Ý nghĩa của trà trong hội họa Pháp

Đăng ngày:

Phương Tây biết uống trà sau phương Đông khoảng 1,700 năm. Đến đầu thế kỷ 17, trà mới chính thức đến Châu Âu theo chặng đường từ Hà Lan (1610) đến Pháp (1636) và cuối cùng là nước Anh (1650). Tuy muộn màng, nhưng rất nhanh chóng, người phương Tây đã biết thưởng thức trà, đưa nó vào cuộc sống, thậm chí trở thành “nàng thơ” trong văn chương, nghệ thuật sáng tác, đặc biệt là hội họa.

Nếu hình ảnh trà trong văn hóa phương Đông gắn liền với sự giác ngộ, tỉnh thức hoặc mang tính thiền và thoát tục của những triết lý sống “xuất thế”, được ca tụng và tôn vinh bằng những quyển Trà kinh, thư tịch về tính chất diệu kỳ của nó; thì trà trong văn hóa phương Tây – đặc biệt là trong các tác phẩm hội họa – lại khác hẳn. Ở đó, trà là một xã hội thu nhỏ, một “phương tiện” để thể hiện quan điểm và bản ngã “nhập thế” của con người. Nếu ta tìm một giao điểm giữa hai nền văn hóa Đông – Tây đối với trà, có lẽ đó chính là tính cá nhân của những nghệ sĩ – lữ khách trần gian bên tách trà.

Hãy bước vào một hành trình đầy màu sắc, đi qua dòng thời gian cùng những bức tranh tái hiện phong cách thưởng trà của người Pháp, để thấy rằng, trà đã thực hiện đúng sứ mệnh của nó: phản ánh thông điệp gắn liền với xã hội – lịch sử ở phương Tây trong 4 thế kỷ qua.

“NÀNG THƠ” CỦA GIỚI QUÝ TỘC

Trà đi vào hội họa phương Tây đầu tiên ở Anh, nhưng Pháp lại là nơi phát triển mạnh mẽ các trường phái hội họa và do đó, thể hiện được đa dạng hình ảnh về đời sống thưởng trà. Dù đã đến Pháp vào khoảng giữa thế kỷ 17 nhưng phải 100 năm sau, trà mới chính thức thành “nàng thơ” của hội họa và quyến luyến ở lại mãi không rời.

Vào giữa thế kỷ 18, hội họa Pháp đang bước vào giai đoạn chuyển giao giữa phong cách Rococo lộng lẫy, xa hoa, phù phiếm và phong cách Tân cổ điển nhã nhặn, cân đối, lãng mạn. Khi đề cập đến một trong những bức họa đầu tiên có sự xuất hiện của trà, chắc chắn ta phải nhắc đến tác phẩm theo phong cách Rococo mang tên Bữa ăn trưa của họa sĩ François Boucher, được hoàn thành vào năm 1739, thể hiện khung cảnh quý tộc với bộ ấm trà trên bàn. Họa sĩ này cũng có bức Người phụ nữ nằm trên phản (1743) với chi tiết bộ ấm trà trên kệ tường.

uống trà người phụ nữ nằm trên phản hội họa

Người phụ nữ nằm trên phản (1743), François Boucher.


Xem thêm

• 7 điều chúng ta học được từ nghệ thuật Kintsugi của người Nhật

• Học hỏi tư duy của người Pháp trong việc tận hưởng cuộc sống

• Học hỏi sự thú vị trong phong cách sống của người Pháp


Một bức họa khác mang tên Trà kiểu Anh ở Điện Temple tại Paris (1764) của họa sĩ Michel Barthélémy Ollivier cho thấy ngay từ tựa đề rằng, trà là “nhân vật” trung tâm trong một cuộc hội họp của giới thượng lưu ở một dinh thự sang trọng tại Paris. Một bức tranh nữa mang tên Các Quý bà Montesson, Crest và Damas (1773) của họa sĩ – nhà soạn kịch Carmontelle, vẽ lại cảnh uống trà của ba quý bà thượng lưu với bộ ấm trà đặt ở giữa bức tranh.

uống trà ở điện temple

Trà kiểu Anh ở Điện Temple tại Paris (1764), Michel Barthélémy Ollivier.

Ta thấy gì qua những bức họa này?

Việc uống trà trong thế kỷ 18 chính là một sự kiện, và bộ đồ trà chính là dấu ấn khẳng định địa vị xã hội ở phương Tây. Bàn trà là nơi giao tiếp, gắn kết những con người và chủ đề quan trọng, do đó, trà thể hiện vị trí và uy tín của một người. Ở giai đoạn này, việc mời nhau trà cũng là cách thể hiện sự gần gũi và tin tưởng, khi mà chủ nhân bàn trà sẽ tự tay rót trà từ ấm vào tách cho khách, không qua người hầu.

uống trà các quý bà

Các Quý bà Montesson, Crest và Damas (1773), Carmontelle.

HÀNH TRÌNH “NHẬP THẾ”

Đến gần cuối thế kỷ 19, trường phái hội họa Ấn tượng xuất hiện, xã hội cũng đổi thay. Lúc này, trà đã trở thành thức uống quen thuộc hằng ngày, gần như một dạng nghi thức, của tầng lớp trung – thượng lưu. Còn các bức họa thì nhẹ nhàng hơn, theo đuổi sự chuyển động của ánh sáng. Dù nhiều tác phẩm hội họa Ấn tượng đi theo đề tài phong cảnh, vẫn có một số tác phẩm theo đuổi ánh sáng của nội tâm, do đó, gắn với trà. Nổi bật là các bức tranh của nữ họa sĩ Mary Cassatt với đề tài chủ yếu là phụ nữ uống trà. Những người phụ nữ lúc này đang trải qua thời kỳ bị hạn chế quyền xã hội. Họ trầm ngâm uống trà trong những không gian khá chật hẹp, những mảng đối lập của thế giới hội họa, im lặng như vạn vật chờ đợi một cơn bão lớn sau đó.

Trà trong hội họa nửa cuối thế kỷ 19 trở thành phương tiện truyền tải thông điệp của tình hình xã hội, và là một trong những cách thể hiện tâm sự của phụ nữ, tiền đề cho phong trào nữ quyền bắt đầu từ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.

uống trà tranh tĩnh vật

Tranh tĩnh vật ấm trà và trái cây (1896), Paul Gauguin.

Và khi thế kỷ 20 đến, xã hội lại đổi thay, trà không còn là một món uống độc quyền của giới thượng lưu, quý tộc nữa, mà gắn liền với hình ảnh hằng ngày, phổ thông và cởi mở hơn trong các hoạt động ở Pháp.

Trong thời kỳ của trường phái Hậu Ấn tượng với tinh thần chủ yếu là thoát ra khỏi khuôn khổ và cái bóng quá lớn của trường phái Ấn tượng trước đó, những sắc màu cô đặc, những hình dáng tương phản, những kỹ thuật vẽ mới… tất cả đều nhằm bày tỏ tuyên ngôn thẩm mỹ mới bằng ngôn ngữ hội họa. Và trà cũng hiện diện như một nguồn cảm hứng cho họa sĩ Paul Cézanne – trụ cột của trường phái Hậu Ấn tượng, hay Gauguin trong những bức tranh tĩnh vật sắc sảo.

uống trà lúc 5 giờ hội họa

Trà lúc 5 giờ (1880), Mary Cassatt.

Ngay cả trường phái Lập thể sau đó cũng xem bàn trà là một chủ đề sáng tác. Các bức tranh của họa sĩ Jean Metzinger, Juan Gris và Roger de la Fresnaye đã đem lại những góc nhìn mới đầy bí ẩn cho giây phút bên ấm trà.

Thế giới hội họa đã tái hiện lại những hình ảnh thân thiện gắn với trà như: gia đình bên bàn trà trong vườn, bạn bè hội họp… và trà đã xuất hiện nhiều hơn trong không gian cá nhân yên tĩnh như uống trà một mình, đọc sách sau khi uống trà.

uống trà trong vườn hội họa Pháp

Trà trong vườn (1919), Henri Matisse.

Như vậy, trà trong xã hội phương Tây nói chung, trong hội họa Pháp nói riêng, đều mang ý nghĩa “nhập thế”, kết nối, tham gia vào hoạt động xã hội và đời sống hằng ngày như một sự đồng hành, đồng thời là một cách thức, ngôn ngữ thể hiện thông điệp trong các sáng tác nghệ thuật. Từ khi xuất hiện ở châu Âu, hình ảnh trà đã gắn với những biến động lịch sử đáng kể, từ giai đoạn quân chủ đến giai đoạn tiền đề cho phong trào nữ quyền, từ lúc trà là độc quyền của giới thượng lưu quý tộc đến khi trở thành một thói quen đời thường.

Từ phương Đông đến phương Tây, tuy vẫn mang hương vị quen thuộc của một loại lá có tên khoa học là Caméllia Sinénsis, nhưng trà đã có một số phận và vị trí khác, ta không thể so sánh hơn – kém với chính nó ở phương Đông. Điểm chung của trà, dù ở đâu trên thế giới, là đem lại những cảm hứng nghệ thuật và ảnh hưởng đến nội tâm lẫn cảm xúc của con người.

Nhóm thực hiện

Bài: Nguyễn Thanh Hằng

Hình ảnh: Tư liệu 

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more