Văn hóa / Thế giới văn hóa

Tình mẫu tử liêng thiêng trong “Có căn nhà nằm nghe nắng mưa”

Nếu như “Dạ cổ hoài lang” có một ông Tư sống với con ở nơi đất khách và luôn hướng tâm trí về nơi quê hương thì lại có một bà Tư khác được ở trong căn nhà của mình cả đời nhưng lại phải xa cách cậu con trai mình suốt 30 năm ròng trong “Có căn nhà nằm nghe nắng mưa”.

Đây là bộ phim của rất nhiều cái đầu tiên, Mai Thế Hiệp lần đầu tiên làm nhà sản xuất, NSƯT Kim Xuân lần đầu đóng vai chính trong bộ phim điện ảnh và đây cũng là bộ phim đầu tay của đạo diễn trẻ Bình Nguyên. Bộ phim có cách làm mới lạ, đan xen thực tại và quá khứ nhưng không hề làm người xem mông lung mà tiếp cận dễ dàng với khán giả với chủ đề tình mẫu tử thiêng liêng xuyên xuốt bộ phim.

Có căn nhà nằm nghe tiếng mưa

Câu chuyện kể về bà Tư luôn đau đáu với nỗi đau mất con kéo dài ba thập kỷ. Nam, đứa con bà Tư thương yêu hết mực bị người ta vu cho là kẻ giết người. Cả đời bà Tư sống lương thiện, luôn dạy con không được gian dối bao giờ, vậy mà vì quá thương con, bà đành giúp con đi trốn. Bà dặn con: “Con tập nói dối một lần này đi. Đừng nói con tên là Nam, mà hãy nói con tên là núi, là non gì cũng được”. Rồi Nam đi và đó cũng là lần cuối cùng bà nhìn thấy con trai mình.

30 năm sau, bà gặp Sơn, một chàng trai bị mẹ bỏ rơi và bà cứ một mực nói rằng Sơn là con trai mình. Ai cũng nghĩ rằng bà Tư vì quá thương nhớ con mà sinh ra lẩn thẩn, nhận vơ một ai đó làm con để niềm nhớ mong. Với người khác, chàng trai ấy đơn giản chỉ là Sơn. Nhưng với bà Tư, đó “là núi, là non” của bà, là Nam, là đứa con trai bà dứt ruột đẻ ra và mòn mỏi ngóng trông bấy lâu nay.

Bối cảnh phim là sự đối lập giữa một Sài Gòn hiện đại, phồn hoa và một Sài Gòn dung dị của những năm 80. Sài Gòn thay đổi là điều tất yếu và sẽ chẳng còn nơi nào có nền gạch lá bông trắngchẳng còn xe Chaly chạy trên cầu gỗ ọp ẹp năm nào. Nhưng khu tập thể đơn sơ của bà Tư vẫn còn lại, chậm rãi cùng tháng năm. Mọi thứ cứ trôi đi, chỉ còn bà Tư ở lại, nằm nghe nắng, nghe mưa, âm ỉ, khoắc khoải với nỗi niềm đoàn viên.

Có căn nhà nằm nghe tiếng mưa

Teaser của bộ phim chỉ vẻn vẹn 50 giây với không màu mè, không phô trương, bắt đầu bằng tiếng ru não nề của người mẹ. Ánh đỏ từ chiếc đèn thờ hắt lên mặt bà Tư làm lộ rõ mặt hốc hác, mệt mỏi của một người phụ nữ mất con, ánh mắt thẫn thờ, đầy ám ảnh. Nhưng vẫn khuôn mặt ấy, đôi mắt ấy và kể cả những chấm đồi mồi, những nét chân chim, tất cả lại ánh lên niềm hân hoan rực rỡ khi bà Tư bón cháo cho Sơn. Khái niệm về thời gian biến mất. 30 năm đằng đẵng cũng chỉ như ngày hôm qua khi bi kịch chưa ập tới và trước mặt bà Tư vẫn là cậu con trai bé bỏng năm nào.

Căn nhà nghe nắng mưa chính là hình ảnh người mẹ, chốn yên an nhất của đời người. Dù con có đi đâu thì mẹ vẫn ở đây đợi chờ con về.

Khán giả khi ra khỏi rạp, bỗng chốc quên hết tất cả những gì là thiếu sót của bộ phim và duy chỉ có một hình ảnh đọng lại trong tâm chí, là mẹ.

Xem thêm 

Những bộ phim Việt Nam nào đề cập tới chủ đề LGBT?

Em chưa 18: Bộ phim Việt ấn tượng nhất màn ảnh rộng đầu năm 2017

Buổi lễ ra mắt phim Kong: Đảo Đầu Lâu tại Việt Nam bị cháy rụi do gặp sự cố

Nhóm thực hiện

Anh Vân (Nguồn: Tạp chí Phái Đẹp ELLE)
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)