Văn hóa / Thế giới văn hóa

Virginia Woolf, người đặt nền móng cho lý thuyết phê bình nữ quyền luận trong văn học

[Tạp chí ELLE tháng 3/2017] Không phải là người khởi xướng cho phong trào nữ quyền nhưng là người phụ nữ đầu tiên đặt nền móng cho lý thuyết phê bình nữ quyền luận trong văn học.

Virginia Woolf có số phận vừa danh giá vừa bi thảm. Bà sinh năm 1882, trong một gia đình dòng dõi, phóng khoáng nhưng phức tạp, cả cha lẫn mẹ đều trải qua một cuộc hôn nhân khác trước khi cưới nhau và đều có những đứa con riêng. Sống dưới sự nghiêm khắc của cha, hứng chịu sự quấy rối tình dục từ người anh cùng cha khác mẹ, Virginia rơi vào cơn khủng hoảng triền miên từ tuổi thành niên, nguồn cơn của bệnh trầm cảm sau này khiến bà trầm mình tự vẫn.

Như con chim cất tiếng hát từ chính nỗi ám ảnh rỉ máu, suốt đời Woolf mang vết thương ấy như một thôi thúc bản thân đi tìm căn nguyên của những bi kịch và đấu tranh cho nó: sự bất bình đẳng nam nữ trong xã hội. Woolf được đánh giá là một trong những tác giả vĩ đại nhất của thế kỷ XX, là nhân vật chủ chốt trong lịch sử văn chương Anh ngữ với tư cách nhà văn có tiếng nói bênh vực phụ nữ và là một trong những người sáng lập nên trào lưu hiện đại cùng T.S. Eliot, Ezra Pound, James Joyce và Gertrude Stein.

Những trang viết của Virginia Woolf chứa đựng nhu cầu bền bỉ và kiên định nhìn nhận thế giới theo một cách khác, để bằng cách đó, tái tạo góc nhìn và vị thế của người nhìn là nữ giới. Bà lên tiếng đòi hỏi người cho phụ nữ một không gian riêng – nơi những tiếng ồn lắng xuống, những nhu cầu đời sống không quấy rầy, để họ đủ điều kiện cất lên tiếng nói vốn bị nhấn chìm giữa cuộc đời tẻ nhạt của lựa chọn duy nhất: làm vợ, làm một bà nội trợ. Sự riêng tư như Woolf nhắc đến ở A Room of One’s Own là sự riêng tư vật chất, xuất phát từ đòi hỏi bức bách của cuộc sống mà bà phải gánh chịu. Nhưng đến Mrs Dalloway, sự riêng tư này đã hướng đến mặt tinh thần. Sự riêng tư giữ cho mỗi người được là chính mình và được sự tôn trọng từ người khác. Đó là trạng thái của tự do.

Từ việc nhẹ nhàng đòi hỏi một chỗ đứng riêng, Virginia đã tiến lên phản công lại nam giới trong cuộc đấu tranh bằng chữ nghĩa. Trong Three Guineas, chiến tranh được đề cập tới như một ẩn dụ về phái mạnh, về “nam tính” từ sự ngông cuồng tự hủy hoại của họ. Và thực tế đã chứng minh bà đúng. Thế chiến thứ nhất nổ ra, đàn ông ra trận và chết, những người phụ nữ bắt buộc lấp vào chỗ trống đó, trở thành trụ cột của gia đình. Từ chỗ bị động trở thành chủ động, sức mạnh bị phủ nhận bấy lâu nay của người phụ nữ được đánh thức. Sự gánh vác phi thường, những cuộc tranh đấu không mệt mỏi đã đổi lại cho họ những lá phiếu bầu cử, bước ngoặt lớn nhất trong cuộc đấu tranh nữ quyền, mà nếu không có một người chủ xướng như Virginia Woolf, hẳn là nó đã không dễ xảy ra.

Những tác phẩm của Virginia Woolf cũng như ngọn hải đăng ấy, soi sáng mọi ngõ ngách của nội tâm, khám phá và thừa nhận một cách dũng cảm những điều mà thể chế xã hội thời ấy không chấp nhận. Bà giải phóng mọi người, trước hết là về mặt tư tưởng. Bởi con người cần phải mở trói cho tâm trí trước khi hành động vì tự do. Không có cứu cánh nào hơn thế nữa.

Xem thêm

Trái tim đàn bà – Cuốn sách “hẹn hò” với niềm vui

Thêm yêu Hà Nội qua những cuốn sách viết về Hà Nội

Những cuốn sách hay tháng 12 dành cho những ngày Đông lạnh

Nhóm thực hiện

Bài: Hoàng Liên, Văn Khoa Nguồn Tạp chí Phái Đẹp ELLE
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)