Tìm hiểu về 4 cuộc thi sắc đẹp lớn trên thế giới
Người chiến thắng những cuộc thi này không chỉ mang vinh quang về cho quốc gia mà còn góp phần định nghĩa tiêu chuẩn chung của cái đẹp.
Các cuộc thi sắc đẹp là nơi tìm ra người hội đủ các yếu tố về nhan sắc, vẻ đẹp hình thể, thể chất, trí tuệ và nhân cách. Người chiến thắng những cuộc thi này không chỉ mang vinh quang về cho quốc gia mà còn góp phần định nghĩa tiêu chuẩn chung của cái đẹp.
1. Hoa hậu thế giới (Miss World)
Miss World là cuộc thi sắc đẹp toàn cầu đầu tiên trên thế giới, được Eric Morley tổ chức vào năm 1951 với mục đích ban đầu là một cuộc thi áo tắm tại Anh. Tuy nhiên, trước thành công vang dội cùng với việc các phương tiện truyền thông đều gọi người thắng cuộc là Hoa hậu Thế giới, Morley đã quyết định biến Miss World thành một cuộc thi sắc đẹp thường niên.
Để tham dự Miss World, các ứng cử viên phải chiến thắng một cuộc thi cấp quốc gia và giành được quyền đại diện đi thi (thông qua giấy phép tham dự cuộc thi do nhà nước cấp). Khi đến với Miss World, các người đẹp tiếp tục trải qua một số chương trình phúc khảo, giao lưu với người dân bản địa, tham gia các sự kiện truyền hình và hoạt động ngoài trời, thi các phần thi phụ… trước khi được công bố giải thưởng, danh hiệu trong đêm chung kết.
Các phần thi phụ trong khuôn khổ cuộc thi bao gồm:
– Hoa hậu Bãi biển (Beach Beauty): Chọn ra những thí sinh có hình thể đẹp nhất. Người đoạt danh hiệu Hoa hậu Bãi biển được đặc cách vào thẳng bán kết.
– Hoa hậu Thể thao (Miss Sport): Các thí sinh sẽ phải trải qua những hoạt động thể thao nhằm bộc lộ khả năng rèn luyện sức khỏe và thể chất của mình. Người giành giải này được đặc cách vào thẳng top 16.
– Hoa hậu Tài năng (Talent Show): Thí sinh có cơ hội thể hiện tài năng, năng khiếu, sở trường của mình thông qua một tiết mục trình diễn trên sân khấu. Thí sinh đoạt giải Hoa hậu Tài năng được đặc cách thẳng vào bán kết cuộc thi.
– Hoa hậu Thời trang, hoặc Trang phục Dân tộc (Top Model): Thí sinh sẽ trình diễn các mẫu thiết kế thời trang hoặc trang phục truyền thống của dân tộc mình. Thí sinh thắng giải này được đặc cách thẳng vào bán kết cuộc thi.
Ngoài ra, Miss World còn có giải phụ Hoa hậu Nhân ái (Beauty with a Purpose), giải thưởng dành cho những người thường xuyên tham gia các hoạt động từ thiện, xã hội tại quê nhà, được minh chứng bằng một video clip gửi về cho Ban tổ chức. Giải thưởng này được công bố trong đêm chung kết. Giải Hoa hậu Nhân ái của Miss World khác với giải Hoa hậu Thân thiện của Miss Universe (Hoa hậu Hoàn vũ).
Người đoạt vương miện Hoa hậu Thế giới sẽ đại diện cho Tổ chức Hoa hậu Thế giới tham gia những hoạt động từ thiện trên toàn cầu. Các Hoa hậu Thế giới sẽ sống ở Anh trong suốt thời gian giữ vương miện.
Hoa hâu Thế giới 2014: Rolene Strauss, 22 tuổi, đến từ Nam Phi.
