Văn hóa / Thế giới văn hóa

Thưa mẹ con đi: Góc nhìn bình thản về tình yêu và tình thân

"Khi được những người thân quanh mình hiểu và ủng hộ, bất kỳ nỗi sợ hãi nào chúng ta cũng sẽ vượt qua được".

Gây chú ý từ khi công bố dự án và trailer đầu tiên, Thưa mẹ con đi được công chúng mong đợi không chỉ vì chuyện tình đáng yêu của hai chàng trai (đẹp) mà còn vì mang đến góc khai thác mới: Mối quan hệ gia đình – khía cạnh ít được đào sâu trong các bộ phim liên quan đến đề tài đồng tính ở Việt Nam.

ELLE Việt Nam đã có dịp trò chuyện với đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh để hiểu rõ hơn thông điệp được anh gửi gắm trong phim điện ảnh đầu tay của mình.

Chào anh. Vì sao anh chọn đề tài đồng tính cho dự án điện ảnh đầu tay của mình?

Để chuẩn bị cho phim dài đầu tay, tôi có vài ba ý tưởng muốn triển khai. Thưa mẹ con đi là dự án thành hình trước tiên bởi nó đã hội đủ các điều kiện: câu chuyện gia đình và cá nhân mà tôi cảm thấy liên kết mạnh mẽ, một ê-kíp cùng yêu và tin vào dự án, cống hiến hết sức để phim ra đời, và không thể không kể đến sự cởi mở của khán giá về đề tài đồng tính…

đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh trong phim Thưa mẹ con đi
Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh trên phim trường.

Từ trước đến nay, phim Việt thường khai thác đề tài đồng tính dưới góc nhìn giễu nhại, hài hước, câu khách, ít phim nào khai thác nghiêm túc và có cái nhìn đúng đắn về cộng đồng LGBT. Anh có sợ mọi người đánh giá sai về mục đích làm phim của mình?

Tôi không sợ mọi người đánh giá sai mục đích làm bộ phim này cho đến thời điểm này. Tôi nghĩ khán giả sẽ hiểu rõ hơn và trân trọng bộ phim hơn nữa.

Một trong những lý do thúc giục tôi phải triển khai ngay dự án vì tôi biết khán giả đang “khát” những bộ phim được làm với góc nhìn bình thản, tự nhiên và nhiều cảm xúc.

Vì sao anh chọn khai thác mối quan hệ gia đình hơn là một câu chuyện tình yêu sóng gió (vốn thường thấy khi nhắc tới đề tài này)?

Gia đình là nơi chúng ta thuộc về, là nơi bắt nguồn của tất cả sự bình an cho bất kỳ ai. Nhưng gia đình cũng nhiều bí mật, những vấn đề cấm kỵ không được nói đến. Tôi thực sự nghĩ để định danh tính, chúng ta cần tìm thấy sự ủng hộ của gia đình trước tiên. Tôi muốn nhìn mối quan hệ tình cảm này trên tổng thể lớn hơn, đó là gia đình, để thấy rõ hơn những vấn đề của những người trẻ trong việc cân bằng những lựa chọn cá nhân và kỳ vọng của gia đình.

Xem qua trailer, có thể thấy vài điểm tương đồng giữa Thưa mẹ con điCall me by your name. Có phải anh được truyền cảm hứng từ tác phẩm điện ảnh trên?

Kịch bản phim được biên kịch Nhi Bùi viết từ trước khi Call me by your name công chiếu, nên chúng tôi không bị ảnh hưởng bởi câu chuyện và tình tiết. Tuy nhiên, trong giai đoạn tiền kỳ, Call me by your name đã trở thành một “con cưng” của người yêu phim, yêu những câu chuyện tình yêu. Bằng một cách rất tự nhiên, tôi cũng được truyền cảm hứng và thấy tự tin hơn cho việc phát triển ngôn ngữ của Thưa mẹ con đi.

Tôi và nhà quay phim cố gắng tạo ra một không khí mùa Hè nhưng rất khác với Call me by your name. Thưa mẹ con đi là một mùa Hè của xứ nhiệt đới. Ngoài ra, chúng tôi cũng được truyền cảm hứng với “phản ứng hóa học” của cặp diễn viên chính, từ đó tôi tìm cách riêng của mình, những chất xúc tác để xây dựng mối quan hệ của hai diễn viên trong phim.

cặp nam chính trong phim Thưa mẹ con đi
Lãnh Thanh và Võ Điền Gia Huy đã xây “phản ứng hóa học” rất tốt, tạo nên câu chuyện tình yêu nhẹ nhàng, đáng yêu nhưng cũng nhiều trăn trở.

Anh từng chia sẻ: “Thưa mẹ con đi chỉ đơn giản là một bộ phim gợi nhắc đôi ba điều quen thuộc mà người ta xem xong và cảm thấy đồng cảm”. Nhưng người ta không thể nào chỉ đồng cảm rồi… để đó, đúng không? Anh mong khán giả có thể nhận ra điều gì sau khi xem phim?

Tôi tin rằng bằng cách đồng cảm với tác giả, khán giả sẽ có sự liên hệ cá nhân với bộ phim. Chúng ta đều có những người mẹ, người bà, một gia đình, một người yêu, chúng ta đều có những mâu thuẫn giữ lựa chọn cá nhân và kỳ vọng của gia đình… Bằng cách nào đó, tôi hy vọng bộ phim sẽ khiến chúng ta hiểu hơn về bố mẹ, gia đình mình, chốn vừa bình yên, vừa ồn ào, vừa thanh thản nhưng cũng đầy áp lực. Tôi cũng hy vọng khán giả sẽ yêu những người phụ nữ trong phim, và nhận ra cái đẹp của sự không hoàn hảo trong từng lựa chọn cá nhân.

Trong phim, nhân vật người mẹ phản ứng và có chuyển biến tâm lý như thế nào khi biết con trai là người đồng tính? Anh dựa trên tư liệu thực tế nào để xây dựng tâm lý nhân vật?

Tôi tin là khán giả sẽ bất ngờ với hình tượng nhân vật người mẹ trong Thưa mẹ con đi. Bà vừa dễ đoán mà lại vừa khó đoán. Bà tập hợp tất cả những đặc điểm của một bà mẹ muốn vẹn toàn cho gia đình nhưng cũng giữ sự khó hiểu, những bí mật mà những người con khám phá mãi cũng không bao giờ hết. Tôi hy vọng khán giả sẽ nhìn thấy đâu đó người mẹ của mình ngay trong chính nhân vật này.

Hồng Đào trong phim Thưa mẹ con đi
Hồng Đào vào vai người mẹ yêu con nhưng cũng phải chịu nhiều trách nhiệm với dòng họ.

Anh từng nói trong một bài phỏng vấn rằng “Chỉ cần gia đình chấp nhận, cậu ấy (Văn) không còn cần quan tâm đến cái nhìn của xã hội nữa”. Nhưng có một thực tế tại Việt Nam là cộng đồng LGBT không ngại come out với xã hội, nhưng lại rất khó khăn trong việc nói thật với cha mẹ. Những tổn thương lớn nhất của họ thường đến từ việc bị gia đình từ chối. Anh nghĩ sao về điều này?

Những đứa con trong gia đình thường được kỳ vọng sẽ làm trọn bổn phận sinh con đẻ cái, nối dõi tông đường. Trên hết, đó có thể nỗi lo của cha mẹ về sự cô đơn, về nơi dựa dẫm của những đứa con sau này. Vì vậy, trong gia đình, đề tài này thường khắt khe và nhạy cảm, khó hơn rất rất nhiều so với sự cởi mở của vấn đề này trong xã hội.

Nhân vật Văn may mắn có gia đình yêu thương, chấp nhận, nhưng thực tế không phải ai cũng được như vậy. Theo anh, mục đích thực sự của việc come out là gì? Người đồng tính có nhất định phải công khai với mọi người hay không?

Đúng như trong phim Love, Simon từng đề cập, vì sao người đồng tính phải come out? Đó phải chăng là một sự thiệt thòi?

Nhưng khi nghĩ rộng và sâu hơn, đến một lúc nào đó, việc come out sẽ bình thường như cách những đứa con ở tuổi dậy thì chia sẻ với bố mẹ về sự thay đổi của cơ thể và tâm lý. Lúc đó, nó sẽ không còn là những khó khăn, áp lực, một lời thú tội, mà đơn giản là một sự sẻ chia. Khi được những người thân quanh mình hiểu và ủng hộ, bất kỳ nỗi sợ hãi nào chúng ta cũng sẽ vượt qua được.

Cảm ơn anh đã dành thời gian cho ELLE.

đạo diễn trong phim Thưa mẹ con đi
Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh.

Trịnh Đình Lê Minh nhận học bổng Fulbright năm 2011 và theo học ngành sản xuất phim tại Đại học Texas Austin (Mỹ). Hiện anh đang là chủ nhiệm chương trình ngành quản trị công nghệ truyền thông – khoa thiết kế và nghệ thuật của Đại học Hoa Sen.

Các phim ngắn của Lê Minh như “Mùi hương nước mắm”, “Chung cư của tôi”… đã tham gia nhiều liên hoan phim quốc tế như Bucheon (Hàn Quốc), Palm Springs (Mỹ), BFI London (Anh)… “Thưa mẹ con đi” là bộ phim dài đầu tay của Lê Minh (dự kiến phát hành ngày 16-8), đã đoạt giải Dự án phim thương mại xuất sắc nhất tại Gặp gỡ mùa Thu 2017.

Nhóm thực hiện

Bài: Đ.T Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE Ảnh: NVCC
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)