Nói lạ bởi lẽ đây hẳn là đĩa nhạc đầu tiên mà người nghe có thể thâm nhập một cách dễ dàng vào những bài ca của Lý. Nếu album đầu tay và Tuổi 25 nhằm giới thiệu cá tính của Lê Cát Trọng Lý thì liên tục những đĩa nhạc sau đó, từ Dreamers – Những kẻ mộng mơ, Không sao về bắt đầu, Đừng mua nhiều nhà hơn mình cần đến Hai người chẳng thấy nhau, lại mang tính thể nghiệm nhiều hơn khi hợp tác cùng Nguyễn Thanh Tú – người chuyển soạn các ca khúc của Lý sang nhạc cụ thính phòng.
Cây lặng, gió ngừng là một đĩa nhạc chữa lành, như Lý nói: “Hai năm “ở yên” có lẽ khiến nhiều người trong chúng ta thay đổi ít nhiều trong suy tư, nghĩ lại cái gì quan trọng với mình, chăm sóc lại ngôi nhà của mình bên ngoài và nơi trú ẩn thực sự bên trong mình”. Do đó, những bản nhạc trong album này không đơn thuần là chuyện kể của riêng Lý như trước đây, mà đã tiệm cận hơn, là tiếng nói chung cho thế hệ những người-trưởng-thành lớn lên trong thời đoạn có phần bất định.
1. Mọi thứ đều là tự nhiên
Ở bài hát mở đầu đĩa nhạc và cũng đồng thời là tên album, trên nền piano rải nốt chậm chạp, Lý hát về những khuôn hình sáo rỗng mà người ta thường áp vào nhau: “Đừng đem ước muốn ngày xưa gán vào em, như tranh vào khung, giết mất hình dung, trong ta lúc bây giờ” hay “Đừng đem ước muốn thúc vào nhau, đừng yêu như chơi trò chơi có người thua”, để rồi khép lại bằng một câu hỏi muôn đời còn đó “Cây muốn lặng, gió có ngừng?”. Mọi thứ đều là tự nhiên, không cần tính toán hay ép vào nhau, dẫu sao thì điều gì đến rồi cũng sẽ đến, ta khó có thể từ chối điều đó nhưng lại có thể chấp nhận và uyển chuyển thay đổi một cách dễ dàng.
BÀI LIÊN QUAN
2. Thái độ đón nhận sự không như ý
Với Giậm chân tức tối, Lê Cát Trọng Lý hình dung những ước muốn dang dở và chơi vơi hiện tại như một cơn lũ tràn qua, và chính thái độ đón nhận của ta sẽ quyết định sự việc biến chuyển ra sao. Ta có thể “giậm chân tức tối” nhìn nó trôi qua, hoặc chỉ đơn thuần là “giậm chân đứng ngóng” chờ cơn bĩ cực tới hồi thái lai.
3. Sâu sắc trong từng khoảnh khắc
So sâu là bài ca có giai điệu đẹp nhất trong toàn đĩa nhạc, khi được nâng đỡ bằng flute cũng như kèn clarinet, mở ra một không gian riêng và rất cô đọng. Ở bài hát này, Lý kêu gọi mọi người hãy yêu thương nhau thật sâu, để rồi mọi cách trở và nhiều khó khăn sẽ không còn là gì. Kết thúc bài hát, Lý thủ thỉ một sự liên tưởng vô cùng thú vị: “Thấy mình là đám rêu xanh” trước hiện thực nhiều khắc nghiệt của “hồ buồn ngập mặn trong màu mắt”.
4. Điều đó rồi cũng sẽ qua
Như thừa nhận của Lê Cát Trọng Lý, Vờ như là bài ca mà Lý thích nhất trong đĩa nhạc này. Nhẹ nhõm nhìn những khó khăn theo đến mù khơi thành những “khe núi”, “con suối”, rồi “bài hát sẽ đưa ta về nơi đắm chìm”, “quên vết thương chìm dưới sâu” bởi “thứ đã qua trôi mất rồi”. Sự buông bỏ và cái nhìn nhau trong nỗi hồn nhiên như cứu rỗi những nỗi đau quá lớn.
