Tiếp cận nghệ thuật trong kỷ nguyên ảo
Sự ra đời của Metaverse đánh dấu một cột mốc mới của kỷ nguyên ảo. Giới sáng tạo nghệ thuật là những đối tượng có nhiều cơ hội để thử nghiệm và theo đuổi sự thích ứng trước những thách thức của thời đại thông qua ứng dụng công nghệ mới. Nhiều người trong số họ đã có bước tiên phong vào cuộc phiêu lưu mở rộng ngôn ngữ kỹ thuật số để kết nối, thể hiện bản thân và tính toàn diện của nghệ thuật.
Xu thế từ khủng hoảng
Hai năm đại dịch đã trở thành đòn bẩy thuận lợi giúp giới công nghệ minh chứng tầm nhìn của họ và tiếp tục phát huy các thuật ngữ về VR (Virtual Reality – Thực tế ảo), AR (Augmented reality – Thực tế tăng cường), XR (Extended Reality – Thực tế ảo mở rộng) hay MR (Mixed Reality – Thực tại lai) và nhiều hình thái khác mà chúng ta sẽ còn tiếp tục được khám phá. Sự nhập cuộc nhanh chóng của các trung tâm nghệ thuật, bảo tàng và những phòng tranh nghệ thuật khi kết hợp các ý tưởng độc đáo với các định dạng kỹ thuật số phong phú đã làm tăng sức hấp dẫn cho các buổi biểu diễn, triển lãm ảo, thúc đẩy nhu cầu phát triển các dịch vụ kỹ thuật số. Một số nơi không chỉ sử dụng công nghệ VR mà còn mở rộng nhiều ứng dụng tương tác độc đáo để đưa người xem chìm đắm vào trải nghiệm đa giác quan so với cách tiếp cận truyền thống. Công chúng có thể tiến sâu vào không gian sáng tác của nghệ sĩ hoặc hóa thân vào họ. Khi không gian hay các tác phẩm nghệ thuật không còn bị ràng buộc ở một vị trí thực tế cố định, người nghệ sĩ có nhiều lựa chọn hơn trong việc định hình bối cảnh sáng tạo và phương thức phổ biến các tác phẩm.
Có thể kể đến Bảo tàng nghệ thuật và thiết kế hàng đầu thế giới V&A tại London đã ra mắt triển lãm lớn nhất trong năm mang tên Curious Alice. Triển lãm giới thiệu các tác phẩm minh họa đầy sức hút, mang phong cách siêu thực của nữ nghệ sĩ người Iceland Kristjana S Williams bằng không gian vui nhộn của thực tế ảo (VR). Một trải nghiệm đầy lý thú khi người xem có thể bước vào thế giới thần tiên của Lewis Carroll và tương tác với những nhân vật trong câu chuyện nổi tiếng mang tính biểu tượng và cảm hứng nhất mọi thời đại này. Triển lãm cho phép người xem nhập vai vào cuộc phiêu lưu kỳ ảo và các thử thách khơi gợi sự tò mò. Một triển lãm mang đến trải nghiệm nghệ thuật có ứng dụng công nghệ XR được các chuyên gia nhắc đến nhiều trong năm 2021 chính là Substrata của Epoch Gallery’s. Triển lãm tập hợp tác phẩm của nhiều nghệ sĩ dưới định dạng kỹ thuật số khác nhau được sắp đặt trong bối cảnh ảo do nữ nghệ sĩ Alice Könitz sáng tạo, đưa người xem bước ra khỏi không gian nghệ thuật trưng bày truyền thống để đến với một hành trình thưởng lãm sống động.
Ngay đầu năm 2021, như tiên đoán được thời điểm kỷ nguyên ảo bùng nổ, phòng trưng bày bitforms tại New York đã trình làng Disembodied Behaviors. Một triển lãm sử dụng không gian ảo để vừa giới thiệu các tác phẩm kỹ thuật số vừa tạo ra cuộc thảo luận của nghệ sĩ, hay một cuộc trò chuyện giữa nghệ thuật và công nghệ. Chương trình được thực hiện dựa trên nền tảng của New Art City đưa đến nhiều cái nhìn thú vị về lằn ranh chuyển giao của nghệ thuật từ trạng thái vật lý sang môi trường số hóa.
