Xuyên suốt dòng chảy của lịch sử và văn hóa nhân loại, từ các bức bích họa ở La Mã cổ đại cho đến các tác phẩm của những nghệ sĩ lừng danh như Frida Kahlo, Vincent van Gogh… hoa hiện diện dưới muôn dạng sắc thái, hình hài, truyền tải những thông điệp, tư tưởng riêng biệt của thời đại và nghệ sĩ. Chung quy, dù ở bất kỳ nền văn hóa nào, tạo vật diễm lệ này luôn đại diện cho bản chất phù du của sự sống, sinh sôi rồi lại phai tàn, một vẻ đẹp mong manh chỉ tồn tại thoáng qua rồi lại trở về với đất mẹ. Thế nhưng, “hoa” trong tác phẩm Hoa Đời của nghệ sĩ Tia-Thủy Nguyễn lại mang những ý nghĩa rất khác.
Flower of Life (Hoa Đời) – triển lãm nghệ thuật thứ ba của nghệ sĩ Tia-Thủy Nguyễn được trưng bày tại Château La Coste (khu vườn nghệ thuật đậm chất Pháp cất giữ những tinh hoa nghệ thuật từ những nghệ sĩ nổi bật trên thế giới) – là đại diện cho niềm tin mãnh liệt của chị về sự sống miên viễn trên thế gian. Nỗi nhớ hoang hoải về người cha kính mến, những trăn trở về sự sống và những định luật sâu xa của vũ trụ đã cho Tia-Thủy Nguyễn nguồn cảm hứng để mang phép màu nghệ thuật của mình tái sinh một thân cây sồi khô mục, khiến nó “nở hoa” và tiếp tục một sứ mệnh mới.
Từ lý thuyết của Định luật Bảo toàn năng lượng: “Trong vũ trụ, tổng năng lượng không đổi. Mọi năng lượng không tự nhiên sinh ra, không tự nhiên mất đi, nó chỉ biến đổi từ dạng này sang dạng khác”, Tia-Thủy Nguyễn đã tạo nên một “cỗ máy” vận hành bất tận bằng năng lượng tuần hoàn của vũ trụ. Triển lãm Flower of Life xoay quanh việc “tái sử dụng” một vật thể (ở đây là một cây sồi đã héo khô), cho nó một khả năng mới, một đời sống mới. Năng lượng của cây sồi không hề tan biến đi, cũng như “đời sống” của nó không hề kết thúc, năng lượng vũ trụ và Mẹ thiên nhiên đã chuyển hóa nó thành một tác phẩm nghệ thuật. Với triển lãm Flower of Life, trong mắt nữ nghệ sĩ, cây sồi đã khô mục ấy chính là khởi đầu cho một chương mới của sự sống.
BÀI LIÊN QUAN
Bằng sự tính toán kỹ lưỡng từng đường nét, góc cạnh, Tia- Thủy Nguyễn cùng cộng sự của mình đã khéo léo sử dụng hai chất liệu thép không gỉ và đá thạch anh để tạo hình lá và hoa cho cây sồi. Việc lựa chọn sử dụng kết hợp chất liệu nhân tạo và tự nhiên trong một tác phẩm thể hiện sự trưởng thành, trải qua thời gian, tiếp nhận đủ năng lượng của vũ trụ để “nở” thành những bông hoa rực rỡ, đẩy lùi đi vẻ đẹp hoang tàn của cái chết.
———
“Tựa hồ như sự luân hồi trong nhân sinh, sau muôn vàn thử thách chông gai, khi tích lũy “đủ”, chúng ta sẽ trở thành phiên bản rực rỡ nhất của chính mình, bằng cả nội lực chứ không phải chỉ là hình thức” – Tia-Thủy Nguyễn.
Lịch sử hội họa chứng kiến những kết nối sâu sắc giữa thiên nhiên, hoa và nghệ sĩ. Trong những tác phẩm nổi bật nhất cuộc đời mình, Frida Kahlo luôn xuất hiện trong những chiếc váy sặc sỡ cùng mái tóc đính kết những bông hoa đa dạng, thể hiện tình yêu bất diệt của bà dành cho những đóa hoa trong chính khu vườn của mình. Trong những bức họa thuộc trường phái Hậu Ân tượng của Vincent van Gogh, dường như chưa bao giờ thiếu đi dáng hình của những đóa hướng dương rực rỡ – một dấu ấn cá nhân mà họa sĩ người Hà Lan luôn thể hiện trong hành trình sáng tạo nghệ thuật của mình, như ông đã từng tuyên bố chắc nịch: “Hoa hướng dương thuộc về tôi”. Và Tia-Thủy Nguyễn cũng vậy. Không chỉ dành tình yêu muôn thuở cho hoa như bao nghệ sĩ khác, chị cảm nhận giữa mình và hoa luôn tồn tại những kết nối không tên sâu sắc: “Tôi tìm thấy chính mình trong hình ảnh bông hoa rực rỡ, bung nở – yểu điệu đấy nhưng căng tràn nhựa sống, để vươn mình lên khoe sắc thì phải tích đủ tinh túy của đất trời, nắng mưa. Người xem có thể cảm nhận được năng lượng sống qua cách chơi màu tôi chọn cho các tác phẩm của mình – mạnh mẽ mà mềm mại”.
Nhóm thực hiện
Bài: Taylor
Hình ảnh về tác phẩm sắp đặt: Tia-Thủy Nguyễn