Xoay quanh nhân vật chính Juliet Browning và những ký ức về Venice giữa hai cuộc Đại chiến Thế giới, tiểu thuyết lịch sử – lãng mạn này được kể song song giữa hai giọng văn. Một của Juliet vào những năm tháng phiêu lưu, một của cô cháu gái Caroline – người sẽ trở lại để lần giở những bí mật đúng như ước nguyện của bà sau 5 thập kỷ.
Ở tác phẩm này, ta sẽ thấy được một Venice nhộn nhịp của nghệ thuật, văn hóa cũng như những con người “thật” mong muốn thoát ra khỏi các giới hạn được tạo ra bởi Đệ nhất Thế chiến. Trong bối cảnh đó, họ được sống, được bùng cháy khi yêu và được tồn tại như là chính mình.
CẢNH TRÍ VENICE
Sử dụng Venice làm bối cảnh chính, Rhys Bowen đã tái hiện thành công đô thị vùng sông nước này. Đó là những quảng trường đá, những con rạch dài, những cây cầu bắc ngang dòng kênh… cũng như các dinh thự của giới quý tộc mờ chìm trong màn sương mỏng. Không gian ngập tràn hơi thở nghệ thuật với vô số lễ hội được đặt theo tên các vị Thánh diễn ra quanh năm, cùng những bàn ăn đầy ắp món lạ và rượu vang chát. Đó còn là dòng chảy của hội họa với tranh vẽ và các họa sĩ Do Thái lưu vong được những người yêu nghệ thuật như nữ Bá tước Fiorito bảo trợ.
Đó cũng là nơi ươm mầm tình yêu của chàng quý tộc Leonardo Da Rossi và nàng thiếu nữ 18 tuổi đến từ nước Anh – Juliet Browning. Như nhiều tiểu thuyết lãng mạn khác, cuộc tình của họ chịu nhiều thử thách và cản trở nhưng không gì có thể chia tách được.
BÀI LIÊN QUAN
PHÁ VỠ KHUÔN KHỔ
Nước Ý giữa hai cuộc Đại chiến Thế giới là một vùng đất mà lớp thanh thiếu niên thời đó rất hay lui tới. Trong cuốn hồi ký Thế giới những ngày qua, nhà văn người Áo Stefan Zweig từng viết rằng: “Khi bắt đầu một thế giới tuyệt đối mới, một trật tự hoàn toàn khác […], thay vì đi nghỉ Hè với cha mẹ như xưa, những đứa trẻ mười một mười hai tuổi đến Italia, hoặc Biển Bắc để mình bạo dạn và hoạt bát hẳn lên”.
Vì thế, cuộc gặp gỡ giữa Leonardo Da Rossi và Juliet Browning là sự hiến dâng cho một cuộc sống hết mình và cũng ẩn tàng nhiều sự phản kháng sau thời mất mát của Đệ nhất Thế chiến. Đó là cách ngăn về mặt giai cấp, giữa một gia tộc giàu có như Da Rossi và cô thiếu nữ Browning không sở hữu thứ gì. Đó còn là những thách thức của truyền thống, khi các gia tộc nước Ý thường hứa hôn trước cho con cái mình. Họ không được lựa chọn theo trái tim và đành buộc phải khuất phục.
Tuy thế, họ cũng là những con người dũng cảm. Juliet mạnh dạn cãi lời người cô sùng đạo để đi dã ngoại buổi đêm trên thuyền đáy bằng cùng với Leo. Trong khi đó, dẫu cho Leo không thể thay đổi vận mệnh thừa kế của mình, anh vẫn một lòng hướng về Juliet – tình yêu duy nhất của anh.
LÒNG VỊ THA
Tình yêu của hai người trẻ không chỉ đến từ chiếm hữu, đố kỵ hay ghen ghét mà còn có sự đồng cảm và thấu hiểu. Họ là những người muốn thoát ra khỏi lễ nghi truyền thống. Họ muốn được là mình và sống đời mình. Tuy nhiên, họ biết lịch sử không cho phép điều đó, nên họ chấp nhận và cũng tận hưởng điều đó.
Rhys Bowen vẫn đi theo mô-típ bi kịch, nhưng có thể thấy, nỗi buồn đã được giảm nhẹ bằng một tình yêu thiêng liêng hơn bao giờ hết. Và không chỉ có tình yêu, đó còn là sự cảm thông của những con người bị gạt ra ngoài lề xã hội, như nữ Bá tước cưu mang các họa sĩ Do Thái đại tài, hay Juliet luôn giữ Hanni cận kề bên mình, bởi lẽ, tội lỗi duy nhất của cô bé ấy là không được chọn chủng tộc cho mình.
Trong cuốn Chết ở Venice, nhà văn đoạt giải Nobel văn chương 1929 – Thomas Mann – đã viết: “Đó là Venice, thành phố với vẻ đẹp phỉnh phờ khả nghi, nửa thần thoại, nửa cạm bẫy”. Và với Kí họa Venice, Rhys Bowen đã một lần nữa thể hiện điều này. Đó là nơi chốn vẫn có bi kịch nhưng đầy thiêng liêng, cùng với tình yêu, tình người, sự đồng cảm và tính nhân văn.
Nhóm thực hiện
Tổng hợp