2. Hoa hậu Hoàn vũ (Miss Universe)
Miss Universe là cuộc thi sắc đẹp nổi tiếng thế giới ra đời chỉ sau Miss World một năm. Cuộc thi đầu tiên được tổ chức tại Long Beach, California, Mỹ vào năm 1952 bởi công ty quần áo Pacific Mills. Hoa hậu Hoàn vũ đầu tiên trong lịch sử là Armi Kuusela đến từ Phần Lan. Cuộc thi diễn ra tại các bang của nước Mỹ trong giai đoạn 1952-1971 và sau đó được tổ chức luân phiên tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Miss Universe lần lượt thuộc sở hữu của Kayser-Roth và Gulf and Western Industries trước khi được nhường lại cho tỷ phú Donald Trump vào năm 1996. Donald Trump đã hợp tác với NBC để thành lập Tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ (Miss Universe Organization), đây là đơn vị tổ chức chính thức của cuộc thi,
Để tham dự Miss Universe, các thí sính cũng phải chiến thắng cuộc thi hoa hậu quốc gia và nhận được sự đề cử. Tuy nhiên, giới hạn độ tuổi của thí sinh Hoa hậu Hoàn vũ là 18, vì vậy đã từng có một số quốc gia phải cử Á hậu đi thay vì Hoa hậu chưa đủ tuổi. Các thí sinh tham dự Miss Universe sẽ phải trải qua nhiều phần thi khác nhau như trang phục áo tắm, trang phục dạ hội, trang phục truyền thống, phỏng vấn và tham gia các hoạt động xã hội bên lề như trình diễn thời trang, làm từ thiện… Không giống Hoa hậu Thế giới, Hoa hậu Hoàn vũ không có phần thi tài năng.
3. Hoa hậu Trái đất (Miss Earth)
Miss Earth là cuộc thi sắc đẹp quốc tế được tổ chức lần đầu vào năm 2001 bởi tập đoàn Carousel Productions của Phillippines. Cùng với Miss World và Miss Universe, Miss Earth là cuộc thi sắc đẹp lớn thứ ba xét theo số lượng các cuộc thi quốc gia để tuyển chọn ứng cử viên.
Nếu Miss World có điểm nhấn là hoạt động từ thiện, Miss Universe đề cao sắc đẹp toàn diện thì Miss Earth lại hướng đến nâng cao nhận thức của mọi người về vấn đề bảo vệ môi trường. Hoa hậu Trái đất sẽ là người phát ngôn của Miss Earth Foundation, Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) và nhiều tổ chức bảo vệ môi trường khác, đồng thời phải tham gia các hoạt động tuyên truyền bảo vệ môi trường trên quy mô toàn cầu.
Các ứng cử viên của Miss Earth sẽ tham dự rất nhiều phần thi khác nhau song song với các hoạt động bảo vệ môi trường sống. Trong đêm chung kết, top 16 thí sinh đẹp nhất sẽ được công bố. 16 thí sinh này sẽ tiếp tục trình diễn phần thi áo tắm để tìm ra top 8. Top 8 tiếp tục phần thi trang phục dạ hội và phần thi ứng xử để tìm ra top 4. Top 4 sẽ cạnh tranh ngôi vị Hoa hậu với phần thi vấn đáp về các kiến thức môi trường. 4 danh hiệu cuối cùng bao gồm: Hoa hậu Trái đất, Hoa hậu Không khí (Á hậu 1), Hoa hậu Nước (Á hậu 2), Hoa hậu Lửa (Á hậu 3).
4. Hoa hậu Quốc tế (Miss International)
Miss International (tên khác: Miss International Beauty hay The International Beauty Pageant) là cuộc thi sắc đẹp quốc tế lớn thứ tư trên thế giới, được tổ chức lần đầu tiên ở Long Beach, California, Mỹ vào năm 1960. Từ 1968 đến 1970, Miss International diễn ra tại Nhật Bản. Hai năm 1971, 1972 nó quay lại Long Beach trước khi trở thành một sự kiện thường niên tại xứ sở Phù Tang. Mặc dù ra đời trước Miss Earth nhưng Miss International chỉ đứng thử tư xét về sô lượng quốc gia và thí sinh dự thi.
Thường được gọi là “Đại hội Sắc đẹp” hay “Thế vận hội Sắc đẹp”, các thí sinh tham dự Miss International không chỉ được đánh giá dựa trên nhan sắc mà con dựa trên lòng nhân từ, tính hữu nghị, sự thanh lịch, trí tuệ, khả năng chủ động, và quan trọng nhất là sự nhảy cảm về thế giới. Mục tiêu lớn nhất của cuộc thi là đẩy mạnh hòa bình thế giới, thiện chí, sự cảm thông và tầm hiểu biết của con người.
—
Xem thêm
Hoa Hậu Hoàn Vũ 2007 Riyo Mori đến Việt Nam
Bài: Đoàn Trúc (Tổng hợp)
Ảnh: Tư liệu