Địa hạt phim hoạt hình tiếp tục chứng tỏ sức mạnh của mình tại phòng vé. Năm nay, ba bộ phim hoạt hình đã xuất hiện trong danh sách 10 phim có doanh thu toàn cầu cao nhất là Inside Out 2 của Disney và Pixar (1,6 tỷ đô la), Despicable Me 4 của Illumination (953,3 triệu đô la) và Kung Fu Panda 4 của DreamWorks (549,1 triệu đô la). Với 98% đánh giá tích cực từ giới phê bình trên Rotten Tomatoes, 8,4/10 điểm từ IMDb, The Wild Robot – cũng là tác phẩm chào đời từ “hãng hoạt hình giấc mơ” – là nhân tố hứa hẹn thay đổi cục diện đường đua Oscar năm 2025 cho hạng mục phim hoạt hình xuất sắc nhất.
Bản giao hưởng giàu cảm xúc về tình mẫu tử
Cốt truyện của The Wild Robot không quá mới mẻ và nguyên bản; người xem dễ dàng nhận ra mô típ quen thuộc từ các tác phẩm như The Iron Giant (1999) hay Avatar (2009). Hình tượng người máy Roz cũng gợi nhớ đến những nhân vật đáng yêu như Wall-E và Baymax trong Big Hero 6. Tuy nhiên, điều khiến The Wild Robot trở nên hấp dẫn chính là cách mà DreamWorks khéo léo lồng ghép yếu tố hài hước và cảm xúc, khiến bộ phim dễ dàng tiếp cận đối với cả người lớn lẫn trẻ em.
Trong phim, Roz – một cô robot chưa từng tiếp xúc với con người – bắt đầu hành trình thích nghi với thế giới tự nhiên. Số phận đưa cô đến với Brightbill, một chú ngỗng con yếu ớt mới chào đời. Nhận nhiệm vụ làm mẹ, Roz giúp Brightbill trưởng thành, dạy nó cách ăn, bơi và bay để chú có thể theo đàn tránh rét khi mùa Đông đến.
Tuy nhiên, hành trình nuôi con của mẹ và hành trình trưởng thành của con không bao giờ là dễ dàng. Brightbill nhận ra mình khác biệt – với đôi cánh nhỏ và cách bơi không giống ai, nó cảm thấy cô độc giữa những chú ngỗng khác. The Wild Robot khắc họa một cách chân thực nỗi khó khăn của việc bước ra khỏi vùng an toàn, nơi gia đình không còn là duy nhất và nơi những đứa trẻ phải tự đấu tranh để được công nhận.
Brightbill, chú ngỗng con, là hình ảnh tượng trưng cho sự ngây thơ và niềm hy vọng của thế hệ trẻ, nhưng Roz là biểu tượng của những điều sâu sắc mà lứa tuổi trưởng thành cần phải đối mặt. Tại giai đoạn này, chúng ta hiểu rõ rằng yêu thương đồng nghĩa với rủi ro và những mối quan hệ dù có thể mang lại nỗi buồn, cũng là những gì làm cho cuộc sống trở nên phong phú hơn.
Cùng với sự phát triển của tuyến tình cảm, Roz cũng phải đối mặt với những xung đột nội tâm. Cô nhận thức được rằng tình yêu có thể dẫn đến tổn thương và nỗi đau khi phải chứng kiến Brightbill lớn lên và rời xa. Những mâu thuẫn này không chỉ thể hiện bản chất phức tạp của tình thương mà còn phản ánh những vấn đề mà bất kỳ ai cũng có thể gặp phải trong hành trình trưởng thành: nỗi sợ hãi mất mát, mong muốn tự do và trách nhiệm đối với người khác.
Điểm đặc biệt trong mối quan hệ này chính là cách mà Roz học hỏi và phát triển qua từng trải nghiệm với Brightbill. Cô không chỉ dạy chú ngỗng những kỹ năng sinh tồn mà còn cảm nhận được những nỗi đau, niềm vui và cả nỗi sợ hãi của tình mẫu tử. Những hành động yêu thương của Roz khiến khán giả nhận ra rằng, tình mẫu tử không chỉ là bản năng sinh học, mà còn là sự chọn lựa và trách nhiệm.
BÀI LIÊN QUAN
Thông điệp về sức mạnh của sự đoàn kết
Trong The Wild Robot, các nhân vật không hoàn toàn là anh hùng hay kẻ phản diện; họ chỉ là những cá nhân đối diện với hoàn cảnh khó khăn, từ đó buộc phải lớn lên và thay đổi để vượt qua thử thách. Bộ phim truyền tải thông điệp rằng tình bạn và sự đoàn kết giữa những cá thể khác nhau có thể mang lại sức mạnh lớn lao, giúp họ vượt qua mọi rào cản trong cuộc sống.
Sự khác biệt trong The Wild Robot không chỉ nằm ở bề ngoài mà còn ở cách mỗi sinh vật trải nghiệm thế giới xung quanh. Các loài động vật trên hòn đảo, từ những con sóc nhút nhát đến những chú cáo cục cằn, đều có những cá tính và sở hữu cách sinh tồn riêng. Thay vì chống đối hay loại bỏ nhau, Roz và những sinh vật này bắt đầu học hỏi lẫn nhau, tạo ra một cộng đồng đa dạng nhưng đoàn kết.
Khi sự tồn tại của Roz bị đe dọa bởi Universal Dynamics, cả cộng đồng động vật phải đứng lên bảo vệ hòn đảo. Sự đồng lòng này chính là minh chứng cho sức mạnh của sự chấp nhận và đoàn kết. Họ nhận ra rằng, trong bối cảnh hiểm nguy, sự khác biệt giữa họ không còn là điều quan trọng, mà chính sự đoàn kết và lòng dũng cảm mới là yếu tố quyết định sự sống còn của cả cộng đồng.
Dù ra đời ở hai thời điểm khác nhau, cả The Wild Robot và How to Train Your Dragon đều chia sẻ những cấu trúc và chủ đề tương đồng. Cả hai bộ phim đều giới thiệu những nhân vật bị xã hội ruồng bỏ, mang trong mình khao khát kết nối. Hiccup, một cậu bé yếu ớt trong cộng đồng người Viking, tìm thấy tình bạn nơi Toothless – một con rồng bị coi là hung thần. Tình bạn này không chỉ giúp Hiccup khẳng định bản thân mà còn thay đổi cách nhìn của cả cộng đồng về những điều mà họ từng sợ hãi.
Tương tự, Roz, một robot cô đơn, bị lạc trên hòn đảo hoang, phải tự tái lập trình để trở thành mẹ của một chú ngỗng con. Sự khác biệt về hình thức và cách thức tồn tại khiến Roz phải đối mặt với sự kỳ thị và sự hoài nghi từ phía những cư dân động vật, nhưng cũng chính từ đây, câu chuyện về sự chấp nhận bắt đầu. Brightbill, trong hành trình trưởng thành của mình, là người đầu tiên giúp Roz hiểu rằng mặc dù họ khác nhau về bản chất, nhưng điều đó không có nghĩa là họ không thể gắn bó và trở thành gia đình.
Cả hai bộ phim đều truyền tải thông điệp mạnh mẽ về sự đoàn kết và chấp nhận sự khác biệt. Sự đoàn kết này cho thấy rằng chỉ khi chấp nhận sự khác biệt, chúng ta mới có thể cùng nhau tái tạo một thế giới tốt đẹp hơn.
Xem thêm
• [Review phim] “Heartstopper 3”: Tình yêu không chỉ có gam màu hồng
• [Review phim] “Gyeongseong Creature 2”: Bước tiến đến tương lai hay bước lùi của thương hiệu?
• [Review phim] “Queen Woo”: Khi quân hậu trở thành nhân vật chính trong ván cờ
Tôn vinh nghệ thuật hoạt hình vẽ tay
Thời kỳ đầu của hoạt hình gắn liền với những nét vẽ thủ công, cho đến khi CGI xuất hiện, mở ra vô vàn tiềm năng mới, từ việc thay đổi góc máy đến di chuyển trong không gian 3D. Tuy nhiên, sự hiện diện của công nghệ đôi khi đã làm mờ đi cái hồn ấm áp mà nghệ thuật truyền thống mang lại. Giờ đây, chúng ta đang nỗ lực kết hợp cả hai thế giới – vừa giữ lại những giá trị tinh túy của nghệ thuật vẽ tay, vừa tận dụng những lợi ích từ công nghệ hiện đại.
Về mặt hình ảnh, The Wild Robot tạo ra một thế giới có kết cấu gần như tranh vẽ. Mỗi khung hình của bộ phim là một tác phẩm nghệ thuật, nơi từng chiếc cây, tảng đá và bông hoa đều được khéo léo tô vẽ bằng tay. Người xem có thể thấy từng bông tuyết đọng trên bộ lông loang lổ, những mảng rêu bám trên đá, cả những chiếc lá riêng lẻ trong hang và cảnh tượng những cánh bướm phủ đầy trên một cái cây đột ngột vỗ cánh bay lên vô cùng ngoạn mục…
Không phải chờ đến The Wild Robot, DreamWorks đã quyết định thoát khỏi lối hoạt hình CG (Computer Graphic) truyền thống và áp dụng phong cách hoạt họa 2D kết hợp 3D trong những bộ phim gần đây như The Bad Guys và Puss in Boots: The Last Wish khi biến mỗi khung hình thành một bức tranh sơn dầu tuyệt đẹp
Tác phẩm không chạy theo trào lưu hiện thực hóa mà tôn vinh những nét vẽ cách điệu, đơn giản, tạo nên một thế giới đầy màu sắc và thơ mộng. Mỗi nhân vật và bề mặt đều mang đậm dấu ấn của nghệ thuật thủ công, ngoại trừ Roz, khi cô lần đầu đặt chân lên hòn đảo. Ban đầu, Roz có bề mặt CG, nhưng qua thời gian và quá trình phát triển, bề mặt ấy dần chuyển sang các nét vẽ, phản ánh những dấu ấn của cuộc sống như trầy xước, gỉ sét, cho thấy sự hòa nhập của cô với hòn đảo.
Hơn thế, những chuyển động uyển chuyển và sáng tạo trong từng phân cảnh đã tạo nên một không gian chân thật, khiến người xem như lạc vào khu rừng, tự do ngắm nhìn từ mọi góc độ. Tác phẩm cũng gợi nhớ đến những bối cảnh hoạt hình kinh điển như Bambi của Tyrus Wong và những kiệt tác của nhà Ghibli như Laputa: Castle in the Sky (1986), My Neighbor Totoro (1988), Princess Mononoke (1997)… Những cánh rừng đại ngàn, những hòn đảo hoang vu với vẻ đẹp tràn đầy sức sống, mời gọi khán giả bước vào một thế giới vừa thực vừa huyền ảo.
Mặc dù chưa có thông báo chính thức về phần tiếp theo, The Wild Robot là một bộ truyện gồm ba cuốn và Chris Sanders rất háo hức với ý tưởng trở lại với khu rừng mà ông đã khám phá. Ông cho biết hoạt hình hiện đại đã thoát khỏi những giới hạn cứng nhắc của quá khứ, cho phép tự do sáng tạo phong cách nhiều hơn bao giờ hết. Với tâm trạng lạc quan về những tiềm năng mới, ông tin rằng DreamWorks Animation cũng đang ở trong một giai đoạn thú vị, sẵn sàng cho những cuộc phiêu lưu tiếp theo.
Nhóm thực hiện
Bài: Hoàng Thúy Vân
Ảnh: Tổng hợp