“You can talk to me” – “Có mình ở đây”
“Bạo lực trên cơ sở giới có thể diễn ra mọi hoàn cảnh, mọi tầng lớp bất kể địa vị hay thu nhập. Chuyện đổ lỗi cho nạn nhân cũng có thể diễn ra ở bất cứ nơi nào”, giám tuyển Đinh Thảo Linh chia sẻ tại Không gian triển lãm “You can talk to me” – “Có mình ở đây”, khai mạc vào tối ngày 06/12/2019 tại Tipsy Art (6B Nguyễn Cảnh Chân, Quận 1, TP. HCM). Chính vì vậy, với mong muốn nâng cao nhận thức xã hội, triển lãm “You can talk to me” mang đến những góc nhìn đa diện về vấn đề đổ lỗi cho nạn nhân thông qua nghệ thuật.
Người bị quấy rối và xâm hại tình dục không chỉ phải chịu những tổn thương về mặt thể chất và tinh thần từ chính vụ việc, họ còn phải đối diện với những lời nói và hành vi đổ lỗi từ những người xung quanh. Hãy tưởng tượng nếu như một em gái quyết định kể chuyện mình bị quấy rối với mẹ nhưng sau đó mẹ lại nói những câu như: “Lúc đó con có nói gì khiến cho nó nghĩ là con thích nó hay không” hoặc là “lúc đó con có uống rượu say không/lúc đó con có tỉnh táo không?”. “Rõ ràng là rất nhiều câu nói có thể xuất phát từ tình thương nhưng lại chịu ảnh hưởng từ văn hóa đổ lỗi cho nạn nhân. Vì thế nạn nhân có thể vừa cảm thấy không được hỗ trợ mà còn càng im lặng nhiều hơn”, anh Hoàng Giang Sơn, Cán bộ Công lý Giới tại iSEE cho biết.
Những câu chuyện cá nhân khéo léo đan cài cùng những ẩn dụ có lẽ sẽ đưa người tham gia trải qua nhiều trạng thái cảm xúc. Một khoảnh khắc tê tái. Một khoảnh khắc nứt vỡ. Một phút giây tức giận. Một phút giây đứng hình suy nghĩ. Một hi vọng được thắp lên. Đó là hành trình của sự can đảm – can đảm để đối diện vấn đề, để suy nghĩ và bắt đầu hành động.
Không gian trải nghiệm đa dạng và riêng tư
Không gian trải nghiệm của triển lãm “You can talk to me” bao gồm 9 tác phẩm của 7 nghệ sĩ trẻ và nhóm hoạt động cộng đồng S.O.S – Sharing our stories. Các tác phẩm đa dạng về thông điệp và phương tiện biểu đạt từ hội họa, nghệ thuật sắp đặt cho đến nghệ thuật trình diễn và công nghệ thực tế ảo.
Cửa, và lỗ, và những thầm kín (Pimple Door) – Điêu khắc đa phương tiện của Nguyễn Ngọc Tú Dung
Tia sáng le lói lọt qua những cái lỗ trên cánh cửa. Người xem tự hỏi điều gì thực sự đang diễn ra đằng sau cánh cửa kia. Nguyễn Ngọc Tú Dung hình thành ý tưởng cho tác phẩm này dựa trên trải nghiệm của cô mỗi lần bước vào các quán karaoke. Những ánh đèn nhấp nháy luôn khiến cô tò mò bài hát nào họ đang hát trong những căn phòng kia. Thực tế này tương tự khi ta đứng trước câu chuyện của một ai đó khác. Một vài tia sáng có thể dẫn đến một vài phỏng đoán hoặc giả định nhưng để thực sự biết được câu chuyện thì không còn cách nào khác là bước vào bên trong.
Bạn có thể kể tôi nghe bí mật (You Can Tell Me Your Secret) – Trình diễn tương tác của Lê Phương Nhi (Sam)
Cô gái trong bộ đồ đen đang bị bịt mắt bằng một dải vải đỏ đang ngồi chờ nghe câu chuyện của bạn. Cạnh cô là những trái táo đỏ. Mỗi lần nghe một câu chuyện, cô sẽ gọt táo theo những tình tiết và cảm xúc của câu chuyện. Câu chuyện kể – tức là chất liệu âm thanh được chuyển thành hành động gọt táo – chất liệu hình ảnh. Nhìn vào những trái táo được gọt cắt, động tác và biểu cảm của người nghệ sĩ, ta phần nào có thể cảm, có thể chạm vào câu chuyện, mặc dù ta không biết cụ thể những gì đang diễn ra.
Rừng máy bay (Paper Airplanes Forest) – Tác phẩm tương tác của S.O.S Share Our Stories
Qua 3 năm hoạt động, S.O.S đã xây dựng được một cộng đồng online với hơn 188.000 người theo dõi và đã có gần 5.500 câu chuyện từ những người sống sót được chia sẻ đến những người thực hiện dự án từ khắp mọi miền tổ quốc. S.O.S – Share Our Stories đem đến triển lãm “You Can Talk To Me” tác phẩm tương tác “Rừng máy bay – Paper airplanes forest” như một phần nhỏ những thông điệp, câu chuyện, chia sẻ mà dự án đã nhận được trong suốt 3 năm hoạt động. S.O.S – Share Our Stories mong muốn người xem có thể cảm nhận, suy ngẫm, và lan tỏa những câu chuyện được chia sẻ trong những chiếc máy bay giấy xanh, cũng như để lại khu rừng máy bay này những câu chuyện và thông điệp của chính bản thân mình.
