Văn hóa / Thế giới văn hóa

18 sự thật thú vị về vũ trụ và không gian sẽ khiến bạn bất ngờ 

Liệu Mặt Trăng có phải hình tròn? Liệu vẫn còn thứ bí ẩn hơn hố đen? Những điều kỳ bí gì đang xảy ra trong sự vô tận của không gian và vũ trụ? 

Không gian và vũ trụ chưa bao giờ khiến chúng ta ngưng tò mò bởi những điều bí ẩn mà chúng đang cất giữ. Những sự thật đáng kinh ngạc sau đây sẽ giúp bạn có cái nhìn mới hơn về vũ trụ rộng lớn này.   

1. Hình dạng của Mặt Trăng  

mặt trăng trong vũ trụ
Ảnh: Pexels/David Besh

Khác với vẻ đẹp tròn trịa mà mọi người thường lầm tưởng khi quan sát vệ tinh này từ Trái Đất, Mặt Trăng thực chất có hình dạng không đối xứng và trông giống như một quả chanh (hoặc quả trứng). 

2. Dải Ngân Hà có mùi và vị 

dải ngân hà trong vũ trụ
Ảnh: Pexels/Pixabay

Vào năm 2009, các nhà thiên văn học đã khám phá ra một đám mây khí và bụi khổng lồ ở trung tâm của Dải Ngân Hà chứa đầy một loại hợp chất hóa học là etyl fomat. Điều thú vị là etyl fomat có mùi giống rượu rum và là thành phần tạo ra hương vị cho quả mâm xôi. 

3. Một ngày trên sao Thủy dài 2 năm 

sao thủy trong vũ trụ
Ảnh: NASA/John Hopkins-University Applied Physics Laboratory/Carnegie Institution of Whashington

Sao Thủy có khoảng thời gian tự quay quanh trục rất chậm, mất khoảng 59 ngày trên Trái Đất, nhưng lại quay quanh Mặt Trời khá nhanh, nghĩa là một năm trên sao Thủy chỉ vỏn vẹn 88 ngày Trái Đất. 

Tuy nhiên, do sao Thủy có độ lệch tâm quỹ đạo lớn và quay cùng chiều với Mặt trời, nên phải mất khoảng 176 ngày Trái Đất thì mới hết một ngày đêm (từ lúc mặt trời mọc đến khi lặn). Nếu mỗi vòng quay của sao Thủy quanh Mặt Trời là 1 năm (giống Trái Đất), thì 1 ngày trên hành tinh này dài tương đương 2 năm của nó. 

4. Bạn vẫn có thể sống sót ngoài vũ trụ nếu đồ bảo hộ bị rò rỉ 

Khác với sự thổi phồng quá mức của các bộ phim khoa học viễn tưởng, rằng bạn sẽ phát nổ hoặc chết cóng ngay lập tức nếu tiếp xúc với không gian ngoài vũ trụ mà không có đồ bảo hộ. Thực tế, bạn vẫn có thể duy trì sự sống trong vài phút, mặc dù cảm giác đó sẽ không mấy dễ chịu. 

phi hành gia trong vũ trụ
Ảnh: nasa.gov

Cụ thể, trong vòng 10 giây, bạn vẫn đủ tỉnh táo bởi cơ thể sẽ sử dụng nguồn oxy dự trữ trong máu. Sau 10 giây, da và các mô bên dưới bắt đầu sưng phồng lên vì nước trong cơ thể dần bốc hơi trong môi trường mà áp suất khí quyển gần như bằng không. Trong vòng một đến hai phút, tình trạng thiếu oxy báo hiệu cái chết đang đến gần. Áp suất giảm nhanh chóng khiến phổi, màng nhĩ, các xoang, cùng với các mô mềm bắt đầu tím tái và chảy máu.  

5. Một thìa cà phê vật chất của sao neutron nặng bằng cả dân số thế giới

thìa sao neutron vũ trụ
Ảnh: ptetyouthscienceforum 

Sao neutron là một dạng trong vài khả năng kết thúc của quá trình tiến hóa sao, được hình thành từ những gì còn lại của vụ sụp đổ một ngôi sao lớn. Vì được cấu tạo hoàn toàn bởi nhiều nơtron nén trong một bán kính cực nhỏ, chỉ cần một thìa cà phê những vật chất của ngôi sao này, nó sẽ nặng tương đương với khối lượng của toàn bộ dân số thế giới. Và để tạo ra thứ gì đó dày đặc như sao neutron, toàn bộ nhân loại sẽ cần nhét vừa một viên đường nhỏ hình vuông. 

6. Năng lượng từ vụ nổ tia gamma 

tia gamma trong vũ trụ
Ảnh: NASA, ESA và M.Kornmesser

Không có gì trong vũ trụ sánh được với sức mạnh từ một vụ nổ tia gamma (Gamma-ray burst). Hơn vậy, những tia chớp siêu sáng này, chỉ trong 10 giây, có thể giải phóng nguồn năng lượng ngang với lượng mà Mặt Trời phát ra trong suốt quá trình tồn tại.   

Các nhà khoa học tin rằng sự bùng phát tia gamma có thể được hình thành khi đang tạo ra hố đen, khi các ngôi sao lớn nổ tung hay khi hai sao neutron hợp nhất. 

7. Có nhiều ngôi sao chúng ta không thể thấy

Kể từ vụ nổ Big Bang, hầu hết các vật thể trong không gian đều di chuyển ra xa nhau. Trên thực tế, sự giãn nở của vũ trụ đang ngày càng tăng tốc.

hàng tỷ ngôi sao trong vũ trụ
Ảnh: skyatnightmagazine

Khi các vùng không gian ngày càng di chuyển ra xa nhau với tốc độ ngày càng gia tăng, những ngôi sao đầu tiên hình thành trong vũ trụ giờ đây không còn ở trong tầm nhìn của chúng ta, ngay cả khi ta sở hữu loại kính thiên văn tốt nhất hiện tại hoặc tương lai.

Dẫu vậy, chúng ta vẫn có thể hy vọng được thấy chúng một ngày nào đó, thông qua các vụ nổ tia gamma vào cuối cuộc đời của một ngôi sao. 

8. Hố trắng (white holes)

hố trắng trong vũ trụ
Ảnh: skyatnightmagazine

Vào ngày 10/4/2019, thế giới ngỡ ngàng trước hình ảnh hố đen (black hole) – bí ẩn hấp dẫn nhân loại hàng thế kỷ cuối cùng cũng lộ diện qua bức ảnh được thực hiện bởi EHT (Kính thiên văn chân trời sự kiện). Dẫu vậy, “người anh em” của hố đen – hố trắng, vẫn còn là ẩn số lớn cho các nhà khoa học. 

Nếu hố đen là một vùng có trường hấp dẫn mạnh đến nỗi không có thứ gì có thể thoát ra khỏi, thì hố trắng lại không cho bất cứ thứ gì có thể chui lọt vào nó. 

Cho đến nay, hố trắng hoàn toàn là giả định của các nhà thiên văn học. 

9. Từ quyển của sao Mộc rất lớn 

từ trường của sao mộc trong vũ trụ
Ảnh: universetoday

Từ quyển (magnetosphere) là vùng không gian bao quanh một hành tinh chịu ảnh hưởng bởi từ trường của hành tinh đó. Nếu có thể thấy bằng mắt thì từ quyển của sao Mộc lớn hơn rất nhiều so với Mặt Trăng khi nhìn từ Trái Đất, dù sao Mộc xa hơn Mặt Trăng 1.500 lần. Sự tương tác của từ quyển và gió Mặt Trời tạo ra vành đai phóng xạ nguy hiểm có thể gây thiệt hại cho những gì tiếp cận hành tinh này. Thật may là Trái Đất không ở gần sao Mộc!

10. Sao Hải Vương chỉ mới hoàn thành 1 chuyến đi quanh Mặt Trời

sao hải vương trong vũ trụ
Ảnh: NASA/JPL-Caltech

Sao Hải Vương mất tới 165 năm Trái Đất để hoàn thành một quỹ đạo đầy đủ quanh Mặt Trời. Từ năm 1845 đến năm 2011, hành tinh này cuối cùng cũng hoàn thành chuyến đi đầu tiên quanh Mặt Trời.   

Trong khi đó, hành tinh bị “giáng cấp” – sao Diêm Vương – thậm chí còn chưa gần hoàn thành quỹ đạo dài 248 năm của nó kể từ khi được phát hiện vào năm 1930.

11. Các hành tinh “vô gia cư” lang thang trong vũ trụ 

những hành tinh lang thang trong vũ trụ
Ảnh: skyatnightmagazine

Không phải tất cả các hành tinh đều được hình thành và xoay xung quanh một ngôi sao nhất định. Thực tế, các nhà thiên văn ước tính rằng, có thể có hơn 200 tỷ hành tinh đang trôi tự do trong không gian, và có thể chúng đang đi ngang qua Thiên hà của chúng ta. 

12. Mặt Trời mất đi 1 tỷ kg khối lượng mỗi giây

mặt trời trong vũ trụ
Ảnh: NASA/SDO

Gió Mặt Trời (dòng hạt mang điện phóng ra từ Mặt Trời) khiến ngôi sao mất đi khối lượng không hề nhỏ, khoảng 1 tỷ kg mỗi giây. Tuy nhiên, so với khối lượng khổng lồ của Mặt Trời, nó vẫn có thể sống thêm khoảng 5 tỷ năm nữa. 

13. Không phải ngôi sao nào cũng đơn lẻ   

hệ thống sao trong vũ trụ
Ảnh: NASA/JPL-Caltech

Mặt Trời chỉ là một trong số ít những ngôi sao đơn lẻ. Hơn một nửa số ngôi sao giống Mặt Trời trong thiên hà là một phần của hệ thống sao (multiple star systems), gồm các ngôi sao quay xung quanh một khối tâm chung, chẳng hạn như hệ sao kép hoặc hệ ba.  

14. Nước được tìm thấy trong không gian

bề mặt trái đất nhìn từ vũ trụ
Ảnh: nasa.gov

Trái Đất có thể không phải là nơi duy nhất có nước. Lượng nước nhiều nhất từng được phát hiện bao quanh một lỗ đen, gấp 140 nghìn tỷ lần thể tích nước trong các đại dương của Trái Đất. Tuy nhiên, hố đen này cách chúng ta khoảng 12 tỷ năm ánh sáng.

Ngoài ra, các nhà khoa học cho rằng 3 mặt trăng của Sao Mộc (Europa, Ganymede và Callisto) và hai mặt trăng của Sao Thổ (Enceladus và Titan) có thể có nước. Trong đó, đại dương của Europa có thể chứa gấp đôi lượng nước được tìm thấy trên hành tinh của chúng ta.  

15. Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) đang rơi 

tàu vũ trụ quốc tế
Ảnh: Pexels/SpaceX

Trạm vũ trụ quốc tế chỉ cách Trái Đất từ 200 đến 250 dặm, nghĩa là nó vẫn chịu tác động của trọng lực. Tuy nhiên, ISS không đâm xuống bề mặt hành tinh của chúng ta vì tốc độ nó rơi xuống bằng với tốc độ nó di chuyển quanh Trái Đất, tức là trạm vũ trụ đang trượt dọc theo đường cong của hành tinh chúng ta. Đây cũng là lý do khiến các phi hành gia trôi bồng bềnh giống như không có trọng lực bên trong trạm. 

phi hành gia trạm vũ trụ quốc tế
Ảnh: nasa.gov

16. Một ngày trên Trái Đất ngày càng dài hơn 

trái đất trong vũ trụ một màu đen
Ảnh: Pexels/Anang Santoso

Tốc độ quay của Trái Đất đang dần chậm lại qua mỗi năm. Tuy nhiên, sự thay đổi là rất nhỏ, trung bình chậm hơn nửa giây mỗi năm và 0.0015 giây mỗi ngày.

17. Mặt Trăng đang di chuyển ra xa Trái Đất  

mặt trăng trong vũ trụ
Ảnh: Pexels/Denniz Futalan

Mặt Trăng ngày càng dịch chuyển ra xa hành tinh của chúng ta 3,8cm mỗi năm. Theo giả thuyết, nó sẽ tiếp tục gia tăng khoảng cách cho đến khi không còn là vệ tinh của Trái Đất nữa. Điều này sẽ để lại nhiều hệ lụy như thay đổi thời tiết, chênh lệch nhiệt độ… 

18. Sức nóng từ vụ nổ Big Bang vẫn còn hiện hữu

sức nóng từ vụ nổ big bang trong vũ trụ
Bức ảnh cho thấy bức xạ nền vi sóng vũ trụ (CMB) – sức nóng từ vụ nổ Big Bang, vẫn còn trên Trái Đất của chúng ta (Ảnh: ESA và The Planck Collaboration).

Khoảng 380.000 năm sau Big Bang, những bức xạ còn sót lại từ sự sinh thành vũ trụ vẫn còn tồn tại với chúng ta đến ngày nay, và được gọi là bức xạ nền vi sóng vũ trụ (CMB). Đây cũng chính là những minh chứng lớn nhất cho mô hình Vụ nổ lớn của vũ trụ. 

 

Nhóm thực hiện

Lược dịch: Anh Thư

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

Tham khảo: skyatnightmagazine.com

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)