Vụ khủng bố ở Paris, Pháp ngày 13/11 vừa qua là một thảm họa mà nhân loại sẽ không bao giờ quên được. Bóng đen của tội ác đã bao trùm lên Paris, thành phố của ánh sáng. Hơn 120 người vô tội đã ngã xuống. Họ ra đi vào một buổi tối cuối tuần rất đỗi bình thường khi chưa kịp gửi lời chào tạm biệt đến những người mình yêu thương. Ngọn tháp Eiffel cũng vụt tắt đi để tưởng niệm các nạn nhân xấu số, để lại không khí tang thương cho thành phố một thời hoa lệ. Từ sau Thế Chiến thứ 2, đây là lần đầu tiên nước Pháp phải trải qua một cuộc thảm sát tồi tệ đến thế. Nước Pháp, đất nước của tình yêu, không ngừng khóc thương.
Nhưng điều đó không có nghĩa là thế giới chúng ta yếu đuối và đầu hàng trước tội ác và chủ nghĩa cực đoan. Người dân trên thế giới ai cũng hiểu được rằng vụ khủng bố này là một hành động man rợ được ngụy trang dưới những lớp giá trị của một tôn giáo. Vì công lý và hòa bình, từ những chính trị gia quyền lực hay người dân trên khắp thế giới, chúng ta đang nắm tay nhau đương đầu với một tổ chức đen tối cũng như chính màu cờ của nó.
Khi tháp Eiffel vụt tắt, Paris đã chìm trong bóng tối và tiếng khóc thương. Nhưng cả thế giới không cam lòng để Pháp chịu đau khổ một mình. Những thành phố khác trên thế giới đã thắp sáng cho Paris. Từ tượng đài Thiên Chúa ở Rio de Janeiro, Brazil đến nhà hát Sydney của Úc, những tượng đài được thắp sáng lên bởi màu cờ của Pháp: xanh, trắng và đỏ như nhắc nhở rằng trái tim của hàng triệu người dân trên thế giới đang hướng về Paris. Đó là một giây phút hùng hồn cho ta thấy được lòng thương trong nhân loại, đồng thời là một thông điệp nhắn nhủ đến những kẻ ác rằng: Tất cả sẽ đứng lên đòi lại công lý, vì hòa bình chung của thế giới.
.
Khắp mọi nơi trên thế giới, người dân cũng đã có những giờ phút tưởng niệm đến người đã khuất. Ai ai cũng không khỏi xót xa trước sự việc đau buồn này. Dù chưa gặp những số phận ngắn ngủi ấy một lần, nhưng tâm trạng của mọi người chứa đựng một nỗi buồn da diết. Những bó hoa, những ngọn nến cùng với những lời cầu nguyện, thậm chí là bài Quốc ca Pháp được vang lên. Trong những giờ phút tăm tối nhất, chúng ta thấy được rằng tình yêu giữa con người vẫn còn đây.
.
Ngày mà 128 người dân vô tội đã ngã xuống bởi những làn đạn vô tình, dường như những nhà chính trị từ các nước đã thức tỉnh và tạm gác những mâu thuẫn với nhau sang một bên, cùng nhau bắt tay vào tìm những giải pháp triệt để cho tổ chức khủng bố này. Bên lề hội nghị thượng đỉnh Group of 20 được diễn ra tại Belek, Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có một cuộc trao đổi ngắn khoảng 30 phút. Trong đó, Tổng thống Obama nói rằng: “(Ông) chào đón tất cả mọi nỗ lực của tất cả các quốc gia đương đầu với tổ chức khủng bố ISIS, và (ông) cũng đặc biệt chú ý đến tầm quan trọng của quân sự của Nga đang nhắm vào tổ chức ISIS ở Syria”.
.
Bên cạnh đó, Tổng thống Đức Angela Merkel, với mong muốn được hợp tác với chính phủ Pháp, tuyên bố rằng: “Chúng tôi, những người bạn đến từ Đức, cảm thấy rất gần gũi với các bạn. Chúng tôi khóc thương cùng các bạn. Chúng ta sẽ cùng nhau chỉ huy một cuộc chiến chống lại những kẻ đã làm những điều không tưởng với đất nước của bạn”. Sau biến cố này, chúng ta nhận ra được thế giới mình đang sống vẫn còn lòng thương cảm và tình đoàn kết giữa người với người, cũng như câu nói nổi tiếng của Alexander Dumas trong Ba chàng lính ngự lâm: “All for one and one for all, united we stand divided we fall” (Một người vì mọi người và mọi người vì một người; tình đoàn kết giúp chúng ta đứng vững).
—
Xem thêm
Trải nghiệm cuộc sống: Sống là để mỉm cười mãn nguyện
Sáu cách để tái khởi động cuộc sống
Nhóm thực hiện
Bài: Natalie Nguyen Ảnh: TheAtlantic, Daily Mail UK