Văn hóa / Thế giới văn hóa

Tương lai của nghệ thuật tái chế đương đại

Sau tác phẩm tái sử dụng chiếc bồn tiểu của Duchamp hay cắt dán giấy vụn của Picasso, Nghệ thuật tái chế liệu sẽ tiếp tục có chỗ đứng trong bối cảnh lịch sử của kỷ nguyên này?

Ô nhiễm môi trường tạo ra nghệ thuật tái chế

Trong thế kỷ 21, nhóm các nước đang phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam… góp phần ảnh hưởng không nhỏ đến ô nhiễm môi trường. Nhưng tiền đề của thực trạng này đã khởi nguồn từ cách đây khoảng 200 năm tại châu Âu và châu Mỹ khi lượng khí thải công nghiệp “khổng lồ” được xả ra một cách vô tội vạ vào bầu khí quyển. Vì vậy, vấn nạn ô nhiễm môi trường hay biến đổi khí hậu là điều toàn nhân loại đang cùng nhau gánh chịu và tìm cách sửa chữa. Cũng từ bối cảnh lịch sử này, phong trào DADA (Phong trào phản đối chiến tranh, các tư tưởng văn hóa cũ và phản nghệ thuật) đã ra đời. Nhờ phong trào này, Nghệ thuật tái chế dần khẳng định chỗ đứng trong lịch sử nghệ thuật. Nghệ sĩ tự do sáng tác hơn, công chúng dần đón nhận một cách cởi mở hơn, khái niệm nghệ thuật bước sang một trang mới đầy ý niệm.

nghệ thuật tái chế 1
Zaar, 1959, John Chamberlain (Chất liệu: xe hơi cũ đã hỏng).

Nghệ thuật tái chế đã tồn tại từ hàng nghìn năm trước bởi các nghệ nhân Trung Quốc, trong các minh họa sách cổ Nhật Bản hay tồn tại như một nhu cầu thiết yếu của con người nhằm diễn tả lại những ý nghĩ và cảm xúc thông qua việc lồng ghép các hình ảnh. Nhưng nó chỉ trở nên kịch tính và có khái niệm đầy đủ hơn bắt đầu từ thế kỷ 20 với sự đóng góp của hai nghệ sĩ lớn Marcel Duchamp và Pablo Picasso.

nghệ thuật tái chế 2
Vòi phun nước, 1917, Marcel Duchamp (Chất liệu: một bồn tiểu sản xuất hàng loạt của nhà máy Mott).

Tác phẩm Vòi phun nước được tái chế từ chiếc bồn tiểu của Marcel Duchamp và Chai Vieux Marc của họa sĩ Pablo Picasso là hai cú sốc mạnh giáng vào nền nghệ thuật châu Âu hàn lâm lúc bấy giờ. Điều này đặt ra vô vàn câu hỏi về khái niệm của nghệ thuật. Tuy nhiên, việc phán xét nó đúng hay sai phụ thuộc vào chúng ta, những người ở kỷ nguyên mới này. Nghệ thuật tái chế có thể sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa trong bối cảnh lịch sử hiện đại và sẽ ngày càng phát triển mở rộng theo nhiều hướng, bởi vấn đề ô nhiễm môi trường đang là vấn nạn của cả thế giới. Chưa bao giờ hành động tái chế lại trở nên bức thiết như bây giờ.

nghệ thuật tái chế 3
Tác phẩm điêu khắc Nefertiti, 2012, Isa Genzken (Chất liệu: gỗ vụn, tấm aluminium, kính, thắt lưng).

Những nghệ sĩ tiêu biểu sử dụng chất liệu tái chế

Isa Genzken – nhà điêu khắc người Đức có thể xem là nghệ sĩ nữ đã góp phần tái định nghĩa về điêu khắc hiện đại trong những năm gần đây. Một trong những tác phẩm mang lại dấu ấn cho Isa Genzken chính là tác phẩm điêu khắc mô phỏng lại tượng bán thân của Nefertiti, sắp đặt cùng những tấm ảnh in lại tác phẩm Mona Lisa. Bà đeo cho mỗi bức tượng Nefertiti (được sản xuất hàng loạt) những chiếc kính râm và “nhấn” nó bằng một chiếc thắt lưng da, một phụ kiện không thể thiếu của mọi phụ nữ châu Âu trong nhiều thế kỷ. Tác phẩm đặt ra câu hỏi cho chúng ta về định nghĩa cái đẹp của người phụ nữ và vị trí của họ trong lịch sử nghệ thuật.

nghệ thuật tái chế 4

Isa có phong cách sáng tác như vậy bởi chính bà là một người phụ nữ. Mà phụ nữ từ lúc có chủ nghĩa nữ quyền trong nghệ thuật vẫn luôn tự đặt câu hỏi về giới của mình, nhất là tại một nước phát triển. Câu hỏi bà đặt ra cho công chúng đã và sẽ kích thích tư duy của mỗi người dân Đức cũng như châu Âu về cách nhìn nhận lại những khái niệm tưởng như đã cũ.

nghệ thuật tái chế 5
Triển lãm “Vàng mười”, 2019, Heritage Space phối hợp cùng IFA và Goethe Institut.

Sẽ là một thiếu sót lớn nếu không nhắc tới John Chamberlain. Ông là người đã chuyển thể thành công trường phái trừu tượng biểu hiện trong hội họa thành tác phẩm ba chiều trong nghệ thuật điêu khắc. Có thể dễ dàng nhận thấy phong cách của ông qua các tác phẩm tái chế lại từ ô tô cũ, sơn chúng lại và cho chúng một cuộc đời cùng ý nghĩa hoàn toàn mới. Sau Thế chiến thứ 2, ô tô là tượng đài cho sự phát triển ngành công nghiệp nặng đáng nể của Mỹ cũng như biểu tượng của sự giàu có đối với công dân Mỹ. Văn hóa tiêu dùng điên cuồng được bộc lộ khéo léo qua các tác phẩm tái chế này. Nhờ việc tái hiện lại những ý niệm mang tính lịch sử về một thời kỳ tiêu dùng mà John đã được lưu danh mãi mãi.

nghệ thuật tái chế 6
Chai Vieux Marc, 1913, Pablo Picasso (Chất liệu: giấy dán tường, giấy báo Figaro).

Nghệ thuật tái chế bản địa – tại Việt Nam

Tại Việt Nam, một số nghệ sĩ cũng có những thành tựu đáng kể trong việc đan xen các vấn đề nóng hổi của xã hội vào tác phẩm. Đơn cử như triển lãm “Vàng mười” diễn ra tại Heritage Space vừa qua tại Hà Nội. Sự kiện này nằm trong tour triển lãm quốc tế hằng năm của IFA nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, thúc đẩy sáng tạo của nghệ sĩ dựa vào các nguyên liệu tái chế nhưng vẫn thể hiện được tính thẩm mỹ và bền vững.

nghệ thuật tái chế 7
Tái chế đang là vấn đề nóng hổi của thế giới phẳng trong thế kỷ này. Nghệ sĩ chỉ cần sáng tạo, các khái niệm mới dần có chỗ đứng và thời điểm vàng sẽ tới.

Nghệ thuật tái chế phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, nhưng quan trọng nhất là hai yếu tố bối cảnh lịch sử – văn hóa – xã hội và những “Tastemaker” (cá nhân hoặc tổ chức định hình xu hướng văn hóa). Việt Nam đang thích ứng với yếu tố thứ nhất, sự phát triển của từng thời điểm sẽ giúp trả lời yếu tố thứ hai. Vì vậy, nghệ sĩ Việt sử dụng kỹ thuật tái chế vào thời điểm này tuy khó khăn nhưng nếu đầu tư thời gian và chất xám đúng cách sẽ tạo ra những bứt phá và dấu ấn trong sự nghiệp của họ trên diện rộng.

nghệ thuật tái chế 8
Tác phẩm của Trần Thảo Miên – Áo khoác được làm từ vải vụn và chỉ từ các thùng rác của một studio thời trang.

Nhóm thực hiện

Bài: Linh An Ảnh: Sưu tầm & Cung cấp bởi IFA, Goethe Institut, Heriateg Space Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)