Bức tranh in mộc bản Sóng Lừng ngoài khơi Kanagawa của họa sĩ người Nhật Katsushika Hokusai là một trong những tác phẩm nghệ thuật có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với lịch sử nghệ thuật thế giới. Kiệt tác Sóng Lừng là chứng nhân cho sự trao đổi và học hỏi giữa hệ giá trị và văn hoá Đông – Tây.
Những đợt sóng cuộn cao đánh bọt trắng xóa như những chiếc móng vuốt sắp sửa tóm lấy con thuyền lênh đênh trên mặt biển, từng là nguồn cảm hứng nghệ thuật cho nhiều nghệ sĩ Ấn tượng châu Âu, điển hình là Van Gogh và Cezanne. Nhiều ghi chép cũng cho rằng bức tranh này đã tạo ra “cơn sốt nghệ thuật Nhật Bản” tại Paris những năm 1895 – khi nghệ sĩ người Pháp Félix Bracquemond giới thiệu bản sao quyển phác thảo tranh Hokusai tại một hội thảo. Năm 1903, Sóng Lừng cũng chính là nguồn cảm hứng cho Claude Debussy sáng tác bản giao hưởng La Mer. Sóng Lừng cũng được văn hóa hiện đại Phương Tây đón nhận và hình ảnh ngọn sóng xuất hiện rất nhiều nơi từ hình in áo thun, hình xăm, quảng cáo, bìa sách…
Không chỉ là nguồn cảm hứng bất tận cho văn hóa Phương Tây, bản thân Sóng Lừng cũng là một kiệt tác chịu ảnh hưởng từ phương Tây. Trước khi tác phẩm này ra đời, khoảng năm 1830, nước Nhật bước vào giai đoạn mở rộng quan hệ ngoại giao và hội nhập với Phương Tây. Màu sắc xanh vẽ dáng sóng mà Hokusai sử dụng trong những bản in của ông được nhập từ châu Âu. Màu prussian blue hay còn gọi là màu xanh phổ là màu nhân tạo được tạo vào thế kỉ 18 và rất được ưa chuộng bởi chiều sâu và khả năng bền màu cao.
Khi nhìn ngắm Sóng Lừng ngoài khơi Kanagawa, người xem dù sinh trưởng trên nền tảng văn hóa nào cũng có thể cảm nhận được “câu chuyện” về tinh thần kiên cường của con người trước thiên nhiên dữ dội. Những đợt sóng hung dữ như giơ “móng vuốt” trắng xoá muốn ôm trọn con thuyền mỏng manh giữa đại dương. Tuy nhiên, giữa cơn biển động dữ dội, con thuyền mà Hokusai vẽ lại tạo ra cảm giác mềm mại, giống như chính nó đang cố gắng bám vào con sóng để khéo léo vượt qua cơn sinh tử. Một số phân tích cũng cho rằng cách dùng màu xanh trầm dịu và cách vẽ những bọt nước tròn màu trắng lưng chừng, đối lập với những hình dung thông thường về sự giận dữ của đại dương, thể hiện cái nhìn tích cực đối với những thử thách cuộc đời. Hay, đó chính là những chiêm nghiệm rất phương Đông của Hokusai về cuộc đời: đối diện với thách thức, sóng gió bằng thái độ bình tâm, bằng con mắt điềm tĩnh nhiều chiều sâu.
Tiền thân của Sóng Lừng ngoài khơi Kanagawa
Trước bức tranh in mộc bản nổi tiếng này, Hokusai đã có 3 lần thử nghiệm với hình ảnh đối lập giữa sóng biển và con người.
Năm 1797, năm Hokusai 33 tuổi, ông bắt đầu sử dụng hình ảnh những sóng làm chủ thể nghệ thuật trong tác phẩm của mình, cụ thể là tác phẩm Springtime in Enoshima.
Đến năm 1803, Hokusai tiếp tục với mô-típ này trong tác phẩm View of Honmoku off Kanagawa (Quảng cảnh thành phố ngoài khơi Kanagawa).
Có thể thấy sự thay đổi trong chiệm nghiệm của Hokusai về thiên nhiên và con người qua hai tác phẩm này. Hình ảnh gia đình bên bờ biển được thay bằng con thuyền lênh đênh giữa lòng một con sóng lớn. Cảnh đại dương ở đây cũng rộng lớn và mênh mang hơn nhiều.
Hai năm sau View of Honmoku off Kanagawa, năm 1805, Hokusai ra mắt tác phẩm Fast Cargo Boat Battling The Waves (Tàu chở hàng chống chọi sóng dữ). Rõ ràng, hình tượng sóng và con thuyền trong tác phẩm này là gần gũi nhất với kiệt tác Sóng Lừng. Tuy nhiên, hình ảnh con sóng ở đây được nhận xét là còn khá thô bởi màu sắc và hình dáng, chưa đạt được chất thơ như như Sóng Lừng.
Có nhiều phân tích về sự phát triển trong tâm tưởng của tác giả thể hiện qua 4 bức tranh được vẽ trong bốn giai đoạn khác nhau và hầu hết đều đề cập tới những chiêm nghiệm vài năm trước khi qua đời của Hokusai:
“Tôi bắt đầu có thói quen vẽ từ năm 5 tuổi. Tới tuổi 50, tôi đã vẽ được khá nhiều, nhưng phải tới năm 70 tuổi, tác phẩm của tôi vẽ ra mới thực có giá trị. Tới năm 73 tuổi, cuối cùng thì tôi cũng học được điều gì đó về bản chất chân thật của sự vật, chim, thú, côn trùng, cá, và cỏ cây. Để rồi tới năm 80 tuổi, tôi sẽ tiếp tục tiến bộ, và tới năm 90 tuổi tôi thấu tỏ được ý nghĩa sâu xa nhất trong vạn vật…”.
200 năm sau khi kiệt tác này ra đời, giá trị và bài học cuộc sống mà tác phẩm để lại vẫn còn vẹn nguyên và có ý nghĩa với tất cả chúng ta. Dù khó khăn trước mắt vô cùng lớn lao nhưng tất cả cũng sẽ qua đi, điều quan trọng nhất chính là tinh thần kiên cường và những cố gắng bền bỉ của con người. Hãy cứ dũng cảm và bình tĩnh bước tiếp.
—
Xem Thêm
Điểm tin nghệ thuật tháng 2/2019 và những sự kiện đặc biệt
Khám phá tính nữ trong bộ tranh nghệ thuật của nữ họa sĩ da màu Charlotte Edey
Nhóm thực hiện
Theo: Tạp chí Phái đẹp ELLE Bài: TN Tham khảo: Mymodernmet