Đã trôi hết sạch cũng là một bài hát như thế. Lý hát cho những ai “nghiện đắng cay”, “nghiện đau đến không ngủ ngon”, “nghiện nhớ nhung như kẻ dại”. Buông xuôi những gì không thuộc về mình, để rồi khi nhìn lại khoảng thời gian ấy, “lời mình tha thiết giờ như con gió bay”, “ngàn yêu thương đã trôi hết sạch”, không còn vấn vương và nhiều thiết tha.
Trong ngày đĩa nhạc ra mắt, Lý cũng nói rằng “nếu bạn có đang buồn, đang khó khăn, đang chán nản, mong rằng bạn sớm vượt qua và tiếp tục tiến về phía trước; nếu bạn đang hạnh phúc và thuận lợi, mong sao bạn lây được sự tích cực đó cho gia đình, bạn bè và san sẻ cho nhau”. Bởi lẽ, sẻ chia luôn là một liều thuốc hay, quên đi những nỗi lo âu thường trực trong đời sống này.
5. Sống chậm lại, nghĩ khác đi
Kết hợp cùng Đặng Hoàng Hải – một nghệ sĩ còn rất trẻ, Con ma đang sống viết về đời sống một cách hiện thực và rõ ràng nhất. Đời sống vốn dĩ là một vòng lặp vốn không biết chán, và con người khi bị cuốn vào là không thể trốn đi. Anh viết về những người ấy như những bóng ma, khi mà cay đắng là “con ma không sống” và “con ma đang sống” cũng không khác chi nhau, với sự nhợt nhạt và vô phương định.
Do đó, sao không “dừng lại đi, thở một giây, nhìn vào nhau, mình ở đây, để được thấy, điều đó sẽ qua” và “tình yêu đó vẫn ở đây”. Thương yêu bản thân, làm những việc mình thích dẫu cho kết quả ra sao chắc hẳn là cách bước ra khỏi vòng tuần hoàn ngàn năm ấy, với sống, làm việc và mất dần chính con người mình.
BÀI LIÊN QUAN
6. Thời gian đã qua không thể lấy lại
Tương tự So Sâu, Rơi rớt trên triền đồi là một bài ca rất đặc biệt, khi được kết hợp với flute và kèn clarinet, cũng như cho thấy mối giao hòa rất riêng với tự nhiên mà người nghe thường nhận thấy trong các sáng tác của Lê Cát Trọng Lý. Lý hát về sự thay đổi bằng những hình tượng rất đẹp: “Anh đã thay người rồi, tựa như áo” hay “Em cũng thay mình rồi, tựa như nước”. Thời gian qua đi, lời yêu rơi rớt nhưng còn đấy vẫn là không gian rộng mở với tiếng côn trùng kêu, ngọn thông già im của một ngày không nắng không mưa. Bình thản, nhẹ nhõm và dễ chịu, Lý tạo ra một cõi “thiền” rất thú vị trong sự giao hòa với tự nhiên.
7. Mỗi người lớn là một đứa trẻ
L33 là một ký hiệu mà khi giải nghĩa, rất có thể là Lý của tuổi 33. Nhìn lại rất nhiều năm làm nghề, khi hơn một thập niên trước Lý cũng từng phát hành Tuổi 25. Nhưng nếu thời đó người ta nói Lý “già sớm” bằng những lời ca triết lý thì ở tuổi 33, Lý lại tinh nghịch một cách rất trẻ thơ, khi “hay nói huênh hoang về mình”, “sợ trống vắng”, “lén khóc” và vẫn “mơ mộng”. Lý hát về tuổi trẻ quay cuồng với công việc và những áp lực như “tù giam bít bưng lối ra” và “nhiều ước muốn, dần biến mất, vì cố chấp, đau”. Tứ tấu cellos được sử dụng trong bài ca này cũng rất thú vị và nhiều ấn tượng.
Cây lặng, gió ngừng là một đĩa nhạc vô cùng đặc biệt, được làm ra trong thời đặc biệt, dành cho một thế hệ đặc biệt. Bằng những suy ngẫm hướng vào bên trong, Lý hát những lời ủi an cho những “đồng âm” chịu nhiều biến động của mình. Lý đến gần với mọi người bằng sự nhẹ nhõm, ủi an, dịu dàng như một vòng tay ôm siết. Một đĩa nhạc nhiều ý nghĩa và rất đáng nhớ.
Nhóm thực hiện
Bài: Ngô Thuật Phát Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE