Văn hóa / Thế giới văn hóa

Triển lãm trực tuyến – Chuyện tương lai đã thành hiện tại

Các triển lãm và hội chợ nghệ thuật vẫn là những sự kiện văn hóa quan trọng thu hút hàng triệu người trên thế giới tham gia mỗi năm. Nhưng nếu các chuyến bay bị hủy bỏ, khách sạn đóng cửa và cấm tụ tập đông người, những sự kiện này sẽ ra sao?

triển lãm trực tuyến khắp thế giới

Câu trả lời cho thị trường mỹ thuật thế giới trong cơn bão đại dịch thực ra đã có từ lâu, trước cả khi các bảo tàng nghĩ ra việc phải thực hiện virtual tour như ELLE đã bàn trong số báo trước.

Chỉ cần một cú nhấp chuột

David Quiles Guilló, nhà sáng lập của “Wrong Biennale”, từng chia sẻ rằng: “Bất cứ cái gì trực tuyến đều chỉ cần một cú nhấp chuột. Khả thể của nó là vô biên, sự hiện hữu được mở rộng tới vô hạn, và công nghệ càng phát triển, nghệ thuật cũng được tiến bước theo”. Quan điểm của ông thể hiện qua chính việc ông làm, “Wrong Biennale” là triển lãm mỹ thuật được thực hiện hoàn toàn trực tuyến đầu tiên trong lịch sử, và bắt đầu từ năm 2013.

Đúng như lời Guilló miêu tả, công nghệ ngày càng khiến cho những triển lãm, hội chợ mỹ thuật online trở nên hấp dẫn, bắt mắt và hoàn thiện với rất nhiều trải nghiệm. Năm 2019, “Wrong Biennale” đã thu hút được 180 giám tuyển và hơn 2.000 nghệ sĩ tham gia. Để tham gia vào sự kiện này, từ nghệ sĩ, giám tuyển cho tới người sưu tầm và người hâm mộ nghệ thuật không cần phải rời nhà, ở khách sạn, xếp hàng chờ vào triển lãm. Tất cả những gì họ cần làm, đúng như nhà sáng lập miêu tả, là nhấp chuột. Bản thân Guilló cũng chẳng phải đi đâu xa, ông điều hành toàn bộ sự kiện này từ một ngôi nhà yên tĩnh ở vùng Alicante, Tây Ban Nha.

triển lãm online thế giới

triển lãm Well Now TWF

Ý tưởng cách mạng của David Quiles Guilló tưởng đâu chỉ có thể áp dụng cho một hiện tượng là “Wrong Biennale”, bỗng trở thành giải pháp hoàn hảo cho nửa đầu năm 2020, khi thế giới đối đầu với bệnh dịch và hàng loạt sự kiện nghệ thuật phải trì hoãn vô thời hạn. Cuối tháng 3/2020, quý bà chấm bi Yayoi Kusama đã quyết định đưa triển lãm nổi tiếng “Infinity Mirrored Room” lên nền tảng trực tuyến với cái tên “Infinite Drone”. Khi triển lãm này được tổ chức vào năm 2013, hai triệu người đã phải rồng rắn xếp hàng để có thể trải nghiệm những căn phòng tưởng chừng như vô tận trong thế giới ánh sáng chấm bi của nghệ sĩ thiên tài này. Bây giờ, tất cả những gì họ cần là một màn hình thật lớn ngay tại phòng khách của mình.

Bảo tàng Tate cũng mau chóng chuyển triển lãm các tác phẩm của Andy Warhol thành video tour để thu hút khán giả. Tuy giới thiệu một cách kỹ lưỡng 9 phòng trưng bày trong giới hạn của một video chưa dài tới 10 phút, nhưng bảo tàng nổi tiếng nước Anh đã khéo léo quảng bá cho bộ triển lãm đáng tự hào của họ thông qua những bình luận của hai giám tuyển Gregor Muir và Fiontán Moran.

triển lãm trực tuyến thế giới

triển lãm không gian nghệ thuật

Cơ hội của những nghệ sĩ mới

Những giám tuyển trẻ hơn cũng mau chóng nhận thấy bệnh dịch là thời cơ vàng để họ cạnh tranh với những gallery, bảo tàng, trung tâm triển lãm đã từ lâu chiếm vị trí quan trọng trong giới nghệ thuật.

Triển lãm “Well Now WTF?” chỉ vừa được ra mắt đầu tháng 4/2020 là lời đáp tức thời đối với đại dịch toàn cầu, do ba nhà giám tuyển Faith Holland, Lorna Mills và Wade Wallerstein chung tay thực hiện. Đây là một không gian chia sẻ trực tuyến chung để các nghệ sĩ có thể giới thiệu tác phẩm của mình, thực hiện các cuộc trò chuyện về nghệ thuật. Lịch trình của các sự kiện được thường xuyên cập nhật và giúp người yêu nghệ thuật có thể dễ dàng theo dõi. Thú vị hơn nữa, để tăng phần hấp dẫn và cập nhật theo thời sự, việc trưng bày của triển lãm online này đi theo các chủ đề liên quan đến coronavirus. Lợi thế đáng kể của triển lãm và hội chợ mỹ thuật online là tính vô hạn của không gian trưng bày. Một hội chợ nghệ thuật dù lớn tới đâu cũng không thể đủ chỗ và thời gian cho tất cả các gallery và nghệ sĩ dù đôi khi chất lượng tác phẩm của họ xứng đáng được giới thiệu.

triển lãm tác phẩm của Andy Warhol

triển lãm tác phẩm tại bảo tàng Tate

Thế giới trực tuyến thì khác, không gian của nó là vô hạn, và thời gian thực hiện của nó có thể kéo dài mãi mãi, thậm chí có thể là một hoạt động hằng tháng, hằng tuần, hằng ngày – như cách mà “Well Now WTF?” đang thực hiện. Đây chính là cơ hội của những nghệ sĩ trẻ, đặc biệt là các nghệ sĩ đi theo digital art – loại hình sinh sau đẻ muộn nhưng ngày càng khẳng định tiếng nói và ưu thế của mình.

Câu hỏi đặt ra ở đây là, với sự thành công đã được chứng thực qua gần một thập kỷ của “Wrong Biennale”, và tình hình của bệnh dịch chưa rõ bao giờ sẽ được cải thiện triệt để, đây có phải sẽ là một sự “bình thường mới” của giới nghệ thuật hay không?

triển lãm tác phẩm trực tuyến 2013

triển lãm quý bà chấm bi

Rõ ràng, những nghệ sĩ đã chuyển sang con đường “công nghệ hóa” như Yayoi Kusama sẽ có lợi thế hơn hẳn những nghệ sĩ sáng tác theo các loại hình truyền thống, hoặc đã qua đời như Andy Warhol. Tuy nhiên, các nhà tổ chức triển lãm và các giám tuyển cũng cực kỳ nhạy bén và linh hoạt, có thể ngay khi dịch bệnh đã qua, họ vẫn chọn triển lãm online thành con đường phát triển và trưng bày nếu cơ hội doanh thu vẫn còn ở đó.

Nhóm thực hiện

Bài: Phương Thủy Ảnh: Tư liệu Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)