Văn hóa / Thế giới văn hóa

Tương lai của nghệ thuật trí tuệ nhân tạo

Với sự xuất hiện của nghệ thuật do trí tuệ nhân tạo tổng hợp, nhiều người bắt đầu bày tỏ sự lo lắng về tương lai của nghệ thuật. Có phải chúng ta chuẩn bị bước vào kỷ nguyên phản địa đàng, nơi robot sắp chiếm lấy khả năng tưởng chỉ có con người mới sở hữu: sáng tạo ra cái đẹp?

TRÍ TUỆ NHÂN TẠO ĐÃ CÓ THỂ SÁNG TẠO NGHỆ THUẬT, LIỆU NGHỆ SĨ SẮP MẤT VIỆC?

Thời gian gần đây, cải tiến mới nhất trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo đã gây nên làn sóng thảo luận sôi nổi. Giờ đây, chỉ cần người dùng nhập một vài từ khóa, trí tuệ nhân tạo sẽ tổng hợp dữ liệu và xử lý mọi công đoạn còn lại để tạo nên những bức tranh có hiệu ứng thị giác đáng ngạc nhiên. Trước sự xuất hiện của AI-generated art, hay nghệ thuật do trí tuệ nhân tạo tạo ra, cộng đồng nhanh chóng chia ra làm hai xu hướng: một bên thể hiện sự phấn khích trước những khả năng đa dạng mà AI mang lại, một bên bắt đầu lo lắng về vai trò của nghệ sĩ “truyền thống”.

Liệu nghệ sĩ được đào tạo có đứng trước nguy cơ bị mất việc? Thậm chí, nghệ thuật kỹ thuật số (digital art), loại hình sáng tạo vốn được xem là tân tiến và luôn cập nhật cùng công nghệ, giờ đây cũng rơi vào tình thế sắp sửa biến thành “truyền thống”. Có phải chúng ta đang bước vào một kỷ nguyên phản địa đàng, nơi robot không chỉ vượt trội hơn con người mà còn lấy đi một khả năng vốn chỉ con người mới sở hữu: khả năng sáng tạo nghệ thuật?

trí tuệ nhân tạo tương lai

Cảm xúc bối rối trước sự xuất hiện của AI dẫn chúng ta trở về tình huống tương tự ở nửa cuối thế kỷ 19. Khi nhiếp ảnh xuất hiện cho phép ghi lại hình ảnh như thật, người ta bắt đầu tranh cãi về vị thế của những họa sĩ truyền thống. Vì nhiếp ảnh đã có thể chụp lại mọi thứ như thật, hội họa có còn quan trọng hay không? Liệu nhiếp ảnh có thể trở thành một bộ môn nghệ thuật hay không, khi nó không được tạo ra bởi bàn tay con người, thiếu vắng sự trau luyện kỹ thuật và gần với cơ khí hơn là với khả năng tưởng tượng vô hạn của con người?

Với mỗi sự xuất hiện của một kỹ thuật mới, người ta lại lo sợ rằng kỹ thuật ấy sẽ lấy đi vai trò của những nghệ sĩ phụ thuộc vào các phương thức sáng tạo có trước. Lịch sử nghệ thuật cho thấy sự thay đổi liên tục của các kỹ thuật, nhưng giờ đây, với sự xuất hiện của nghệ thuật do AI tạo nên, tình huống lại có chút khác biệt, vì giờ đây không còn là tranh luận giữa nghệ sĩ con người với nghệ sĩ con người, mà là nghệ sĩ con người với “nghệ sĩ” máy móc.

“PROMPT” KHÔNG PHẢI LÀ Ý TƯỞNG MỚI MẺ

Nghệ thuật do trí tuệ nhân tạo xây dựng nên hoạt động theo nguyên lý tổng hợp các phong cách và hình ảnh có sẵn từ các bộ dữ liệu nền. Người thao tác sẽ nhập một bộ từ khóa vào những nguồn mở như Midjourney, DALL·E và Stable Diffusion, dựa vào đó, các thuật toán sẽ tổng hợp hình ảnh và xử lý các yếu tố thị giác còn lại. Vai trò của người thao tác nằm ở chỗ đề xuất ý tưởng và khởi động quá trình xử lý tự động của AI. Động tác này được gọi là “prompt”, một động từ nghĩa là kích thích, khởi động.

Khi ta nói về “prompt”, hay hành động khơi màu ý tưởng và để cho trí tuệ nhân tạo xử lý phần còn lại, cần lưu ý không phải chỉ tới khi có sự xuất hiện của AI thì mới có phương pháp sáng tác này. Ta hãy trở lại thập niên 1970 với Sol LeWitt. Thực hành của LeWitt đan cài giữa một bên là Chủ nghĩa Tối giản (Minimalism, với sự chú trọng tới thị giác) và Nghệ thuật Ý niệm (Conceptual Art, với sự tập trung cho ý tưởng). LeWitt không tự tay tạo ra các tác phẩm của ông, cũng không tạo ra bản mẫu, ông chỉ viết ra bản hướng dẫn và để các trợ lý lo liệu toàn bộ khâu sản xuất còn lại. Với LeWitt, điểm cốt lõi của sáng tạo nghệ thuật là nghĩ ra ý tưởng, còn khâu sản xuất ra tác phẩm chỉ là phần phụ trợ. Cách làm này đi trước những gì mà người dùng AI đang thực hiện ngày nay.

trí tuệ nhân tạo trong nghệ thuật

NHỮNG GIỚI HẠN CỦA NGHỆ THUẬT AI

Ngay cả khi cơn cuồng nhiệt dành cho nghệ thuật AI chưa có dấu hiệu nguội lạnh, những vấn đề ẩn sau việc sử dụng AI đã bắt đầu lộ ra. Về mặt nghệ thuật, hạn chế của AI nằm ở chỗ những hiệu quả thị giác mà AI mang lại là sự xào nấu của vô vàn phong cách đã có sẵn. Điều này dẫn đến thách thức về bản quyền, khi AI trộn rất nhiều tham chiếu mà không đảm bảo tính minh bạch về nguồn. Trong một bài viết trên tạp chí Artnet, nghệ sĩ kỹ thuật số Greg Rutkowski cho biết tác phẩm của anh đã bị gán vào hàng ngàn hình ảnh AI khác nhau, anh cho rằng AI không được phép tham khảo sáng tác của nghệ sĩ còn sống để đảm bảo sự tôn trọng về bản quyền.

Bằng cách trộn lẫn các tham chiếu, AI không tạo ra một cái mới hay sự đột phá, thay vào đó, nghệ thuật do AI tạo ra là sự duy trì nguyên trạng những gì đang có. Nghệ thuật cần những nhà cách tân, những người đẩy quỹ đạo nghệ thuật đi theo những hướng mới, dẫn đến những thay đổi về phương cách làm ra nghệ thuật. Điều khiến Sol LeWitt trở nên quan trọng không phải là từng ý tưởng đơn lẻ của ông, mà là sáng kiến về “Ý tưởng” như một khái niệm viết hoa. Bằng cách đề cao vai trò của ý tưởng hơn là quá trình tạo tác, LeWitt tạo ra thay đổi về cách làm nghệ thuật. Nếu chúng ta tách riêng từng ý tưởng của LeWitt, ông dễ dàng chìm lẫn vào đám đông các nghệ sĩ Tối giản cùng thời. Tương tự, các dòng lệnh được thả vào Midjourney là sự bội thực về ý tưởng và những gì AI làm được không gì khác hơn là cần mẫn chép tranh.

trí tuệ nhân tạo ý tưởng prompt
Các bức tranh đáng kinh ngạc do AI tạo ra trên Midjourney đang gây nên một làn sóng thảo luận sôi nổi.

AI NHƯ MỘT CÔNG CỤ HỨA HẸN NHIỀU KHẢ NĂNG ỨNG DỤNG

Tuy thế, sự xuất hiện của nghệ thuật trí tuệ nhân tạo đã tạo ra những sự kiện vô cùng sôi động. AI chưa thể lấy đi vai trò của nghệ sĩ, nhưng nó có thể cung cấp những khả năng ứng dụng thú vị. Không ít nghệ sĩ đã sử dụng tính chất thất thường của trí tuệ nhân tạo cho các tác phẩm gợi mở suy nghĩ, ví dụ, Người học – học người (2021) của Nguyễn Hoàng Giang cùng các nghệ sĩ trình diễn đã khai thác mối quan hệ giữa con người và máy móc. Trong khi đó, họa sĩ và giám sát mỹ thuật Lài Nguyễn nhận thấy tiềm năng ứng dụng phong phú của AI trong lĩnh vực giáo dục. Anh nghĩ rằng AI có thể được sử dụng cho việc phát triển tính sáng tạo ở trẻ em, khi giáo viên được hướng dẫn sử dụng AI như một công cụ minh họa hiệu quả. AI cũng có thể được sử dụng như một công cụ định hướng giúp nghệ sĩ hình dung rõ ràng hơn hướng phát triển cho tác phẩm của mình, thay vì sử dụng bản xào nấu của AI và xem nó như một tác phẩm thực sự.

trí tuệ nhân tạo và những giới hạn

KẾT LUẬN

Còn quá sớm để có thể nói bất cứ điều gì về một tương lai mà AI trở thành loại hình nghệ thuật đúng nghĩa. Khi người xem bắt đầu bội thực với số lượng tác phẩm vô hạn mà AI mang lại, người ta cũng bắt đầu đặt câu hỏi về tính chính đáng của những người tự gọi mình là nghệ sĩ kỹ thuật số nhờ sử dụng AI. Những gì được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo khó có thể được gọi là một nghệ thuật tốt, nếu nó được gọi là nghệ thuật nghiêm túc. Thay vì trở thành nghệ thuật, tính chất thất thường, khó đoán và chứa đầy biến cố của trí tuệ nhân tạo có thể trở thành nguồn cảm hứng cho những sáng tác gợi mở nhiều suy tưởng trong tương lai.

Nhóm thực hiện

Bài: Hiếu Y

Hình ảnh: Tư liệu, Midjourney

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)