LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN
Trong cuốn Loài người mới sinh ra từ điện thoại thông minh, nhà nghiên cứu Jae Boong Choi đã dùng một thuật ngữ mới – “Phono Sapiens” – ngầm chỉ thế hệ con người biến smartphone thành một phần của cơ thể mình. Điều này đặt ra một câu hỏi lớn, khi hầu hết người dùng thiết bị di động ngày nay có thói quen cầm máy theo chiều dọc, thì tại sao họ phải xoay ngang để dùng hay xem video?
Có thể bất ngờ nhưng thật ra xu hướng màn hình dọc đã bắt đầu từ hơn… một thập kỷ trước, khi Snapchat ra đời và cho phép người dùng chia sẻ hình ảnh với nhau. Từ ứng dụng đó, một loạt nền tảng nối tiếp xuất hiện, ví dụ như Vine – sau này là hình mẫu của TikTok, Musical.ly, rồi Instagram Reels và mới đây nhất là YouTube Shorts. Theo một nghiên cứu vào năm 2015 của Mary Meeker, tỷ lệ video dọc được xem trực tuyến đã tăng từ 5% lên 29% trong giai đoạn 2010 – 2015, trong khi AdNews cho thấy khoảng 70% người dùng thuộc thế hệ Millennials không dành thời gian để xoay điện thoại khi bắt gặp các video với kích thước truyền thống. Lý giải vì sao tỷ lệ 9:16 ngày nay lại rất phổ biến, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng con người hiện tại dành nhiều thời gian hơn cho smartphone, thúc đẩy các nền tảng xã hội phải hiệu chỉnh kích thước để trở nên thân thiện với thiết bị di động. Vì lẽ đó, video dọc là cách hiệu quả để tiếp cận nhiều đối tượng hơn.
Ngoài ra, với việc tận dụng tài nguyên, video kích thước chuẩn không còn phù hợp khi nó để lại quá nhiều khoảng đen như “không gian chết”. Khung hình 9:16 chứng minh được tính linh động khi thu hút sự tập trung vào đúng đối tượng và tăng tầm nhìn. Ngoài ra, nếu muốn truyền tải thật nhiều thông tin, màn hình dọc cũng là lựa chọn đúng đắn. Loại video này cung cấp không gian đủ lớn để truyền tải thông điệp một cách tối ưu. Thế nên, không có gì bất ngờ khi các ông lớn của ngành công nghệ đều tranh nhau khai thác mảnh đất màu mỡ này.
BÀI LIÊN QUAN
VÙNG ĐẤT KỲ LÂN
Đại dịch COVID-19 đã góp phần làm tăng đáng kể thời lượng sử dụng smartphone trên toàn thế giới. TikTok, trong bối cảnh đó, với nền tảng các video dạng ngắn cùng thuật toán thông minh, đã vươn lên bằng việc tạo ra nhiều xu hướng mới. Giờ đây, thay vì các video dài hơi với thời lượng không giới hạn chứa đầy quảng cáo, TikTok đã mang đến một giải pháp mới với thời lượng ngắn hơn, các thuật toán gợi ý tinh vi hơn, nội dung thân thiện hơn và cách quảng cáo thì… khôn khéo hơn.
Báo cáo gần đây cho thấy nhờ môi trường sáng tạo đa dạng và dẫn đầu xu hướng, nền tảng này đã chứng kiến mức tăng trưởng vượt bậc khi đạt cột mốc 1 tỷ người dùng hoạt động hằng tháng trên phạm vi toàn cầu, và là nền tảng mang đến các trào lưu, xu hướng nhanh nhất. Bà Trang Nguyễn – Giám đốc Marketing tại TikTok Việt Nam – chia sẻ: “TikTok là nơi quy tụ những nhà sáng tạo đa dạng lứa tuổi, có cá tính, được xem là những người tiên phong và dẫn đầu hàng loạt xu hướng từ học tập, âm nhạc đến làm đẹp, thể thao và vô vàn nội dung thú vị khác. Đặc biệt, các nhà sáng tạo nội dung trên nền tảng TikTok đang ngày càng trau chuốt và đầu tư kỹ lưỡng về mặt nội dung lẫn hình ảnh”.
Với việc tăng thời lượng chỉ từ 60 giây lên 3 phút và giờ đây là 10 phút, TikTok đang có bước đi mạo hiểm hơn bao giờ hết khi vươn mình từ nơi sáng tạo clip ngắn để cạnh tranh với “gã khổng lồ” YouTube. YouTube cũng không giậm chân tại chỗ khi cho ra mắt YouTube Shorts – một tùy chọn cho phép tải lên clip ngắn 60 giây. Bước đi của “ông lớn” này cho thấy thị trường clip ngắn vô cùng tiềm năng, và dẫu được hậu thuẫn từ danh tiếng sẵn có, nhưng với việc chỉ mới bắt đầu dấn thân, YouTube Shorts dường như vẫn còn mới mẻ và bị bỏ xa bởi các nền tảng khác.
Cũng đồng sở hữu lợi thế thương hiệu có sẵn nhưng Meta lại tận dụng được thế mạnh của mình khi thêm định dạng cuộn phim (Reels) lên cả Facebook và Instagram. Là nền tảng hàng đầu của việc đăng tải hình ảnh, Reels của Instagram thu hút người dùng bởi hiệu ứng AR vô cùng phong phú cũng như filter “có tiếng” thẩm mỹ. Nếu TikTok có thế mạnh là các clip ngắn chân thật, không quá bóng bẩy thì ngược lại, Reels chính là nơi chốn cho những “thể nghiệm” nghệ thuật. Thế mạnh kinh doanh sắp tới cũng được cải tiến trên các nền tảng này, cho phép người dùng khám phá liên kết sản phẩm cũng như mua sắm mà không cần rời ứng dụng, góp phần thúc đẩy sự thống trị hơn nữa của màn hình dọc và các clip ngắn.
BÀI LIÊN QUAN
MỨC ĐỘ ẢNH HƯỞNG SÂU RỘNG
Sự lên ngôi của màn hình dọc và các cuộc đua clip ngắn ngày càng tạo ra nhiều xu hướng mới, mà một trong số đó là phim ngắn TikTok. Vừa qua, nền tảng này cũng đánh dấu một bước ngoặt lớn khi cùng đạo diễn Nguyễn Quang Dũng mang đến định dạng phim tương tác – khung ảnh dọc đầu tiên, Tết “Lạc”, với sự tham gia của Liên Bỉnh Phát và các nhà sáng tạo nội dung nổi tiếng. Sản phẩm đã thu về hơn 2 triệu lượt xem trong 24 giờ đầu ra mắt, hơn 123 triệu lượt xem sau 1 tháng ra mắt và là phim ngắn tương tác tiên phong của khu vực Đông Nam Á. Ngoài ra, cuộc thi phim ngắn TikTok 2021 cũng giúp tạo ra sân chơi để những bạn trẻ yêu thích điện ảnh có cơ hội thể hiện góc nhìn mới và mang đến thật nhiều thước phim sáng tạo, chân thực và có chiều sâu.
Ở mảng nghệ thuật, sự tham gia của khung hình dọc cũng đang sôi nổi hơn bao giờ hết. Mới đây, nghệ sĩ người Anh Ed Sheeran đã phát trực tiếp một buổi biểu diễn trên nền tảng TikTok. Sân khấu của sự kiện này được thiết kế đặc biệt cho màn hình dọc, cũng như áp dụng các loại hiệu ứng AR có sẵn. Màn trình diễn đã thu hút khoảng 5,5 triệu lượt xem và khiến single Bad Habits được sử dụng làm nhạc nền cho hơn 700.000 video TikTok khác.
Các nghệ sĩ lớn khác như Selena Gomez, Camila Cabello, Taylor Swift hay Billie Eilish… cũng nhanh nhạy nắm bắt trào lưu này với các sản phẩm âm nhạc theo khung hình dọc vô cùng thành công. Nền tảng streaming âm nhạc trực tuyến lớn nhất thế giới, Spotify, cũng đang nghiên cứu tùy chọn Canvas cho phép nghệ sĩ tạo video đi kèm với các sản phẩm âm nhạc của họ như bìa album động, các đoạn video quảng bá ngắn…
Như vậy, có thể thấy rằng cuộc đua giữa các ông lớn trong việc khai thác mảnh đất màu mỡ này vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Nếu TikTok phải đối mặt với bài toán thu thập dữ liệu để ra quyết định cho các thuật toán khi muốn lấn sang video dài hơi, thì YouTube Shorts phải nỗ lực hơn để cải tiến các tính năng của mình cho thật hoàn hảo trước khi đủ sức cạnh tranh. Các ứng dụng khác cũng đang phải dần tích hợp với xu hướng này trước khi bị tụt lại phía sau. Giờ đây, xu hướng màn hình dọc và các clip ngắn đang đặt ra một câu hỏi khác, rằng chừng nào thì trào lưu mới sẽ xuất hiện để xóa bỏ nó, khi cơn bão “Phono Sapiens” đang ngày càng lớn mạnh.
Nhóm thực hiện
Bài: Ngô Minh
Ảnh: Tư liệu
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE