
Bài: Xuân Yến