Tuy nhiên, công nghệ không hoàn hảo, triển lãm thực tế ảo và các phương tiện mở rộng không hẳn thay thế hoàn toàn mô hình hay kiểu làm truyền thống. Theo Bruno David, người đứng đầu Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia ở Paris, thực tế ảo và các phương tiện kỹ thuật số mở rộng chỉ nâng cao và bổ sung những gì đang có. Có thể thấy công nghệ nâng tầm trải nghiệm của người xem lẫn quá trình sáng tác của nghệ sĩ.
Sức hấp dẫn của yếu tố phi truyền thống
Không chỉ tác động đến phương diện phổ biến, cách tiếp cận, và chia sẻ các tác phẩm nghệ thuật, công nghệ còn xóa bỏ quyền sở hữu tác phẩm nghệ thuật theo lối truyền thống. Các nhà đấu giá và phòng trưng bày nghệ thuật danh giá cũng không thể đứng ngoài cuộc chơi. Sotheby’s đã mở phòng trưng bày ảo tại Decentraland. Đầu năm 2021, Nhà đấu giá Christie cũng đã công bố hợp tác với thị trường NFT máu mặt của thế giới là Open Space. Dhiren Dasu, chuyên gia sáng tạo trong lĩnh vực truyền thông kỹ thuật số nhận định rằng: “Sự bành trướng của digital art và hệ thống xác thực, mua bán dựa trên blockchain đã mở rộng khả năng tiếp cận thị trường nghệ thuật cho nhiều người”.
Thực tế ảo đang được xem như giải pháp mở rộng hạn chế của con người trong thực tại. Sự gia tăng của các cuộc triển lãm và chương trình ảo cùng số lượng truy cập ngày càng nhiều từ người xem là một tín hiệu thú vị. Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng không phải chương trình nào cũng đủ ấn tượng. Giới nghệ thuật phải tiếp tục trải qua nhiều thử thách để hiểu hết tiềm năng từ các cuộc cách mạng của công nghệ. Sự khác biệt về kết quả gặt hái qua hai năm 2020 và 2021 cho thấy tầm nhìn và sự đầu tư là một quá trình đã được chuẩn bị lâu dài.
Dấu ấn nữ giới
Trong lĩnh vực này, phụ nữ không đem đến một câu chuyện mới mà là kiến tạo một thế giới mới. Họ không chỉ là những chuyên viên lập trình, những nhà đầu tư táo bạo mà còn là những cá nhân sáng tạo đáng kinh ngạc đóng góp cho sự nở rộ của ngành công nghiệp hành trăm tỷ đô này. Thật khó để cập nhật một danh sách đầy đủ. Một vài nữ nghệ sĩ dành được nhiều sự quan tâm vì những dự án thể hiện tư duy nghệ thuật độc đáo gây chú ý gần đây như: Nữ nghệ sĩ trình diễn đồng thời là nhà hoạt động vì nữ quyền Marina Abramovíc. Dù đã ở tuổi thất tuần, bà vẫn miệt mài sáng tạo và không ngừng sử dụng các phương tiện truyền thông đa dạng, kết hợp các ứng dụng công nghệ mới nhất để biểu đạt thông điệp đương đại qua Rising (2018) và Traces (2021). Nữ nghệ sĩ đa phương tiện sáng tạo nhất của Trung Quốc, Cao Fei tiếp tục khám phá nhận thức của mỗi cá nhân trong mối quan hệ với công nghệ, phản ánh bản chất đang thay đổi của nhân loại qua The Enternal Wave (2020-2021). Rachel Rossin lại là nghệ sĩ sáng tác dựa trên sự kết hợp các loại hình truyền thống và công nghệ mới. Stalking the trace (2019) là cuộc triển lãm cá nhân phản ánh quá trình sáng tạo phức tạp của cô khi thể hiện sự chuyển đổi liên tục giữa hai trạng thái vật chất và phi vật chất. Điểm chung giữa Cao Fei và Rachel Rossin là quá trình thực hành nghệ thuật bằng công nghệ VR, AR cùng kinh nghiệm sử dụng công cụ trò chơi điện tử đã góp phần củng cố quan điểm chính: những nhà sáng tạo trò chơi điện tử là cộng đồng nuôi dưỡng các yếu tố và công cụ định hình thế giới nghệ thuật trong kỷ nguyên ảo ngày nay.
Bài: May Ngô
Hình ảnh: Tư liệu
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE