VSTRA – Chờ thời gian nung nấu chính mình
“Nghệ thuật không nên là một sự diễn giải, minh họa đúng sai theo một logic duy nhất mà chỉ nên là ẩn dụ gợi cảm giác suy tư cho khán giả”. Sinh năm 2002, Hạnh Ngân sớm định hướng con đường âm nhạc với tư duy sâu sắc. Một người nghệ sĩ chân thành với cảm xúc của mình và biết chờ thời gian nung nấu bản thân cho đến khi chín mùi. Khởi sự chơi nhạc và sáng tác chỉ như việc trị liệu cho bản thân nhưng khi vừa mạnh dạn tự sản xuất bài bản single đầu tiên, Internet Love của cô đã đạt hàng triệu lượt nghe. Với việc chính thức ra mắt dưới tên gọi VSTRA (ASTRA), cô hứa hẹn sẽ một ẩn số thú vị của làng nhạc.
Từ Hnhngan cho đến VSTRA, tên gọi này của bạn có nghĩa là gì?
VSTRA đọc là ASTRA, viết là chữ V nhưng đọc là chữ A. Chữ V hàm ý về xuất thân quê hương của mình là Việt Nam. ASTRA có nghĩa là ngôi sao. Gọi bản thân là ngôi sao nghe cũng hơi…sến súa, ngạo mạn. Nhưng nghĩ theo cách khác là nó đang thể hiện sự tự tin của bản thân tôi. Cho dù tôi không phải là một tên tuổi nổi bật, có đứng top hay không nhưng tôi tin vào bản thân mình, phong thái của mình. Khi đã đặt chân lên sân khấu tôi sẽ luôn đứng ở tâm thế của một ngôi sao.
Động lực nào thúc đẩy bạn từ một cô gái chỉ có nhu cầu chuyển ngữ cảm xúc cá nhân qua âm nhạc một cách riêng tư tiến đến sân chơi biểu diễn dành cho số đông?
Tôi nghĩ đó là khoảnh khắc tôi cảm nhận được sự thoải mái với bản thân, với việc bày tỏ tính cách thật sự. Khi viết nhạc tôi mới thật sự nói chuyện kỹ với mình. Trò chuyện với bản thân rất quan trọng. Tôi chưa bao giờ nghĩ chọn âm nhạc là nghề nghiệp. Bởi xã hội của thế hệ trước có một sự áp đặt về các tiêu chuẩn rất khác. Trong khi từ bé tôi đến với âm nhạc như một thú vui ngẫu hứng. Đến khi thật sự trải nghiệm quá trình mình sáng tác, thử nghiệm, được mang cảm xúc của mình ra chia sẻ, tôi thấy say mê. Cái mình tạo ra có thể khiến người khác đồng cảm thì nó càng thôi thúc tôi muốn bước tới và tiếp tục đi sâu hơn.
Bạn hiểu rất rõ nghệ sĩ là gì? Hay đây vẫn là một câu hỏi mình đang theo đuổi?
Riêng với âm nhạc, tôi tin mình đang hiểu dần ý nghĩa làm nên người nghệ sĩ. Họ là người dành rất nhiều thời gian để nung nấu, thử nghiệm sự say mê, yêu cái họ làm đến không màng đến danh tiếng, tiền bạc. À, nhưng nếu làm nghệ thuật hiện tại tôi sẽ phải nghĩ đến việc kiếm tiền. Bao nhiêu tiền này để làm gì cho dự án tiếp theo. Tôi là người có thể vừa làm nghệ thuật vừa nghĩ về tính thương mại. Tuy nhiên, với quá trình sáng tạo thuần túy tôi biết mình đã thật sự sống với tâm hồn nghệ sĩ như thế nào. Tôi biết chấp nhận đòi hỏi của thị trường mà không bao giờ tiếc nuối công sức chẳng được thừa nhận. Đôi lúc bạn bè tôi trải qua giai đoạn hoài nghi về lựa chọn làm nghệ thuật, tôi chỉ biết chia sẻ: “Hãy nhắc nhở bản thân, có thể hôm nay mình chưa làm được gì nhưng hãy yêu quá trình đó”. Những hoài nghi có mặt tích cực, nó nhắc nhớ mình sự tồn tại của những điều ý nghĩa. Tại sao phải sáng tác một bài hát viral hay kiếm được nhiều tiền mà nó không có ý nghĩa gì với bản thân.
Có ai đó khiến bạn tin mình có thể trở thành một nghệ sĩ?
Tôi nghĩ là bố mẹ mình. Họ rất thực tế, vẫn nhắc nhở tôi phải nỗ lực hoàn thành việc học. Bố mẹ chưa bao giờ nói rằng: “Con không thể…” mà chỉ cặn kẽ lý giải hoặc cho tôi thêm thông tin những điều mà tôi muốn hay quan tâm. Vì tôi luôn được những người mình tôn trọng nhất tin tưởng nhất nên chẳng bao giờ cảm thấy bản thân có quyết định nào điên rồ. Ba mẹ là cây gậy chống lưng cho tôi một cách vững chắc nhất. Người hiểu mình nhất không ngăn mình thì chả có lý do gì mình không làm. Mình cứ làm thôi!
Bố mẹ ủng hộ âm nhạc của bạn và cả chuyện tình yêu lẫn cách bạn thể hiện tình yêu một cách cuồng nhiệt từ âm nhạc đến mạng xã hội?
Họ luôn ủng hộ tôi. Bố mẹ nghe nhạc của tôi nhưng không phản hồi, chỉ thấy bố theo dõi, chia sẻ các sản phẩm hay phần trình diễn của tôi trên mạng xã hội thể hiện sự cỗ vũ. Tôi nghĩ là bố mẹ tôi còn vui hơn tôi. Bên ngoài tôi không thể hiện cuồng nhiệt như vậy. Tôi nghĩ bố mẹ vui khi khám phá ra con người khác của tôi. Cách tôi dám thể hiện bản thân một cách hết mình không giấu giếm hay sợ hãi. Tôi không ngại thể hiện tình yêu trên mạng xã hội, tuỳ vào việc bạn “show off” cái gì và ở mức độ nào? Đâu là giới hạn của việc chia sẻ? Tôi đã từng thích cuộc sống thực tế của mình nhiều hơn là cần hoạt động trên mạng xã hội. Nhưng giờ tôi biết phân vai trong âm nhạc của mình, cũng như hiểu phải tương tác thế nào với khán giả yêu thích mình.
Chỉ mới chính thức ra mắt một single kèm MV nhưng cũng đủ để đạt một lượng quan tâm lớn từ khán giả, bạn có nghĩ Internet Love đã đủ là một cú hích?
Tôi không nghĩ Internet Love là một cú nổ, nó đơn giản chỉ là một ca khúc rất ý nghĩa với tôi. Nó đánh dấu cột mốc tôi đã sẵn sàng để bước trên con đường làm nhiều thứ với âm nhạc. Sẵn sàng mang bản thân mình ra ngoài để làm công việc của người nghệ sĩ giải trí. Trước đây tôi chỉ là một người đôi khi viết, đôi khi hát rồi đưa lên mạng xã hội. Đây là sản phẩm nhạc giúp tôi tin vào bản thân mình. Nó có sự đầu tư đủ bài bản để tôi đã sẵn sàng ra mắt.
Và nó có mang đến đủ tiền để bạn tiếp tục làm nhạc?
Có chứ ạ! Mọi thứ tôi làm đều có hai hướng. Có những dự án thương mại nhưng cũng có những dự án âm nhạc với những sáng tác được là chính mình. Tôi vẫn đi làm kiếm tiền sản xuất nhạc mà, tiền thu lại từ âm nhạc tôi lại tiếp tục tái đầu tư cho các kế hoạch của mình. Tôi không dùng tiền để mua sắm nhiều đâu. Tôi cân nhắc kỹ việc chi tiêu, khoản nào cho việc học, khoản làm nhạc, khoản cho nhu cầu đời sống. Ngày xưa còn mơ giàu sớm chứ bây giờ chọn âm nhạc thì không nghĩ về làm giàu nữa. Tôi tìm cách cân đối giữa các khoản và nỗ lực thu vén từng thứ, chỉ cần vừa đủ là thấy vui lắm rồi.
Có vẻ bạn thích trò chơi tìm điểm cân bằng, bạn có nghĩ mình là người chơi giỏi?
Đó là nguyên tắc sống sót của tôi, dù phải thỏa hiệp. Tôi hiểu làm nghệ thuật mà nói chuyện “cân bằng” sẽ mất đi cơ hội sống trọn với cảm xúc mình muốn, thứ khiến ta tạo ra những cú nổ thật sự. Ngày trước tôi ghét sự ổn định. Nhưng càng lớn, cán cân giúp tôi kiểm soát bản thân mình tốt hơn. Nhất là khi tôi đang có một người yêu bên cạnh. Tôi phải học cách thỏa hiệp với bản thân. Tôi có thể giải quyết những vấn đề cảm xúc bên trong âm nhạc, ngoài âm nhạc tôi cần sống có trách nhiệm.
Chủ đề âm nhạc của bạn vẫn sẽ luôn xoay quanh tình yêu? Như bạn từng khẳng định: “Nhạc tôi hát sẽ chỉ thôi thúc con người ta yêu nhau mà thôi“?
Ngày xưa mà, chưa lớn đủ thì sao có thể viết khác? Viết nhạc là quá trình khám phá cảm xúc của bản thân cả cảm xúc tiêu cực hay tích cực. Trong những dự án sắp tới, có thể người yêu nhạc của tôi sẽ thốt lên: “Ôi cái màu dễ thương, ngọt ngào, cái màu hi vọng đâu rồi”. Nhưng tôi tin mình sẽ truyền tải được nhiều lớp cảm xúc sâu kín khác từ trạng thái sống phong phú của con người, dù nó cũng sẽ được ẩn dụ qua lớp vỏ tình yêu.
Âm nhạc ở những sản phẩm tiếp theo mà bạn đã nung nấu cho quá trình ra mắt nhân diện mới dưới tên gọi VSTRA sẽ như thế nào?
Dự án PHONG đánh dấu việc tôi sẵn sàng bộc lộ những màu sắc khác. Sẽ không dễ được chấp nhận như hình dung trước đây. PHONG là một một góc nhìn riêng tư vào trong tâm trí của một người phụ nữ độc lập và mạnh mẽ khi cô phải đối diện với sự mềm yếu của mình. Single PHONG sẽ không phải là một bản nhạc để tặng người yêu, dù cảm xúc cũng đến từ người ấy. Chọn tên này vì tôi không muốn những người tôi từng hẹn hò hiểu lầm (cười). Âm nhạc chủ đạo vẫn là R&B đương đại. Đây là sự kết hợp ăn ý với hai producer là Tyronee (Internet Love) và TGSN (Siren). Tôi thích các pattern trống được sử dụng trong ca khúc. Hiện tại tôi thấy thích R&B, nhưng nó là thế mạnh hay không tôi thì chưa chắc. Synth pop, disco, retro, hip hop là những thứ tôi say mê thử nghiệm. Tôi thích khám phá xu hướng mới và đặt những câu hỏi về cách làm.
Lựa chọn phong cách ma mị diễn đạt cho ý tưởng hình ảnh trong sản phẩm âm nhạc mới, liệu bạn không e ngại màu sắc tiêu cực có thể dẫn đến tranh cãi?
Sự hỗn loạn và tâm trạng ổn định nó luôn song hành với nhau. Nó có thể khiến người ta nghĩ mình đang so sánh và lạm dụng các hình ảnh tiêu cực. Nhưng tôi nghĩ làm nghệ thuật không nên từ chối những chất liệu phản ánh tâm trạng và cảm xúc thực của một khoảnh khắc nhất định nào đó. Không nên vì lý do có thể bị chỉ trích hay khó ra mắt mà từ bỏ. Bài toán đặt ra là sẽ làm thế nào để xử lý một cách khéo léo. Trong phần lời tôi không dùng một từ tiêu cực nào cả. Nghệ thuật không nên là một sự diễn giải, minh hoạ đúng sai theo một logic duy nhất, mà nó chỉ là sự ẩn dụ gợi cảm giác suy tư cho khán giả. Tôi mong tương lai mình có thể học hỏi và đào sâu cả về mặt hình ảnh lẫn âm nhạc để thể hiện quan điểm nghệ thuật của mình một cách hiệu quả và khán giả có thể tự cảm nhận nó đa chiều. Là người lựa chọn con đường có sự cân bằng tôi cũng sẽ không bỏ qua các dự án, sản phẩm viral nếu có cơ hội.
Có những thứ hấp dẫn nào trong đời sống tuổi trẻ đang khiến bạn phát “nghiện”?
Nghiện ngắm nhìn bản thân mình một chút. Trước đây không hề biết yêu bản thân chút nào. Đến bây giờ, khi biết nói chuyện với bản thân nhiều hơn, tôi có sự thay đổi trong tư tưởng. Tự dưng cảm giác, ồ yêu bản thân nó sướng như thế này! Ô cảm giác tự tin nó sướng như thế này! Tôi đang bị nghiện cái cảm giác này. Tôi nghĩ người trẻ bây giờ đang bị nghiện cảm giác thuộc về một nơi nào đó, phải là một phần của một điều gì đó. Có những người họ ngại theo đuổi cái cảm giác thật sự bên trong hay sở thích của bản thân và phải luôn làm điều gì đó khác để khoả lấp những khoảng trống chênh vênh. Họ liên tục chạy theo những chỉ dẫn công thức để đạt thành tựu to lớn. Cần tìm kiếm giá trị nào đó để không lạc lõng là một nhu cầu. Nhưng tôi nghĩ niềm vui thật sự phải từ bên trong mỗi cá nhân. Chỉ khi hiểu chính mình bạn mới bắt đầu quan sát và cảm nhận được những điều mới mẻ đa dạng khác và tích cóp giá trị cho bản thân. Từ bỏ những mong cầu không thuộc về bản thân khiến tôi vô cùng nhẹ nhõm.
Đâu là yếu tố quan trọng của quá trình sáng tạo?
Tư duy của người từng học designer chuyển hướng sang làm nhạc sẽ mang đến sự cộng hưởng như thế nào? Khi tôi có một ý tướng và muốn phác thảo nó giống như việc tìm tờ giấy trắng và bắt đầu chọn lựa bố cục, điểm nhìn, màu sắc. Đặt thật nhiều câu hỏi là nền móng quyết định cho ý tưởng sẽ thăng hoa thế nào sau đó. Hình ảnh nếu được lựa chọn đúng với nhạc sẽ khơi gợi thêm nhiều giác quan cho người nghe. Kỹ năng học từ thiết kế cho tôi thêm công cụ để tự diễn đạt rõ ràng điều mình muốn thể hiện. Ngay cả khi viết nhạc, trong đầu tôi đã có điểm nhìn cho giai điệu đó. Tôi thậm chí tưởng được mình sẽ đứng đâu trong khung hình tương ứng với tiết tấu. Mọi thứ là sự liên kết rất rõ ràng và liền mạch. Tôi ao ước có thể để viết nên những ca khúc có tuổi thọ, nhiều năm sau thưởng thức mà vẫn không nuối tiếc giá như mình được làm tốt hơn.
Bài: Ngô Hạ
Ảnh: Nhi Ngờ
Sản xuất & Stylist: Hensi Le
Trang điểm: Ruan Dang
Trợ lý: Vy Nguyễn
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE