Từ sự kiện Đào, Phở và Piano trở thành hiện tượng điện ảnh vừa thú vị vừa hi hữu khi khuynh đảo thị trường chiếu bóng phim Việt, hãy cùng khám phá lối đi nào cho dòng phim lịch sử trong bối cảnh hiện tại để có thể tìm lại hào quang của chủ nghĩa anh hùng đã đánh mất, sự xúc động, chân thành của thời quá vãng.
Cục diện dòng phim lịch sử trên bản đồ điện ảnh Việt Nam
Đào, Phở và Piano lấy bối cảnh ở Thủ đô Hà Nội 80 năm trước, trên chiến lũy một khu phố cổ mùa Đông 1946. Phim theo chân một đôi tình nhân trẻ đang tìm lại nhau trong ngày cuối cùng của cuộc chiến. Giữa mong manh ranh giới sinh tử, họ chỉ có vỏn vẹn vài tiếng đồng hồ để tổ chức lễ cưới, tận hưởng niềm vui nhỏ bé được trở thành vợ, thành chồng.
Trên bức tranh chiến tận thảm khốc, là những số phận, chân dung con người Hà thành thời hoa lửa vừa hào hoa vừa lãng mạn nhưng cũng quyết liệt và tận hiến. Giữa lòng thủ đô năm đó, có chuyện tình thật đẹp của chàng cảm tử quân và cô tiểu thư Hà thành; có một người họa sĩ già nuôi mộng tưởng vẽ một kiệt tác; có cành đào Nhật Tân nở hoa trên chiến lũy; có ông Phán tây, có vị cha xứ, gánh hàng phở và cậu bé đánh giày sục sôi lòng yêu nước… Bộ phim đã tạo nên một cơn sốt vé và phủ kín rạp chiếu phim dù không có chiến dịch quảng bá rầm rộ. Đây là trường hợp điện ảnh có một không hai trong lịch sử phòng chiếu phim Việt.
Có thể nói, lịch sử Việt Nam được hình thành và phát triển bởi dày đặc các cuộc chiến tranh vệ quốc. Trải qua mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước, đặc biệt gần nhất là hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, đề tài lịch sử, chiến tranh hay hậu chiến đã trở thành một nguồn cảm hứng lớn lớn trong lĩnh vực nghệ thuật nói chung và điện ảnh nói riêng. Trong đó Chung một dòng sông (1959) đạo diễn bởi Nguyễn Hồng Nghi và Phạm Hiếu Dân được xem là bộ phim truyện nhựa đầu tiên của điện ảnh cách mạng Việt Nam, tác phẩm đã tiên phong và đặt những nền móng sơ khai cho nhiều bộ phim xuất sắc xuôi chung dòng phim lịch sử như Chị Tư Hậu, Biệt động Sài Gòn, Con chim vành khuyên, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Em bé Hà Nội, Cánh đồng hoang…
Sau này, khi hòa bình lập lại, đất nước mở cửa, đề tài lịch sử vẫn là mỏ vàng để các nhà làm phim tiếp tục dấn thân và mang đến những tác phẩm với nhiều dấu ấn như Đường về quê mẹ, Nổi gió, Mùa gió chướng, Bao giờ cho đến tháng Mười… Những bộ phim lịch sử, chiến tranh hay bi kịch hậu chiến vẫn là nhánh chính của điện ảnh nước nhà. Câu chuyện lịch sử được kể dưới những hình hài, lăng kính khác biệt. Sự khốc liệt không chỉ mang màu máu đỏ, nước mắt, nó còn nằm trong nỗi đau không lời, nó mang dáng dấp của những người phụ nữ mất chồng, những người mẹ mất con, những đứa trẻ không còn cha mẹ. Sự khốc liệt cũng hiển hiện trong những ký ức vụn vỡ tạo nên phức cảm về sự mất mát của những người lính từ tiền tuyến trở về… Những tác phẩm kinh điển sau năm 2000 như Ai xuôi vạn lý, Bến không chồng, Đời cát, Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai, Đừng đốt, Áo lụa Hà Đông… trở thành hậu duệ của những bộ phim thuộc đề tài này với nhiều sự nỗ lực trong phá cách nhưng bất lực trong việc thoát khỏi màu sắc chủ nghĩa anh hùng minh họa thô sơ của hầu hết phim từ hơn 30 năm về trước. Sự xúc động, chân thành của thời thế không còn, phim lịch sử trở nên khuôn sáo, sa chân vào lối tuyên truyền, phảng phất chất mê lô và bi kịch hóa…
Những năm gần đây, nhiều đạo diễn trẻ tâm huyết với dòng phim lấy bối cảnh lịch sử đã ít nhiều “đổi gió” không khí phòng chiếu khi đem đến những thước phim mãn nhãn về mặt thị giác và góc nhìn sáng tạo về hình ảnh đất nước Việt Nam quá vãng, thâm tình. Có thể kể tới Đặng Thái Huyền với Người trở về, Đinh Tuấn Vũ với Truyền thuyết về quán Tiên, Bùi Tuấn Dũng với Đường thư, Những người viết huyền thoại, Khúc mưa, Bình minh đỏ, Nguyễn Quang Dũng với Đất rừng Phương Nam và mới nhất là Phi Tiến Sơn với Đào, Phở và Piano… Thành bại đều đủ cả nhưng có thể thấy dòng phim khai thác cảm hứng từ lịch sử đang phần nào thể hiện khát khao lẫn can đảm của các nhà làm phim trẻ.
Như vậy, theo thời gian, phim về đề tài lịch sử, trong đó bao gồm cả huyền sử và chính sử vẫn là một mạch ngầm bền bỉ trong bối cảnh điện ảnh Việt Nam. Tất nhiên, trên tổng số khoảng 30-40 bộ phim được sản xuất mỗi năm, phim lấy bối cảnh lịch sử là con số quá khiêm tốn khi so tỷ lệ với những phim thương mại làm về thời kỳ đương đại. Nguyên nhân chính bởi kinh phí cho dòng phim này quá lớn, các hãng tư nhân vốn ngần ngại rót vốn và ngân sách Nhà nước không mấy chú trọng dẫn đến thể loại này ít được đào sâu.
Mặt khác, một thực tế cho thấy những bộ phim lấy bối cảnh lịch sử gần đây dù phần đa sở hữu chất lượng tốt, được giới chuyên môn đánh giá cao nhưng lại không chạm ngưỡng doanh thu như kỳ vọng, thậm chí xếp kho sau vài buổi công chiếu vì kén khán giả. Lấy ví dụ như các bộ phim Những người viết huyền thoại, Mùi cỏ cháy, Ngã ba đồng lộc, Bình minh đỏ giành được nhiều giải thưởng tại các liên hoan phim hay lễ trao giải lớn của Việt Nam như Bông Sen Vàng, Cánh Diều Vàng vẫn chịu cảnh phòng vé hẩm hiu.
Việc tái hiện dấu ấn đất nước, con người Việt Nam trong một thời đại lịch sử nhiều thăng trầm biến động mang tới nhiều thách thức nhưng điều đó không đồng nghĩa là không có cơ hội.
Lợi thế nào để thúc đẩy các nhà làm phim
Không kèn không trống, Đào Phở và Piano vẫn rình rang khắp các rạp chiếu. Sự thành công vượt xa kỳ vọng của bộ phim một mặt cho thấy sức mạnh đáng gờm của hiệu ứng word of mouth (truyền miệng) trên mạng xã hội, khi những nhà sáng tạo nội dung trên nền tảng TikTok, người xem trở thành những nhà truyền thông miễn phí và hiệu quả cho bộ phim, mặt khác cho thấy dòng phim lấy bối cảnh lịch sử luôn luôn có sức hút và giá trị riêng đối với mỗi thế hệ. Cộng hưởng thành tựu từ các bộ phim tiền nhiệm đã càn quét nhiều các giải thưởng cho các hạng mục quan trọng tại Bông Sen vàng, Cánh Diều Vàng tái khẳng định những giá trị trường tồn, bền bỉ của những câu chuyện con người, đất nước, văn hóa thời tao loạn.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang có một thế hệ đạo diễn nối tiếp nhau và không ngừng nỗ lực cho ngành công nghiệp điện ảnh nước nhà. Họ có thương hiệu, có dấu ấn cá nhân và tư duy sáng tạo, cập nhật xu thế. Với sự khởi động đầy hứa hẹn của các dự án chung nguồn cảm hứng lịch sử như Chiến bào của Bá Cường, Địa đạo của Bùi Thạc Chuyên… phần nào cho thấy sự trỗi dậy của một lứa thế hệ làm phim can đảm và khát khao kể những câu chuyện lịch sử thuần Việt, mang hồn Việt và đậm chất Việt. Và quan trọng hơn nữa, nó cho thấy một thế hệ làm phim muốn bước ra khỏi những khuôn mẫu, định kiến để khẳng định cá tính của mình, đa dạng hóa tiếng nói, bảo tồn nền văn hóa, nền ngôn ngữ và hứa hẹn sẽ thay mới bộ mặt điện ảnh nước nhà trong tương lai.
Song song, các tác phẩm lấy bối cảnh lịch sử kinh điển như Bao giờ cho đến tháng Mười, Đời cát, Ai xuôi vạn lý, Về nơi gió cát… không chỉ phác thảo những hình ảnh cảm động về người chiến sĩ, nhân dân Việt Nam thời khói lửa mà còn trình diện vẻ đẹp văn hóa và con người Việt Nam thời bình. Và ở bất cứ thời đại nào, căn tính văn hóa nguồn cội là điều mà mọi tác phẩm nghệ thuật theo đuổi, cùng chung khát vọng tái hiện bởi đó là đặc trưng định hình nên bộ mặt của cả một dân tộc, để trở thành “là một, là riêng, là duy nhất” mà không lẫn lộn với những sản phẩm gắn mã vạch văn hóa của các dân tộc khác.
Cùng với thế mạnh của kỹ thuật công nghệ, dòng phim lịch sử có thể khắc phục được một số hạn chế về bối cảnh, giúp ghi lại và tái hiện hình ảnh các cảnh chiến đấu chân thực và sống động hơn. Dù thế, kinh phí vẫn luôn là bài toán khó cho việc sản xuất thể loại này.
Thách thức khi dấn thân vào dòng phim lịch sử
Sự quan tâm của công chúng tới các bộ phim lấy bối cảnh lịch sử là tín hiệu mừng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy để xây dựng được phông nền lịch sử và bối cảnh sát sao thời đại phải đánh đổi bằng rất nhiều nỗ lực từ nhân công đến tài chính. Nhất là mặt kinh phí đầu tư cho dòng phim này lớn hơn rất nhiều cho với các bộ phim lấy bối cảnh hiện đại, nên việc bắt tay thực hiện thể loại mang chất liệu lịch sử ngay từ đầu đã là một hành trình đầu tư mạo hiểm với nhiều rủi ro tiềm ẩn.
Thêm vào đó, phim lịch sử ở Việt Nam dường như vẫn chưa thoát ly khỏi lối kể chuyện đẫm chất mê lô và chủ nghĩa anh hùng thô sơ của thể loại này, nghĩa là diễn ngôn vẫn mang tính “minh họa”, các nhân vật mang tính chức năng, không có tình tiết hấp dẫn bởi sợ làm sai, lệch lạc… còn khán giả lại rất sẵn sàng “soi” khắt khe từ câu thoại cho tới những chiếc cúc áo. Ở thời điểm hiện tại điện ảnh Việt Nam phải cạnh tranh khốc liệt với thị trường điện ảnh nước ngoài. Khán giả hiện đại không chỉ được tiếp cận với một mà rất nhiều nền điện ảnh đa văn hóa khác nhau, xem nhiều bộ phim từ các nền điện ảnh lớn, nên tất yếu họ dễ đem ra so sánh và ít nhiều có những kỳ vọng tầm cỡ.
Tuy thế, cần nhắc lại hai bộ phim chiến tranh ăn khách trong những năm đầu 2000 của điện ảnh Hàn Quốc và Trung Quốc lần lượt mang tên Taegeuk (Cờ Thái cực giương cao) của Kang Je Gyu và Assembly (Hiệu lệnh tập kết) của Phùng Tiểu Cương. Trong thời điểm mà điện ảnh hai xứ vẫn ưa chuộng các dòng phim giải trí có phần lãng mạn và đẫm nước mắt, cả hai cái tên nêu trên đều trở thành hiện tượng phòng vé mang tới nguồn thu khủng khi cùng kể về cuộc nội chiến thảm khốc trên xứ sở của họ. Nói để thấy, phim lịch sử hoàn toàn có thể thống trị rạp chiếu nếu câu chuyện đủ hay, đủ chạm và cách kể chuyện mang tính phá cách. Một bộ phim lịch sử đáp ứng đủ yêu cầu tinh thần và thị giác, tất yếu sẽ đến được công chúng đón nhận mà không chịu bị “thị hiếu” cản trở.
Ngoài ra, sự trải nghiệm cũng là một yếu tố quan trọng. Khi đội ngũ làm phim bao gồm phần đa người trẻ, họ không trải qua chiến tranh, tất nhiên không hiểu hết và trọn vẹn cảm nhận bầu không khí của một chiến lũy là như thế nào. Các tư liệu, sách vở, văn chương, phim ảnh đã nói, đã viết rất nhiều nhưng sẽ không thể toàn vẹn đầy đủ. Nên khi bắt tay vào một dự án, các nhà làm phim buộc phải nhìn nhận rằng họ đang đối diện với lịch sử của cả một dân tộc, với ký ức của nhiều thế hệ, với trầm tích quá khứ bên trong mỗi con người, nên bất cứ một sai sót dù nhỏ nhoi đều không tránh khỏi những phản ứng tiêu cực. Vì vậy, phim về đề tài lịch sử hấp dẫn nhưng cũng đặt ra nhiều sứ mệnh khiến các hãng làm phim đều ngần ngại đổ vốn và các biên kịch ngại ngần chấp bút.
Tựu trung, dù nhiều thách thức nhưng với sự bùng nổ của Đào, Phở và Piano là tín hiệu mừng có thể khích lệ các nhà làm phim tiếp tục tận hiến kể các câu chuyện trên nền sử Việt.
Nhóm thực hiện
Hoàng Thúy Vân
Ảnh: Tổng hợp