Văn hóa / Thế giới văn hóa

The Platform 2: Giải mã hành trình đến địa ngục của kẻ phản chúa

Sau bốn năm chờ đợi, "The Platform 2" đã công chiếu rộng rãi trên toàn cầu, chiêu đãi khán giả xum xuê ẩn dụ và những cú twist đầy bất ngờ. Liệu bộ phim có thể chinh phục khán giả đại chúng lẫn giới chuyên môn một lần nữa hay không?

Được phát hành vào giai đoạn đầu của đại dịch vào năm 2020, The Platform đã trở thành một cú hit lớn, được bàn luận sôi nổi bởi những người yêu thích điện ảnh trên toàn cầu. Cuộc chiến trên bàn tiệc mang tính ngụ ngôn màu sắc kinh dị, thực sự là một sự mở mang tầm mắt khắc nghiệt. Bộ phim mang chúng ta đến một tòa tháp 333 tầng. Trong mỗi tầng, có 2 người sống chung, bất kể tuổi tác hay giới tính, dân thường hay kẻ sát nhân. Mỗi ngày, thông qua giếng trời, một bàn tiệc lớn được đưa từ tầng trên xuống các tầng dưới. Chiếc bàn ăn sẽ dừng lại mỗi tầng trong khoảng 2 phút, và các cư dân không được phép giữ lại đồ ăn nếu không nhiệt độ phòng sẽ tăng đột ngột hoặc giảm xuống cực độ. Theo lý thuyết, thức ăn được chuẩn bị đủ cho toàn bộ các cư dân, nếu mỗi người chỉ ăn đúng phần của mình, thì tất cả bình an. Nhưng mệnh đề “nếu” là bất khả thi, khi những người tầng trên luôn không kiềm chế mà thỏa thích ăn như vua chúa, còn người dưới đáy trở nên tuyệt vọng. Bên cạnh đó, tòa tháp miễn trừ trách nhiệm “bất công”, bởi mỗi tháng, ban điều hành lại chuyển cư dân sang một tầng khác, nghĩa là vận mệnh của họ có thể “lên voi, xuống chó” tùy vào may rủi. Phần đầu tiên kết thúc trong nỗ lực tuyệt vọng của Goreng đưa một đứa bé lên tầng 0 như một thông điệp gửi đến nhà điều hành, cùng muôn vàn những lấp lửng. The Platform 2 là sự tiếp nối mạnh mẽ cơn ác mộng, xây dựng dựa trên vũ trụ tàn bạo của nó trong khi thay đổi các quy tắc vừa đủ để gửi một thông điệp mới.

Phim The Platform 2
Ảnh: Netflix

The Platform 2 bắt đầu tại tầng 24 của Perempuan (Milena Smit), và Zamiatin (Hovik Keuchkerian). Trong khi Perempuan ăn dĩa bánh khoai tây của mình, Zamiatin đang vô cùng tức giận bởi kẻ nào đó đã ăn mất nửa cái pizza của anh. Những người tầng phía trên nói với anh rằng thủ phạm của việc này, đang ở tầng 21, và kẻ đó sẽ sớm bị trừng trị thích đáng mà thôi. Dường như họ đang tuân theo một thiết lập nào đó…

Có rất nhiều ẩn dụ, và lớp lang ý nghĩa được cài cắm trong The Platform 2, hãy cùng ELLE giải mã bộ phim ấn tượng này nhé!

Dòng thời gian, cách vận hành và luật lệ 

Không có manh mối nào về dòng thời gian của The Platform 2, khi chúng ta nhận thấy sự vắng mặt của những nhân vật đã quen, và bị xoay quanh bởi hàng loạt những cái tên mới, cho đến khi Trimagashi – người bạn tù của Goreng xuất hiện. Tuy nhiên, kẻ lão làng chỉ còn cách ngày tự do một khoảng thời gian ngắn nữa thôi, lúc này, chỉ mới vào hố được 1 ngày. Nói cách khác, đây là tiền truyện của phần đầu tiên. Trái ngược bầu không khí hỗn loạn, bất quy tắc như phần 1, The Platform 2 cho thấy tòa nhà đang được vận hành theo một bộ luật công bằng. 

Phim The Platform 2
Ảnh: Netflix

Lan truyền rằng cách đây rất lâu, một người đàn ông đã sống sót trong một tháng mà không ăn gì, thậm chí còn tự xẻ thịt bản thân để chia sẻ cho những người đói. Để tri ân hành động vĩ đại này, nhiều người tự xưng là Môn Đồ, tôn vinh người đàn ông thành Đấng Thiên Sai, và xây dựng một luật lệ nhằm phân phối thức ăn công bằng hơn cho tất cả các tầng. Người lãnh đạo cao nhất của hệ thống này là Dagin Babi, đảm bảo cho luật được thực thi một cách nghiêm ngặt nhất.

Phim Hố sâu đói khát 2
Ảnh: Netflix

Những điều răn bất thành văn bao gồm mỗi người chỉ được ăn món ăn mình đã chọn trước khi vào tòa nhà, hoặc đồ ăn bản thân tình nguyện trao đổi với người khác. Như đã nói, ban quản lý đã chuẩn bị đồ ăn đủ cho 666 cư dân, nên nếu ai cũng chỉ ăn phần của mình, sẽ không ai phải chết đói. Đây là cơ chế lý tưởng nhất, và cũng là điều mà Goreng hướng tới trong phần 1. Tuy nhiên, nếu nó là cách vận hành tối ưu nhất, nó đã chẳng trở thành “luật cũ”. Những lỗ hổng nhanh chóng hiện diện rõ ràng. 

Đầu tiên, theo luật thì người tù phải ăn một món ăn duy nhất trong suốt thời gian lưu trú tại đây. Chắc chắn chúng ta không thể chịu được lâu trước khi phát ngán, và phát điên với lựa chọn đầu tiên của mình. Nhu cầu là thứ không bao giờ dừng lại, và thay đổi liên tục từng ngày, đặc biệt trước nguồn tài nguyên khổng lồ như thế. Thứ hai, thức ăn của người đã chết sẽ bị bỏ đi một cách lãng phí, mà không thể chia cho người có nhu cầu như người bệnh hay người sắp chết đói. Do chỉ cần một cá nhân ăn nhiều hơn định lượng, sẽ dẫn đến hiệu ứng domino phá hủy dây chuyền.

Phim The Platform 2
Ảnh: Netflix

Tiếp theo, liên quan đến việc trừng phạt những kẻ xâm phạm thức ăn của người khác. Giả sử như người tầng 12 ăn thức ăn của tầng 13, nhiệm vụ trừng phạt sẽ thuộc về tầng 10 và tầng 11, bởi vì bàn ăn chỉ đi một chiều từ trên xuống. Bên cạnh đó, để đường dây liên lạc không bị đứt gãy, chỉ có hai tầng phía trên được phép tham gia trừng phạt. 

Ban đầu, quy trình rất hợp lý, nhưng sự thật là pháp chế này cực kì rủi ro. Như đã nói, mỗi tầng có hai người sống, và được sắp xếp ngẫu nhiên bất kể giới tính, tuổi tác, sát nhân, kẻ tâm thần… Điều này đặt ra câu hỏi sẽ ra sau nếu những người phải thực hiện trừng phạt là phụ nữ yếu đuối, người cao tuổi, và kẻ mọi rợ là một người đàn ông mạnh khỏe. Chưa kể đến, không phải ai cũng có khả năng chiến đấu để sẵn sàng làm điều này. Chính vì thế, nhiều người không tình nguyện tham gia bạo lực. Trong khi đó, người muốn góp sức nhưng không thuộc tầng được phép, kể cả khi đã đảm bảo liên lạc không bị gián đoạn, cũng bị Dagin Babi tra tấn. Họ thậm chí còn trừng phạt những người không ngăn cản người khác phá vỡ quy tắc. 

Một mặt, các điều luật sinh ra để đảm bảo công bằng cho tập thể, một mặt, những người trung thành, tuân theo luật lệ lại bị đối xử tàn nhẫn. 

Triết lý hòa bình trở thành cuộc thập tự chinh bạo lực 

The platform 2
Ảnh: Netflix

Ban đầu, Perempuan công nhận cách thức vận hành bình đẳng của các Môn Đồ là đúng đắn. Cho đến tháng tiếp theo, cả hai bị chuyển xuống tầng 180. Họ rơi vào khốn khổ bởi thức ăn chẳng thể xuống sâu đến vậy. Đây cũng là lúc hai người nhận ra sự tàn khốc của cái hố. Tình trạng thiếu thốn thức ăn càng khiến Zamiatin kiệt quệ trong những khổ đau của bản thân, đồng thời anh biết mình sắp bị trừng phạt tàn nhẫn do đã lén ăn đồ ăn của người chết trước đó. Anh châm lửa tự thiêu, và gieo mình xuống hố. Cái chết của anh tác động mạnh mẽ đến nhận thức của Perempuan.

Tháng kế tiếp, cô được chuyển đến tầng 51, và người phụ nữ cụt tay tên Baharat tại đây khiến Perempuan hoài nghi về tính công bằng, những giá trị được rao giảng khi suy ngẫm mọi thứ đang diễn ra xung quanh, cũng như chính mình trải qua bất công. Cô quyết định phản lại đức tin, trở thành người tập hợp những kẻ mọi rợ đòi lại công bằng mà bản thân đáng được hưởng. Một cuộc bạo loạn đẫm máu không thể tránh khỏi một lần nữa “tái khởi động” xã hội. 


Xem thêm

Top 20 phim Hàn được xem nhiều nhất trên Netflix nửa đầu năm 2024

• [Review phim] “Heartstopper 3”: Tình yêu không chỉ có gam màu hồng

• [Review phim] “The Judge from Hell” – Khi ác quỷ thực thi công lý


Zamiatin, số ảo, và ngọn lửa 

Phim The Platform 2 zamiatin
Ảnh: Netflix

Zamiatin tự miêu tả mình như một nhà toán học, cống hiến cả đời cho toán học thuần túy. Anh bị ám ảnh con số căn bậc hai của âm 1 bởi phương trình này tạo ra số ảo, dẫn đến việc từ bỏ số học, bỏ rơi gia đình để đến cái hố chiêm nghiệm. Ngay cả trong những ngày đen tối nhất trong nhà tù, khi không có thức ăn, Zamiatin vẫn viết nguệch ngoạc con số ảo trên tường như thể nó là một đường dây cứu sinh kết nối ông với những sự thật về cuộc sống mà ông không muốn chấp nhận.

Tuy nhiên, tất cả đều dối trá. Zamiatin chưa bao giờ làm nhà khoa học, mà bỏ học năm 16 tuổi. Anh ta không rời bỏ gia đình, mà gia đình ruồng bỏ anh ta sau những lần kinh doanh thất bại của anh. Anh không tự nguyện tìm đến cái hố, mà bố mẹ của anh gửi anh đến đây như một hình phạt. Con số ảo không phải thứ làm anh phát điên, mà ảo tưởng mới bóp nghẹt cuộc đời anh. Zamiatin từ chối chịu trách nhiệm và nuôi dưỡng cái tôi bị phá vỡ của mình bằng cách tự kể cho mình nhiều câu chuyện tưởng tượng hơn, tìm kiếm sự chú ý một cách thảm hại. 

Phim The Platform 2
Ảnh: Netflix

Điều này lý giải tại sao Zamiatin mang theo chiếc bật lửa, và thường xuyên tự làm hại bản thân. Bởi ngọn lửa trong nhiều nền văn hóa đại diện cho hình ảnh thanh lọc linh hồn, và giác ngộ. Bên cạnh đó, việc thiếu thốn thức ăn làm anh liên tưởng đến cuộc sống không trọn vẹn của mình, và trong tình trạng này, anh nhận ra mình luôn liên tục nói dối, chỉ có cái chết là sự thật duy nhất anh có thể kiểm soát. Châm lửa để kết thúc cuộc đời không chỉ là một phương thức thanh tẩy một đời dối trá của anh, mà còn tác động đến Perempuan lẫn toàn thể cư dân. Hình ảnh tự thiêu trở thành một thông điệp, một lời phản kháng đến hệ thống thối nát của tòa tháp. 

The Platform 2 phim netflix
Ảnh: Netflix

Một liên hệ thú vị nữa là Zamiatin được đặt theo tên của Yevgeny Ivanovich “Zamyatin” – một tác giả người Nga, nổi tiếng với tiểu thuyết phê phán chủ nghĩa toàn trị trong đó nhà nước kiểm soát hoàn toàn mọi khía cạnh của đời sống xã hội và cá nhân. Qua đó, The Platform 2 mượn lời nhà văn mà tuyên bố: “Luật cách mạng là đỏ, rực lửa, chết chóc, và cái chết này có nghĩa là sự ra đời của một cuộc sống mới, một ngôi sao mới”.

Bức tranh “The Dog” và sự cứu chuộc cuối cùng của Perempuan

The Platform 2
Ảnh: Netflix

Khi cùng phe nổi loạn chạy trốn, Perempuan nhanh chóng bị thu hút bởi bức tranh một chú chó bị đuối nước và đang cố gắng giữ mình không bị chìm xuống, trong khi nhìn lên bầu trời rộng lớn phía trên với hy vọng. Tất nhiên, không có sự giúp đỡ nào dành cho con vật tội nghiệp, và cuộc đấu tranh để sinh tồn của nó cuối cùng là vô vọng. Bức tranh được sáng tác bởi họa sĩ người Tây Ban Nha Francisco Goya, với tên gọi “The Dog”. Goya đã vẽ tác phẩm cùng với nhiều bức tranh khác vào cuối đời trên tường nhà mình. Phải mất hàng thập kỷ để những bức tranh này được chuyển lên vải, cùng với một số tác phẩm khác trong bộ sưu tập của Goya bao gồm “Satan Devouring His Son” và “Heads in a Landscape”. 

Bức tranh được sử dụng bởi ý nghĩa của nó cũng như The Platform 2, mô tả cuộc chiến sinh tồn trước những chướng ngại vật khổng lồ. Mặt khác, bức tranh cũng đại diện cho hành trình của Perempuan, đến với cô như một sự cứu rỗi sau cùng. Bề mặt, cô nuốt một mảnh của nó hòng làm tắc nghẽn đường thở của chính mình, ngăn cô không bị ảnh hưởng bởi khí gas của những người dọn dẹp của nhà tù. Mặt khác, bức tranh thể hiện cô đã đạt được nguyện vọng của mình trước khi vào hố. 

The Platform 2 hố sâu đói khát 2
Ảnh: Netflix

Perempuan từng là một nhà nghệ thuật. Cô từng tạo ra một tác phẩm hình con chó với nhiều cạnh sắc nhọn. Nhiều người đã cảnh báo cô phải đặt rào chắn an toàn xung quanh để đảm bảo an toàn cho người xem, nhưng cô đã phớt lờ nó để rồi khi bạn trai đến thăm cô, con trai của anh đã trượt chân ngã vào cạnh sắc của bức tượng. Thay vì chấp nhận sai lầm của mình, Perempuan đã thuê những luật sư giỏi nhất để thoát khỏi những vấn đề pháp lý. Sau đó, cô bán tác phẩm của mình với số tiền khổng lồ, ngày càng thành công trong sự nghiệp. Nhưng cuối cùng, cô vào tòa tháp để tìm kiếm sự tha thứ cho mình. 

Nuốt một tác phẩm nghệ thuật liên quan đến một chú chó như một cách giải thoát cho tinh thần của mình, dường như ám chỉ việc cô đã thừa nhận những tội lỗi của mình và chấp nhận nỗi đau đi kèm với chúng. Qua đó, việc The Platform 2 sử dụng “The Dog” của Goya cũng truyền tải thông điệp rằng ngay cả khi cuộc đấu tranh có vẻ vô vọng, điều đó không có nghĩa là mọi người nên đầu hàng và tuyệt vọng. 

Những đứa trẻ và hành động cứu đứa trẻ của Perempuan

Trong phần 1, Goreng cũng kết thúc cuộc hành trình của mình bằng việc hy sinh để đưa đứa bé lên tầng trên nhằm truyền thông điệp cho nhà điều hành. Còn Perempuan trong nỗ lực tự giải thoát khỏi tòa tháp, cô đã chứng kiến một nhân viên của hệ thống đưa đứa trẻ đến tầng cuối cùng, và đắp chân cho nó. Thay vì tự cứu mình, cô đã quyết định cứu lấy đứa bé, mặc dù bản thân phải đối mặt với cái chết không thể tránh khỏi. Chiếc bàn ăn tiếp tục hạ xuống khoảng không bên dưới tầng cuối cùng, để cô gặp được những người đã ám ảnh trong tâm trí cô, và họ nói với cô rằng cuộc hành trình của cô đã kết thúc, cậu bé sẽ có “một cơ hội khác”. 

The Platform 2
Ảnh: Netflix

Cả hai phần phim đều ngụ ý rằng những người hùng không chỉ chuộc lỗi bằng cách cứu một đứa trẻ, mà về cơ bản họ lấy lại được lương tâm trong sạch của chính mình trong quá trình này.

Theo thông tin ban đầu, tòa nhà không cho trẻ em dưới 16 tuổi tham gia. Thế nên, sau đoạn kết phần 1, vẫn có nhiều người hoài nghi liệu đứa trẻ có thật sự tồn tại hay không, thì The Platform 2 cho thấy cái hố không chỉ có một đứa trẻ. Bộ phim vẫn lấp lửng về những bí ẩn liên quan đến một nhóm trẻ em chơi đùa xung quanh một cái cầu trượt hình kim tự tháp trong một căn phòng nào đó bên trong tòa tháp. Trong những cảnh chúng đi lên và xuống cầu trượt, những đứa trẻ rất vui vẻ và không lo lắng. Điều duy nhất chúng quan tâm là niềm vui khi lên xuống cầu trượt. Không có gì khác quan trọng, không có mong muốn hay nhu cầu, không có đau đớn. Sau đó, trò chơi dần trở nên hỗn loạn khi đám trẻ tranh nhau leo lên chỗ cao nhất. Một cậu bé thành công leo lên đến đỉnh, và hào hứng ăn mừng. Niềm vui chuyển từ việc chỉ lên xuống cầu trượt sang việc vượt lên trên mọi người khác. Để rồi đứa bé được dẫn đến tầng 333. Nhưng tại sao lại là tầng thấp nhất? Những đứa trẻ chắc chắn không thể sống sót tại đây bởi những người tù tầng 200 trở đi gần như chắc chắn chết, họ không chết vì đói thì cũng làm hại lẫn nhau.

The Platform 2 hố sâu đói khát 2
Ảnh: Netflix

Bọn trẻ là một phần trong thí nghiệm xã hội rất lớn mà ban điều hành hướng đến, quan sát con người sẽ làm đến mức nào để sống sót trong nghịch cảnh. Hố thu hút những người không thể thích nghi với xã hội, và hệ thống tạo ra một xã hội mới mô phỏng xã hội bình thường nhưng mọi thứ được thiết kế để đẩy nhanh tiến trình xã hội. Tổ chức chưa bao giờ mong muốn các tù nhân gắn kết với nhau. Họ khơi dậy sự chia rẽ, rồi liên tục đưa một đứa trẻ vào tầng cuối, lợi dụng người nào đó lan truyền câu chuyện về đứa trẻ, biến đám trẻ thành mồi nhử. Nếu người tốt xuống đến đáy, và cứu đứa trẻ, nó sẽ trở thành tương lai của nhân loại. Mặt khác, nếu đứa bé bị hại, bị xẻ thịt, nó trở thành một chất xúc tác để khiến toàn bộ người tù trở nên vô vọng và đẩy nhanh quá trình biến tất cả quần thể thành động vật bị tước đoạt khỏi nhân loại.

Mặt khác, theo chia sẻ của đạo diễn trong phần 1: “Với tôi, tầng thấp nhất đó không tồn tại. Goreng đã chết trước khi anh ta đến, và đó chỉ là cách anh ta diễn giải về những gì anh ta cảm thấy mình phải làm”. Có thể, Perempuan cũng đã bỏ mạng tại tầng 333, hoặc trước đó, trong chính cuộc bạo loạn. Những hình ảnh tiếp theo chỉ là ảo ảnh, thể hiện nỗ lực tìm lối thoát, không bao giờ đầu hàng dẫu tuyệt vọng. Bằng cách không đưa ra bất kỳ câu trả lời chính thức nào, The Platform 2 tạo không gian để người xem có những nhận định của riêng mình. 

Bản ngã con người, chính trị và tôn giáo 

Những người đã theo dõi phần 1 có thể nhận thấy bộ phim là một vòng luẩn quẩn. Trong khi Goreng dành cả phần đầu tiên để tìm cách thiết lập quyền bình đẳng, kêu gọi phân phối thức ăn công bằng cho tất cả, thì Perempuan cố gắng phá vỡ trật tự của một chuỗi đoàn kết, dẫn đầu những kẻ “man rợ” giành giật tự do cá nhân. Đặc biệt hơn khi chúng ta biết rằng câu chuyện của The Platform 2 đặt trước trong dòng thời gian của nhà tù, nói cách khác, không có bất kỳ chế độ nào ổn định mãi mãi. 

Phim The Platform 2
Ảnh: Netflix

Bộ phim vẫn luôn là một cuộc đấu tranh của chủ nghĩa tư bản, và chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa tư bản, với đặc trưng là nền kinh tế thị trường tự do – “một hệ thống kinh tế dựa trên cung cầu với rất ít, hoặc gần như là không có sự kiểm soát của chính phủ”. Trong khi chủ nghĩa xã hội chỉ ra rất rõ rằng mọi người đều có quyền hưởng lợi từ của cải xã hội như nhau. 

Nếu chủ nghĩa tư bản tạo nên một xã hội mất cân bằng trầm trọng, thì The Platform 2 khám phá khái niệm bình đẳng quá phức tạp để thực thi. Như khi Sahabat nói về việc cho một người đang sắp chết đói thức ăn của người đã chết. Đúng là cô ấy đã không tuân thủ “luật” và như được mô tả trong phim, hình phạt dành cho kẻ vi phạm vô cùng tàn nhẫn. Điều này gợi lên câu hỏi về những phức tạp xung quanh những gì được phép và không được phép không tuân thủ. Hệ thống “bình đẳng” dễ dàng hơn nhưng đồng thời cũng tàn nhẫn hơn khi nó liên tục cần phải được tuân thủ để hoạt động. 

Nếu thị trường tự do kích thích lòng tham ngày càng lớn, thì lý do thất bại của mô hình bình đẳng cũng vì nó không tính đến cảm xúc của con người, như lòng tham (nhu cầu luôn thay đổi), đồng cảm (cho người đói ăn thức ăn của người đã chết bị cấm), sợ hãi (những cuộc thanh trừng dã man), sự tận tụy (giúp đỡ nhau ngay cả khi trách nhiệm không phải của bạn bị trừng phạt).

The Platform 2
Ảnh: Netflix

Bộ phim làm nổi bật cốt lõi của câu chuyện rằng không phải thể chế nào đúng, nền tảng nào sai, mà bất kể chúng ta áp dụng hệ thống nào trong xã hội, chúng ta cũng không bao giờ thoát khỏi khuôn khổ một cuộc đấu tranh. Như nhà làm phim đã chia sẻ: “Bộ phim không nói về việc thay đổi thế giới, mà là sự thấu hiểu con người tại từng giai cấp”. 

Mặc dù đều mong muốn đem đến công bằng cho tòa tháp, nhưng bình đẳng của Goreng, của Imoguiri, hay của Dagin Babi khác biệt nhau nhiều điểm. Như Goreng vận động người tù chia sẻ đồ ăn một cách cứng rắn, đại diện cho chủ nghĩa cộng sản, và Imoguiri chọn cách mềm mỏng thuyết phục mọi người, tương đồng với mô tả về chủ nghĩa xã hội, thì Dagin Babi tuyên truyền dựa trên tôn giáo. 

Người trong nhà tù tin tưởng Đấng Thiên Sai như người thiết lập nền tảng cho Luật của cái hố, mặc dù chẳng biết người này còn sống hay đã chết, thậm chí không biết có thật hay không. Hành động hy sinh cao cả đã thiết lập niềm tin tươi sáng trong nhà tù tăm tối. Họ đã khổ sở quá lâu, tuyệt vọng bởi đói khát, họ khao khát được sống mà không cần phải lo lắng chết đói. Chính vì thế, họ tự nguyện tuân theo các điều luật, tôn sùng tuyệt đối vào các Môn Đồ. Chúng ta dễ dàng nhận thấy hình tượng Đấng Thiên Sai liên hệ nhiều đến Chúa. Trong tình huống này, sự tồn tại của Đấng Thiên Sai giúp những người đang hoảng loạn tìm được bình an trong tâm trí, cũng như đời thực, tôn giáo tồn tại để thỏa mãn nhu cầu tinh thần của con người. 

The Platform 2
Ảnh: Netflix

Nhưng tôn giáo trong The Platform 2 không hoàn toàn tốt đẹp. Dẫn đầu bởi Dagin Gabi, những bề tôi trung thành của Đấng Thiên Sai được ủng hộ vô điều kiện, kể cả khi họ đàn áp những “tín đồ” phạm luật, dù có lý do chính đáng hay không, một cách cực đoan nhất. Tệ hơn là những người đi ngược lại niềm tin chung cũng bị coi như kẻ thù của toàn bộ tòa tháp. 

Đến đây, bộ phim chỉ ra mặt trái của tôn giáo, đó chính là nó được dùng làm cái cớ để biện minh cho những đàn áp và đối xử bất công. Tôn giáo chính là một hình thức khai thác lòng tin, và lòng tin có thể bẻ méo tư duy của con người, khiến người ta mất đi khả năng đặt câu hỏi. Như vậy nên Dagin Babi thao túng được những người trong tòa tháp, và Perempuan cũng mất rất lâu để nhận ra điều sai trái trong luật lệ. 

Sau cùng, “chúng ta đều là tù nhân của chính mình” – như Perempuan chiêm nghiệm sau tất cả. The Platform 2 làm nổi bật lên thứ cốt lõi của câu chuyện không phải là chính trị, tôn giáo hay xã hội, mà chính là con người chúng ta mà thôi. 

Tương lai của thương hiệu?

The platform 2 hố sâu đói khát 2
Ảnh: Netflix

Tuy có nhiều cài cắm thú vị, song The Platform 2 của đạo diễn Gaztelu Urrutia có vẻ không giải quyết được thêm vấn đề nào mà phần đầu tiên bày biện, giống như được phục vụ bữa tối thứ hai sau khi bạn đã no căng khó chịu; hương vị vẫn như vậy, nhưng trải nghiệm lại kém thỏa mãn hơn nhiều. 

Vẫn phải ghi nhận bộ phim đã giúp thiết lập thêm nhiều quy tắc, cũng như đặt lại bối cảnh cho bản gốc năm 2020, mặc dù vậy, vẫn còn nhiều câu hỏi chưa được trả lời tại cuối The Platform 2 như tại sao người đàn bà đi tìm con trong phần 1 lại xuất hiện trong căn phòng của những đám trẻ? Liệu có rất nhiều nhà tù thẳng đứng như thế trên thế giới như mid-credit tiết lộ?

Trong những phút cuối cùng, chúng ta được thấy Goreng và Trimagashi nói chuyện với nhau trong bóng tối vô tận bên dưới tầng thấp nhất của tòa tháp. Goreng quay lại khi nghe thấy giọng nói của Perempuan. Hai người ôm nhau, và cô ấy rưng rưng nước mắt. Rõ ràng là họ đã biết nhau ở bên ngoài nhà tù. Có lẽ Goreng chính là người bạn trai mà Perempuan nhắc đến trong câu chuyện về cuộc sống của cô ấy trước khi xuống hố. 

Mặc dù Netflix chưa chính thức bật đèn xanh cho phần thứ ba của loạt phim, nhưng có vẻ như The Platform 2 đang mở ra một con đường rõ ràng hướng tới mạch truyện tuyệt vời, vui nhộn, bẩn thỉu và kỳ dị hơn nữa. 

Nhóm thực hiện

Bài: Xuân Yến

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)