Bất cập từ giá vé tăng do lạm phát, các hoạt động độc quyền của Ticketmaster, chi phí di chuyển để tham gia các buổi hòa nhạc trực tiếp và nhu cầu thưởng thức, giao lưu tăng lên sau sự chậm trễ lưu diễn do Covid… đã trở thành những rào cản lớn ngăn cản khán giả đến với nghệ sĩ của họ. Điều này khiến phim concert trở thành một lựa chọn ngày càng hấp dẫn đối với những người hâm mộ muốn giao lưu với các thần tượng mà họ yêu thích. Không chỉ Taylor Swift, BTS, IU hay Beyoncé; phim hòa nhạc đang san bằng sân chơi cho bất kỳ nghệ sĩ nào có lượng người hâm mộ đông đảo. Sự thay đổi này đã tạo ra doanh thu đáng kể cho các rạp chiếu phim trên toàn thế giới.
Sự trỗi dậy của trào lưu phim concert chiếu rạp
Trong những năm gần đây, dòng phim hòa nhạc đã đạt đến tầm cao mới với sự ra đời của công nghệ kỹ thuật số và các nền tảng phát trực tuyến. Các nghệ sĩ lớn như Taylor Swift, Beyoncé, BTS và BlackPink đã áp dụng phim concert như một phương tiện để tiếp cận khán giả toàn cầu và mang đến cho người hâm mộ trải nghiệm chất lượng cao về các buổi biểu diễn trực tiếp của họ.
The Eras Tour Movie của Taylor Swift và Renaissance: A Film By Beyoncé của Beyoncé là hai ví dụ điển hình cho sự trỗi dậy mạnh mẽ của thể loại này. Theo Box Office Mojo, The Eras Tour của Swift và Renaissance của Beyoncé đã thu về lần lượt hơn 260 triệu đô la và 40 triệu đô la trên toàn thế giới.
Những con số ấn tượng này đưa cả hai bộ phim vào top 10 mọi thời đại dành cho phim concert, trong đó The Eras Tour trở thành phim hòa nhạc có doanh thu cao nhất từ trước đến nay, vượt qua bộ phim tài liệu về Michael Jackson năm 2009 This Is It. Thành công của những bộ phim này không chỉ thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu mà còn làm tăng đáng kể doanh thu của rạp chiếu phim AMC trong quý 4 năm 2023.
Tương tự, BTS cũng phát hành thành công một số bộ phim hòa nhạc, bao gồm Burn the Stage: The Movie (2018), Love Yourself in Seoul (2019) và Yet to Come in Cinemas (2022). Trong số đó, Suga: Agust D Tour D-Day the Movie nổi bật hơn cả khi thu về 10,16 triệu đô la trên toàn thế giới, với các suất chiếu IMAX đóng góp hơn 2 triệu đô la – chiếm 20% tổng doanh thu toàn cầu. Thành tích này đã đưa bộ phim của Suga trở thành bộ phim hòa nhạc có doanh thu cao nhất của một nghệ sĩ solo K-pop.
BÀI LIÊN QUAN
Ngoài ra, mặc dù không phải là một bộ phim hòa nhạc truyền thống, Elton John Live: Farewell From Dodgers Stadium của Elton John trên Disney+ đã mang về cho nam danh ca giải Emmy danh giá, hoàn tất đưa ông lên vị thế EGOT – người đã giành được cả bốn giải thưởng nghệ thuật lớn của xứ cờ hoa: Emmy, Grammy, Oscar và Tony.
Mặt khác, việc phát hành những bộ phim hòa nhạc cũng góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy sự gia tăng đột biến về lượng phát trực tuyến nhạc toàn cầu cho Taylor Swift, Beyoncé và Talking Heads.
Trong bối cảnh đầy hứa hẹn đó, BlackPink cũng sẵn sàng để thiết lập những dấu ấn mới tại phòng vé toàn cầu với bộ phim hòa nhạc đầu tay mang tên BlackPink World Tour Born Pink In Cinemas. Bộ phim kỷ niệm 8 năm thành lập đã chính thức phát hành vào ngày 7/8, trình chiếu tại hơn 110 quốc gia, bao gồm cả Việt Nam, sẽ trình làng các cảnh quay từ buổi biểu diễn của bốn thành viên tại Gocheok Dome ở Seoul, cùng với những địa điểm nổi bật khác từ các thành phố lớn trên toàn thế giới đan xen các bản phối lại độc quyền của BlackPink.
Theo dữ liệu từ Box Office Vietnam, chỉ sau ngày đầu công chiếu, bộ phim đã gặt hái hơn 1,5 tỷ đồng với gần 10.000 vé bán ra qua 370 suất chiếu. Tính tới hết ngày 10/8, tổng doanh thu của bộ phim đã chạm ngưỡng hơn 5 tỷ đồng.
Xem thêm
• [Review phim] “Kẻ cắp mặt trăng 4”: Thương hiệu đình đám liệu vẫn còn duy trì sức hút?
• [Review phim] “Bridgerton” mùa 3: Sự trở lại từ thương hiệu tiểu thuyết lãng mạn Julia Quinn
• [Review phim] Conan Movie 27: Sức hút đến từ sự kết hợp hài hước và ăn ý của bộ ba nam chính
Điều gì thúc đẩy sự nở rộ của dòng phim hòa nhạc
Không chỉ mang đến hình ảnh sống động về màn trình diễn của các nghệ sĩ trong chuyến lưu diễn của họ, những bộ phim hòa nhạc thu hút khán giả bằng cách tái hiện mọi chi tiết – từ góc quay, chất lượng âm thanh đến biểu cảm và cử chỉ của nghệ sĩ – trên màn ảnh rộng với độ chân thực đáng kinh ngạc. Những chi tiết nhỏ hoàn toàn có thể bị bỏ lỡ trong một buổi hòa nhạc trực tiếp nay được đem lên màn ảnh rộng ở cự ly gần, trọng tâm và sắc nét.
Một khía cạnh quan trọng khác xúc tiến sự trỗi dậy của phim concert là tính tương tác. Không giống như các dịch vụ phát trực tuyến, vốn không có trải nghiệm xem chung, các bản phát hành tại rạp mang đến cho người hâm mộ cơ hội cùng nhau tương tác với bộ phim, ở một quy mô đủ lớn. Chẳng hạn, Taylor Swift đã tận dụng điều này bằng cách khuyến khích khán giả hát và nhảy theo trong suốt buổi chiếu. The Eras Tour của cô nàng do đó gây ấn tượng và phủ sóng mạnh mẽ một phần nhờ hiệu ứng lan truyền khi hình ảnh những người hâm mộ nhảy múa và hát vang trong rạp nhanh chóng lên xu hướng của các nền tảng lớn như TikTok hay X.
Thay vì chỉ ghi lại một sự kiện trực tiếp, các bộ phim hòa nhạc thành công đóng vai trò là cầu nối giữa nghệ sĩ và khán giả của họ, tăng cường mối liên hệ và cộng hưởng giữa họ thông qua âm nhạc, tâm sự và sẻ chia. Các bộ phim hòa nhạc không cung cấp một playlist đơn thuần mà còn bao gồm các cảnh quay hậu trường, chia sẻ cá nhân hoặc các câu chuyện mà nghệ sĩ ngẫu hứng kể trên sân khấu, cảm hứng về một ca khúc nào đó… Tất cả mang lại cho người xem cái nhìn sâu sắc hơn về thế giới quan, nội tâm của người nghệ sĩ.
Thông thường, việc phát hành phim hòa nhạc hiệu quả nhất khi được thực hiện vào đúng thời điểm với các cột mốc quan trọng trong sự nghiệp của nghệ sĩ, tối đa hóa sự quan tâm của công chúng. Các bộ phim như Yet to Come của BTS và The Last Waltz của The Band đánh dấu các buổi biểu diễn cuối cùng của các ban nhạc cùng nhau. Born Pink đánh dấu kỷ niệm 8 năm đứng chung sân khấu của bốn cô gái nhà YG. The Eras Tour lại đại diện cho một đỉnh cao mới trong sự nghiệp của Taylor Swift.
Về bản chất, đây là một chiến lược để các nghệ sĩ thu hút và giữ chân người hâm mộ hiện tại của họ trong khi thu hút những người hâm mộ mới. Đối với các nghệ sĩ đang lưu diễn tích cực như Taylor Swift và Beyoncé, việc phát hành phim concert giúp nội dung của họ luôn phổ biến và mới mẻ đối với cộng đồng người hâm mộ. Còn đối với những nghệ sĩ kỳ cựu, phim hòa nhạc có thể thu hút lại những người hâm mộ đã có tuổi cũng như giới thiệu âm nhạc của họ đến những thế hệ mới.
Minh chứng là hãng phim độc lập A24 đã phát hành lại Stop Making Sense của Talking Heads vào cuối năm ngoái. Lần đầu công chiếu vào năm 1984, bộ phim đã thu về khoảng 5 triệu đô la tại các rạp chiếu phim và làm bùng nổ các diễn đàn trên internet về ban nhạc này. Theo Hollywood Reporter, gần 60% khán giả xem lại Stop Making Sense dưới 35 tuổi, với nhiều người tham dự sinh ra sau khi ban nhạc tan rã. Cách tiếp cận này cho phép các nghệ sĩ kết nối và kiếm tiền từ nhóm nhân khẩu học mới.
BÀI LIÊN QUAN
Với những người hâm mộ không thể tham dự các buổi biểu diễn trực tiếp do hạn chế về mặt địa lý hoặc giá vé cao, phim concert là một lựa chọn hoàn hảo. Giá vé cho phim hòa nhạc có thể khác nhau, nhưng nhìn chung rẻ hơn rất nhiều so với vé hòa nhạc trực tiếp. Ngoài ra, những nhóm nhân khẩu học như trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật hoặc những người gặp hạn chế về mặt địa lý có thể thấy rạp chiếu phim dễ tiếp cận hơn so với các buổi hòa nhạc trực tiếp.
Trung bình giá vé cho The Eras Tour tại Singapore dao động từ 108 SGD (khoảng 2,7 triệu VND) đến 348 SGD (khoảng 8,7 triệu VND). Giá vé cho buổi hòa nhạc Born Pink kéo dài hai đêm tại Hà Nội từ 1,2 đến 9,8 triệu VND cũng gây ra một số tranh cãi vì chi phí có phần cao hơn so với mức trung bình của khu vực. Trong khi đó giá vé cho một buổi xem phim concert tại rạp Việt chỉ dao động trong khoảng 150 – 200 nghìn VND. Chi phí thấp hơn giúp những người hâm mộ không đủ khả năng chi trả cho một buổi biểu diễn trực tiếp có thể thưởng thức lại buổi biểu diễn cùng với những người hâm mộ hay chính bạn bè, người thân của mình.
Thông qua khả năng thu hẹp khoảng cách giữa nhạc sống và điện ảnh, thể phim này cũng đóng vai trò là công cụ hữu ích để các nghệ sĩ mở rộng phạm vi tiếp cận, nâng cao thương hiệu và kết nối với người hâm mộ trong bối cảnh riêng tư và thân mật hơn. Rất nhiều rạp chiếu phim cũng khuyến khích khán giả đứng lên, cổ vũ và hát theo, tăng thêm sự phấn khích và khiến trải nghiệm xem phim trở nên sống động như một buổi hòa nhạc trực tiếp.
Ngoài ra, việc tạo ra một tác phẩm hòa nhạc tương đối đơn giản và đơn giản hơn rất nhiều so với một tác phẩm điện ảnh có kịch bản nguyên tác, diễn viên, đạo diễn thường có thể mất nhiều năm để phát triển, phim concert có thể được sản xuất chỉ trong vài tháng. Khoảng thời gian rút ngắn này giúp giảm cả công sức, tài chính và rủi ro liên quan đến quá trình sáng tạo.
Tựu trung, được thúc đẩy bởi những tiến bộ công nghệ, thị hiếu và sự tích hợp ngày càng tăng của các trải nghiệm nhập vai, tương lai của dòng phim concert được dự đoán sẽ tiếp tục rộng mở và đầy tiềm năng thay đổi cục diện của rạp chiếu phim nói riêng và lĩnh vực giải trí nói chung.
Nhóm thực hiện
Bài: Hoàng Thúy Vân
Ảnh: Tổng hợp