Văn hóa / Thế giới văn hóa

Triển lãm nghệ thuật sắp đặt: Tình yêu chất liệu

[Tạp chí ELLE - 3/2016] Mới đây, giới yêu nghệ thuật sắp đặt đã trải nghiệm những tác phẩm của nghệ sĩ thị giác Nguyễn Thùy Trang trong triển lãm “Làm tổ”.

Triển lãm nghệ thuật sắp đặt: Tình yêu chất liệu - ELLE.VN

Tôi đã xem những tác phẩm ấn tượng của chị, chúng giống như những sợi tơ để bào thai bám vào làm tổ. Vậy ý tưởng, cảm hứng của các tác phẩm này đến từ đâu?

Triển lãm này được lấy cảm hứng từ hình dáng và kết cấu của tổ ong, vì chúng mang nét đẹp hài hòa giữa hình khối và chất liệu. Đây cũng là dịp để tôi thử nghiệm các vật liệu mềm như giấy bản, giấy dó, giấy hoàng thạch, chỉ thêu, dây gai và sử dụng kỹ thuật đan dệt để thể hiện ý nghĩa về sự hạnh phúc, kết nối. Bên cạnh đó, tôi cũng thử ứng dụng công nghệ trong một số tác phẩm để tạo nên yếu tố chuyển động, khai thác được sự đa dạng từ những biến chuyển trên bề mặt chất liệu. Ngoài ra, các tác phẩm trong “Làm tổ” còn là cách để tôi kể câu chuyện của mình khi chuẩn bị làm mẹ.

Tôi đặc biệt xúc động với ý tưởng làm triển lãm vừa phù hợp không gian của Toong, vừa là cách chị kể lại câu chuyện của riêng mình. Phải chăng bản năng của một người mẹ đã thôi thúc chị rất nhiều?

Tôi nghĩ là có. Vì tác phẩm của một người nghệ sĩ phản ánh rất rõ con người họ. Nếu tôi tự nhận xét các tác phẩm của mình thì sẽ rất chủ quan. Tôi cũng phải nghe ý kiến từ nhiều người để xem cảm nhận của họ như thế nào. Nhiều khán giả nói rằng các tác phẩm của tôi rất nữ tính, rất phụ nữ. Tôi thấy cũng có thể gọi là thành công khi tôi đã diễn đạt được những ý muốn của mình qua triển lãm này.

.

Triển lãm nghệ thuật sắp đặt: Tình yêu chất liệu - ELLE.VN
Tác phẩm trưng bày trong triển lãm Làm tổ

Tại sao chị dừng lại ở 13 tác phẩm? Sự khác biệt của chúng là gì?

Thực ra lúc đầu tôi định làm 10 tác phẩm, nhưng càng làm càng có nhiều ý tưởng và cảm hứng sáng tạo hơn. Điểm chung của các tác phẩm này là kỹ thuật đan dệt và nhấn mạnh vẻ đẹp của bề mặt chất liệu. Có tác phẩm khá phẳng, có tác phẩm gồ ghề, mang đến cho người xem cảm giác về chiều sâu. Đặc biệt, có 2 tác phẩm tôi sử dụng công nghệ kỹ thuật động cơ vật lý để tạo sự biến đổi trên bề mặt chất liệu, khiến người xem tò mò và muốn sờ, muốn chạm vào những tác phẩm ấy.

Chị mất bao nhiêu thời gian cho “Làm tổ”?

Việc sử dụng kỹ thuật động cơ không hề đơn giản. May là tôi có sự hỗ trợ của một bạn kỹ thuật. Chúng tôi bàn bạc để đưa ra phương án tốt nhất và hoàn thành dự án sau 3 tháng.

Tôi thấy chị đặc biệt thích và lưu tâm đến chất liệu. Đó có phải điểm khác biệt trong phong cách nghệ thuật sắp đặt của chị?

Tôi có nhiều hứng thú với chất liệu và xử lý bề mặt chất liệu. Tôi nghĩ việc này khá mới ở Việt Nam, khi mọi người chưa có nhiều thông tin, nhiều cách để tiếp cận. Rất nhiều người hỏi tôi: tác phẩm của nghệ sỹ thị giác là gì, là vẽ hay điêu khắc – những thứ có thể nhìn thấy dễ dàng. Câu trả lời của tôi là: Không, tôi làm về chất liệu. Họ lại hỏi: Làm về chất liệu là làm gì? Vậy thì qua triển lãm này, mọi người sẽ hiểu hơn về nghệ thuật chất liệu.

.

Triển lãm nghệ thuật sắp đặt: Tình yêu chất liệu - ELLE.VN

Ngoài những chất liệu dùng trong triển lãm, chị còn quan tâm đến chất liệu nào khác?

Có rất nhiều chất liệu tôi muốn thử nghiệm. Năm ngoái, tôi làm một triển lãm cá nhân về mặt nạ của Ý và sử dụng các loại hạt, vải chăn con công. Tôi muốn dùng những chất liệu dễ tìm ở Việt Nam và mang đặc trưng, tính chất truyền thống của Việt Nam.

Chị cũng là Giám đốc Sáng tạo của Xưởng Nghệ thuật Tí Toáy, một nơi hoàn toàn dành cho trẻ con?

Đúng rồi, đó là xưởng nghệ thuật dành cho trẻ em từ 3–15 tuổi. Tí Toáy đã hoạt động được 2 năm rưỡi với khoảng 10 lớp học. Tôi là người lên kế hoạch, điều phối các chương trình và trực tiếp giảng dạy một số lớp. Khi xây dựng Tí Toáy, tôi muốn hướng trẻ em đến việc trải nghiệm, tìm hiểu và khám phá nghệ thuật chứ không đơn thuần là học vẽ theo cách truyền thống. Các em sẽ được học những kiến thức cơ bản về thời kỳ Phục hưng, thời kỳ Cổ đại, nghệ thuật truyền thống châu Á, nghệ thuật hiện đại và đương đại. Tôi chú trọng chuyện các em có kiến thức nghệ thuật  nhiều hơn là việc các em vẽ đẹp hay xấu, không thiên quá nhiều về phần kỹ thuật mà chủ yếu truyền cảm hứng, khích lệ các em tự khám phá, sáng tạo. Tôi cũng giới thiệu các thể loại khác nhau như phim hoạt hình, điêu khắc, in ấn, vẽ… để các em tiếp xúc và xem mình thực sự phù hợp với lĩnh vực nào.

.

Triển lãm nghệ thuật sắp đặt: Tình yêu chất liệu - ELLE.VN

Triển lãm nghệ thuật sắp đặt: Tình yêu chất liệu - ELLE.VN

Kinh nghiệm của chị khi tham dự những triển lãm trên thế giới?

Nên tìm hiểu thông tin trên mạng về các cuộc thi hoặc triển lãm. Bạn hoàn toàn có thể tự đăng ký những chương trình yêu thích mà không phải thông qua các bên trung gian. Đó là sự năng động của người nghệ sĩ.

Vậy bí quyết nào để được chọn?

(Cười) Tôi không có bí quyết nào cả. Mỗi chương trình có những tiêu chí riêng đối với tác phẩm họ lựa chọn, và cũng tùy thuộc vào cá tính của từng nghệ sĩ nữa.

Có khó khăn hay khác biệt nào khi những nghệ sĩ nữ theo đuổi con đường nghệ thuật sắp đặt của mình không?

Theo tôi là không. Có rất nhiều nữ nghệ sĩ thành danh trên thế giới và họ đều rất tài năng. Phụ nữ hay nam giới làm nghệ thuật đều phải lao động, sáng tạo như nhau.

Dự định sắp tới của chị là gì?
Tôi đang muốn làm triển lãm về các em ở Xưởng Nghệ thuật Tí Toáy vào giữa năm 2016.

VỀ THÙY TRANG

Tốt nghiệp khoa Hội họa, Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 2009. Sau đó, cô theo học Art – Media và Textile tại Đại học Mỹ thuật Angers, Pháp.

Các tác phẩm của cô đã được triển lãm ở nhiều quốc gia nổi tiếng về nghệ thuật như Pháp, Ý, Tây Ban Nha. 

Năm 2014, cô tổ chức triển lãm Carnevale Di Venezia lấy cảm hứng từ chiếc mặt nạ Venice, Ý. Ngoài công việc sáng tác, cô còn là Giám đốc Sáng tạo của Xưởng Nghệ thuật Tí Toáy, nơi ươm mầm nghệ thuật cho các em nhỏ từ 3 – 15 tuổi. 

——-

Xem thêm:

Triển lãm ảnh “Himalaya” tại Toong

Triển lãm ảnh: “Ký ức phố” không thể xem nhanh

Triển lãm nghệ thuật No Longer/Not Yet của Gucci

Nhóm thực hiện

Bài: Nana Phạm - Ảnh: Chu Lân
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)