Khám phá mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên trong một hiện thực tàn bạo sinh ra từ tham vọng làm chủ của con người, triển lãm nghệ thuật cá nhân mới nhất của nghệ sĩ Tuấn Mami mời gọi người xem bước vào hành trình tìm kiếm căn cốt của mỗi quyết định tạo ra sự thay đổi, hành động trước thảm cảnh thiên nhiên đã được cảnh báo. Lấy cảm hứng từ sử thi Đẻ đất đẻ nước của người dân tộc Mường cổ để dẫn nhập vào triển lãm nghệ thuật Trong từng hơi thở – Không gì đứng yên, là cách nghệ sĩ muốn gợi nhớ lại một sử thi cũ để người ta có thể soi chiếu vào sử thi mới, huyền thoại về một thời kỳ hỗn mang mới mà con người có thể phải đối mặt trong tương lai.
Mỗi người nghệ sĩ sẽ có cách khác nhau để đối diện với sự hỗn mang ở từng thời đại của họ. Tương lai là điều không thể biết được một cách chắc chắn. Bằng việc theo đuổi cùng một chủ đề sáng tạo trong thời gian dài, Tuấn Mami dần khắc họa rõ “hướng dịch chuyển” trong chính tư duy của anh trước mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên. Dành thời gian nghiên cứu rất lâu về khu vực khai thác đá ở Hà Nam quê hương mình, anh đã chứng kiến cuộc khủng hoảng môi trường qua quá trình khai thác thiên nhiên một cách chóng mặt và thiếu bền vững để lại cho người dân nơi đây.
Rất nhiều dự án khai mỏ liên tiếp xuất hiện trong gần chục năm qua đã phá vỡ hệ sinh thái và cấu trúc văn hóa của vùng bản địa. Đất đai và sông ngòi ô nhiễm. Cuộc sống với các ngành nghề săn bắt và trồng trọt đã bị triệt tiêu do hậu quả từ sự mất dần của hệ sinh thái đa dạng. Khi lần đầu tiên trở về nhìn thấy sự hoang tàn của thiên nhiên, anh đã cảm thấy rất giận dữ, mất mát trước việc con người đã trực tiếp gây ra điều đó. Ngay lập tức anh muốn làm gì đấy để kêu gọi sự đối diện, hành động thay đổi. Nhưng càng sống với chính người dân nơi đó, nghệ sĩ càng nhận ra bản thân mình là người có lỗi.
Tuấn Mami quyết định lùi lại “đứng yên” để nhìn ngắm cảnh vật hoang tàn, nhìn ngắm trận địa sáng tạo của con người, nó như một cái bẫy khiến chính con người có thể bị mắc kẹt hoặc bị phá hủy. Từ đó mở ra một khái niệm khác về cái đẹp trong sự hủy diệt. “Khoảng cách đứng từ xa giúp tôi phát hiện sự khác biệt hoàn toàn khi tôi ở bên trong mỏ – khu vực khai thác. Tôi nhận ra nó gần như đứng yên, trong khi đó bên trong mỏ vạn vật đang vận động điên rồ. Khoảng cách đó tạo ra sự lĩnh hội sự vật khác nhau. Sự hoang tàn, ô nhiễm khiến bạn cảm thấy ngộp thở và xấu xí khủng khiếp. Tuy nhiên, ở đằng xa nó chỉ là một lớp sương mờ, một điều gì đó lãng mạn đến ám ảnh. Rất khó để phân định quang cảnh đó là đẹp hay xấu. Đột nhiên trong cùng một lúc, ý nghĩ này mở khóa bên trong tôi. Tôi nhận ra mình không phải đang đi tìm sự thật, vì sự thật cũng đang vận động”, Tuấn Mami chia sẻ.
BÀI LIÊN QUAN
Đúng sai cũng chỉ là phạm trù khởi đầu. Triệt tiêu cái cảm giác muốn phán xét mới là tiền đề tạo ra một hành trình đối với người nghệ sĩ. “Đôi lúc tôi đã muốn từ bỏ triển lãm nghệ thuật này vì thấy vô nghĩa. Nhưng tôi nhìn vào sự phá hủy đến từ bên trong mình nhiều hơn, sự phá hủy giúp tôi vượt qua những thứ mình đã biết, những định kiến đang bám rễ. Mọi thứ đều cảm tính. Trong hủy diệt có tái sinh. Tái sinh không phải là lặp lại bản thân mình mà trở lại để chấp nhận và thích nghi với cái mới. Suy nghĩ đó duy trì niềm hy vọng của tôi khi nhìn vào sự phá hủy”.
Rất nhiều sự tương phản và đối kháng trong cách Tuấn Mami lập trình bộ tác phẩm đa phương tiện trong triển lãm nghệ thuật lần này. Đi theo hành trình của anh, khám phá kỹ thuật huyền thoại hóa, người xem khi đến với triển lãm nghệ thuật không bị đánh động bởi bất kỳ một thông điệp, phán xét hay đỏi hỏi giải pháp cụ thể. Nó đơn giản là một sự dừng lại để cảm nhận về những thay đổi âm ỉ xung quanh của mỗi cá nhân, tâm thế lắng nghe chính mình trước khi chọn lấy một quyết định. Những vấn nạn và bức bối của xã hội được anh ví như một cuộn chỉ rối mà ta chỉ có thể giải quyết từng phần, phải đi đến việc tác động cùng nhau để có thể gỡ rối.
Triển lãm nghệ thuật này anh không chọn đi theo cách làm của những người hoạt động xã hội, bởi sự kháng cự không giải quyết được vấn đề. Quan trọng là làm sao thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn của sự giận dữ, muốn trỗi lên để chống đối lại một hệ thống văn hóa của nhân loại chứ không riêng gì người Việt. Nó lớn hơn văn hóa của một vùng miền hay một quốc gia. Nó có thể xuất phát sâu xa từ phía bên kia địa cầu và lan tỏa như một cơn đại dịch.
“Tôi không muốn và cũng không có khả năng dạy người khác nên nghĩ gì, làm gì. Tôi cũng không tin mình có thể thay đổi hiện thực. Nhưng tôi muốn là một phần đóng góp vào hành vi hướng đến sự tịnh tiến, vận động. Ý tưởng của tác giả chỉ là một phần hình thành nên cái mà công chúng nhìn thấy”, Tuấn Mami chia sẻ.
*Tuấn Mami là nghệ sĩ thị giác đa ngành sống và làm việc tại Hà Nội, đã thực hành các loại hình: Sắp đặt, video, trình diễn và nghệ thuật ý niệm. Liên tục khám phá các phương pháp biểu đạt mới mẻ, Tuấn Mami tạo được chỗ đứng trong làng nghệ thuật quốc tế với những thử nghiệm (ở cả không gian riêng tư và công cộng) mang tính táo bạo va đậm chất thiền định. La người sáng lập trung tâm nghệ thuật MAC – Hanoi; năm 2013, đồng sáng lập Nhà Sàn Collective; hoạt động dưới vai trò Giáo viên thỉnh giảng tại San Francisco Art Institute.
—
Xem thêm:
Trang Nguyễn – Bảo vệ động vật hoang dã là bảo vệ sự sinh tồn của loài người
Triển lãm tranh tôn vinh vẻ đẹp phụ nữ Việt Nam
Nhóm thực hiện
Bài & Ảnh: Ngô Hạ Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE