Triển lãm ảnh: “Ký ức phố” không thể xem nhanh
[Tạp chí ELLE – 1/2016] Bởi đúng vậy, mỗi một góc phố ta qua, mỗi một hình ảnh thân quen dù có lướt vội khi ngang qua phố, nhưng khi chiêm ngưỡng lại nó, ta cần thời gian, cần sự lắng lại để tìm sự đồng điệu và cho những cảm xúc trong mình lan tỏa.
Thế mới đích thực là đi xem triển lãm ảnh, mà triển lãm “Ký ức phố” lại càng cần phải chậm rãi xem, chậm rãi ngẫm hơn nữa.
Nhà sử học Dương Trung Quốc đã viết: “Nhìn tấm ảnh chụp những toa xe điện đậu trên bờ hồ Gươm, cây gạo cổ thụ trước cổng đền Ngọc Sơn, những căn nhà cổ… nay không còn nữa, những người đã từng chứng kiến và các bạn trẻ chưa từng chứng kiến sẽ khác nhau. Người già thì hoài niệm, bâng khuâng, người trẻ thì lạ lẫm và thú vị. Nhưng tất cả lại rất gần nhau khi cảm nhận được cái vẻ đẹp trong sự thay đổi theo thời gian.
.
Có thể nói “Ký ức phố” là một tản văn về phố phường Hà Nội bằng hình ảnh. Những tác phẩm được chụp bằng những gì có thật, không dàn dựng, không hư cấu. Trắng – Đen với những giai điệu của sắc độ đậm nhạt khác nhau trên ảnh không chỉ cho thấy tay nghề của người chụp mà còn thấy được chiều sâu của sự vật, không bị tác động bởi màu mè pha loãng tâm cảm của người xem. Nhờ thế, người xem ảnh vừa có thể lùi về thời gian của quá khứ vào cái thời điểm nhà nhiếp ảnh bấm máy, lại vừa có thể chứng kiến những đổi thay mà mình có thể nhận ra hôm nay – nhà sử học chia sẻ thêm.
.
Triển lãm “Ký ức phố” được diễn ra ngay sau triển lãm “Ký ức làng” của cùng nhà nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Bảo nhân dịp kỷ niệm 10 năm ngày di sản Việt Nam (23/11/2005 – 23/11/2015). Đây là triển lãm ảnh thứ hai Nguyễn Hữu Bảo thực hiện trong năm 2015 và là triển lãm cá nhân thứ năm của ông tính đến thời điểm hiện tại. “Ký ức phố” trưng bày gần 90 bức ảnh, chủ yếu là ảnh đen trắng với phạm vi chụp gói gọn trong những phố phường của quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ba mảng chính được đề cập đến trong triển lãm là: Những dấu ấn còn lại của Hà Nội (đã mất đi hoặc bị biến dạng), chân dung những người dân phố cổ và cuộc sống thường nhật hàng ngày. Ba mảng này hình thành nên tinh thần của phố cổ, là một hơi thở của Hà Nội xưa.
.
Dưới con mắt của Nguyễn Hữu Bảo, sự va đập văn hóa Đông – Tây đã ảnh hưởng đến phong cách Hà Nội. Người Hà Nội sau bao nhiêu biến động, tiếp nhận nhiều luồng văn hóa, vẫn giữ lại cho mình một nét đẹp rất trầm. Ghi lại bằng hình ảnh, đối với ông, là một cách để cất giữ kho ký ức về phố của mình, cất giữ một không gian chật hẹp thiếu “dinh dưỡng” ông vẫn sống, cất giữ những kỷ vật nhiều năm gắn bó không thể nào từ bỏ.
—
Xem thêm
Triển lãm “Những cuốn sách về Hà Nội”
Thành phố Hà Nội: Một nửa trong tôi
Bảo tồn & cải tạo – Cuộc sống vẫn sinh sôi tại phố cổ Hà Nội
Bài: Ngọc Anh – Ảnh: Nguyễn Hữu Bảo (trong bài có sử dụng tài liệu của nhà sử học Dương Trung Quốc)