Trong giới thời trang, Thủy Nguyễn nổi tiếng là “phù thủy áo dài” với những thiết kế vừa thuần Việt vừa mang đậm hơi thở đương thời. Trong giới hội họa, Thủy Nguyễn là một họa sĩ tài năng. Tuy nhiên, ít ai biết, chị còn cùng với một đội ngũ gồm những người rất tâm huyết vun đắp nên không gian dành riêng cho nghệ thuật đương đại – The Factory Contemporary Arts Centre (Trung tâm Nghệ thuật Đương đại The Factory).
Chào chị, ý tưởng tạo nên không gian của Trung tâm Nghệ thuật Đương đại The Factory đến từ đâu?
Tôi nhận thấy, rất nhiều nghệ sĩ trẻ hiện nay đang khao khát tiếp cận những hình thức và cách biểu đạt tân kỳ, mang hơi thở thời đại và ngôn ngữ quốc tế nhưng do điều kiện cá nhân, các bạn không có đủ không gian để sáng tạo và giới thiệu ý tưởng của mình đến với công chúng. Và ngược lại, người yêu nghệ thuật muốn kết nối với nghệ sĩ cũng bị hạn chế trong những lề lối giới thiệu quá cũ mòn và thiếu tính chuyên nghiệp. Do đó, không gian The Factory được sáng lập để tự nguyện làm một mảnh ghép khiêm tốn cho khoảng trống này.
Vậy theo chị, làm sao để nghệ thuật đương đại trở nên dễ hiểu, gần gũi hơn với đại chúng và làm sao để năng lực thưởng thức của số đông tiếp cận được các tầng ý nghĩa của nghệ thuật đương đại?
Theo tôi, đây là một trong những nút thắt mà bất cứ người làm nghệ thuật đương đại nào cũng sẽ gặp phải. Để gỡ được nút thắt này, cần có sự đồng cảm của cả đại chúng và nghệ sĩ. Mỗi bên cùng tiến lên một bước. Ví dụ, khi sáng tác, người nghệ sĩ hoặc giám tuyển nếu thấy tác phẩm khó hiểu với người xem thì nên có thêm nội dung diễn giải, còn đại chúng có thể tích cực tham gia hoạt động nghệ thuật để hiểu được phương tiện, phương thức sáng tác của nghệ sĩ. Ngoài ra, còn cần sự tham gia của đội ngũ giám tuyển, biên soạn nội dung, truyền thông… để bảo đảm nghệ sĩ có thể tự do bay bổng với ý tưởng của mình mà công chúng vẫn có thể tiếp cận, thưởng thức ý tưởng đó.
Bản thân chị là một họa sĩ, một NTK thường hay thể hiện cái “điên” trong sáng tạo. Có phải ai làm nghệ thuật cũng phải có chút “máu điên” như vậy không?
Đối với người làm nghệ thuật, được có “máu điên” là niềm hạnh phúc, nhưng càng phải có “máu tỉnh” để ý thức được sáng tạo của mình sẽ đi đến đâu và rẽ theo hướng nào để đi được đường dài. Chính cái “máu tỉnh” này sẽ giúp người nghệ sĩ nhìn ra cơ hội, lắng nghe những người xung quanh và quan trọng nhất là lắng nghe bản thân mình muốn gì và cần phải làm gì.
BÀI LIÊN QUAN
Là một người đi nhiều, tiếp cận với nhiều hoạt động sáng tạo trên thế giới, chị thấy nghệ sĩ Việt Nam hiện đang đứng ở đâu trên bản đồ nghệ thuật? Tiềm năng của họ có thể lớn đến đâu nếu được hỗ trợ đúng mức?
Những cái tên gạo cội như Lê Phổ, Nguyễn Phan Chánh, Vũ Cao Đàm… vẫn luôn được nghệ thuật thế giới liên tục nhắc đến và ngưỡng mộ, nhưng nghệ sĩ trẻ Việt Nam hiện tại cũng có rất nhiều tiềm năng. Trong vài năm trở lại đây, nghệ thuật thế giới đã thấy được tinh thần sôi nổi của nghệ thuật Việt Nam qua sự tham gia của nhiều nghệ sĩ ở các triển lãm quốc tế, dù là triển lãm nhóm hay cá nhân đều để lại dấu ấn cho cả ban tổ chức lẫn người xem. Mọi người đã bắt đầu nhắc đến Việt Nam nhiều hơn cũng như chú ý theo dõi các tin tức về nghệ sĩ trẻ rất thường xuyên. Điều này chứng tỏ nghệ thuật và nghệ sĩ đương đại Việt Nam đang dần được ghi nhận. Vậy nên, nếu được hỗ trợ đúng mức, nghệ sĩ sẽ vượt qua được nhiều thách thức, có được cơ hội học tập, trau dồi trong điều kiện tốt và tạo ra các tác phẩm, dự án nghệ thuật có sức ảnh hưởng lớn, mang cái tên Việt Nam vươn xa.
Trong bối cảnh hiện đại, sự phát triển của truyền thông kỹ thuật số tạo ra cả thuận lợi lẫn thách thức trong việc mang nghệ thuật đương đại đến gần với đại chúng. Vậy, giữa truyền thông và bản thân người nghệ sĩ, bên nào có vai trò lớn hơn?
Truyền thông kỹ thuật số góp phần rất lớn trong việc mang thông tin triển lãm, chương trình nghệ thuật đến với mọi người. Công chúng có thể chia sẻ thông tin đến bạn bè hay trao đổi ý kiến trực tiếp với các không gian nghệ thuật. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất là làm sao để mọi người chịu đọc thông tin chi tiết về triển lãm để khi đến sẽ toàn tâm toàn ý tìm hiểu nghệ thuật chứ không đơn thuần chỉ đến để chụp ảnh, ghi hình. Tôi nghĩ rằng, vai trò của người nghệ sĩ và truyền thông lúc này là bằng nhau, thậm chí là vai trò cộng sinh, cùng nhau tạo nên đời sống nghệ thuật cho cộng đồng. Nếu mọi người có chung một mục đích là mang nghệ thuật đến gần hơn với đời sống thì sẽ tìm được cách dung hòa, cùng phát triển.
Bắt đầu với vai trò họa sĩ, sau đó rất thành công trong lĩnh vực thiết kế thời trang nhưng chị vẫn tiếp tục đầu tư vào hoạt động nghệ thuật. Đây là một lĩnh vực không dễ nhìn thấy kết quả. Có phải chị đang tự làm khó mình không?
Nếu công việc của mình có kế hoạch và chiến lược rõ ràng, chắc chắn nếu không 5 năm thì 10 năm, hoặc 20 năm sau sẽ có kết quả. Nếu không tự làm khó mình hay không đặt ra thách thức cho bản thân thì sẽ không bao giờ trưởng thành được. Điều quan trọng là mình có đủ tâm huyết để cùng các nghệ sĩ trẻ phát triển lâu dài, hay các nghệ sĩ có hiểu được cố gắng của mình hay không.
Tôi chỉ mong đến một ngày, mọi người có thể xem nghệ thuật là một phần của cuộc sống, và việc thuởng thức nghệ thuật, đi xem triển lãm, tìm hiểu các chương trình liên quan là một việc hết sức thường nhật, phổ biến, và danh xưng “nghệ sĩ” cũng sẽ được mọi người nhìn nhận nghiêm túc hơn, gần gũi hơn.
Cảm ơn những chia sẻ thú vị của chị!
—
Xem thêm:
NTK Thủy Nguyễn & Những cảm xúc một thời 8x
NTK Thủy Nguyễn giới thiệu BST “Lúng Liếng” tại VIFW 2015
Nhóm thực hiện
Bài: Đoàn Trúc Ảnh: NVCC Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE