VÙNG ĐẤT MỚI MẺ
Từng có thời gian khán giả Việt Nam vô cùng thích thú với các bộ phim điện ảnh gây sốt phòng vé được quay trong nước. Có thể kể đến Kong: Skull Island với bối cảnh ở Ninh Bình – Quảng Ninh; Người Mỹ trầm lặng, Người tình ở Sài Gòn; hay nhiều địa danh trong series Taxi Driver II, A Tourist’s Guide to Love… Tuy vậy, điện ảnh trong nước lại đang cho thấy hướng đi khác biệt, khi biết tận dụng nhiều nguồn “tài nguyên” sẵn có, chưa được chú ý một cách đúng mức.
3 năm trở lại đây, đã có nhiều bộ phim tạo được dấu ấn đẹp về vùng đất Tây Nam Bộ như Tro tàn rực rỡ (Bùi Thạc Chuyên), Lật mặt 5 & 6 (Lý Hải), Hai Phượng (Ngô Thanh Vân) hay trước đó là Mùa len trâu (Nguyễn Võ Nghiêm Minh), Cánh đồng bất tận (Nguyễn Phan Quang Bình)… Đây là dấu hiệu cho thấy Tây Nam Bộ có nhiều tiềm năng để khai thác bối cảnh cho phim Việt trong thời gian tới. Nói đâu xa, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cũng vừa thông báo dự án chuyển thể điện ảnh Đất rừng phương Nam – tác phẩm nổi tiếng đã gắn liền với ký ức tuổi thơ biết bao thế hệ qua phiên bản truyền hình của đạo diễn Nguyễn Vĩnh Sơn. Phiên bản điện ảnh hứa hẹn sẽ bám sát tiểu thuyết gốc của nhà văn Đoàn Giỏi, tái hiện nhiều chi tiết mà bản truyền hình chưa thể hiện trọn vẹn vì các hạn chế của công nghệ, kỹ thuật hay kinh phí tại thời điểm đó.
Với ưu điểm là có hệ thống sông ngòi chằng chịt, vùng đất này cũng trở nên cuốn hút và mới lạ trong dòng phim hành động. Vào năm 2019, Hai Phượng của Ngô Thanh Vân đã khiến khán vô cùng giả bất ngờ với những phân cảnh rượt đuổi, đánh đấm hoành tráng trên các xuồng, ghe hay khu chợ nổi. Hình ảnh này sau đó cũng lặp lại trong chuỗi phim hành động Lật Mặt của Lý Hải, dần trở thành “thương hiệu” của anh và bước vào lịch sử “trăm tỷ” của điện ảnh Việt. Tuy vậy, miền Tây vẫn còn nhiều tiềm năng để các đạo diễn có thể khai thác. Trong cuốn Hương Rừng Cà Mau, cố nhà văn Sơn Nam từng gọi nơi này là vùng “chướng khí mù như sương”, và chính con nước lên xuống thất thường cùng các đặc tính thổ nhưỡng đã tạo ra nhiều điểm độc đáo không đâu có được. Những khung cảnh đậm nét “bản địa” như đi “len” trâu trong mùa ngập nước hay bắt cá sấu ở rừng U Minh… đã để lại dấu ấn lâu dài trong tâm trí bạn đọc. Gần đây, yếu tố văn hóa bản địa cũng được khai thác trong Lật mặt 6, khi Lý Hải khôi phục lại nhiều làng nghề truyền thống như làm chiếu, làm bánh… và đưa lên màn ảnh.
Không chỉ mới lạ với người nước ngoài, khán giả Việt Nam, thông qua các thước phim, cũng được khám phá thêm những khía cạnh mới của vùng đất Tây Nam Bộ. Điều này cũng đã lý giải cho sự thành công của Tro tàn rực rỡ – dẫu không quá “gây sốt” về mặt doanh thu, thuộc dòng art-house có phần khó ngấm và phổ khán giả tương đối hẹp… thế nhưng, tác phẩm vẫn nhận được nhiều đánh giá tích cực. Trong bộ phim này, tinh thần, bản chất và nguồn cội miền Tây đã được khắc họa một cách riêng biệt. Cũng như vùng đất Thổ sầu hoàn toàn hư cấu của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên chọn hướng tiếp cận tương đối mới lạ. Tác phẩm của ông không có chợ nổi hay cây cầu khỉ đã quá quen thuộc, mà thay vào đó là kiến trúc Chăm và Khmer của nhà sàn tránh lũ, là những công việc đậm tính thôn quê như làm than củi, ép chuối khô hay những căn nhà vò võ một mình ngoài khơi xa…
Một cảnh trong phim cũng khiến khán giả bất ngờ là khi nhân vật Hậu sinh con, chiếc xuồng của cô đã phải vượt qua con đê ngăn mặn. Đây là một điều hiếm thấy trên màn ảnh và mang đậm tính hình tượng, giúp cho tác phẩm để lại điểm nhấn riêng biệt. Tương tự như vậy, cánh đồng lúa ngả vàng trong Cánh đồng bất tận hay vùng đất ngập nước đìu hiu của Mùa len trâu cũng là những cảnh phim đã đi vào trong tâm thức nhiều người, để lại ấn tượng sâu sắc về một vùng đất mênh mông, hoang hoải và chất chứa những câu chuyện về số phận con người.
BÀI LIÊN QUAN
TIỀM NĂNG TỪ SÁCH LÊN PHIM
Không khó để nhận ra điểm chung của các bộ phim này là đều bước ra từ văn học. Nếu Đoàn Giỏi, Sơn Nam vốn được mệnh danh là những “ông già Nam Bộ” thì Nguyễn Ngọc Tư cũng được ca ngợi với các tác phẩm xoay quanh vùng đất Thổ sầu. Tuy giàu tính tưởng tượng, thế giới trong những trang viết của Nguyễn Ngọc Tư vẫn đậm đặc hơi thở chân phương của lối sống, con người miền Tây, là tổng hòa những gì dân dã, mộc mạc và chân thành nhất.
Việc chuyển thể từ tác phẩm văn học không chỉ đảm bảo cho bộ phim một câu chuyện nền tảng và kịch bản tốt, mà còn mở ra khả năng kết hợp và phối trộn độc đáo. Chẳng hạn, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã chọn đến 2 truyện ngắn trong tập truyện Đảo để làm nên một Tro tàn rực rỡ. Đoàn Giỏi, Sơn Nam suốt cuộc đời mình gắn với sông nước, nên hàng trăm bút ký, truyện ngắn và các ghi chép của họ đều là nguồn tư liệu vô cùng ấn tượng nếu muốn khai thác sâu hơn miền địa linh này.
Đơn cử, phiên bản truyền hình Đất phương Nam ra mắt năm 1997 đã làm rất tốt việc tái hiện bối cảnh miền Tây Nam Bộ. Dù thiếu chất “rừng” như tiểu thuyết gốc, thế nhưng, nhờ các bộ môn diễn xướng đậm tính dân gian như hò, vè, nói tuồng, ngâm thơ, cải lương, hát bội… mà đặc trưng của cả vùng này vẫn nổi bật lên. Trước xu hướng tìm về giá trị bản địa trong một thế giới giờ đã quá phẳng, nơi nào cũng giống như nhau, cùng với nỗ lực phục hưng, chấn hưng nhiều môn nghệ thuật truyền thống hoặc ẩm thực địa phương, miền Tây Nam Bộ thực sự là miền đất hứa cho ngành làm phim điện ảnh trong tương lai.
Ấy là còn chưa kể đến số lượng tác phẩm chuyển thể từ văn học miền Tây còn khá khiêm tốn. Gần đây, có nhiều tác phẩm chất lượng viết về vùng đất này nhưng ít được chú ý, có thể xem như những kịch bản ở mức nguyên sơ, ví dụ như Bửu Sơn Kỳ Hương (Lý Lan), Sống (Hải An, Pauline Guitton, đạo diễn Việt Linh) hay Muôn dặm sầu giăng, Viên đạn về trời, Về từ hành tinh ký ức (Võ Diệu Thanh)… Miền Tây không chỉ có sự hoang vu những năm 2000, không chỉ có thời loạn lạc khi Pháp thôn tính mà cả trước đó, khi những lưu dân đến đây khai hoang lập ấp, hay sau này, với cuộc đấu tranh giữ vững biên giới Tây Nam… tất cả đều là những “mỏ vàng” đang chờ được khai thác.
Có thể thấy rằng, triển vọng để đưa miền Tây vào các dự án điện ảnh còn rất rộng mở. Với Đất rừng phương Nam, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cũng bật mí rằng đây mới chỉ là “thử nghiệm” để anh khảo sát, từ đó triển khai thêm nhiều dự án khác, chẳng hạn như Chiếc lược ngà viết bởi bố mình. Với vẻ đẹp còn nguyên sơ và kỳ bí, miền Tây hứa hẹn sẽ là điểm đến mới của nhiều tác phẩm, từ hành động, chính kịch cho đến arthouse trong thời gian tới.
Nhóm thực hiện
Bài: Ngô Minh
Ảnh: Tư liệu