Mặc dù Tết Trung Thu ngày nay phần nào đã mất đi nét chân phương, mộc mạc và cảm xúc háo hức so với ngày xưa, nhưng Trung Thu vẫn luôn là một dịp lễ không thể thiếu trong tâm thức người Việt. Dù đời sống hiện đại có làm phôi phai những dấu chân xưa cũ, chẳng ai lại muốn từ chối một khoảng thời gian đặc biệt với những nét văn hóa, ẩm thực rất riêng, một dịp để ta có cớ ăn bánh, thưởng trà và mua quà tặng nhau. Hơn nữa, trong dịp Tết Trung Thu, nhiều nơi còn ra mắt các bộ sản phẩm/quà tặng mang đậm dấu ấn dân gian mà khi đa qua mùa, chúng ta khó có thể tìm mua lại được, khiến cho những sản phẩm này mang tính sưu tầm cao.
Quà tặng hay vật phẩm nghệ thuật theo mùa đang dần trở thành một nét văn hóa độc đáo, thú vị, rất được mọi người chờ đón. Không đơn thuần là sản phẩm quà tặng thông thường, các bạn trẻ với nhiều ý tưởng sáng tạo đang ngày càng thổi hồn vào những tác phẩm nghệ thuật cá nhân, mang đến đời sống mới cho giá trị truyền thống. Tất cả đều đang góp phần gợi nhắc, lưu giữ và duy trì vẻ đẹp của ngày Tết Trung Thu xưa, vốn đang dần bị lãng quên trong thời đại ngày nay.
Hãy cùng xem lại những bộ quà tặng và sản phẩm nghệ thuật thú vị mang đậm dấu ấn của Trung Thu năm nay nhé.
Bộ mô hình Trung Thu của Veene Studio
Veene là một studio nhỏ nằm giữa lòng Hà Nội, thường xuyên xuất hiện trên truyền thông trong nước lẫn quốc tế vì những tác phẩm miniature cực kì tinh tế về đề tài Trung thu và ẩm thực Việt Nam. Mùa Trung Thu năm ngoái, Veene từng khiến cộng đồng sáng tạo bất ngờ khi phục dựng lồng đèn con cua và lồng đèn con cá cổ với độ tỉ mỉ và chính xác đáng kinh ngạc.
Năm nay, Veene Studio tiếp tục ra mắt các mô hình tí hon là những phiên bản thu nhỏ vô cùng tinh xảo của các món đồ chơi Trung Thu như đèn lồng, đèn cù, mặt nạ ông Địa, trống con, set trà bánh… Điểm đặc biệt ở Veene là dù có làm mô hình tí hon, studio vẫn cố gắng mô phỏng theo đúng các bước như làm sản phẩm ở kích thước thật, thậm chí đèn cù tí hon vẫn có thể xoay như đèn cù bình thường.
Hộp quà Tủ Sân Khấu của RuNam Bistro
Các set quà tặng theo mùa là sản phẩm chiến lược của những thương hiệu F&B nổi tiếng. Mùa Trung Thu năm nay, thương hiệu cà phê RuNam đã kết hợp với họa sĩ trẻ Võ Huỳnh Phú để ra mắt bộ quà tặng “Tủ Sân Khấu” – dòng sản phẩm được thiết kế độc quyền và mang ý tưởng nghệ thuật đặc trưng truyền thống, với các phiên bản “Thuyền Trăng” và “Vườn Trăng”.
Tủ “Thuyền Trăng” được lấy ý tưởng từ chiếc tủ đựng văn thư, vật phẩm trang sức và dụng cụ có họa tiết Kim Bài, Kim Khánh, Kim Bội – các món trang sức quyền uy, không thể thiếu trong trang phục Cung Đình Huế, kết hợp xen kẽ với hoa cúc – một trong những biểu tượng cho mùa Thu trong bộ tranh Tứ Bình. Họa sĩ và đội ngũ thiết kế của RuNam đã khéo léo lồng ghép hình ảnh hoa cúc cổ của Việt Nam gồm: Cúc hồng tú kiều, cúc bạch lệ châu ái, cúc hoàng long trảo, cúc tửu để tạo nên một chiếc tủ bắt mắt về hình thức, ẩn chứa bức tranh mùa Thu diễm lệ.
Trong khi đó, “Vườn Trăng” có hình ảnh chủ đạo là Mây Ngũ Sắc – điềm báo Quốc Thái Dân An và đem lại may mắn theo quan niệm xưa. Phía sau cánh cửa là bức tranh khu vườn đầy màu sắc, sống động dưới ánh đèn, lấy cảm hứng từ bức tranh sơn mài “Vườn Xuân Nam Trung Bắc” của cố họa sĩ Nguyễn Gia Trí, kết hợp với mô hình bằng giấy nhiều lớp (paper peepshow) tạo nên một bức tranh có chiều sâu, chỉ thấy khi người xem đưa mắt qua một ô lỗ nhỏ.
Bộ tượng Phỗng đất của Cộng Cà Phê
Trung Thu năm nay, Cộng Cà Phê có chương trình tặng 200 bộ Phỗng đất cho 200 đơn đặt hàng đầu tiên của set bánh Trung Thu mang hương vị cũng rất Việt Nam, được lấy cảm hứng từ bộ trò chơi dân gian “Phỗng Đất Làng Hồ”. Phỗng đất bình dị và mộc mạc, từng được thế hệ trẻ em thời bao cấp yêu thích. Đây cũng là một phần không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Rằm. Nay, bộ môn nghệ thuật này vô tình bị lãng quên vì những đồ chơi sặc sỡ, hiện đại hơn. Từng chú Phỗng trong bộ quà tặng được nhào, nặn và vẽ bởi Nghệ nhân Phùng Đình Giáp – nghệ nhân cuối cùng còn đang lưu giữ nghề làm phỗng ở Việt Nam.
Trong mâm cỗ đón trăng Rằm tháng Tám, ngoài hoa quả, bánh kẹo các loại, không thể thiếu bộ phỗng đất và đèn ông sao. Bộ phỗng đất được bày ở nhà gồm năm nhân vật, mang ý nghĩa khác nhau, nhưng có sự liên kết: con chim tượng trưng cho khát vọng hòa bình; con rùa gắn với biển cả và trong tâm linh của người Việt Nam là biểu tượng thiêng liêng; người già và em bé tượng trưng cho sự nối tiếp truyền thống, còn ông phỗng hình Phật thường được đặt ở giữa có ý nghĩa tâm linh, giáo dục các thế hệ sống hướng thiện.
BÀI LIÊN QUAN
Dạo quanh châu Á, đón Tết Trung Thu
Bộ sản phẩm Trung Thu của Tò He Việt
Tò he là một món đồ chơi quen thuộc của trẻ em Việt Nam, đặc biệt là trẻ em Bắc Bộ. Chúng được làm từ bột bánh, có độ dẻo, độ dính, rất đa dạng về hình dáng và có màu sắc rực rỡ. Tò He Việt là trang sản phẩm của nghệ nhân Đặng Văn Hậu – nghệ nhân tò he trẻ tuổi nhất Việt Nam. Tác phẩm của anh đạt đến độ hoàn thiện tinh tế và mang vẻ đẹp đặc biệt, không hề thua kém các sản phẩm figure hiện đại.
Là người nhanh nhạy với xu hướng, anh cũng thường thiết kế những bộ sản phẩm theo dịp lễ hay ngày đặc biệt trong năm với tạo hình hiện đại, bắt mắt hơn. Trung Thu năm nay, Tò He Việt ra mắt bộ sản phẩm “Tích Trung Thu” gồm những nhân vật gắn liền với đêm Rằm tháng Tám như chị Hằng, chú Cuội, thỏ ngọc, trâu thần, đầu lân hay các em bé đeo mặt nạ giấy bồi…
Mặt nạ giấy bồi
Mặt nạ giấy bồi là một món đồ chơi truyền thống không thể thiếu trong mỗi dịp Trung Thu. Để làm ra một chiếc mặt nạ giấy bồi, cần nhiều công đoạn đòi hỏi sự công phu và tỉ mỉ. Đầu tiên, phải lót một lớp giấy bìa vào khuôn xi măng đúc sẵn các khuôn mặt rồi bắt đầu dán. Khoảng 3, 4 lớp giấy bồi chồng lên nhau sẽ tạo thành hình một chiếc mặt nạ. Mỗi lớp giấy được kết dính với nhau bằng một loại hồ đun chín từ bột sắn.
Những chiếc mặt nạ sau khi dán xong sẽ được phơi khô rồi tô màu. Mặt nạ phải phơi khô tự nhiên mới giữ được hình dáng ban đầu. Tô màu là một trong những khâu quan trọng nhất bởi nó sẽ quyết định phần “hồn” của chiếc mặt nạ.
Bạn có thể mua mặt nạ trên trang matnagiayboi.com hoặc fanpage @matnagiayboi. Mặt nạ ở đây được làm cẩn thận bởi 2 nghệ nhân cuối cùng ở phố cổ Hà Nội, giữ nguyên đặc trưng của mặt nạ giấy Việt Nam. Ngoài ra, trang này còn có các món đồ chơi dân gian khác như đèn ông sao, bộ phỗng đất, chuồn chuồn tre, con quay…
Nhóm thực hiện
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE