Tro tàn rực rỡ: Tín hiệu đáng mừng của điện ảnh Việt
Trở lại sau 10 năm kể từ Lời nguyền huyết ngải (2012), đạo diễn Bùi Thạc Chuyên vừa mới giới thiệu tác phẩm mới nhất mang tên Tro tàn rực rỡ sau quãng thời gian tham gia tranh giải tại hai liên hoan phim quốc tế, gồm Tokyo (Nhật Bản) và Ba Lục Địa (Pháp).
KỊCH BẢN ĐẮT GIÁ
Được chuyển thể từ 2 truyện ngắn Tro tàn rực rỡ và Củi mục trôi về trong tập truyện Đảo (2015) của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, bộ phim khai thác một cách sâu sắc và trọn vẹn hơn thân phận, cuộc sống của những người phụ nữ miền Tây Nam Bộ. Kể về câu chuyện của ba cặp đôi sinh sống tại xóm Thơm Rơm của vùng Thổ Sầu, Tro tàn rực rỡ thật sự khiến người xem thấm thía câu nói: “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”.
Theo đó, nếu Tam và Nhàn là cặp trai tài – gái sắc sinh ra để dành cho nhau, thì Dương và Hậu lại đến với nhau chỉ bằng một tai nạn trong buổi say rượu. Để làm chắc thêm kịch bản như ba chân kiềng, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cũng thêm vào cặp Khang – Loan từ truyện Củi mục trôi về, làm nổi bật lên một điều phi lý, khi một phụ nữ từng bị cưỡng hiếp năm 12 tuổi gặp lại thủ phạm đã làm hại mình.
Liệu một gia đình tài sắc vẹn toàn có luôn vững vàng như một bàn thạch, dẫu cho điều gì có thể xảy ra? Hay hai người lấy nhau vì một “tai nạn” liệu có thể được chữa lành và thấu hiểu nhau? Ba cặp đôi là ba đại diện cho các sắc thái khác nhau của tình yêu, để biết dù có thế nào đi nữa thì nó luôn luôn biến động và con người ta vẫn sẽ yêu nhau trong những âu lo.
Có thể nói, thành công lớn nhất của Tro tàn rực rỡ đến từ sự tôn trọng nguyên tác của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên khi anh đã chuyển thể các tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư lên màn ảnh một cách xuất sắc. Hẳn nhiên, với dung lượng ngắn của tác phẩm gốc, kịch bản phim đã được thêm vào nhiều chi tiết mới, như mối quan hệ của Hậu và Nhàn, sự tham gia của Loan vào cốt truyện chính, cũng như thể hiện rõ hơn những sự hoang hoải của Dương trong cuộc tình câm…
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư cũng đã tham gia vào trong quá trình viết thoại, từ đó về mặt kịch bản, Tro tàn rực rỡ sở hữu một cốt truyện mạnh, đủ giật gân, nhiều hàm ý và có thể thu hút khán giả đến rạp thưởng thức bộ phim. Cũng như tác giả từng nói, bộ phim cho thấy “xương thịt mà mình muốn tả cũng không ra được cái sống động của chiều kích thứ ba”. Điều này phần nào cũng được thể hiện qua ngôn ngữ nghệ thuật đạo diễn Bùi Thạc Chuyên với nhiều cảnh quay ấn tượng.
ĐẠI CHÚNG CÂN BẰNG ĐƯỢC VỚI NGHỆ THUẬT
Sử dụng bối cảnh miền Tây Nam Bộ, Tro tàn rực rỡ có nhiều cảnh quay vô cùng mãn nhãn. Bên cạnh những yếu tố đậm chất miền Tây như hình ảnh những con sông, những cơn mưa buồn… đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cũng thêm vào nhiều yếu tố văn hóa, như đám cưới quê, rước dâu trên xuồng và những khu chợ ở ven bến sông… Trong suốt quá trình chuẩn bị, anh cũng liên tục “thoắt ẩn thoắt hiện” ở tận Cà Mau, từ đó góp phần tạo nên sự chân thật nhất ở trong bối cảnh.
Không còn là những đồng lúa đặc trưng, bộ phim mở ra hai sự đối nghịch giữa lửa và nước như đang đại diện cho mối quan hệ giữa những người phụ nữ và người đàn ông của họ. Nếu người đàn bà gắn liền với nước, trong cảnh làm tình, đi sinh con và rồi tìm kiếm hạnh phúc, thì người đàn ông yêu thích vẻ đẹp của lửa, của thứ chiếm hữu nhưng cũng dễ lụi tàn chính bởi dòng nước. Những cảnh quay cận ngôi nhà cháy bừng hay quay đảo ngược cận vào chiếc ghe chở người phụ nữ tạo ấn tượng mạnh trong sự đặc tả cảm xúc một cách dữ dội và rất đặc trưng.
Xem thêm
• “Khóc cạn dòng sông” với 20 bộ phim tình cảm Âu Mỹ cảm động nhất
• 16 bộ phim tình cảm lãng mạn để xem cùng người yêu trong đêm Giáng sinh
• Tìm lại hồi ức ngọt ngào với 10 bộ phim tình cảm học đường Hàn Quốc
Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên chú trọng đến việc miêu tả cảm xúc bằng các yếu tố hình thể. Lời thoại trong Tro tàn rực rỡ khá ít, thậm chí có những nhân vật chỉ toàn độc thoại, hoặc gần như là im lặng xuyên suốt bộ phim. Tính hình tượng, sự lặng im… làm thành lớp vỏ khiến cho người xem phải tự đào sâu, đâm xuyên vào đó để tìm ra câu trả lời với những chiêm nghiệm và suy tư riêng.
Tro tàn rực rỡ cũng có được sự cân bằng giữa tính đại chúng cùng với tính nghệ thuật. Bên cạnh mạch truyện dễ theo dõi, bối cảnh quen thuộc… thì nhiều phân đoạn cũng mang đậm tính nghệ thuật. Chẳng hạn như cảnh tượng Dương leo trên những chiếc lưới câu tít xa ngoài biển thể hiện một sự hoang hoải, hay khi Hậu bơi ngửa trên sông nhìn ra căn nhà đang cháy rất giống bức họa Ophelia của danh họa Pháp – John Millais.
Về mặt diễn xuất, hai diễn viên Lê Công Hoàng (vai Dương) và Bảo Ngọc Doling (vai Hậu) thể hiện tương đối xuất sắc những nhân vật với những đặc điểm rất lạ, nặng tính văn chương của Nguyễn Ngọc Tư. Với Bảo Ngọc Doling, đây còn là vai diễn đầu tiên của cô. Ngoài ra, NSƯT Hạnh Thúy (vai Loan) cũng cho khán giả thấy được sự “quen nghề” khi cô có màn trình diễn xuất sắc một người phụ nữ với những xúc cảm hồn nhiên nhưng lại vô cùng phức tạp.
Tuy thế, với một mạch phim có nhiều tuyến truyện, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên lại chưa xử lý những đoạn chuyển cảnh thật sự mượt mà. Đôi khi những cảnh cắt cúp quá nhanh khiến cho dư âm chưa kịp đọng lại trong lòng khán giả. Ngoài ra các vai quần chúng chưa thật chuyên nghiệp, ít nhiều ảnh hưởng đến trải nghiệm xem phim khi yếu tố làng xã, hàng xóm… chiếm thời lượng lớn trong bộ phim này.
Tuyến nhân vật Loan và Khang cũng khá yếu thế nếu so với phần còn lại của cả bộ phim. Dù biết mục đích của tuyến truyện này nhằm thể hiện một tình huống khác, một góc nhìn khác về tình yêu, thế nhưng sự mờ nhạt và không góp nhiều vào những mắt xích quan trọng vô hình trung khiến cho tuyến nhân vật này có phần yếu thế, dễ bị lãng quên.
Điều này cũng bởi kịch bản đã được giản lược bớt so với nguyên tác, từ đó những mâu thuẫn cũng như đối nghịch trong tuyến Loan – Khang – Sư thầy chưa đẩy được lên đến cao trào. Một nguyên nhân khác là do việc cắt cúp không hợp lý, dẫn đến những xung động mà tuyến truyện này tạo ra không được rõ ràng và bị dừng nhanh chóng.
Vượt qua những thách thức lớn như số tiền đầu tư khiêm tốn, cũng như thời điểm đại dịch ngăn cản quá trình sản xuất cũng như hậu kỳ, Tro tàn rực rỡ xứng đáng ghi tên mình vào danh sách số ít những tác phẩm điện ảnh nổi bật trong năm nay. Bên cạnh đó, giải thưởng Khinh khí cầu vàng tại Liên hoan phim Ba Lục Địa là minh chứng cho thấy đây là một tác phẩm ấn tượng, trọn vẹn, cân bằng được tính điện ảnh cũng như nghệ thuật và để lại nhiều suy ngẫm trong lòng khán giả.
Bài: Ngô Thuận Phát
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE