Trần Anh Hùng – Người khách tương tư cố lý

Đăng ngày:

Tròn 30 năm trước, Trần Anh Hùng nhận giải thưởng Camera D’or tại Cannes với Mùi đu đủ xanh, và tên nhân vật chính trong bộ phim ấy cũng là Mùi. Mùi vừa là hương vị của thức ăn, vừa là tên một loại rau thơm gia vị quen thuộc trong bữa cơm của người Việt, vừa ám chỉ sự nếm trải cuộc sống. Dường như, chữ Mùi ấy cũng gắn liền với thứ điện ảnh cảm giác của Trần Anh Hùng – một đạo diễn yêu ẩm thực và dùng ẩm thực làm cây cầu bắc vào miền ký ức, nhất là ký ức về Việt Nam.

Đến khi ra mắt La Passion de Dodin Bouffant – tác phẩm về một mối tình được nuôi dưỡng trong căn bếp và qua những món ăn, giúp anh đoạt giải Đạo diễn xuất sắc tại Cannes và được cử làm đại diện cho điện ảnh Pháp tham gia Oscar 2024 – cái tên tiếng Anh được chọn cho phim cũng lại là The Taste of Things. Chữ “taste” cũng là mùi vị. Và tựa gốc của tác phẩm, The Pot-au-feu, như Trần Anh Hùng thừa nhận, cũng đâu đó âm vang tên món ăn tinh túy của ẩm thực Việt, phở, dù Việt Nam không hề xuất hiện ở đó.

Dù đã chuyển đến Pháp sinh sống từ năm 12 tuổi, thực hành điện ảnh ở Pháp và ngôn ngữ điện ảnh cũng duyên dáng đậm đặc phong cách Pháp, nhưng Trần Anh Hùng vẫn luôn nhạy cảm về những thanh âm tiếng Việt như thế.

trần anh hùng đạo diễn điện ảnh

Tôi nhớ một lần từng có dịp trò chuyện với Trần Anh Hùng và nghe anh say sưa nói về một dự án mà anh ấp ủ từ rất lâu nhưng vẫn chưa có điều kiện để hiện thực hóa, một dự án lấy cảm hứng từ cuốn tùy bút Thương nhớ mười hai của Vũ Bằng, và anh tả tường tận cho tôi nghe một cảnh phim có trong đầu anh, với những người phụ nữ chuyện trò, xung quanh là tiếng của các loài lưỡng cư tới mùa sinh sản – phải chăng, những vết tích kỷ niệm của làng quê Việt Nam một thuở còn lưu dấu trong anh qua hàng chục năm, và tự chúng đã sinh trưởng thành những hình dung của anh về quê hương?

Rất nhiều nhà phê bình và nhà báo nước ngoài khi xem La Passion de Dodin Bouffant đều bị ấn tượng bởi cảnh phim dài đầu tiên, trong đó, nữ minh tinh Juliette Binoche vào vai Eugénie đang chuẩn bị một món ăn hết sức công phu, và camera nhảy múa theo bà trong từng động tác nấu ăn, từng nhát thái, từng lượt trộn, tạo nên một vũ đạo uyển chuyển. Ở khía cạnh nào đó, hẳn thước phim ấy cũng âm vang với những thước phim đầy duy cảm và khoái cảm hưởng thụ mà vẫn không gợn chút vẩn đục đã làm nên tên tuổi của Trần Anh Hùng từ những tác phẩm trong Vietnam trilogy.

trần anh hùng mùa hè chiếu thẳng đứng

Poster phim Mùa Hè chiều thẳng đứng

Chẳng hạn, trong Mùi đu đủ xanh, công việc đầu tiên mà cô bé Mùi được học hỏi khi tới giúp việc trong gia đình nhà chủ là tập nấu một món ăn. Hình ảnh cận cảnh những bông hoa thiên lý xanh mướt mát cùng những miếng thịt bóng bẩy, dòng nước mắm sóng sánh lèo xèo trên chảo nóng sực nức cảm thức Việt Nam. Hay trong Mùa Hè chiều thẳng đứng, ai xem có thể quên được hình ảnh Như Quỳnh, Lê Khanh và Trần Nữ Yên Khê cùng túm tụm ngồi trên góc sân nhà cắt một trái gấc chín mọng, nhặt rau, lột da những chiếc chân gà lấp lánh dưới ánh nắng mặt trời, cùng nhìn ngắm thành quả là một đĩa gà luộc óng ả kỳ lạ, trong khi tủm tỉm tâm sự chuyện thầm kín của những người đàn bà.

Có người không thích cho rằng Việt Nam trong phim Trần Anh Hùng hoàn hảo quá, hoàn hảo như không thực. Nhưng có lẽ đó mới là điều thú vị nhất trong phim của anh. Anh không nhìn Việt Nam như nơi đây là, mà nhìn Việt Nam qua tâm tưởng, qua trí nhớ, qua những gợn kỷ niệm, qua huyễn tưởng của một người ly hương. Và chính nhờ khoảng cách xa xăm mà đối tượng thương nhớ bỗng trở nên toàn bích và mê hoặc. Ngay cả một con ếch vùng nhiệt đới với làn da bóng nhẫy hay một con côn trùng mà đáng ra nhiều người sợ hãi trông cũng đẹp, ngay cả những thứ bình thường như những hạt bí cũng phải sáng ánh lên như ngọc trai.

Một điểm hô ứng nữa trong tác phẩm mới nhất của Trần Anh Hùng với Vietnam trilogy chính là những gì mà các món ăn đại diện. Trong La Passion de Dodin Bouffant, hai nhân vật chính của tác phẩm dường như sống trong một cõi riêng của mình với các món ăn ngon, họ không bị tạp nhiễm bởi thế giới bên ngoài. “Dodin (nhân vật chính do minh tinh Benoît Magimel thủ vai) đâu điều hành một nhà hàng – ông ta đơn giản là đủ giàu có để cả ngày chẳng làm gì ngoài việc nghĩ đến và ăn những món ăn hảo hạng”, nhà phê bình Peter Bradshaw viết trong bài điểm phim trên The Guardian.

Trong sự quấn quít của những nguyên liệu nấu ăn và các món ăn, Dodin và Eugénie dần phải lòng nhau, thế giới tình yêu khép kín ấy cũng giống trong Mùi đu đủ xanh, với một cõi riêng tây chỉ có Mùi và Khuyến trong một ngôi nhà khá giả, và công việc của Khuyến cũng có vẻ hết sức phong lưu nhàn tản – anh chơi dương cầm, còn Mùi chăm sóc từng bữa ăn cho Khuyến. Lần đầu gặp khi Mùi còn là đứa trẻ, cô là người làm bữa cơm khi anh tới chơi nhà. Đến khi đã thành một thiếu nữ trưởng thành, Mùi cũng thường được đặc tả thông qua những thước phim cô dọn mâm cơm cho anh chàng công tử.

trần anh hùng mùi đu đủ xanh

Cảnh trong phim Mùi đu đủ xanh.

Có một cảnh khi Mùi xới cơm trắng nõn vào một chiếc tô sứ hoa lam, bày lên khay với những món ăn truyền thống, và tiếng đàn của Khuyến lả lướt một bản nhạc của Chopin, máy quay chạy dài quan sát cô từ lúc bước ra khỏi nhà bếp, qua những lối hành lang, vào phòng và xếp chúng lên bàn – một thước phim đầy ý nhị mà vẫn tràn ngập tình tự. Mối quan hệ giữa Trần Anh Hùng và Việt Nam cũng khép kín và thuộc về một cõi riêng như vậy, và nếu ví người đạo diễn cũng là một đầu bếp xử lý các nguyên liệu có sẵn để làm nên một tác phẩm, thì ta có thể tưởng tượng Trần Anh Hùng cũng đang bưng lên một “mâm” hình ảnh và thanh âm ăm ắp cho xứ sở của anh.

Lại nói về giấc mơ làm một điều gì đó từ Thương nhớ mười hai của Trần Anh Hùng, tôi chợt nhớ ra cuốn sách ấy vốn được viết khi Vũ Bằng rời xa Hà Nội để vào Nam, và nhà phê bình Trần Ngọc Hiếu từng xếp nó vào dòng văn học di cư. Chính vì di cư nên bao nhiêu lời hay ý đẹp, Vũ Bằng dành hết cho Hà Nội, và ông tự thừa nhận rằng mình có phần thiên vị với thành phố này. Ở phần tự ngôn, Vũ Bằng viết về lý do cuốn sách ra đời: “Cùng là đất nước, đi đâu mà chả thế? Từ Bắc vào Trung, đâu đâu lại không có những con mắt nhìn vào những con mắt mà như gói ghém cả một trời thương; từ Trung vào Nam, chỗ nào mà lại chẳng có những miệng cười, không nói ra lời mà hàm súc biết bao duyên thắm? Vậy mà không; lòng người xa nhà y như thể là khúc gỗ bị mối ăn, mục nát từ lúc nào không biết”.

trần anh hùng the taste of things

Cảnh trong phim La Passion de Dodin Bouffant.

Có khi nào, Trần Anh Hùng cũng có tâm sự tương tự? Thế gian này, nơi đâu không có cảnh đẹp, nơi đâu không có món ngon, nơi đâu không có những chuyện đáng để làm phim?

Sự nghiệp điện ảnh của anh cũng là minh chứng tuyệt vời cho điều đó – Eternité là nước Pháp đẹp toàn bích như trong bưu thiệp, La Passion de Dodin Bouffant là nước Pháp thời kỳ Belle Époque chất chứa hương vị ngon lành, Norwegian wood là Nhật Bản u sầu đẹp đẽ của tuổi thanh xuân, I Come with The Rain là Hồng Kông của cao ốc và những khu nhà san sát. Nhưng sau rốt, một người “khách tương tư cố lý” – xin lại dùng chữ của Vũ Bằng – sâu thẳm trong mình vẫn có một nỗi cảm hoài vĩnh viễn về nơi mà từ đó mình đã ra đi. Và nếu có ngày Trần Anh Hùng hiện thực hóa được Thương nhớ mười hai của mình, thì hẳn không phải vì thích hay vì yêu nữa, mà là vì một tiếng gọi của tâm hồn.

Nhóm thực hiện

Bài: Hiền Trang

Ảnh: Tư liệu 

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more