Văn hóa / Thế giới văn hóa

Vũ Đình Kinh Luân – Bột giấy và những đắm say giản đơn

[Tạp chí ELLE tháng 5/2017] Tôi không muốn cắt nghĩa nghệ thuật bằng lời. Nó là gì và làm thế nào để hiểu được hết ý nghĩa của một tác phẩm. Không nhất thiết phải cố hiểu hết một cách chính xác.

Khi kể về câu chuyện tìm đến con đường điêu khắc bột giấy, Vũ Đình Kinh Luân khá kiệm lời, anh chọn lối diễn đạt rất giản đơn để mô tả quá trình sáng tạo. “Mình thích gì thì mình làm và làm trong khuôn khổ nghệ thuật của mình”. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghệ thuật, có nhiều thành viên trong gia đình anh theo đuổi hội hoạ, điêu khắc, nhiếp ảnh, nên ngay từ bé Vũ Đình Kinh Luân rất dễ bị quyến rũ bởi mùi hương từ những chất liệu tạo tác nghệ thuật như sơn dầu, màu nước. Anh vẫn nhớ thời gia đình mình còn làm hang đá bán vào mùa Giáng sinh, công việc được giao cho một cậu bé lúc ấy chỉ đơn giản chấm màu thành đôi mắt cho những chú cừu làm bằng thạch cao nho nhỏ. Do vụng về, cậu bé làm giọt màu chảy xuống thành hình dòng nước mắt. Dù sợ hãi, giấu diếm và bị người lớn mắng vốn, nhưng chính những lỗi lầm thơ bé ấy lại ăn sâu vào tư duy sáng tạo của anh trong mọi công việc sau này. Với anh, những vệt vụng về có khi lại là điểm bắt đầu cho một ý tưởng. “Câu chuyện ngày bé luôn là một ấn tượng dễ thương nhắc nhớ tôi về tính khác biệt và hướng đến những thể hiện phá cách”.

Vũ Đình Kinh Luân tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật, trải qua nhiều công việc khác nhau, tạo dáng công nghiệp, thiết kế nội thất, thiết kế thời trang công nghiệp, chụp ảnh báo chí… Anh nhận ra mình thích theo đuổi nghệ thuật có tính ứng dụng cao trong đời sống. Một số sản phẩm không nhất thiết phải được tạo ra với mục đích sử dụng duy nhất. Vốn liếng tích trữ qua các lần va chạm với nhiều ngành nghề khác nhau đã tích cực hỗ trợ anh thử nghiệm, tìm tòi các cách kết hợp đa dạng để khám phá những khả năng bộc lộ vẻ đẹp một cách bất ngờ. Tình cờ theo dõi cách làm của một nghệ sĩ Pháp (Mélanie Bourlon) khi xử lý giấy trở thành chất liệu bột điêu khắc, Kinh Luân lập tức bị lôi cuốn và muốn thử nhưng lại bằng một phương cách mới.

Tôi không muốn cắt nghĩa nghệ thuật bằng lời. Nó là gì và làm thế nào để hiểu được hết ý nghĩa của một tác phẩm. Không nhất thiết phải cố hiểu hết một cách chính xác. Mình cứ tìm tòi, học hỏi các kiến thức cơ bản của những lĩnh vực mà người nghệ sĩ đã theo đuổi để tạo nên tác phẩm, từ đó thưởng lãm theo cảm xúc của bản thân. Cứ cảm thụ cái đẹp một cách tự nhiên thôi, mọi kết nối sẽ đến

Nếu nghệ sĩ nước ngoài dùng công thức và thành phần khá phức tạp, anh lại chỉ dùng bột giấy và keo để tạo sự kết dính và lớp phủ. Khám phá được khả năng tạo hình và những ứng dụng của giấy khiến anh chìm sâu vào một thứ ma thuật kỳ thú. Quy trình từ làm bột, tạo hình pha hỗn hợp keo đến đắp màu dẫn dắt người nghệ sĩ hoàn thiện chính mình. Anh nhận ra sự “biến hóa” linh hoạt, những cảm xúc tức thời về hình khối, khả năng phủ màu, và sức biểu đạt không giới hạn ở giấy. Nhờ đó, các “nhân vật” của Kinh Luân rất dễ hút hồn người đối diện. Từng làm trong lĩnh vực may mặc công nghiệp ở khâu thiết kế, kỹ năng xử lý nguyên phụ liệu cho anh sự nhạy bén khi lựa chọn màu sắc, cách tạo hiệu ứng cho vẻ đẹp “nhân tính” của những con vật thông qua yếu tố thời trang… Những bộ trang phục, phụ kiện khoác cho nhân vật đều do anh tự thiết kế, sáng tác các họa tiết và lên màu.

Không chỉ có chất liệu mà kỹ thuật điệu nghệ từ đôi bàn tay tỉ mẫn cộng với khả năng quan sát và sức cảm thụ tinh tế đã giúp mỗi đường nét được nắn vuốt mang nhiều hồn phách. Rất dễ để nhận ra cá tính của Kinh Luân trong phần lớn các sáng tác. Anh nghiêng về trang trí tả thực. Nguyên tắc trong những sáng tạo của anh vẫn là tính thẩm mỹ cao và ứng dụng được nhiều thứ. “Những gì tôi làm ra có thể là vật trang trí, decor, hoặc gợi cho người khác những cảm xúc và nguồn cảm hứng đặc biệt”. Kinh Luân luôn nhìn thấy sức sống và những biến chuyển hình thái, phương cách sử dụng trong từng nguyên liệu mà anh được tiếp xúc, ghi nhớ. Công việc chính của anh hiện giờ đã chuyển hẳn qua việc sáng tạo với bột giấy. Kinh Luân muốn tập trung và dấn thân sâu vào nhiều thử thách hơn nữa để cho nó một đời sống nội tâm phong phú. Anh thích nhân cách hóa con vật chỉ đơn giản bởi vì anh thích thế. Các nhân vật được tạo tác phản ánh một tâm hồn yêu chuộng thiên nhiên, gần gũi với động vật và thích quan sát vẻ đẹp tự nhiên mang hình hài đa dạng. Khó khăn nhất hiện tại của Kinh Luân là vượt qua cảm giác trì trệ để giữ vững sự tập trung vào con đường đã chọn. Anh cũng rất quan tâm đến nhu cầu tìm kiếm không gian sáng tạo cho riêng mình.

Xem thêm

Tiên Võ – Chuyển ngữ cảm xúc qua thiết kế

Nguyễn Lập Phương – Nghệ thuật và sự trống rỗng chân thành

Phan Thảo Nguyên – Nghệ thuật và những quên lãng nên thơ

Nhóm thực hiện

Ngô Hạ (Nguồn: Tạp chí Phái Đẹp ELLE)
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)