Bạn có thể uống cốc nước đó (You Can Drink That Glass of Water) – Sắp đặt tương tác của Lê Phương Nhi (Sam)
Mỗi cốc nước là một sự lựa chọn cẩn thận. Năm loại cốc màu khác nhau tương ứng với những thú nhận hoặc cam kết khác nhau. Theo Lê Phương Nhi, những chiếc cốc này đủ nặng để khi nhấc cốc lên, mọi người có thể cảm giác được sức nặng của nó và biết rằng họ cần suy nghĩ cẩn trọng. Những chiếc cốc cũng đủ nhiều nước để mọi người hiểu rằng quyết định uống cốc nước này là một sự lựa chọn quan trọng.
Nghe con nói (Listen to me) – Sắp đặt đa phương tiện của Nhóm 101
Một căn phòng với cửa sổ mở ra thoạt nhìn có vẻ giống như bất cứ căn phòng của bất cứ học sinh nào, với giá sách và những tờ giấy khen treo trên tường. Nhưng ở đây, bạn còn nhìn thấy nhiều khung cảnh khác của đời sống thường ngày với những âm thanh thường ngày: tiếng tàu chạy như sự chờ đợi, sự hi vọng; tiếng nước chảy, tiếng chim hót tạo cảm giác thư thái, thoải mái; tiếng bát đũa vỡ – âm thanh của những đổ vỡ. Mỗi âm thanh này đều gợi những liên tưởng khác nhau đối với mỗi người.
Sau sự trống rỗng (After The Void) – Trình diễn tương tác bởi Lucy Alexandra Howson
Bài thơ xuất phát từ câu chuyện cá nhân của người nghệ sĩ kết hợp với những hiệu ứng của hình ảnh và âm thanh đưa người xem qua nhiều cung bậc cảm xúc: từ đau đớn đến hi vọng, từ hố đen tuổi mười sáu đến ánh sáng của tình yêu thương sau mười sáu năm kể từ ngày đó. Tác phẩm này lấy cảm hứng từ việc Lucy tìm thấy một tấm chân dung tự họa của cô vào tuổi 16, từ đó những mảnh ký ức bỗng quay lại và cô ngay lập tức viết bài thơ này. Lucy lựa chọn hình thức trình diễn tương tác vì cô mong muốn màn trình diễn sẽ phần nào đem đến một cảm giác được hàn gắn, được chữa lành cho mọi người.
Đồng Phạm Thơ Ngây (The Innocent Accomplices) – Chuỗi poster trào phúng của Nguyễn Hoàng Vũ x Nguyễn Hoàng Xuân Thi
Bảng tin có lẽ là hình ảnh quen thuộc ở bất cứ khu dân cư nào. Nhưng bảng tin “Đồng phạm thơ ngây” trong triển lãm “You can talk to me” lại truy lùng một số đối tượng bất thường khiến bạn phải chú ý. Ba đối tượng này là Chai rượu, Váy ngắn và Hẻm khuya – những kẻ bị tình nghi đã gây ra không ít vụ việc quấy rối và xâm hại tình dục. Nguyễn Hoàng Vũ cho biết hai nghệ sĩ muốn sử dụng hình thức nhân hóa để người xem có thể nhận ra sự bất thường của những luận điệu đổ lỗi cho nạn nhân trên báo chí và mạng xã hội.
Tại sao tôi im lặng (Why I Didn’t Report) – Virtual Reality + Augmented Reality bởi Jo Ngô
Jo Ngô luôn tìm kiếm những phương thức biểu đạt mới đối với các tác phẩm của mình. Vì vậy, cô chọn Thực tế Ảo và Thực tế Tăng cường để kể câu chuyện “Tại sao tôi im lặng”. #WhyIDidn’tReport, nối tiếp làn sóng #MeToo, chia sẻ những lý do tại sao mọi người im lặng về việc bị xâm hại tình dục trên Twitter and Instagram. Tại sao tôi im lặng với cùng một tinh thần nhằm chia sẻ những câu chuyện tái tê lòng người và truyền thêm sự dũng cảm cho khán giả để lên tiếng cho chính mình. Trải nghiệm Thực tế ảo với video 360 độ dựa vào lời kể của người ủng hộ những nạn nhân bị xâm hại, trong khi trải nghiệm Thực tế tăng cường với máy tính bảng khuyến khích khán giả tìm hiểu các thông điệp ẩn trong hình ảnh và câu chữ từ chính nạn nhân và cùng ghi ra những suy nghĩ của bản thân.
Dưới vỏ bọc & Four legs good, Two legs bad (Under the skin & Bốn chân tốt, hai chân xấu) – Tranh vẽ của Luis Bernardino
Hai bức tranh mà Luis Bernardino mang đến triển lãm “You can talk to me” thể hiện góc nhìn của anh đối với một xã hội dung chứa bạo lực giới và đổ lỗi cho nạn nhân. Đó là nơi địa vị xã hội, quyền lực và học thức đôi khi có thể chỉ là những tấm vỏ bọc che giấu cho những hành động xấu xa. Đồng thời, đó cũng là nơi mà con người bị tước đi nhân dạng và tính người, nơi mà tội ác dễ dàng được ngụy biện.
Triển lãm “You can talk to me” do Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) và nhóm S.O.S – Sharing our stories phối hợp tổ chức, với sự tài trợ của Tổ chức Care Quốc tế tại Việt Nam và Cơ quan Phát triển Quốc tế Úc (Australian Aid). Thời gian trải nghiệm sẽ kéo dài đến ngày 14/12/2019.
Nhóm thực hiện
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE