Các địa điểm được chọn đều phải đáp ứng những tiêu chí nghiêm ngặt, có ý nghĩa quan trọng về mặt văn hóa, lịch sử, địa lý đối với nhân loại. Danh sách này được công bố với hy vọng tác động tích cực đến ngành du lịch và hợp tác quốc tế.
Hiện Trung Quốc và Ý là 2 quốc gia có nhiều di sản nhất thế giới. Trong danh sách, Ý có thêm 1 di sản là những ngọn đồi Prosecco tươi tốt của vùng Conegliano a Valdobbiadene. Còn Trung Quốc sở hữu 2 đại diện là khu bảo tồn chim di cư và các di tích khảo cổ của thành phố Lương Chử.
Nào, hãy cùng ELLE điểm qua một số địa danh nổi bật trong danh sách nhé.
Babylon (Iraq)
Đây là một trong những địa điểm lưu giữ nét văn hóa cổ đại của Neo-Babylon, một đế chế có sức ảnh hưởng trong lịch sử. Nằm cách thủ đô Baghdad của Iraq 85 km, có thể nói, di tích Babylon là một “chứng nhân lịch sử” đi qua bao thăng trầm thời gian.
Hiện tại, di chỉ này đã bị tàn phá một phần, chỉ còn sót lại các bức tường, cổng, cung điện, đền thờ của thành phố cổ và được UNESCO xếp vào nhóm “trong điều kiện cực kỳ dễ bị tổn thương”. Dù vậy, không thể nào phủ nhận tài năng của những người xưa đã tạo nên Babylon, khiến nơi đây trở thành nguồn cảm hứng cho thế hệ sau.
Thành phố Jaipur (Ấn Độ)
Thành phố Jaipur còn được biết đến với cái tên Thành phố màu hồng. Được thành lập năm 1727, tính đến nay, di sản này là thủ phủ, đồng thời là thành phố lớn nhất của bang Rajasthan.
Phải nói, nơi đây có một lối kiến trúc tuyệt vời bởi sự đan xen hài hòa giữa những dấu ấn phương Đông và phương Tây cuối thời Trung cổ. Nơi đây là một trung tâm giao thương kinh tế ở vùng Nam Á với những ngành thủ công vang danh khắp châu Á cũng như được cả thế giới công nhận.
Công viên quốc gia Vatnajökull (Iceland)
Vùng núi lửa ở công viên quốc gia này có diện tích 1,4 triệu hecta, chiếm gần 14% diện tích lãnh thổ Iceland. Trong 10 ngọn núi lửa ở đây thì có 8 ngọn núi lửa nằm dưới mặt băng.
Nhờ cấu trúc địa lý độc đáo và sự tác động qua lại giữa các núi lửa với nhau mà khu vực này có địa hình vô cùng đặc biệt. Nếu có dịp đến đây, bạn sẽ không khỏi trầm trồ trước sự kỳ vĩ của những dòng sông băng ngầm, những hang động như tranh vẽ, các hẻm núi và hệ thống động vật đa dạng.
Hệ thống rừng Hyrcanian (Iran)
Cánh rừng lá rộng này trải dài 850 km, có diện tích hơn 55.000 km2, tọa lạc ở gần bờ biển phía Nam của biển Caspi. Cách đây khoảng 25 đến 50 triệu năm, các nhà khoa học cho rằng khu rừng bao phủ hầu hết khu vực ôn đới ở Bắc bán cầu.
Hiện tại, Hyrcanian là môi trường sống của 180 loài chim, 58 loài động vật có vú, bao gồm cả báo Ba Tư và các loài thực vật quý hiếm.
Khu bảo tồn chim di cư (Trung Quốc)
Khu vực bãi lầy bên bờ biển Hoàng Hải, vịnh Bột Hải được công nhận là di sản thế giới với đường bay của những đàn chim di cư. Nơi đây tập trung rất nhiều loài cá và các loài động vật nhuyễn thể nên các chú chim thường ghé lại dừng chân. Mỗi mùa di trú, hàng đàn chim trên tuyến đường bay Đông Á – Australia đều ghé qua đây. Trong đó có cả những loài quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng.
Di tích khảo cổ ở thành phố Lương Chử (Trung Quốc)
Di tích Lương Chử được phát hiện năm 1936 tại trấn Lương Chử, huyện Dư, thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, là nền văn hóa khảo cổ Hậu kỳ Đá Mới, tồn tại từ năm 3300 tới 2200 trước Công nguyên. Văn hóa Lương Chử chủ yếu phân bố ở Thái Hồ, thuộc khu vực sông Dương Tử.
Đây là nơi có hệ thống thủy lợi lớn nhất và lâu đời nhất trên thế giới, với niên đại ước tính lên đến 5.400 năm. Nó còn lâu đời hơn hệ thống ở Lưỡng Hà (4.900 năm). Ngoài ra, khi khai quật di tích này, các nhà sử học còn phát hiện ra rất nhiều cổ vật có giá trị như công cụ lao động hay các cổ vật chế tác tinh xảo từ ngọc bích.
Vùng đồi nho Prosecco (Ý)
Vùng đất phía Đông Bắc của đất nước hình chiếc ủng đã được biết đến bởi những đồi nho tuyệt vời. Quá trình trồng nho đã giúp phủ xanh những ngọn đồi, đem lại cho du khách một khung cảnh tươi mát. Ngoài ra, bạn còn có thể thưởng thức loại rượu vang trắng sủi bọt được ủ bởi những người nông dân tại các làng nghề truyền thống.
Cánh đồng Chum (Lào)
Nằm ở tỉnh Xiengkhuang vùng Trung Lào, cho đến tận bây giờ, nơi đây vẫn còn là một bí ẩn đối với những nhà nghiên cứu. Họ cho rằng các chum đá cỡ lớn ở đây được sử dụng trong những nghi thức tang lễ thời kỳ đồ sắt.
Theo UNESCO, cánh đồng có 2.100 chum đá, nhiều đĩa đá và bia mộ có niên đại từ năm 500 trước Công nguyên đến năm 500 sau Công nguyên.
Cố đô Bagan (Myanmar)
Cố đô Myanmar là địa điểm tham quan lý tưởng cho những ai muốn hành hương đến những ngôi chùa cổ. Nơi đây có hơn 3.500 ngọn tháp cổ với kiến trúc độc đáo được xây dựng từ thế kỷ XI tới thế kỷ XIII.
Tuy đã bị trận động đất mạnh 6,8 độ richter xảy ra năm 2016 làm hư hại hơn 200 ngôi đền, nơi đây vẫn còn nguyên những giá trị tinh thần riêng biệt.
Hệ thống thư viện cổ Seowon (Hàn Quốc)
Trong tiếng Hàn, Seowon được hiểu là thư phòng. Những thư phòng được UNESCO công nhận là di sản thế giới nằm rải rác ở các khu vực khác nhau, từ Gyeongsang, Deagu đến Chungcheong, được sử dụng với mục đích nghiên cứu, học tập. Đây là những bằng chứng cho thấy quá trình học tập Nho giáo ở thời đại Joseon và những ảnh hưởng của Nho giáo đến xã hội lúc bấy giờ.
Khu bảo tồn Bom Jesus do Monte (Bồ Đào Nha)
Nhà nguyện cổ với hơn 600 năm tuổi này được xây dựng theo phong cách Baroque. Trên các bức tường của nhà nguyện, những bức tranh về sự kiện Chúa Jesus bị đóng đinh được miêu tả hết sức tỉ mỉ. Khu phức hợp với cầu thang cao 381 feet là nơi mà những người hành hương sẽ leo lên bằng đầu gối để bày tỏ lòng thành.
Trung tâm lịch sử Sheki với cung điện Khan (Azerbaijan)
Di tích thế giới này được xây dựng lại vào năm 1797 nằm dưới chân núi Greater Caucasus, Sheki và đặc trưng bởi kiến trúc truyền thống bao gồm những ngôi nhà có mái đầu hồi cao. Kiến trúc sang trọng đầy tinh tế của cung điện là bảo chứng cho sự tỉ mỉ và tài năng của người xưa. Nếu xét về mặt lịch sử, cung điện Khan cùng những cơ ngơi của các doanh nhân thời cổ đã cho thấy sự phồn vinh của hoạt động buôn bán tơ lụa.
Các gò mộ ở Dilmun (Bahrain)
Các gò đất chôn cất người chết trải dài ở 21 địa điểm khảo cổ với 11.000 gò đất, trong đó có 17 gò đất hai tầng dành cho Hoàng gia. Là một trong những nghĩa trang an táng thế giới cổ đại, di tích này đóng vai trò như một minh chứng cho thấy rằng người Bahrain đã đô xô đến hòn đảo này vào những năm 2050 đến 1750 trước Công nguyên.
UNESCO cũng cho biết thêm: “Những ngôi mộ này cho thấy các đặc điểm độc đáo, không chỉ về số lượng, mật độ và quy mô mà còn về các chi tiết như các phòng chôn cất được trang bị các hốc tường”.
Danh sách 29 địa điểm được UNESCO công nhận có di sản thế giới mới:
- Úc: Khu di tích văn hóa thổ dân Budj Bim
- Azerbaijan: Trung tâm lịch sử Sheki với cung điện Khan
- Bahrain: Các gò mộ ở Dilmun
- Brazil: Khu văn hóa và đa dạng sinh học Paraty and Ilha Grande
- Burkina Faso: Khu vực luyện kim cổ xưa ở Burkina Faso
- Canada: Công viên Writing-on-Stone/Áísínai’pi
- Trung Quốc: Di tích khảo cổ ở thành phố Lương Chử và tuyến đường chim di cư tại vịnh Bột Hải, biển Hoàng Hải
- Cộng hòa Czech: Khu nhân giống và huấn luyện ngựa Ceremonial Carriage Horses ở Kladruby nad Labem
- Cộng hòa Czech/Đức: Khu mỏ Erzgebirge/Krušnohoří
- Pháp: Vùng đất phía Nam và châu Nam Cực thuộc Pháp
- Đức: Hệ thống quản lý nước ở Augsburg
- Iceland: Vườn quốc gia Vatnajökull
- Ấn Độ: Thành phố Jaipur
- Indonesia: Di tích mỏ than Ombilin gần Sawahlunto
- Iran: Rừng Hyrcanian
- Iraq: Babylon
- Ý: Những đồi nho vùng Prosecco di Conegliano a Valdobbiadene
- Nhật Bản: Mozu-Furuichi Kofun Group: Những lăng mộ Nhật Bản cổ đại
- Hàn Quốc: Hệ thống thư viện cổ Seowon
- Lào: Cánh đồng Chum
- Myanmar: Cố đô Bagan
- Ba Lan: Khu vực mỏ cổ đại Krzemionki
- Bồ Đào Nha: Cung điện Mafra với khu vườn săn bắn và Khu bảo tồn Bom Jesus do Monte
- Liên bang Nga: Những nhà thờ khu Pskov School of Architecture
- Tây Ban Nha: Khu di tích văn hóa Risco Caido and the Sacred Mountains of Gran Canaria
- Vương quốc Anh: Đài thiên văn Jodrell Bank
- Mỹ: Những công trình kiến trúc được xây dựng vào thế kỷ XX của Frank Lloyde Wright
Nhóm thực hiện
Lược dịch: Ánh Xuân Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE Tham khảo: CNN