Văn hóa / Thế giới văn hóa

Vua sư tử (2019): Bình mới, rượu cũ

Vua sư tử (The Lion King) là bộ phim mới nhất trong kế hoạch sản xuất một loạt phim chuyển thể từ hoạt hình của hãng Disney, vừa công chiếu vào giữa tháng Bảy sau thời gian dài chờ đợi của nhiều thế hệ. Phim được đầu tư công phu về hình ảnh, nhưng chưa dũng cảm thoát khỏi “chiếc áo” nội dung cũ kỹ của phiên bản gốc.

Vua sư tử bản live-action năm 2019 được làm lại từ bộ phim hoạt hình Disney cùng tên ra mắt năm 1994. Phim được sản xuất dưới bàn tay của Jon Favreau – đạo diễn nổi tiếng với phim Iron Man phần 1 và 2 (2008, 2010), Elf (2003), Cậu bé rừng xanh (2016)…

Phim live-action thường đánh vào những hoài niệm, nhung nhớ tuổi thơ của thế hệ Gen X, Millennials và Baby Boomers, từ đó mang về cho hãng phim lợi nhuận khổng lồ. Nhiều phim trong số này rất sáng tạo và thú vị, như Cô bé lọ lem (2015), Người đẹp và quái vật (2017), Aladdin (2019)… Nhưng cũng có không ít phim chuyển thể khiến khán giả thất vọng não nề, như phim Dumbo ra mắt hồi tháng Ba năm nay chẳng hạn.

Đáng tiếc, dù mới ở tuần công chiếu đầu tiên, Vua sư tử năm 2019 của Jon Favreau đã nhận được hàng loạt đánh giá không mấy khả quan. Người xem vẫn có ấn tượng nhất định với kỹ xảo làm phim, nhưng nội dung phim lại chưa đủ sức đáp ứng kỳ vọng lớn của nhiều thế hệ dành cho live-action của một bộ hoạt hình kinh điển.

Thiên nhiên sống động như xem phim tài liệu

thiên nhiên vua sư tử 01

Vua sư tử năm 2019 đã đưa công nghệ làm phim chuyển thể sang một tầm cao mới. Theo đánh giá của tạp chí Time, phong cách sản xuất phim của Jon Favreau mang đậm dấu ấn thế kỷ 21: Sự pha trộn hài hòa giữa kỹ thuật làm phim live-action truyền thống với hiệu ứng thực tế ảo và đồ họa vi tính. 

Không thể chối cãi, đây là bộ phim tốn rất nhiều công sức để sản xuất, thể hiện rõ qua từng giọt mồ hôi, từng sợi lông của các con vật trong phim. Bầy sư tử và những loài động vật khác được “phú” cho bộ lông mềm mại rất gần với thực tế. Cách cơ mặt và miệng chúng cử động để phát âm có thể đáng kinh ngạc hay ngớ ngẩn, tùy thuộc vào việc bạn có chấp nhận nghe các sinh vật siêu thực trò chuyện về vòng đời và các chân lý thâm thúy khác hay không.

thiên nhiên vua sư tử 03
Simba khi còn là chú sư tử con.

Nhìn chung, giới phê bình đồng ý Vua sư tử (2019) sở hữu những thước phim tuyệt đẹp, tái tạo hoàn hảo những khoảnh khắc mang tính biểu tượng trong phiên bản hoạt hình. Cây bút Rafer Guzmán khen ngợi phim trên Newsday: “Phim gây ấn tượng thị giác mạnh mẽ với phông nền tuyệt đẹp và thế giới động vật hoang dã được tạo hình kỹ đến từng chi tiết. Hãy chuẩn bị tinh thần, vì bạn sẽ kinh ngạc khi các con vật giống hệt trong phim tài liệu của National Geographic bắt đầu nói chuyện”.

thiên nhiên vua sư tử 05
SImba (phải) và cô bạn gái Nala (trái). Lồng tiếng cho Nala là nữ ca sĩ Beyoncé.

Brandon Zachary của trang CBR đánh giá mạnh dạn hơn: “Disney đã sản xuất thành công một trong những bộ phim có hình ảnh ấn tượng nhất trong lịch sử của mình, với Vua sư tử”.

Thật bất ngờ, nhân vật nhận được nhiều sự chú ý nhất không phải Simba (Donald Glover thủ vai), cũng không phải sư tử Nala của Beyoncé, mà là bộ đôi lợn rừng Pumbaa và chồn Timon do Seth Rogen và Billy Eichner đảm nhiệm. 

“Màn trình diễn âm nhạc của Rogen và Eichner mang đến cho phim những chất liệu mới, một phiên bản thậm chí còn đáng yêu hơn của hai nhân vật đã sẵn được yêu thích từ hoạt hình”, Peter Debruge của tờ Variety bình luận. Pumbaa và Timon là bộ đôi hài hước, tươi sáng, làm dịu đi nhiều góc độ khắc nghiệt, tối tăm trong nội dung phim.

pumbaa và timon
Đôi bạn thân Pumbaa và Timon luôn đồng hành cùng Simba.

Vẫn còn giáo điều theo kiểu… dọa trẻ con

Bình mới, rượu cũ. Câu chuyện của live-action Vua sư tử về cơ bản giống hệt như bản gốc, dù sở hữu kịch bản đã được cập nhật đôi chút bởi Jeff Nathanson.

Những bộ phim Disney có lẽ là trải nghiệm điện ảnh đầu tiên trong đời của hàng triệu người trên thế giới. Từ những bộ hoạt hình cũ như Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn (1937), Alice ở xứ sở thần tiên (1951) đến thành công của Frozen (2013) đầy thông điệp nữ quyền, phim Disney luôn là sự lựa chọn an toàn, lành mạnh cho trẻ nhỏ. Các bậc phụ huynh có thể bật TV hay dẫn con ra rạp xem phim do Disney sản xuất mà chẳng cần lo lắng. 

Tuy nhiên, Disney cũng bị không ít người chỉ trích vì khai thác những nỗi sợ hãi khủng khiếp nhất của trẻ em – trong đó có mất cha mẹ – từ phim Bambi năm 1942. Câu chuyện của phim hoạt hình Vua sư tử – nay được giữ lại nguyên vẹn trong bản live-action – với những cảnh giết chóc bạo lực còn bị chê trách nặng nề hơn nhiều.

scar trong lion king
Sư tử Scar đầy dã tâm cùng bầy linh cẩu khát máu, tấn công cha con Mufasa – Simba để giành quyền cai trị.

Cây bút bình luận Stephanie Zacharek của tờ Time đặc biệt khắt khe với cách phim khắc họa nỗi sợ bị bỏ rơi của trẻ con: “Cả hai bộ phim Vua sư tử đều như còn ngủ quên trong thế giới truyện thiếu nhi thời Victoria. Đó là loại sách luôn cố gắng cho trẻ em thấy cuộc sống ngoài kia nghiệt ngã và khó khăn đến mức nào, như truyện kể về trẻ mồ côi bị bỏ rơi đến chết cóng ngoài các bậc thềm chẳng hạn”. Với cô, đó là thể loại văn chương không còn phù hợp trong thời hiện đại, cần phải được cải tiến – việc mà Vua sư tử vừa ra mắt đã không làm được.

Trong bản hoạt hình năm 1994 do Roger Allers và Bob Minkoff đạo diễn, chú sư tử con Simba phải chứng kiến cảnh cha mình – sư tử Mufasa – bị sát hại bởi chính người anh trai mưu mô, tàn nhẫn của ông, Scar. Sự kiện ấy dẫn đến phân cảnh được đánh giá là xúc động, sâu sắc nhất trong phim: chú Simba bé nhỏ, vô lực, yếu ớt huých vào xác cha mình để đánh thức ông tỉnh lại.

simba và mufasa
Cảnh Simba bé nhỏ cố gắng lay cha tỉnh lại, không thể chấp nhận cái chết của ông đã lấy nhiều nước mắt người xem.

Bộ phim mới ra mắt dù dễ tiếp nhận hơn một chút – có lẽ vì những chú sư tử được tăng cường CGI khiến bạn có cảm giác như đang xem những cuộc chiến sinh tồn đúng với quy luật tự nhiên trên kênh National Geographic, với ít biểu cảm hơn, nghĩa là cũng ít “tính người” hơn – nhưng vẫn còn mang vẻ thuyết giáo. Bên cạnh cách chuyển sắc thái vụng về và hệ triết lý sống lộn xộn, khía cạnh đạo đức của phim bị tờ Time phê bình gay gắt: “Đấy là thứ đạo đức hời hợt được tính toán, che đậy dưới vỏ bọc của trí tưởng tượng, nhưng lại dễ dàng được khán giả bỏ qua nhờ vẻ đáng yêu của sư tử Simba”.

Nặng nề sức ép từ cái bóng nguyên tác

thiên nhiên vua sư tử 02
Một cảnh trong ca khúc Hakuna Matata.

Thông điệp được truyền tải qua ca khúc Hakuna Matata cũng khiến nhiều khán giả băn khoăn. Ngay từ khi chào đời, Simba đã được đào tạo để trở thành người lãnh đạo, háo hức thay cha trị vì vương quốc trong tương lai. Tuy nhiên, Scar vẫn luôn toan tính âm mưu tranh quyền đoạt vị thâm độc hòng lật đổ Mufasa, chiếm lấy ngôi báu. Chú sư tử con Simba may mắn sống sót sau cuộc tấn công kinh hoàng của Scar và bầy linh cẩu, nhưng quá đau đớn trước sự ra đi của cha, Simba trốn vào sa mạc, chờ đợi cái chết ghé thăm.

Đó là lúc giai điệu tươi vui, rộn ràng của Hakuna Matata do Elton John và Tim Rice sáng tác vang lên. “Hakuna Matata” nghĩa là “không cần lo lắng điều gì cho những ngày còn lại của đời bạn”. Simba đã bị lợn rừng Pumbaa và cầy Timon “tẩy não” bằng lối tư duy như thế. Cuộc sống thật tốt đẹp, thật tuyệt vời, chỉ cần bạn dọn sạch sẽ tâm trí của mình. 

simba pumbaa timon
Simba, Pumbaa và Timon sát cánh bên nhau vượt qua đau khổ, khó khăn.

Thế là, sư tử Simba đã trưởng thành bằng cách tê liệt mọi cảm xúc, phớt lờ nỗi đau của chính mình. Đó cũng là ví dụ điển hình cho thấy cách thay đổi cảm xúc, sắc thái vụng về và khiên cưỡng của Vua sư tử (2019): Simba bé nhỏ vượt qua cái chết của cha lập tức, ngay khi bài hát vui vẻ Hakuna Matata vang lên.

vua sư tử simba
Simba đã trưởng thành bằng cách trốn tránh, “đóng băng” nỗi đau trong quá khứ.

Jon Favreau là một đạo diễn thông minh. Bản live-action Cậu bé rừng xanh năm 2016 của anh rất có thần thái và sức sống. Vì thế, năm 2019, giới chuyên môn đã kỳ vọng Jon có thể điều chỉnh được những lỗi chuyển biến cảm xúc vụng về của Vua sư tử năm 1994. 

Thế nhưng, có lẽ cái bóng của bộ phim nguyên bản quá khó để vượt qua. Tình cảm của công chúng dành cho bản gốc vừa là cơ hội, vừa là áp lực nặng nề với các nhà sản xuất phim chuyển thể: Đừng dại gì làm rối loạn câu chuyện nguyên tác quá nhiều. Mới đây thôi, chỉ trích bùng nổ của người hâm mộ khi Disney chọn một diễn viên da màu vào vai nàng tiên cá Ariel trong The Little Mermaid live-action là một minh chứng rõ ràng.

simba đứng cạnh mufasa

Nếu chỉ xét trên tiêu chí trung thành với nguyên tác, Vua sư tử (2019) là một bộ phim xuất sắc. Sức mạnh công nghệ làm phim hiện đại đã tái hiện đẹp mắt, sống động trên màn bạc khung cảnh vương quốc động vật hùng vĩ, tráng lệ của Simba. Nhưng với thế giới ấy, khán giả mất hẳn cảm xúc tò mò, hứng khởi khi ra rạp xem một bộ phim mới, vì không có giá trị mới mẻ nào được đưa vào nội dung của Vua sư tử bản live-action cả, ngoại trừ tham vọng thu về lợi nhuận khổng lồ của “nhà Chuột” Disney.

Nhóm thực hiện

Bài: Thùy Anh Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE Tham khảo: TIME, Insider
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)