Trải nghiệm văn hóa lễ hội Thất tịch ở các quốc gia Á Đông

Đăng ngày:

Năm nay, lễ Thất tịch (7/7 âm lịch) sẽ diễn ra vào thứ Bảy, ngày 10/8 dương lịch. Thất tịch được xem là ngày lễ tình nhân (Valentine) của phương Đông. Ngày lễ đặc biệt này thường được tổ chức ở một số nước Đông Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam.

Ở mỗi quốc gia, lễ Thất tịch luôn có sự khác biệt nhất định về ý nghĩa, nguồn gốc và phong tục. Điều này tạo nên sự đa dạng văn hóa đầy thú vị, được người dân các nước mong chờ và thích thú đón nhận hằng năm. Hãy cùng ELLE khám phá những trải nghiệm văn hóa thú vị vào ngày Thất tịch ở các quốc gia này nhé!

Nguồn gốc, ý nghĩa của ngày lễ Thất tịch

Lễ Thất tịch bắt nguồn từ Trung Quốc, dựa trên câu chuyện về tình yêu của Ngưu Lang và Chức Nữ. Tương truyền, Ngưu Lang là chàng trai chăn trâu nghèo chăm chỉ, thiện lương có tâm hồn thi sĩ. Còn Chức Nữ là con gái út của Vương Mẫu Nương Nương. Nàng là tiên nữ dệt vải, có tài nữ công khéo léo, chuyên dệt các đám mây ngũ sắc trên trời. Họ yêu nhau say đắm, bí mật kết hôn và chung sống.

ngưu lang chức nữ thất tịch

Ảnh: Unsplash/Alex Shaw

Nhưng vì luật trời ngăn cấm, Chức Nữ bị Vương Mẫu Nương Nương bắt trở về thiên đình. Từ đó, đôi tình nhân bị chia cắt bởi dòng sông Thiên Hà – ranh giới giữa chốn nhân gian và cõi thần tiên. Vì nhớ thương Chức Nữ, Ngưu Lang đã ngồi chờ bên dòng sông suốt nhiều ngày đêm để được gặp nàng. Cảm thương tấm chân tình của Ngưu Lang, Vương Mẫu đã đồng ý cho họ gặp nhau mỗi năm một lần vào ngày 7/7 âm lịch.

Ở từng quốc gia Đông Á, câu chuyện Ngưu Lang – Chức Nữ có nhiều dị bản khác nhau. Tại Việt Nam, Ngưu Lang và Chức Nữ bị chia cắt bên bờ sông Ngân. Hằng năm, họ gặp nhau trên chiếc cầu Ô Thước do đàn quạ đen bắc qua. Trong giây phút gặp gỡ ngắn ngủi, nước mắt của cặp đôi không ngừng tuôn rơi xuống cõi trần, hóa thành những cơn mưa ngâu. Vì vậy, ở Việt Nam, Thất tịch còn được gọi là Tết Ngâu, ngày ông Ngâu bà Ngâu.

ngày lễ thất tịch qixi

Ảnh: WuKong Edu

Tại Nhật Bản, lễ Thất tịch có tên gọi là Tanabata, dựa trên câu chuyện tình giữa Orihime (Chức Cơ) tức sao Chức Nữ và Hikoboshi (Ngạn Tinh) tức sao Ngưu Lang. Tại Hàn Quốc, lễ Thất Tịch còn được gọi là Chilseok. Lễ hội được tổ chức vào thời khắc giao mùa, khi thời tiết nóng nực của mùa Hè qua đi và những cơn mưa chuẩn bị kéo đến. Vì vậy người dân Hàn Quốc còn tổ chức lễ Chilseok để cảm tạ trời đất, đồng thời ước mong về một mùa vụ tốt tươi.

Trải nghiệm ngày lễ Thất tịch ở các quốc gia Á Đông

1. Trung Quốc (Qixi)

Tại Trung Quốc, Lễ thất tịch là dịp để những cô gái trẻ cầu nguyện những điều tốt lành sẽ đến với mình trong hôn nhân và tình yêu. Lễ hội đã được tổ chức từ thời nhà Hán (206 trước Công nguyên) với nhiều phong tục còn tồn tại đến ngày nay. Chẳng hạn, trong đêm Thất tịch, các thiếu nữ luồn kim, thêu thùa và cúng bái Chức Nữ để cầu mong được giỏi giang, khéo léo và xinh đẹp như nàng.

thất tịch qixi

Ảnh: Unsplash/Leo Yao

Vào ngày này, các cặp đôi thường tự làm và cùng nhau thưởng thức xảo quả (qiaoguo) – một loại bánh ngọt rán mỏng được làm từ bột, đường, mật và mè. Đây được xem là món ăn đặc trưng của ngày lễ Thất tịch ở Trung Quốc. Xảo quả có nghĩa là loại bánh tinh xảo, tỉ mỉ và khéo léo, chứa đựng tài năng và tấm chân thành của người làm.

bánh xảo thất tịch

Ảnh: Beemart

Bánh xảo quả

Bánh xảo quả (xiaoguo) là loại bánh ngọt đặc trưng xuất hiện vào mùa Thất Tịch tại Trung Quốc. (Ảnh: Tiểu Hồng Thư – ID: 800355100)

Ngoài ra, người Trung Quốc còn ăn sủi cảo, thịt gà, trái cây và ngũ tử (nhãn nhục, táo đỏ, quả phỉ, đậu phộng, hạt dưa). Chè đậu đỏ đồng thời là một trong những món tráng miệng nổi tiếng được giới trẻ yêu thích vào ngày lễ Thất tịch, với mong muốn sẽ sớm tìm được tình yêu chân thành của đời mình.


Xem thêm

• Phương Mỹ Chi kế thừa và phát huy truyền thống khi đưa văn hóa múa chén vào MV “Gối Gấm”

• 10 địa danh nổi bật tại Đông Nam Á được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới

• Toronto – Trái tim đa văn hóa của Canada


2. Nhật Bản (Tanabata)

Vào lễ Tanabata, người Nhật sẽ viết ra những mong ước của mình lên tanzaku – mảnh giấy hoặc mảnh vải nhỏ có 5 màu sắc khác nhau: đỏ, xanh dương, vàng, trắng và đen, tượng trưng cho những mong muốn khác nhau. Sau đó, họ sẽ treo tanzaku lên cành trúc trước cửa nhà, cầu mong cho điều ước của mình sẽ trở thành hiện thực.

tanabata là thất tịch của nhật bản

Ảnh: The Wabi Sabi Shop

Khi đi du lịch Nhật Bản vào lễ Tanabata, chúng ta sẽ dễ dàng bắt gặp fukinagashi – những chiếc cột lớn rực rỡ sắc màu, bao gồm một quả bóng giấy lớn ở trên cùng và những dải giấy dài rủ xuống ở bên dưới. Fukinagashi còn tượng trưng cho những sợi chỉ của nữ thần may vá Orihime (Chức Cơ), tức Chức Nữ mang ý nghĩa cầu nguyện cho ngành dệt may và thủ công luôn phát triển thịnh vượng, mạnh mẽ. Ngoài ra, người Nhật còn gấp những con hạc giấy (orizuru) từ giấy gấp origami và treo lên chiếc cột fukinagashi, với mong muốn được khỏe mạnh, trường thọ.

quả cầu giấy fukinagashi lễ hội tanabata thất tịch nhật bản

Ảnh: Unsplash/ Bruno Souza

Các lễ hội Tanabata được tổ chức khắp nơi trên đất nước Nhật Bản. Nếu bạn là người yêu thích đất nước Mặt Trời mọc, đừng bỏ qua 3 lễ hội Tanabata lớn nhất xứ Phù Tang khi đến thăm đất nước này vào tháng 7, tháng 8: lễ hội Tanabata Sendai ở thành phố Sendai, tỉnh Miyagi; lễ hội Tanabata Shonan Hiratsuka ở thành phố Hiratsuka, tỉnh Kanagawa; và lễ hội Tanabata Anjo ở thành phố Anjo, tỉnh Aichi.

3. Hàn Quốc (Chilseok)

Khác với những nước bạn, tại Hàn Quốc, lễ Chilseok không chỉ hướng về ước nguyện tình yêu của lứa đôi, mà còn nhằm tôn vinh nét đẹp lao động và sự trù phú của thiên nhiên, đất trời.

lễ thất tịch chilseok hàn quốc

Ảnh: Unsplash/zero take

Lễ Chilseok được tổ chức vào khoảng thời gian người nông dân gặt hái thành quả sau vụ mùa làm việc vất vả, như một cách để gửi lời cảm tạ đến trời đất vì đã mưa thuận gió hòa, tạo điều kiện thuận lợi cho con người có của ăn, của mặc. Ngoài ra, trước khi làm lễ, người dân Hàn Quốc còn tắm rửa thật sạch sẽ, cầu mong các vị thần phù hộ cho mình luôn được khỏe mạnh.

bánh kếp hàn quốc chilseok

Ảnh: Epoch Times

Theo truyền thống, người Hàn sẽ tổ chức một buổi tiệc nhỏ trong gia đình để ăn mừng lễ Chilseok. Đây còn là thời điểm cuối cùng trong năm để người dân thưởng thức các món ăn làm từ lúa mì, vì những cơn gió lạnh của mùa đông sẽ đến sau lễ Chilseok, làm hỏng hương thơm của lúa mì. Vì vậy, người Hàn thường lựa chọn mì, bánh mì nướng, bánh giầy phủ đậu đỏ sirutteok và bánh kếp lúa mì gọi là miljeonbyeong để thưởng thức vào dịp lễ đặc biệt này.

4. Việt Nam

Tại Việt Nam, người dân thường đi chùa vào lễ Thất tịch để cầu bình an, may mắn cho bản thân và gia đình. Các cặp đôi sẽ cầu mong cho chuyện tình được hạnh phúc, viên mãn; những ai còn cô đơn sẽ ước được gặp ý trung nhân, sớm có được tình yêu. Ngoài ra, người trẻ Việt Nam còn tin rằng ăn chè đậu đỏ vào lễ Thất tịch là một cách để cầu duyên hiệu quả. Bên cạnh đó, những hoạt động như thả đèn lồng, tặng quà cho người thương và chăm làm việc thiện để tăng thêm phúc phần được rất nhiều người ưa chuộng và thực hiện vào dịp lễ đặc biệt này.

chè đậu đỏ việt nam

Ảnh: VietNamNet

Tuy nhiên, trong ngày này, người dân thường kiêng kị việc tổ chức cưới hỏi để tránh gặp phải những điều không may như Ngưu Lang – Chức Nữ. Đồng thời, lễ Thất tịch thường diễn ra vào mùa mưa ngâu và tháng cô hồn (tháng 7 âm lịch), vì vậy người dân còn kiêng kị làm việc trọng đại vào ngày này như mua xe, xây nhà và làm việc xấu gây tổn hại phước đức.

lễ hội thất tịch tại Việt Nam

Ảnh: Unsplash/Rogan Yeoh

Nhóm thực hiện

Tổng hợp: Khánh Hà

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more