Văn hóa / Thế giới văn hóa

Đắm chìm trong tình yêu tuổi thanh xuân với 5 bộ tiểu thuyết ngôn tình Trung Quốc hay nhất

Dù đã qua thời kỳ hoàng kim được nhiều người săn đón nhưng tiểu thuyết ngôn tình vẫn là một trong những thể loại được yêu thích nhất. Đặc biệt, trong dòng truyện ngôn tình, những trang sách thanh xuân vườn trường luôn giữ được sức hút như thể mong ước lưu giữ mãi tuổi trẻ.

tiểu thuyết ngôn tình thanh xuân vườn trường

Ngôn tình là thuật ngữ bắt đầu từ Trung Quốc, đề cập đến các câu chuyện tình yêu đôi lứa với vô vàn thể loại khác nhau. Sau nhiều năm “oanh tạc”, tiểu thuyết ngôn tình đã trở nên quá quen thuộc với độc giả và bắt đầu lắng xuống theo thời gian. Dù vậy, số lượng độc giả theo dõi thể loại tiểu thuyết tình yêu này vẫn chiếm rất đông, những tựa sách xuất bản luôn được săn đón.

Trong đó, những câu chuyện tình yêu học đường được biết qua cụm từ “thanh xuân vườn trường” luôn chiếm vị trí rất cao trong trái tim độc giả. Bởi lẽ, mỗi chúng ta, ai cũng có thời niên thiếu ngây thơ, dù năm tháng qua đi vẫn muốn giữ lại trong tâm trí. Thế nên, rất nhiều độc giả lựa chọn thể loại ngôn tình thanh xuân vườn trường để tìm lại kỷ niệm của một thời tuổi trẻ hoặc trân trọng năm tháng hoa niên hiện tại.

1. Thời niên thiếu không thể quay lại ấy – Đồng Hoa

tiểu thuyết ngôn tình thời niên thiếu không thể quay lại ấy
Ảnh: Tiki

Tuy không phải là tác phẩm làm nên tên tuổi của Đồng Hoa nhưng Thời Niên Thiếu Không Thể Quay Lại Ấy lại gắn liền với sự nghiệp văn chương của “nhiên tình thiên hậu” dòng ngôn tình Trung Quốc. Tốt nghiệp trường Đại học Bắc Kinh, trở thành Thạc sĩ Kinh tế Tài chính tại Philadelphia, nữ văn sĩ là đóa hoa nở muộn khi đến tận tuổi 26 mới gây dựng được “thương hiệu” qua các tác phẩm Bộ Bộ Kinh Tâm.

Nhắc đến Đồng Hoa, người ta lại nghĩ ngay đến giọng văn hoa mĩ nhưng không sáo rỗng, luôn chất chứa một nét bình dị lặng lẽ đi sâu vào lòng người. Và lối hành văn đó được thể hiện tuyệt đối trong Thời Niên Thiếu Không Thể Quay Lại Ấy – một câu chuyện đời thường cho phép độc giả nhớ về tuổi trẻ, kỷ niệm cho thanh xuân của chính mình.

“Em là em, độc nhất vô nhị, không cần so sánh với ai khác”

Thời Niên Thiếu Không Thể Quay Lại Ấy đã đảo ngược thời gian, đưa độc giả đồng hành cùng nhân vật La Kỳ Kỳ quay về thuở ấu niên trong những năm 90. Trước 5 tuổi, La Kỳ Kỳ từng là cô công chúa nhỏ, được ông bà cưng chiều nên có phần ương bướng nhưng lại rất hoạt bát. Với cô, đó là những năm tháng hạnh phúc, ngây ngô nhất của cuộc đời này. Cho đến khi được đón về cùng cha mẹ, La Kỳ Kỳ dần trở thành đứa trẻ trầm tính, khó gần và ngỗ nghịch. Thậm chí, có đôi lúc cô còn trở thành người vô hình trong gia đình của cha mẹ và em gái.

Người ta hay nói trẻ nhỏ không biết gì, nhưng trái tim của chúng lại nhạy cảm và mong manh hơn bất cứ ai. Ngay từ thuở bé, La Kỳ Kỳ đã hiểu rằng tình yêu của cha mẹ chẳng thể nào công bằng, thế nên, cô nhóc thường lang thang khắp nơi sau mỗi khi tan học. Cũng vì thế, cô gặp được cô bạn thân Cát Hiểu Phi, nhưng tình bạn lại sớm hợp chóng tan rồi mất hút trong biển người mênh mông.

Trong những năm tháng đó, Trương Tuấn và Tiểu Ba là hai cái tên khắc sâu trong tim La Kỳ Kỳ. Nếu như nói Tiểu Ba là ngọn đèn luôn ở phía sau tỏa ra tia sáng ấm áp, giúp cô soi sáng con đường tăm tối, thì Trương Tuấn chính là ngọn lửa nhiệt thành, rực rỡ mà cô luôn hướng về. Đây là hai người con trai cùng cô đồng hành từ thuở ấu niên cho đến niên thiếu, là phần quan trọng nhất để lại nhiều lưu luyến.

Thời Niên Thiếu Không Thể Quay Lại Ấy là một dấu chấm lửng mà Đồng Hoa để cho mỗi độc giả tự tay điền khuyết phần còn lại. Đoạn kết dang dở như thanh xuân của mỗi người luôn có những câu chuyện bỏ ngỏ, tuy tiếc nuối nhưng cũng rất đáng trân trọng.

Trong một tác phẩm tiểu thuyết ngôn tình như Thời Niên Thiếu Không Thể Quay Trở Lại Ấy, không chỉ có mỗi tình yêu đôi lứa mà còn có cả tình thân, tình bạn, tình thầy trò và những thông điệp sâu sắc trong cuộc sống. Dù có mang tính cách giống La Kỳ Kỳ hay không, độc giả dường như vẫn tìm thấy bản thân mình trong câu chuyện của cô – mỗi chúng ta đều là nhân vật chính của cuộc đời mình, “độc nhất vô nhị” mà trưởng thành.

2. Năm tháng vội vã – Cửu Dạ Hồi

tiểu thuyết ngôn tình Năm tháng vội vã
Ảnh: Fahasa

“Không cầu trở thành tiên nhân trí gia nhìn thấu hồng trần, chỉ mong được làm đóa hoa nhỏ lưu lại mọi thăng trầm nhân gian”. Với ý niệm đó, hầu hết những tác phẩm của Cửu Dạ Hồi đều trải qua những yêu thương ngọt ngào và biệt ly đau khổ. Là nữ văn sĩ sau năm 80, lối viết tinh tế và sắc sảo của bà đã mở ra hướng đi mới trong dòng tiểu thuyết ngôn tình thanh xuân.

Phần lớn độc giả biết đến bút danh Cửu Dạ Hồi qua tác phẩm Năm Tháng Vội Vã được chuyển thể thành phim truyền hình và cả điện ảnh. Nhưng thực chất, năm 2005, bà đã từng gây “náo động” với tiểu thuyết Em Trai, Hãy Yêu Chị Lần Nữa. Trên các diễn đàn văn học, những tiểu thuyết khác của Cửu Dạ Hồi cũng được độc giả nhiệt tình bình chọn là tác phẩm tinh hoa. Và với kỷ lục 100.000 bản trong vòng 4 tháng, Năm Tháng Vội Vã trở thành tiểu thuyết ngôn tình đắt giá nhất trong sự nghiệp văn chương của bà.

“Không tiếc nơi gửi mộng, chỉ hận quá vội vàng”

Tuổi trẻ là giấc mộng, cũng là nơi dệt nên giấc mộng bên nhau mãi mãi trong những năm tháng vội vã. Như nhóm bạn trẻ Trần Tầm, Phương Hồi, Kiều Nhiên, Lâm Gia Mạt và Triệu Diệp, từ những người xa lạ khác biệt về tính cách, dần kết thành một khối thân thiết không thể tách rời. Trong những tháng ngày còn xanh, họ ước mong nhanh chóng trưởng thành để thực hiện lời hứa bên nhau mãi mãi đã từng khắc ghi dưới tán cây. Nhưng đâu ai biết được rằng, thứ đợi chờ họ ở tương lai là ly biệt và bi thương.

Tuổi trẻ sớm muộn cũng sẽ trở thành dòng hồi ức. Mà trong dòng hồi ức của Phương Hồi, luôn có một cái tên Trần Tầm không cách nào xóa nhòa. Giữa tình bạn ngây ngô, thuần khiết, họ cùng gieo trồng đóa hoa ái tình, bung nở trong những năm tháng huy hoàng nhất. Thế nhưng, không có đóa hoa nào nở rộ mãi, ngọn đèn giúp cô soi sáng trong ngày tháng tăm tối, dần tỏa thành ánh hào quang thu hút mọi ánh nhìn.

Dưới giảng đường đại học, Trần Tầm dường như đã trở thành ánh mặt trời rạng rỡ, cháy rực, khiến Phương Hồi chẳng cách nào lại gần, chỉ có thể từ xa ngắm nhìn. Còn Phương Hồi là đóa hoa bằng lăng còn sót lại của ngày Xuân, nhẹ nhàng và mạnh mẽ, âm thầm nở rộ trong tuổi thanh xuân sớm đã nhạt nhòa.

Bằng những ký ức của nữ chính Phương Hồi, mỗi độc giả như được sống trong thành phố Bắc Kinh vào cuối những năm 90 vẫn còn vương hương vị xưa cũ nhưng cũng dần khoác lên tấm áo gấm hoa lệ. Làm một người khách qua đường, xem “bãi bể hóa nương dâu”, câu chuyện tình yêu thuần khiết cuối cùng chỉ còn đau thương, ám ảnh và tiếc nuối.

3. Điều tuyệt vời nhất của thanh xuân – Bát Nguyệt Trường An

tiểu thuyết ngôn tình Điều tuyệt vời nhất của thanh xuân
Ảnh: Tiki

Đứng đầu kỳ thi tuyển sinh đại học ở thành phố Cáp Nhĩ Tân năm 2006, tốt nghiệp Học viện Quản lý Quang Hoa của Đại học Bắc Kinh, bắt đầu tham gia công tác đầu tư tài chính tại Thượng Hải năm 2010 và quyết định từ chức vào năm 2013, Bát Nguyệt Trường An mang theo niềm yêu thích văn chương rẽ sang một hướng đi mới. Tựa như khí chất dịu dàng, thanh thuần mang trên người, văn bút của cô cũng tươi mát, sáng trong và cực kỳ tinh tế.

Chính vì thế, sự nghiệp văn chương của Bát Nguyệt Trường An gắn liền với tiểu thuyết ngôn tình thuộc thể loại thanh xuân vườn trường. Dưới ngòi bút tinh tế, cô đã vẽ nên thuở thiếu thời ngây ngô, thuần khiết với những rung động đầu đời.

“Cậu ấy năm đó chính là cậu ấy tuyệt vời nhất, còn tôi mãi về sau mới là tôi tuyệt vời nhất. Giữa những con người tuyệt vời nhất của chúng tôi cách nhau một tuổi trẻ. Dù có chạy thế nào cũng không thắng được thanh xuân”

Có lẽ thanh xuân chính là như vậy. Khi còn trẻ, có những việc chẳng cách nào hiểu được, đến khi hiểu ra rồi thì tuổi trẻ đã sớm bỏ lại phía sau. Và những người trẻ tuổi trong Điều Tuyệt Vời Nhất Của Thanh Xuân cũng tồn tại những hoài nghi, tiếc nuối như thế. Vào những năm tháng Cao trung dưới mái trường Chấn Hoa, nữ chính Cảnh Cảnh với học lực kém, tính cách hoạt bát, tinh nghịch lại trở thành bạn cùng bạn với “học bá” Dư Hoài. Dù cách biệt, hai người họ của khi đó là khung cảnh tuyệt vời nhất, một đôi Cảnh Cảnh Dư Hoài – canh cánh trong lòng đổi lấy đời đời khó quên.

Dù có hay không một Dư Hoài trong ký ức thời học sinh, độc giả vẫn hoài niệm những ngày tháng đã qua trong Điều Tuyệt Vời Nhất Của Thanh Xuân. Còn nhớ hay đã quên người bạn cùng bàn năm đó cùng lên lớp cùng tan học? Khi ấy, chiếc bàn gỗ quen thuộc là thế giới nhỏ của chúng ta, chất chứa bao bí mật chỉ hai người biết.

Điều Tuyệt Vời Nhất Của Thanh Xuân là bức tranh lớn được lấp đầy bằng những mảnh ghép đời thường của quãng đời học sinh, không chỉ có tình đầu chớm nở, còn có tình bạn chân thành xen chút mâu thuẫn, tình đoàn kết của một tập thể, tình thầy trò thầm lặng hay tình thân không nói được thành lời. Mà nhân vật chính trong bức tranh đó là chúng ta tuyệt vời nhất bởi vì thiếu niên khi ấy không biết thế nào là sợ hãi, không ngại ngần xông pha cũng không tin trên đời có lực bất tòng tâm.

4. Thời Niên Thiếu Của Anh Và Em – Cửu Nguyệt Hi

tiểu thuyết ngôn tình thời niên thiếu của anh và em
Ảnh: Fahasa

Cửu Nguyệt Hi là cây bút văn học mạng có thể tạo nên một bữa tiệc thịnh soạn đa dạng các thể loại. Hầu hết trong các tác phẩm của bà luôn lồng ghép chủ đề hiện thực hoặc trinh thám, mang đến cho độc giả những cảm xúc chân thực nhưng không kém phần lãng mạn.

Khác với những tiểu thuyết ngôn tình về đề tài thanh xuân, Thời Niên Thiếu Của Anh Và Em không khắc họa một tuổi trẻ tinh khiết đầy tiếc nuổi, mà ở tác phẩm này, chỉ có năm tháng non trẻ nhuốm màu u ám khẩn cầu nhanh chóng qua đi. Cửu Nguyệt Hi đã sử dụng bút pháp mạnh mẽ, miêu tả chân thực nhất vấn nạn bạo lực học đường qua câu chuyện về hai kẻ cô độc – Trần Niệm và Bắc Dã.

“Anh thích một người, anh muốn cho cô ấy một kết cục tốt đẹp”

Bởi thế giới nhỏ của Trần Niệm chỉ thấy được sự bất công, bạo lực tấy lên mùi thối rữa, mục nát. Khi ánh mắt cô dần mất đi ánh sáng niềm tin vào công lý, chính Bắc Dã đã xuất hiện, giúp Trần Niệm đi qua quãng thời gian tăm tối này. Cậu không phải là “chiến binh công lý”, chỉ là kẻ bị thế giới bỏ rơi, dùng hết sức lực bảo vệ thế giới nhỏ của người con gái mình thương.

Trong bức tranh thanh xuân của Thời Niên Thiếu Của Anh Và Em, không phải cô cậu học trò nào cũng thuần lương, trong sáng. Dưới lớp vỏ tuổi trẻ ngây ngô là ánh mắt sắc lạnh của dã thú, chúng xem thường công lý, xem thường cả pháp luật, đùa bỡn cuộc đời của người khác. Dưới móng vuốt của chúng, nơi mà luật pháp không thể chạm tới, những kẻ xấu số như Trần Niệm và Bắc Dã chỉ có thể lựa chọn phương thức riêng để bảo vệ chính mình.

Qua ngòi bút của Cửu Nguyệt Hi, thanh xuân của Trần Niệm và Bắc Dã như một sợi kẽm gai quấn chặt khiến người ta phải đổ máu và cả nước mắt, chỉ mong mau chóng được giải thoát. Dù bị chiếc kẽm gai đó để lại những vết sẹo, họ vẫn trông chờ vào một tương lai tươi sáng, tin vào lẽ phải. Bởi Trần Niệm là ngọn đèn của Tiểu Bắc, còn Tiểu Bắc chính là tấm chắn bảo vệ tia sáng của Trần Niệm, họ là tương lai của đối phương.

5. Cô Gái Năm Ấy Chúng Ta Cùng Theo Đuổi – Cửu Bả Đao

tiểu thuyết ngôn tình cô gái năm ấy chúng ta cùng theo đuổi
Ảnh: Tiki

Cửu Bả Đao là một ngôi sao trong làng văn học mạng, là cây bút thần tạo nên vô số tác phẩm tiêu biểu. Bắt đầu sáng tác từ năm 1999 cho đến nay, ông đã sở hữu cả gia tài tác phẩm đồ sộ làm người khác choáng ngợp cùng nể phục. Thậm chí, đã từng có khoảng thời gian ông miệt mài sáng tác, suốt 14 tháng liền xuất bản 14 quyển sách. Do đó, độc giả đã gọi ông là “cỗ máy chế tạo văn học mạng”.

Không chỉ gặt hái thành công trên con đường văn chương, Cửu Bả Đao còn đạt được nhiều thành tựu với những vai trò khác như biên kịch, đạo diễn và nhà sản xuất. Một tác giả “toàn năng” như ông chính là danh bài bảo chứng chất lượng cho các tác phẩm được xuất bản. Chính vì lẽ đó, không quá bất ngờ khi tiểu thuyết ngôn tình và cả phim điện ảnh Cô Gái Năm Ấy Chúng Ta Cùng Theo Đuổi lại được đón nhận nồng nhiệt đến thế.

“Đêm đó, tôi hai mươi mốt tuổi, trong lòng cũng xoay vần đảo lộn. Tình yêu giữa tôi và cô, rốt cuộc cũng có một dấu chấm hết không viên mãn, nhưng lại rất ấm lòng”

Tình yêu của tuổi thanh xuân có lẽ đều phải kết thúc một cách không viên mãn như thế. Nhưng chẳng sao cả, ít nhất trong độ tuổi niên hoa đẹp đẽ nhất, gặp được người mình thích nhất, nhanh chóng nở vì người, cũng úa tàn vì người, chỉ dành riêng cho người, như Kha Cảnh Đằng và Thẩm Giai Nghi đã cùng nhau trải qua suốt thuở thiếu thời ngây ngô học cách trưởng thành đó. Họ từ tình bạn “đũa lệch” kẻ ngồi trước, người ngồi sau nhìn nhau không vừa mắt rồi trở thành đôi bạn ăn ý, ngầm hiểu nhau nhất suốt một thời Cao trung. Chỉ cách một bước nữa thôi, họ đã có một cái kết viên mãn, nhưng đến cuối cùng vẫn là bỏ lỡ nhau. Giữa Kha Cảnh Đằng và Thẩm Giai Nghi không có hiểu lầm, không có biệt ly, chỉ là trưởng thành và thay đổi.

Trong câu chuyện Cô Gái Năm Ấy Chúng Ta Cùng Theo Đuổi, bên cạnh Thẩm Giai Nghi và Kha Cảnh Đằng còn có một nhóm bạn sẵn sàng cùng ta điên cuồng, cùng nhau đắm mình dưới cơn mưa rào thanh xuân. Tiếng mưa che giấu bao lời thì thầm bí mật, còn hạt mưa tưới mát ươm mầm tình cảm đầu đời, để rồi nhiều năm sau đó, chúng ta vẫn muốn quay lại lần nữa.

Văn bút của Cửu Bả Đao cũng như biệt danh đã tự đặt cho mình – chín con dao, ông dùng lời văn hóm hỉnh, cay độc nhưng lại ẩn chứa ngụ ý sâu xa khiến người đọc nghiền ngẫm khó lòng dứt ra. Ông đã mang bút pháp mang đậm dấu ấn cá nhân kết hợp cùng với những cảm xúc chân thật, kỷ niệm khó phai của chính mình để vẽ nên một bức tranh thanh xuân sạch sẽ, sáng trong, điểm thêm những nét tinh nghịch rực rỡ trong Cô Gái Năm Ấy Chúng Ta Cùng Theo Đuổi.

Nhóm thực hiện

Bài: Hồng Tuyết

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)