Virtual tour hay bảo tàng ảo trực tuyến có lẽ là một trong những từ khóa nổi bật nhất đối với những người yêu nghệ thuật và du lịch trong những tháng đầu của năm 2020. Thực hiện giãn cách xã hội, hoặc cách ly (tự nguyện hay cưỡng chế), đều khiến những người ưa lang thang tìm kiếm cái đẹp ít nhiều cảm thấy tù túng, căng thẳng, hay thậm chí là bức bối. Và hẳn thấu hiểu được cảm giác đó, hàng loạt bảo tàng đã mau mắn cung cấp các virtual tour miễn phí cho tất cả mọi người. Trên mạng xã hội hay mạng lưới của những người yêu nghệ thuật, danh sách các bảo tàng cung cấp virtual tour được chia sẻ mau chóng và rộng rãi.
Nghệ thuật thời công nghệ
Các virtual tour có lẽ là ví dụ điển hình nhất cho sự giao thoa giữa nghệ thuật và công nghệ. Điều đáng kể là những công nghệ 3D hóa không gian ngày càng rẻ và dễ tiếp cận, với lực lượng nhân sự ngày càng dồi dào. Một bảo tàng nhỏ với ngân sách khiêm tốn cũng có thể xây dựng chương trình virtual tour của mình. Điều thử thách lớn nhất đối với các bảo tàng có lẽ chủ yếu nằm ở việc làm sao để trải nghiệm trong một hệ thống điện tử cũng vẫn thú vị, hấp dẫn và sinh động như khi các vị khách tham quan bước chân vào không gian vật lý.
Mỗi bảo tàng lại có những cách cung cấp virtual tour khác nhau. Một số bảo tàng ít đầu tư chỉ cung cấp hình ảnh đi kèm miêu tả của từng tác phẩm, một số bảo tàng khác lại chọn hình thức cung cấp ảnh panorama 360 độ để người xem có thể xoay chuyển từ một điểm nhìn đã được chương trình chọn trước. Tuy nhiên, nhìn chung phần lớn các bảo tàng áp dụng công nghệ như của Google Street, cho phép bạn được “rảo bước” qua các phòng trưng bày bằng việc bấm vào những góc bạn muốn di chuyển tới trên màn hình. Khi muốn ngắm nhìn một tác phẩm, bạn có thể dễ dàng trỏ vào vị trí của tác phẩm ấy. Một số bảo tàng chỉ cho phép khách tham quan được loanh quanh trong một căn phòng, nhưng những bảo tàng lớn như British Museum lại cho bạn được dạo quanh toàn bộ khuôn viên, hành lang, thậm chí cả cửa hàng bán đồ lưu niệm của họ.
Các virtual tour cho phép bạn được ngắm một vật thể được trưng bày từ đủ các hướng, thế nên trải nghiệm thưởng thức cũng không khác gì với việc ngắm nhìn chúng trong đời thực. Sự khác nhau có lẽ chủ yếu đến từ việc bạn dùng thiết bị gì, màn hình có độ phân giải bao nhiêu để thực hiện chuyến tham quan ảo này mà thôi. Để đảm bảo khán giả hiểu rõ về tác phẩm, nhiều bảo tàng còn cung cấp luôn thông tin giải thích khi khán giả bấm chọn xem tác phẩm ấy. Hơn thế nữa, một số nơi còn tận tâm đến mức cung cấp luôn cả phần thuyết minh giải thích lịch sử, ý nghĩa – như cách khu bảo tồn di tích kiến trúc Machu Picchu thực hiện. Nói một cách ngắn gọn, mọi trải nghiệm đời thực khi bạn ghé thăm một bảo tàng đều có thể đạt được khi bắt đầu virtual tour của mình.
Một bước tiến của công chúng hóa nghệ thuật
Lợi thế lớn nhất của virtual tour có lẽ chính là việc bạn có thể ghé các bảo tàng lớn và nổi tiếng nhất thế giới mà không cần rời khỏi ghế. Không phải tất cả người yêu cái đẹp đều có đủ tiềm lực tài chính để ghé thăm bảo tàng Louvre hay Musée d’Orsay tại Pháp, hay Tòa thánh Vatican. Bây giờ trong một ngày, nếu đủ kiên nhẫn, bạn có thể ghé thăm tất cả các nơi này. Đặc biệt hơn nữa, các virtual tour này đều miễn phí và mở cửa 24/24. Bạn sẽ chẳng phải xếp hàng giành giật mua vé như khi ghé bảo tàng Van Gogh trong đời thật, cũng chẳng phải chùn chân mỏi gối, nửa muốn tiếp tục bước sang một phòng trưng bày khác, nửa muốn từ bỏ sau gần sáu giờ đồng hồ dạo quanh một góc của bảo tàng Rijksmuseum khổng lồ ở Hà Lan.
Chính vì những lợi thế này, các bảo tàng đã đưa tác phẩm của họ đến được với nhiều người hơn bao giờ hết. Bất kỳ ai cũng có thể chiêm ngưỡng các tác phẩm họ chọn trưng bày, và bất kỳ ai cũng có thể tự hào kể lại những trải nghiệm thú vị, chia sẻ các thông tin hữu ích từ website. Nhờ thế, họ góp phần quảng bá kiến thức nghệ thuật đến những người khác. Nhiều bảo tàng coi đây là cách để họ thực hiện nghĩa vụ giáo dục với cộng đồng, nâng cao nhận thức về bảo tồn văn hóa, lịch sử quốc gia và thế giới. Và tất nhiên, khi người dân tại nhiều nước đang sống trong cảnh cách ly, các bảo tàng cũng đảm nhiệm luôn vai trò giữ lại niềm vui, hy vọng và giải trí.
Với các bảo tàng, virtual tour không phải là một cách để tăng doanh thu trực tiếp. Ngay cả trước khi dịch bệnh hoành hành, phần lớn các bảo tàng đã cung cấp virtual tour miễn phí. Nhiều bảo tàng thậm chí đã đầu tư một nguồn ngân sách đáng kể cho dịch vụ miễn phí này. Lý do phía sau quyết định hào phóng của các bảo tàng, không gì khác, chính là mục đích quảng bá cho không gian của mình. Có một sự thật là, các virtual tour được xây dựng công phu và chi tiết tới đâu, nó vẫn không thể thay thế được cảm giác đến tận nơi, nhìn tận mắt các tác phẩm nghệ thuật. Tương tự như việc các bức tranh của Van Gogh có thể được tìm thấy dễ dàng sau vài giây tìm kiếm trên Google, nhưng bảo tàng của ông vẫn thu hút hàng nghìn lượt khách đến thăm mỗi ngày. Và càng nhiều người tò mò, quan tâm tới nghệ thuật, các bảo tàng càng có thêm người đến mua vé trong tương lai.
Điều các bảo tàng không lường tới có lẽ chính là việc bỗng từ một kênh quảng bá và có lẽ là sự đầu tư cho tương lai, virtual tour bỗng trở thành một phần quan trọng ngay trong hiện tại. Trong lúc này đây, có lẽ hệ thống của họ đang chứng kiến lượng truy cập lớn hơn bao giờ hết trong lịch sử. Và điều ấy liệu có thay đổi cách các bảo tàng hoạt động và kinh doanh trong tương lai? Chúng ta phải chờ để biết.
Nhóm thực hiện
Bài: Phương Thủy Ảnh: Tư liệu Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE